Khi bạn có chiều sâu, hội thoại của bạn tự nó sẽ có chiều sâu.
Khi hai người trò chuyện, một người sâu thì chiều sâu của hội thoại sẽ tuỳ thuộc vào người còn lại, vào độ mở của người còn lại.
Người thực sự sâu sắc sẽ nương theo độ mở của người còn lại mà đào vào câu chuyện bởi vì họ tôn trọng quyền riêng tư của người đó trong việc chia sẻ. Họ không có nhu cầu đào sâu vì chẳng để làm gì.
Trừ khi đó là các chuyên gia tâm lý hay trị liệu NLP hay nhà tuyển dụng, cơ quan điều tra… thì nghĩa vụ của họ mới là “cố gắng” đào sâu vào trong bạn vì lý do muốn biết thêm điều bạn không muốn nói. Mục đích của cuộc trò chuyện sẽ quyết định rất nhiều về kĩ thuật nói chuyện để đào vào chiều sâu. Nhưng khi nó có mục đích thế thì nó không còn là hội thoại đơn thuần nữa, nó là công việc
Khi hai người cùng có chiều sâu, hội thoại tự nó có chiều sâu. Kể cả khi họ chỉ ngồi im lặng bên nhau chẳng nói gì, im lặng tự nó có chiều sâu còn hơn mọi lời nói. Im lặng là trạng thái khi hai người ở đó nhưng đồng thời tan ra và thấm vào bản thể của nhau, tan biến. Thế thì im lặng là hội thoại sâu sắc nhất khi lời chẳng cần được dùng tới chút nào.
Sự biến mất của tâm trí và bản ngã là điều kiện cần để tạo ra chiều sâu cho cuộc sống, bao gồm cả hội thoại.
Vấn đề là cá nhân bạn sâu sắc bao nhiêu, không phải chuyện kĩ thuật nói cái gì hay nói như thế nào. Khi hai người đủ sâu, một câu chuyện đùa, một vần thơ bộc phát, một phát biểu bâng quơ cũng hàm chứa bao điều mà không sách báo hay nhà nghiên cứu nào diễn tả hết được.
Không nhiều người biết rằng một hội thoại có chiều sâu là khi nó khiến người ta nhận biết nhiều hơn về cuộc đời, về chính bản thân mình lẫn người đối diện, cốt lõi vẫn là chính bản thân mình. Mình sâu, mọi thứ khác đều sâu.
Khi mình đủ sâu, chỉ một câu đùa, một cử chỉ hay thậm chí một ánh mắt của người đối diện cũng cho mình thấy biết bao điều mà người kia không nói thành lời.
Tóm lại, để hội thoại có chiều sâu, bạn phải sâu trước đã.