Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này có thể giúp bạn hiểu xem mình có sẵn sàng cho hôn nhân hay không.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
– Nếu bạn còn e ngại khi nghĩ đến việc kết hôn với chính mình, thì việc thu hút một người bạn đời cũng sẽ chẳng dễ dàng gì.
– Rèn luyện sự tự tin và yêu thương bản thân là nền tảng cho một mối quan hệ thành công.
– Nhận ra và từ bỏ những thói quen tiêu cực sẽ mở đường cho tình yêu lành mạnh.
Trước khi bước vào buổi hẹn hò tiếp theo, thử tự hỏi mình câu này: “Liệu mình có hẹn hò hoặc kết hôn với chính mình không?”
Câu hỏi này nghe có vẻ hơi mơ hồ, nhưng thật ra lại mang tính thực tiễn đáng kinh ngạc. Nếu câu trả lời của bạn là “không” hoặc bạn vẫn đang băn khoăn, thì đây không chỉ đơn thuần là một bài tập tự kiểm điểm mà còn là tín hiệu cho thấy một số khía cạnh trong cuộc sống hoặc tính cách của bạn có thể đang là rào cản ngăn bạn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Nếu ngay cả bạn cũng không muốn kết hôn với chính mình, thì rất có thể bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút hoặc duy trì một mối quan hệ trọn vẹn với người khác.
Hãy xem câu hỏi “Liệu mình có hẹn hò hoặc kết hôn với chính mình không?” như một bài kiểm tra xem bạn có sẵn sàng cho một mối quan hệ hay không, thông qua ba yếu tố sau đây:
🌻 Tự nhận thức: Các mối quan hệ lành mạnh luôn cần đến sự kết nối cảm xúc, niềm tin, và sự tôn trọng. Nếu bạn chưa hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và những phản ứng cảm xúc của bản thân, thì thật khó để kỳ vọng rằng người khác sẽ hiểu được. Việc tự hỏi liệu bạn có hẹn hò hoặc kết hôn với chính mình hay không giúp bạn khám phá khả năng mở lòng của bản thân. Nếu bạn có những đặc điểm mà chính bạn cũng không thể chịu đựng được ở người bạn đời, thì có lẽ đã đến lúc cần xem xét và thay đổi.
🌻 Yêu bản thân: Nếu câu trả lời là “không”, có thể bạn vẫn chưa đủ yêu thương bản thân hoặc chưa sống đúng với những giá trị cốt lõi của mình. Thiếu tình yêu dành cho bản thân, bạn dễ dấn thân vào những mối quan hệ không xứng đáng hoặc trút những vấn đề chưa được giải quyết lên đối phương. Khi bạn tự tin trả lời “có”, điều đó cho thấy bạn nhận thức được giá trị của mình và sẵn sàng cho một mối quan hệ dựa trên sự yêu thương, tôn trọng và chân thành.
🌻 Sự phù hợp: Hãy xem xét liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc với một người chia sẻ thói quen, quan điểm và phong cách sống giống bạn không. Bài tập này giúp bạn xác định liệu mình có thực sự sẵn sàng cho một mối quan hệ mà ở đó sự phù hợp lẫn nhau có thể đơm hoa kết trái.
Ba lý do vì sao việc nói “không” với chính mình có thể gây rắc rối
💟 1. Ảnh Hưởng Đến Cách Bạn Thu Hút và Lựa Chọn Đối Tác
Cách bạn nhìn nhận bản thân có tác động trực tiếp đến những mối quan hệ bạn thu hút. Nếu bạn không đủ tự tin để “hẹn hò” hay “kết hôn” với chính mình, điều này có thể chỉ ra rằng bạn còn vướng mắc về giá trị bản thân. Thiếu đi sự chấp nhận và tôn trọng chính mình, bạn có thể sẽ vô thức chọn những người yêu bạn chỉ làm khổ mình thêm hoặc không đáp ứng được những nhu cầu cảm xúc mà bạn xứng đáng nhận. Nói cách khác, nếu bạn không tin rằng mình xứng đáng với một người giống như mình, rất có thể bạn sẽ chấp nhận một người không trân trọng bạn như bạn đáng có.
Bước vào mối quan hệ mà không có sự tự tin về bản thân dễ dẫn đến những mối quan hệ không lành mạnh. Điều này mở cửa cho những thỏa hiệp không đáng và ranh giới bị xâm phạm. Khi bạn không cảm thấy tốt về bản thân, bạn sẽ dễ chấp nhận sự đối xử tồi tệ hoặc theo đuổi những mối quan hệ phản ánh sự tự ti của mình.
💟 2. Gây Trở Ngại Trong Việc Xây Dựng Sự Gần Gũi Cảm Xúc
Để có sự gần gũi cảm xúc cần có sự cởi mở, tin tưởng và sẵn sàng cho người khác thấy rõ bản thân – bao gồm cả những khiếm khuyết. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy khi mỗi người chia sẻ những nỗi niềm riêng mà không đổ lỗi cho đối phương, thường sẽ mang lại kết quả tích cực hơn. Đối tác sẽ có xu hướng đáp lại bằng sự hỗ trợ, khích lệ nhiều hơn thay vì phán xét hay chỉ trích.
Nhưng nếu bạn không trân trọng bản thân, bạn sẽ che giấu những khía cạnh thật của mình hoặc né tránh những kết nối sâu sắc, vì sợ người khác cũng sẽ từ chối mình. Sự tránh né này vô hình chung tạo nên rào cản trong sự gần gũi, khiến mối quan hệ không thể phát triển. Thiếu đi chiều sâu này, các mối quan hệ sẽ dần trở nên hời hợt, nhạt nhẽo và thường dẫn đến cảm giác cô đơn, ngay cả khi có người bên cạnh. Lâu dần, điều này có thể khiến mối quan hệ lụi tàn hoặc chìm trong những vòng luẩn quẩn của sự ngờ vực và khoảng cách cảm xúc.
💟 3. Có Thể “Xua Đuổi” Những Người Sẵn Sàng Yêu Bạn Thật Lòng
Nếu bạn không thấy mình đáng để hẹn hò hay kết hôn, bạn sẽ vô tình phát đi những tín hiệu ngầm có thể làm xa lánh những người bạn đời tiềm năng. Thiếu tự tin có thể biểu hiện qua sự thiếu thốn, bất an, hoặc luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác – những điều này có thể khiến những người chín chắn về mặt cảm xúc không muốn lại gần. Thay vào đó, bạn có thể thu hút những người lợi dụng sự thiếu tự tin của bạn hoặc bản thân họ cũng chẳng có ý định kết nối sâu sắc.
Sự thiếu vững vàng trong bản thân không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin mà còn tác động đến mối quan hệ. Khi bạn luôn cần sự khẳng định từ người kia, điều này tạo ra áp lực không cần thiết và gây ra mất cân bằng cảm xúc. Lâu dần, nó có thể làm xói mòn sự kết nối và ổn định mà một mối quan hệ lành mạnh cần có.
Nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Contemporary Family Therapy cũng chỉ ra rằng việc phụ thuộc vào sự khẳng định từ bên ngoài làm suy yếu sự gần gũi cảm xúc vì nó làm tổn hại cảm giác tự tin của mỗi cá nhân. Thiếu nền tảng vững vàng bên trong, mối quan hệ khó mà bền lâu, vì sự nghi ngờ bản thân liên tục sẽ ngăn cản những kết nối sâu sắc được hình thành.
Nếu bạn cảm thấy câu trả lời cho câu hỏi “liệu mình có dám hẹn hò hay kết hôn với chính mình không” là “không”, đừng hoảng hốt. Đây là cơ hội để bạn trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Dưới đây là vài bước thực tế để biến “không” thành “có”:
Chấp nhận bản thân: Hãy ôm lấy cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình, không phán xét. Dùng những câu khẳng định tích cực hằng ngày như “Mình xứng đáng được yêu thương” để củng cố niềm tin vào chính mình. Lập một danh sách những điều bạn yêu thích ở bản thân để đánh tan sự nghi ngờ. Một bài báo năm 2015 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy rằng những câu khẳng định tích cực giúp chúng ta cảm nhận thông tin mang tính đe dọa dưới góc độ có ý nghĩa và liên quan hơn.
Phát triển sự gần gũi cảm xúc với chính mình: Dành thời gian tìm hiểu suy nghĩ và cảm xúc của bản thân để tăng cường sự tự nhận thức. Viết nhật ký hoặc tham gia trị liệu có thể giúp bạn khai mở những rào cản cảm xúc và tăng khả năng kết nối với người khác.
Xây dựng sự tự tin: Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn thường xuyên và ăn mừng những chiến thắng nhỏ. Điều này giúp củng cố giá trị của bản thân và giảm bớt nhu cầu tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Nghiên cứu của Pninit Russo-Netzer cho thấy rằng việc đối mặt với thử thách giúp tăng cường sự tự tin, vì cảm giác tự chủ được củng cố khi bạn vươn ra khỏi giới hạn của mình.
Phá vỡ những thói quen tiêu cực: Nhận diện những hành vi và yếu tố kích hoạt tiêu cực, sau đó thay thế chúng bằng những phản ứng lành mạnh hơn. Chẳng hạn, nếu bạn có xu hướng khép mình khi cảm xúc dâng trào, hãy cố gắng mở lòng và kết nối. Tập trung vào những cách lành mạnh để quản lý cảm xúc khó khăn và thay thế thói quen cũ bằng những hành động tích cực mới.
image: Lewis Tse/Shutterstock
Nguồn: Psychology Today