Theo Osho, một người là tốt để làm cha mẹ khi người đó có nhận thức khoẻ khoắn, bình thường, không bệnh tâm lý, không ốm yếu tâm trí – điều này đúng nhưng đó vẫn là một câu trả lời khá chung chung.
Trong thời buổi hiện đại con người có những mối lo và nhu cầu khác nhau, để xét một người có nên làm mẹ hay không hay một cặp đôi có nên làm cha mẹ hay không, bản thân tôi cho rằng người đó/cặp đôi đó sẽ phải chuẩn bị sức khoẻ thật tốt trên cả ba phương diện: Vật lý (sức khoẻ thể chất), Tài chính (sức khoẻ vật chất) và đặc biệt hơn tất thảy là phương diện Tâm lý (gồm cả sức khoẻ tâm trí lẫn nhận thức tinh thần) – nói ngắn gọn theo ngôn ngữ của Osho thì là không mắc chứng loạn thần kinh.
Nếu có đủ ba tiêu chí trên, thế thì bạn là người-đúng, người-rất-mạnh-khoẻ. Nếu bạn không đủ, thế thì sao phải vội? Làm mình khoẻ trước đi.
Và tất nhiên cũng có những người, tôi không rõ họ có đủ ba tiêu chí trên hay không nhưng tôi vẫn biết họ là người đúng, dựa trên những gì đang trăn trở bên trong tâm trí và trái tim họ.
Một bạn hỏi tôi trong phần hỏi-đáp của một sự kiện về thiền. Bạn hỏi, “Em hiện đang đang thai một em bé x tháng, em có thể làm gì để tạo điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ?”
Câu hỏi ngắn nhưng rất ý nghĩa. Khi nghe bạn hỏi câu hỏi này, tôi thấy rất vui, tôi biết bạn là người-đúng, bạn đã đặt nhu cầu của đứa trẻ lên trên – mà mong muốn tìm những cách thức để tạo ra điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ – chứ không phải cho bạn. Và bạn đã tìm đến thiền, điều đó còn quan trọng hơn nữa.
Một người mẹ quan tâm thiền và đi đến sự kiện thiền để hỏi xem mình có thể làm gì, điều đó đối với tôi mà nói, thật đáng quý và thật đẹp biết bao. Đứa trẻ con bạn coi như đã có một khởi đầu rất tốt, ngay từ trong bụng mẹ. Nó biết ơn bạn lắm.
Tôi đáp với bạn cũng là cho tất cả những ai đang nghe sự kiện hôm ấy: Nếu bạn đang hoài thai, bất kể bạn đang hoài thai bao nhiêu tháng, có hai điều bạn cần nhớ – tôi sẽ làm cho hai điều này thật ngắn gọn để bạn có thể ghi nhớ mà đưa vào hành động thật dễ dàng.
Một, luôn nhớ: Con là khách quý.
Hai, nếu muốn làm gì đó, hãy: Làm Giàu.
Thế thì, hãy nhớ lại, khi bạn có khách quý tới chơi nhà, bạn sẽ hành xử như thế nào? Bạn có để mặc nhà cửa bẩn thỉu, đồ đạc ngổn ngang hay bạn sẽ dọn dẹp trang hoàng lại nhà cửa? Bạn sẽ muốn mở toang cửa và thậm chí cả cổng nhà để đợi khách không hay bạn sẽ khóa kín cửa lại?
Bạn có muốn dành cho khách những điều tốt đẹp nhất, căn phòng đẹp, đồ đạc tươm tất, bữa ăn ngon lành cùng với rất nhiều sự vui vẻ trìu mến không hay bạn mặc kệ người đó ra sao thì ra, cảm thấy sao mặc kệ?
Khi bạn có khách quý tới chơi nhà, tự dưng bạn thấy bản thân mình nhiều vui vẻ như có một làn gió mới, bạn ý thức để chỉ nói lời hay lời đẹp, bạn ý thức để không gây lộn cãi nhau, bạn ý thức rất nhiều để chăm sóc chu đáo, để mang cho vị khách mọi điều người đó muốn, bạn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ mà không nề hà tính toán gì, không so đo, phán xét và nhất là bạn cũng rất sợ làm điều gì khiến khách buồn lòng.
Tâm thế của người chủ nhà đón khách này nó mới đẹp và đáng quý làm sao. Ít nhiều gì chúng ta cũng hẳn đã trải qua tâm thế ấy. Đôi khi chúng ta là chủ nhà đón khách, đôi khi chúng ta là vị khách đến thăm nhà ai đó và được tiếp đón như vậy, thật là cảm động.
Và, trong cuộc sống này, còn vị khách nào đáng quý hơn, thiêng liêng hơn một sinh linh sống động đẹp đẽ, vô giá mà lại còn độc nhất vô nhị đang được Thượng đế gửi tới gia đình bạn? Đứa trẻ là vị khách thiêng liêng đang tới và sẽ ở nhà bạn một thời gian, xin hãy luôn và luôn ghi nhớ điều đó. Để làm gì?
Để bắt đầu ý thức trong việc dọn dẹp và trang hoàng cuộc sống của bạn. Hãy dọn dẹp cuộc sống khỏi những rác rưởi tâm trí như những sự tham lam, bạo hành, giận dỗi.
Hãy dọn dẹp những sự so sánh, tính hơn thua, sự so đo, xét nét. Hãy dọn dẹp hết những sân si, thù hận, những khổ và đau mà bạn đang mang trong lòng.
Hãy làm cho cuộc sống của bạn gọn gàng, sạch sẽ, tinh tươm không chỉ với ngôi nhà bên ngoài mà quan trọng hơn nữa là ngôi nhà bên trong – nơi trái tim và tâm hồn bạn nương náu.
Hãy làm cho toàn bộ cuộc sống của bạn biến thành một nơi chốn linh thiêng, vì bạn đang chuẩn bị để chào đón một vị khách rất thiêng liêng – một món quà của sự sống và sự tồn tại.
Thế rồi, bắt đầu trang hoàng cuộc sống của bạn, cũng có nghĩa là làm giàu hơn nữa cho cuộc sống của mình.
Sự giàu có bên ngoài là một điều kiện rất tốt để làm giàu cho thế giới bên trong, tuy nhiên nó không phải là điều kiện duy nhất.
Người giàu-nhiều đến cửa hàng đặt mua loại hoa lạ nhập khẩu mà mình yêu thích, người giàu-ít có thể tự trồng một chậu hoa ngay trong nhà mình và ngắm nó nở cũng đủ đẹp lắm rồi.
Người giàu-nhiều mua các loại tinh dầu quý hiếm, giàu-ít tự mình hít hà những mùi thơm sẵn có trong cuộc sống: mùi hoa nở đây đó, mùi quả chín, mùi lá cây thảo mộc, mùi tinh khiết của không khí trong lành…
Nhà giàu-nhiều có khu vườn riêng, giàu-ít có thể tìm tới công viên và tận hưởng nó như thể đó là vườn riêng của mình.
Trong việc làm giàu tâm hồn, giàu cho thế giới bên trong, tiền bạc không có ý nghĩa nhiều như bạn vẫn nghĩ.
Khi bạn đang hoài thai đứa trẻ, việc rất cần thiết mà bạn có thể làm, là dành thật nhiều thời gian để im lặng và chiêm ngẫm: ngẫm nghĩ xem thứ gì là đáng quý nhất trong cuộc sống, thứ gì bạn muốn có thật nhiều để trao cho con của bạn?
Đó có phải là sức khoẻ, sự dẻo dai lành mạnh, hay những mầm bệnh, sự ốm yếu? Đó là niềm vui, sự vui vẻ, thật nhiều những tràng cười và niềm hạnh phúc, hay những nỗi buồn, những trăn trở, những giọt nước mắt và sự tiêu cực? Đó là sự hài lòng, biết ơn hay sự oán trách, hối hận? Đó là những thứ đẹp đẽ, thẩm mỹ, nghệ thuật hay những thứ xấu xí nhìn thấy khó ưa?
Nghĩ về tất cả những điều đó, và bất cứ gì bạn thấy là đáng quý, là giá trị, hãy ý thức để làm giàu nó thật nhiều trong cuộc sống của bạn, cũng là cho con của bạn.
Đi đến những nơi ít tiếng ồn ào, những nơi không có tiếng chửi bới, nhiếc móc, phàn nàn, thay vào đó hãy tìm đến nơi nhiều tiếng chim hót, tiếng lá reo, suối chảy. Đây là những âm thanh đẹp của tự nhiên, của sự tồn tại.
Lắng nghe những bản nhạc êm đềm, nhạc thiền, giao hưởng, hòa ca hòa tấu – những loại nhạc mang tần sóng cao đi sâu vào nếp sóng não của trẻ. Lắng nghe tiếng mưa rơi, tiếng lá khô xào xạc, tiếng côn trùng rả rích và nhất là trẻ con cười đùa….
Tìm cách nói chuyện nhiều hơn với những người hài hước, vui vẻ; tìm đến tâm sự với những người già để cảm nhận sự bình an và hưởng xái những tinh tuý cuộc sống mà họ đã đúc kết…
Tiếng cười, những âm thanh của tự nhiên, những bản nhạc kinh điển mang thông điệp về cuộc sống hoặc đôi khi chẳng thông điệp gì, chỉ những giai điệu đẹp… đó đều là những món quà tuyệt vời mà bạn có thể tích luỹ dành tặng cho con bạn. Hãy làm giàu cuộc sống bằng những âm thanh đẹp này.
Tìm cách tránh càng xa càng tốt những âm thanh hỗn tạp ồn ào, những tiếng la hét, lời chửi mắng, những lời đãi bôi và những chuyện vô nghĩa khiến cuộc đời bạn bận rộn một cách không cần thiết.
Và đó mới là chuyện về nghe – giác quan tai thôi, bạn có thể ngẫm nghĩ về những thứ bạn có thể làm với tất cả các giác quan khác nữa.
Về nhìn, hãy nhìn nhiều những thứ mang vẻ đẹp tự nhiên, nhìn cây cối hoa cỏ, nhìn ngắm những bức tranh và những tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ gì khiến bạn thích nhìn.
Đi đến các triển lãm sáng tạo và không gian thiền, đi đến những nơi nhiều thiên nhiên, ngồi ở đó và tận hưởng sự thư thái, trầm tĩnh, vẻ đẹp của sự tĩnh lặng thay vì chỉ đến những khu chợ, trung tâm thương mại hay những nơi luôn đông đúc ồn ào.
Một phần khác của việc nhìn là đọc và xem. Hãy đọc nhiều hơn, đọc thơ, đọc tiểu thuyết mà bạn ưa thích, đọc những cuốn sách về chủ đề bạn quan tâm. Đọc sách là một việc rất thiền và cũng rất giá trị trong cuộc sống, hãy gieo niềm yêu thích đọc sách cho đứa trẻ khi nó vẫn còn trong bụng mẹ, tại sao không?
Về chuyện xem, hãy ý thức để xem những thước phim đầy ý thơ, đầy chất liệu đẹp về cuộc sống hay những bộ phim giàu ý nghĩa khiến tâm hồn bạn dạt dào, đừng xem những đấu đá, tranh giành, tranh đấu – những thứ gây sợ hãi hay ám ảnh.
Trong suốt khoảng thời gian hoài thai, hãy thật ý thức về việc bạn đang tạo ra môi trường sống cho đứa trẻ, cho vị khách quý ấy, kể cả khi nó mới chỉ đang ở trong bụng của bạn và tưởng như không biết gì.
Đứa trẻ ăn thứ bạn ăn, nghe thứ bạn nghe, cảm thứ bạn cảm, đừng quá buông thả dễ dãi trong việc đặt bản thân vào những tình huống khó ở như khi bạn chưa làm mẹ. Hãy mạnh mẽ, hãy kiên quyết và sáng tạo hơn trong việc tạo môi trường tốt đẹp nhất cho bản thân bạn, cũng là cho con của bạn.
Ý thức hơn trong những vấn đề thói quen, sức khoẻ, chuyện ăn uống, chuyện ngủ nghỉ… rất nhiều thứ bạn có thể làm nhưng luôn nhớ: tích cóp, làm giàu thật giàu những thứ giá trị nhất của cuộc sống: sức khoẻ, tình yêu thương, sự vui vẻ, khả năng sáng tạo, cái đẹp, tính thẩm mỹ, khả năng hiện hữu trong thư thái, tĩnh lặng và đầy nhận biết.
Nếu người mẹ có khả năng nhận biết thật nhiều trong quá trình hoài thai, cô ấy không thể nào sinh ra một đứa con kém-nhận-biết.
Ngược lại, việc sinh ra một đứa con đầy nhận biết, đó cũng là diễm phúc lớn nhất mà một người mẹ có thể có được trong cả đời cô ấy.
Cho nên việc tốt nhất một người mẹ có thể làm cho con của mình, là làm giàu sự nhận biết của chính bạn trong lúc hoài thai, tất nhiên cả khi đứa trẻ đã ra đời nữa.
Nhận biết của bạn sẽ là món quà, là tài sản quý giá nhất mà con bạn sẽ được thừa kế trước cả khi nó được sinh ra. Thế thì nó sẽ đúng nghĩa là một đứa trẻ sinh ra từ vạch đích. Nó sẽ là đứa trẻ được ân huệ.
Và sẽ còn tuyệt vời biết bao nhiêu, nếu người mẹ có bên mình một người chồng, một người đàn ông thấu hiểu tất cả những điều này và luôn sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ cô ấy, hỗ trợ cô ấy và chia sẻ trách nhiệm này cùng cô ấy.
Hình mẫu gia đình là hoàn hảo khi mọi thành viên đều yêu thương gắn kết và cùng có chung một mục đích, và mục đích đó là làm sao để nâng cao nhận biết, nâng cao phẩm chất sống cho cuộc đời mình, cuộc đời của nhau và rồi đến cuộc đời của những sinh linh quý giá đang trên đường tới. Thế thì gia đình là bầu đất hoàn hảo để hạt mầm đâm chồi, nở hoa.
Và biết đâu nó chính là hạt mầm của cây cải trời – thứ hạt mà Jesus thường xuyên nhắc tới trong Kinh Thánh: một hạt mầm nhỏ bé làm vậy nhưng khi được gieo vào đất tốt, hạt mầm trổ cành lớn lên lại trở thành cây to lớn nhất, vững chãi với bao nhiêu cành nhánh, tạo đủ bóng mát cho muôn loài đến trú chân.
Nếu mọi cha mẹ đều có khả năng ý thức rằng mình chính là bầu đất mà Thượng đế sẽ gửi gắm những hạt mầm linh thiêng, những hạt mầm sẽ nở ra các nhân tố tạo thành cả một nhân loại mới. Liệu cha mẹ có còn xem con cái như những điều ngẫu nhiên, như một dự án đầy tính toán hay thậm chí như một tai nạn?
Nếu cha mẹ đã có đủ ý thức trong việc gieo mầm những linh hồn mới đến thế giới này, liệu họ có thể nào trở nên vô tư, vô tri đến mức dễ dàng nói, “chúng không phải là trách nhiệm của tôi?”
Một người phụ nữ trưởng thành, chín muồi là khi cô ấy không còn dựa dẫm vào người khác, không đổ trách nhiệm đời mình cho người khác mà ngược lại, cô ấy có khả năng nhận toàn bộ trách nhiệm về mình.
Một người đàn ông là trưởng thành, chín muồi là khi anh ta không chỉ có trách nhiệm với đời mình, mà có khả năng để chịu trách nhiệm cả cho người khác, không phải vì người khác yêu cầu nhưng đơn giản vì anh ta có thể. Anh ta đủ mạnh để trở thành chỗ dựa cho người khác.
Tính trách nhiệm là dấu hiệu cho thấy một người trưởng thành bao nhiêu, và người trưởng thành là người đúng nhất để làm cha mẹ.