Tối qua tôi đi ăn tiệc bên đây, có ông anh rất thích ăn ớt, đi đâu tiệc tùng ổng cũng thủ theo 3-4 trái để dùng suốt bữa ăn, ai ngờ, tối qua lu bu sao quên mang theo, mà nhà chủ tiệc cũng không có… thế là cả buổi, ổng ngồi ăn như cực hình, kiểu như đồ ăn nêm không có gia vị vậy, vì quen phải có vị cay rồi, thiếu nó cái tự nhiên thấy mọi thứ trên vô vị.
Chuyện trái ớt nó nhỏ xíu nhưng nó nói lên một cơ chế ‘dính mắc’ rất ngầm của chúng ta.
anh em thích cái gì đó không thành vấn đề, vấn đề là khi thiếu đi cái mình thích thì anh em sẽ thế nào,
có khổ luỵ phiền não hay không là nằm ở thái độ của anh em khi vắng mặt của cái mình thích.
bắt đầu một cái thích rất dễ, nhưng kết thúc hay buông được cái thích xuống thì rất khó, nếu nhắm mình không buông được thì bớt thích lại, bớt thích đủ thứ thì bớt dính mắc đủ thứ, ít dính mắc thì khả năng dính khổ sẽ bớt lại, anh em thích sự công nhận thì không sao, nhưng đến một ngày không ai quan tâm anh em là ai nữa thì mới biết có sao.
Thằng con tôi năm nay mới hơn 2 tuổi, nhưng món gì tôi cũng tập cho nó ăn, vì nó càng linh hoạt trong ăn uống chừng nào thì nó khoẻ chừng đó. Nhiều lúc chỉ cần cơm trắng hay mì trụng không là nó ăn được rồi.
Nó thể hiện rõ ràng là khi đi chung với 3-4 cặp gia đình khác, có con bằng tuổi, khi chọn nhà hàng để nguyên đám đi ăn, thì đứa nào càng thích đặc biệt món gì, hay chỉ ăn được vài món cụ thể thì kẹt cứng, vì đi số đông thì phải lựa theo số đông thôi. Con tôi có khi vào nhà hàng, chỉ cần ổ bánh mì không là nó ngồi ăn ngon lành rồi.
Chuyện ăn uống chỉ là cái dục thô rất cơ bản, thế mà chỉ cần thích ăn uống cầu kỳ quá thôi là đã cực cái thân này quá rồi… chứ thích mấy món không lành mạnh nữa thì càng kéo thằng thân xuống dốc không phanh.
Chứ mấy cái dục cao hơn, như thích đẹp, thích tình cảm, thích công nhận, thích tôn trọng, thích quyền lực, thích mình có mặt mãi mãi thì sự dính mắc còn sâu dày hơn nữa. Với tôi, anh em thích cái gì mà còn ‘đáp ứng’ hay còn nuôi được cái thích mình thì nó cũng tương đối ổn thôi, tạm thôi.
Nhưng hãy nghĩ đến ngày mình không còn khả năng hay điều kiện để giữ cái mình thích nữa thì mình sẽ ra sao, hãy nghĩ về nó. Vì khi cầm lên, đeo vào cổ thì nó cứng ngắt ở đó rồi, nên chuyện tháo từ cổ ra rồi bỏ xuống là khó đó, trước có giai đoạn tôi cực thích ăn ớt, mà ăn lâu ngày thì ăn nó bớt cay, tăng đô, nên phải tăng liều lên… mà đến một lúc nào đó, cái lưỡi nó mất đi cảm giác khi ăn gì không có ớt nó cũng thấy nhạt nhạt thiếu thiếu như ông anh trên.
Sau đó tôi phải tập lại, cũng vài tháng, ăn không ớt, thì cái vị giác mới trở lại bình thường… nên để cai nghiện một cái gì đó cũng chua lắm anh em ah, không riêng trái ớt, mà bất kỳ cái gì tôi thấy nó làm tôi bớt linh hoạt, phụ thuộc hơn, dính mắc hơn thì tôi đều bắt đầu giảm liều lại từ từ hết, đơn cử việc dùng phone để coi cái này coi cái kia giải trí thôi, tưởng thích vậy có gì đâu, nhưng lâu ngày nó tăng đô ngầm rồi… thì thiếu cái phone, thiếu mạng in tẹt nét một tiếng thôi là anh em khốn đốn ngay.
Chứ thích hay nghiện mấy món độc chiêu thì xác định là anh em ôm nguyên cục khổ ngầm trong người mà không hay, nói về cái thích thì nhiều lắm, anh em cứ tự quan sát mình thêm,thích nghe lời khen thì tự động nó dễ khổ khi nghe lời chê.
Thích người ta hiểu mình, thông cảm cho mình thì tự động sẽ dễ khổ và uất ức khi bị hiểu lầm hay bị đổ oan. Thích có ai đó bên cạnh để đồng hành chia sẻ thì cũng dễ khổ khi phải cô đơn đi một mình.
nói đừng thích cái gì hết thì sống sao vô vị quá, nhưng khi thích cái gì đó rồi thì cái thích đó sẽ luôn leo thang, luôn tăng đô, cho đến một ngày mình không kịp thích nghi khi thiếu nó nữa, thì mình dễ rơi vào khủng hoảng.
Dễ thấy nhất, thích cái thân này quá, chăm nó từng ly từng tý thì tự nhiên nghe ung th*u cái là mình kẹt cứng !
Cheers
Bác 7B
——
Hình của Pavel Kaplii