Ta đã đến phần cuối cùng của Series về chủ nghĩa hư vô này. Ở bài giảng trước, ta biết rằng trong khi Nietzsche coi chủ nghĩa hư vô như một căn bệnh, thì đối với những người hư vô tích cực, nó lại mang đến một cơ hội để cải thiện cuộc sống đáng kể.
Trong bài giảng này, ta sẽ tìm hiểu một số ý tưởng mà Nietzsche nghĩ rằng có thể hỗ trợ những ai bị lây nhiễm bởi cơn nghi hoặc hư vô.
Nietzsche cực kỳ khó tính với nhân loại. Với ông, hầu hết con người đều là những sinh vật đáng khinh, và ông thường mô tả quần chúng như là “bầy đàn động vật”. Ông có được góc nhìn này là do ông nhận thấy số lượng áp đảo của những kẻ yếu nhược và tầm thường một cách trầm cảm. Mỗi người đều có tiềm năng trở nên vĩ đại, nhận ra ước mơ, trở thành điều Nietzsche gọi là “người phi thường” (Higher man), thế nhưng hầu hết lại muốn phù hợp và đi theo đường mòn dẫn đến sự tầm thường.
Ngay cả những cá nhân được xem là “vĩ đại” bởi quần chúng, Nietzsche chẳng coi là cái thá gì ngoài những cá nhân ở cấp bậc cao hơn của thang đo tầm thường.
“Ta thấy cả hai người trần như nhộng”, Nietzsche nói với chúng ta trong cuốn Thus Spoke Zarathustra, “kẻ vĩ đại và kẻ nhỏ bé nhất – tất cả quá đỗi giống nhau; thậm chí kẻ vĩ đại nhất cũng quá đỗi con người. Kẻ vĩ đại nhất quá đỗi nhỏ bé.” (Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra)
Nietzsche trông ngóng đợi chờ sự ló diện của những cá nhân thực sự vĩ đại, và trên thực tế, ông dành những tác phẩm triết học của mình cho những cá nhân tiềm năng như này. Ông nghĩ ý tưởng của mình có thể động viên con người loại bỏ bản thân ra khỏi bầy đàn và hiện thực hóa tiềm năng của mình. Trong cuốn tự truyện mang tên Ecce Homo, Nietzsche truyền tải ý tưởng này một cách khôi hài.
“Từ khoảnh khắc này trở đi, mọi tác phẩm của tôi đều là móc câu: có lẽ tôi biết cách câu cá giỏi như bao người khác? – Nếu ko bắt được thứ gì, chẳng nên trách cứ tôi đâu. Chẳng có con cá nào cả.” (Ecce Homo, Friedrich Nietzsche)
Để nhận ra tiềm năng bản thân, Nietzsche cho rằng ko nhất thiết phải tìm một mục đích cuộc đời cực kỳ thiết yếu bằng cách dựa vào một tín điều tôn giáo hay phong trào quần chúng, mà thay vào đó, hãy nhìn vào bên trong. Ngự trị ở mỗi con người là hạt giống của một tiềm năng chưa được nhận ra, và mục đích sống của một người nên là thấy rằng tiềm năng đó được hiện thực hóa.
Trong tiểu sử về Nietzsche của mình, Rudiger Safranski đã sáng tỏ, bằng cách sử dụng một đoạn văn từ nhật ký của Nietzshe, chính xác điều mà Nietzsche nghĩ là ý nghĩa cuộc đời:
“…ngay từ đầu chúng ta ko phải con người; ta cần phải trở thành con người. Để tiến tới mục tiêu này, ta cần góc nhìn sâu lắng “rằng chỉ mỗi ta chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình, rằng những lời buộc tội về việc ta đã bỏ lỡ lời kêu gọi cuộc đời chỉ có thể hướng vào bản thân ta, ko phải dăm ba quyền uy siêu việt”. Ta ko cần một ảo tưởng về thế giới siêu nhiên, bởi chính nhiệm vụ trở thành con người mới là thành tựu thực sự vĩ đại.” (Nietzsche: A Philosophical Biography: Rudiger Safranski)
Nietzsche đôi lúc nhắc đến một mục đích như vậy là hành trình hướng tới việc “trở thành người chúng ta muốn”. Trong cuốn sách The Gay Science, ông viết:
“Tuy nhiên, chúng ta ước ao trở thành người mình muốn – những con người mới mẻ, độc nhất, ko thể tương quan so sánh, người tự cho chính mình luật lệ, tạo ra bản thân mình.” (The Gay Science, Friedrich Nietzsche)
Trong khi mọi người có ham muốn nội tâm trở thành người giỏi nhất có thể và nhận ra ước mơ của mình, bởi phần lớn cuộc sống tràn đầy nỗi thất vọng, hối tiếc và thường là tội lỗi do bỏ lỡ những cơ hội.
Ở một trong những bài tiểu luận ban sơ, có tiêu đề là Untimely Meditations, Nietzsche định nghĩa nỗi sợ và sự lười biếng như là hai đặc trưng phổ biến của con người, nó ngăn cản hầu hết mọi người nhận ra tiềm năng của mình.
“Trong thâm tâm, mỗi người đều biết khá rõ rằng, trở nên độc nhất, họ sẽ chỉ hiện hữu ở thế giới này một lần và sẽ ko có cơ hội thứ hai… họ biết điều đó nhưng giấu nhẹm như thể nó là một lương tri xấu xa – tại sao vậy? Từ việc sợ hãi người hàng xóm, kẻ đòi hỏi sự phù hợp và ẩn mình cùng với nó. Nhưng cái thế lực gì ép buộc cá nhân sợ hãi người hàng xóm, suy nghĩ và hành xử như một thành viên trong bầy đàn, và chẳng có niềm vui gì trong chính mình? Sự khiêm tốn, có lẽ, trong vài trường hợp hiếm hoi. Bởi đối với phần đông thì đó là tánh biếng nhác, trì trệ, túm lại là khuynh hướng lười nhác… con người thậm chí còn lười hơn cả lúc sợ hãi.” (Untimely Meditations, Friedrich Nietzsche)
Nietzsche nghĩ, nhiệm vụ trở thành người ta muốn chính là nhiệm vụ khó nhằn nhất. Tất cả mọi người đều có một giọng nói bên trong thúc giục họ đạt được điều gì đó vĩ đại và theo đuổi ước mơ, nhưng hầu hết kìm nén giọng nói bên trong đó bởi vì họ thiếu sự can đảm và sức mạnh để lắng nghe nó.
“…họ sợ bản thân vượt trội hơn của mình”, Nietzsche viết trong cuốn Human, all too Human, “bởi vì, khi nó nói ra, nó nói một cách đòi hỏi.” (Human, all too Human, Friedrich Nietzsche)
Nietzsche có một vài ý tưởng về cách một người có thể tìm thấy mục đích và hành động để hướng tới nó. Đầu tiên, ông nghĩ rằng một cá nhân sẽ cần đến một “ý tưởng có tổ chức” – một vài mục tiêu sau cùng họ muốn đạt được. Một mục tiêu như này có thể là xây dựng một hệ thống triết học vĩ đại, trở thành một vận động viên hàng đầu, tạo ra bước đột phá y học tiếp theo, hoặc chinh phục những đỉnh núi nguy hiểm nhất thế giới.
Tính cụ thể của mục tiêu ko quan trọng, điều quan trọng là độ khó của nhiệm vụ; càng khó nhằn thì một người càng phải trở nên vĩ đại hơn để thực hiện được nó.
Làm sao ta tìm được một mục tiêu như này? Có một số người sở hữu một ước mơ rõ ràng trong đời và biết chính xác điều con tim họ mong muốn hơn bất kỳ thứ gì khác. Nhưng với hầu hết mọi người, kể cả nếu có được tự do và phương tiện để theo đuổi ước mơ, họ cũng chẳng biết phải làm gì. Nietzsche có một vài lời khuyên cho những cá nhân ko có ước mơ này; đó là hãy nhìn vào bên trong bản thân, và tìm ra điều mình thích, hay như ông nói trong Untimely Meditations:
“Hãy để tâm hồn trẻ năng nhìn lại cuộc đời bằng câu hỏi: Cho đến bây giờ, điều gì ta thực yêu thích, điều gì làm tâm hồn hoan hỉ, điều gì đã cai quản nó và đồng thời làm nó vui sướng? Hãy đặt những khách thể thiêng liêng trước mắt này thành một hàng, và thông qua bản chất và tính nối tiếp, có lẽ chúng sẽ sinh lợi cho ta, một quy luật, một quy luật nền tảng của bản thân thực sự…bởi bản chất thật ko nằm ẩn giấu sâu bên trong ta, mà là ở trên cao xa tít tắp, hay ít nhất vượt trên điều ta thường coi là chính mình.” (Untimely Meditations, Friedrich Nietzsche)
Một cá nhân tìm thấy mục tiêu, và đặt ra một con đường đời để hiện thực chúng, sớm thôi sẽ nhận thấy rằng một con đường như vậy tràn đầy những thoái trào, khó khăn, và đau đớn. Nỗi đau đớn và sầu khổ bất biến phải đối diện trong nhiều trường hợp sẽ khiến họ trốn chạy trở lại những tiện nghi của tánh tầm thường. Nietzsche nghĩ những lần nỗ lực thất bại này xảy ra phần lớn là do hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của nỗi đau khổ và chẳng biết gì về giá trị của nó.
Nếu đã theo dõi những Serie của bài giảng này, ta sẽ nhớ ở trong bài giảng thứ 2, ta biết được rằng tính ko thể tránh khỏi của nỗi đau đã khiến nhiều người đưa ra quan điểm cực kỳ bi quan về sự sống con người.
Hầu hết mọi người đều tin rằng, nỗi đau khổ là điều ác quỷ. Khi con người đau khổ, họ tự động cảm thấy điều gì đó ko đúng với bản thân, điều gì đó họ cần “sửa chữa”. Và trên thực tế, tất cả mọi người khi cảm thấy một vài kiểu nỗi đau tâm lý nảy sinh, vào lúc này hay lúc khác, họ sẽ tìm kiếm bất kỳ hình thức sao lãng nào.
Như ta sẽ thấy, Nietzsche rất thân thiết với nỗi đau và sầu khổ. Sự thân thiết ấy buộc ông đặt ra câu hỏi về nhận định phổ biến rằng nỗi đau khổ về bản chất là xấu xa. Ông kết luận rằng mọi người nghĩ nỗi đau khổ là điều ác quỷ là do nó khó chịu và đau đớn, tuy nhiên, đây là một kết luận sai lầm. Ông lý luận rằng chỉ vì một thứ gì đó làm phật ý hoặc khiến ta khó chịu, ko có nghĩa là nó thiếu đi giá trị.
Trong cuốn The Gay Science, ông đã làm sáng tỏ ý tưởng này:
“Có nhiều minh triết trong nỗi đau cũng như trong niềm hoan hỉ…rằng nó gây đau đớn ko phải vì lập luận chống lại nó mà là vì bản chất của nó.” (The Gay Science, Friedrich Nietzsche)
Như đã đề cập, Nietzsche có một vị thế tốt để triết học hóa bản chất của nỗi đau khổ. Ông chịu đựng nhiều sầu khổ, đau đớn, và gian khổ hơn những gì hầu hết mọi người có thể mường tượng. “Ta giống một bãi chiến trường hơn một con người”, Nietzsche viết trong cuốn tự truyện của mình. Phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông dành cho việc vật lộn với sự ốm đau thể lý, cụ thể là những cơn ói mửa và đau nửa đầu trầm trọng đôi lúc kéo dài hàng tuần liền, đến cả những bác sĩ cũng ko thể xác định nguyên nhân cụ thể.
Ông cũng cô lập bản thân trong phần lớn cuộc đời, và khước từ bất kỳ sự hỗ trợ về mặt cảm xúc hay tâm lý nào từ những người thân cận, và gắng sức giải quyết mọi vấn đề bằng nguồn lực chính bản thân mình.
Ngoài những điều này ra, mặc dù rõ rằng rằng triết lý của mình có giá trị lớn lao đối với nhân loại, nhưng ông phần lớn bị phớt lờ và chưa bao giờ có được bất kỳ thành công hay công nhận nào trước khi rơi vào cơn điên loạn. Ông bị dày vò bởi cảm giác cô độc và hoài nghi bản thân tột cùng, sợ rằng những tác phẩm vĩ đại của ông sẽ chìm đắm mà chẳng ai biết trong dòng sông đầy hỗn loạn của lịch sử con người.
Tuy nhiên, qua thời gian, Nietzsche bắt đầu nhận ra cuộc vật lộn với căn bệnh và nỗi đau khổ thực chất lại mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời, bởi nó thường có trước những giai đoạn phát triển to lớn. Ông cũng nhận thấy những hiểu biết triết lý hùng cường và sâu lắng hơn nảy sinh một cách tự nhiên từ cuộc vật lộn với cơn đau đớn của mình.
Ông nhận ra rằng, đau khổ ko phải điều ác quỷ, mà thay vào đó nên được coi là điều lớn lao nhất trong mọi món tài sản.
Từ lâu, người ta cho rằng mục đích tối thượng mà con người phấn đấu chính là hạnh phúc. Nietzsche ko chất vấn điều này, bản thân ông cũng trông ngóng đợi chờ điều ông gọi là “hạnh phúc vĩ đại”, tuy nhiên, ông cho rằng trên thực tế, mỗi người đều cố gắng đạt được hạnh phúc theo cách sai lầm. Hầu hết thực hiện bằng cách liên tục tham gia vào các hoạt động khoái lạc, hay nói các khác, những hoạt động thực hiện chỉ vì niềm vui nó mang đến.
“Nhưng giả như niềm vui và nỗi đau nên được liên kết mật thiết tới nhau”, Nietzsche hỏi trong cuốn The Gay science, “đến nỗi kẻ muốn có số lượng to nhất có thể của khía cạnh này cũng phải có mức tương tự của khía cạnh còn lại?” (The Gay Science, Friedrich Nietzsche)
Trong cuốn Thus Spoke Zarathustra, tác phẩm thi vị nhất, ông diễn tả cùng ý tưởng này:
“Trước hết tôi phải đi xuống sâu hơn bao giờ hết – chìm sâu hơn vào nỗi đau hơn bao giờ hết, rơi vào cơn lũ đen kịt nhất của nó. Thành ra, số phận của tôi muốn điều này…Những ngọn núi cao nhất hiện ra ở nơi đâu? Tôi từng một lần tự hỏi. Sau đó, tôi học được rằng chúng đến từ biển. Bằng chứng được viết trên những tảng đá và trên tường của những đỉnh núi chót vót. Nó nằm ngoài độ sâu thăm thẳm nhất mà rằng độ cao vun vút nhất phải ngang bằng bề cao của nó.” (Thus Spoke Zarathustra, Friedrich Nietzsche)
Nietzsche nghĩ, giải pháp cho sự đau khổ, chính là biết cách biến nó thành lợi thế của mình. Mỗi người đều phải chịu đau khổ, nhưng chỉ những cá nhân vĩ đại ko chỉ sẵn lòng đối diện và chịu đựng nó, mà còn mời nó vào với tri thức rằng nó mang lại cơ hội phát triển và nâng tầm trí khôn. “Ta ước định sức mạnh của một ý chí thông qua cách nó chịu đựng sự phản kháng, nỗi đau, dày vò và biết cách biến nó thành lợi thế riêng mình như nào.” Nietzsche viết trong một đoạn văn có trong cuốn The Will to Power.
Ta có thể thấy Nietzsche hiểu rõ việc học cách sống chung và tận dụng các khía cạnh có lợi của nỗi đau khổ là điều cần thiết đối với một con người. “Ai sẽ đạt được bất kỳ điều gì vĩ đại nếu anh ta ko tìm thấy trong mình sức mạnh và ý chí để chịu đựng nỗi đau khổ lớn lao?”, Nietzsche hỏi.
Một cách hay để kết thúc bài giảng này chính là trích một đoạn văn gây sốc từ cuốn The Will to Power, nó hé lộ tầm quan trọng của nỗi đau khổ đối với Nietzsche một cách hiệu quả. Trong đoạn này, Nietzsche đề cập tới người phi thường tiềm năng, người mà ông đã dành mọi tác phẩm triết học của mình. Ông viết:
“Với những ai có bất kỳ dính líu gì đến ta, ta mong muốn nỗi đau khổ, bơ vơ lẻ loi, bệnh tật, ngược đã, làm nhục – Ta ước họ ko nên xa lạ với sự khinh rẻ bản thân sâu sắc, nỗi dày vò của sự bất tín bản thân, nỗi khốn khổ của kẻ bại trận: Ta ko thương tiếc cho họ, bởi ta ước một điều duy nhất có thể minh chứng liệu họ ngày hôm nay có xứng đáng với bất kỳ điều gì hay ko – điều mà họ chịu đựng.” (The Will to Power, Friedrich Nietzsche)