Mẫu thân tôi năm nay ngoài 75 rồi, cứ mỗi sáng thứ 4 là tôi chở bà đi chợ để mua đồ nấu ăn cho cả tuần. Cứ mỗi lần lên xe, tầm 5-10 phút đầu là bà kể liêng thiêng chuyện người này người kia, cứ cho bà nói đã cái miệng trước, rồi sau đó mới đến lượt tôi, vẫn như mọi khi, chung một câu hỏi cũ:
“Mấy nay, Mẹ chuẩn bị ‘hành lý’ đến đâu rồi?”
Ai nghe câu đó, cứ tưởng mẫu thân tôi chuẩn bị du lịch xa, nhưng thật ra là bà hiểu ý tôi, vì tôi hỏi bà mãi suốt 5-6 năm nay rồi, nhất là từ ngày tôi thấy sức khỏe của bà có dấu hiệu yếu đi và hay quên trước quên sau.
Mỗi tuần đi chợ, tôi hỏi, đã chuẩn bị hành lý đến đâu, mà để nhắc bà, ngày ‘xuống tàu’ luôn cận kề, có thể là ngày mai, có thể là tuần tới, có thể là tháng tới, tuổi của bà bây giờ thì tính bằng ngày, như chuối chín trên cây, gió đến thì phải rụng thôi.
Ai mà ngồi hàng ghế sau, nghe tôi nói chuyện với bà thì chắc nổi hết óc ác, vì tôi đi thẳng vào vấn đề, chứ không nói tránh, nói nhẹ. Mỗi tuần cứ nhắc lại, để bà không quên, hành lý xuống tàu phải thật ‘gọn nhẹ’.
Chứ lúc xuống tàu, mà còn quay lại, cái này của tôi nè, cái kia của tôi nè, rồi thằng con trai út của tôi nó ăn tối chưa, rồi cháu nội của tôi sao rồi… thì làm sao xuống tàu cho thanh thản được.
Hành lý gọn nhẹ, là chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng không mang theo gì cả, người mình thương, cái mình thích, đều phải bỏ lại hết, cả người và cái mình ghét đi nữa, cũng phải bỏ lại luôn.
Hành lý xuống tàu nên là ‘tay không’, đó là lý tưởng nhất. Vài anh em đọc, sẽ cảm thấy sao tôi thẳng thừng với mẫu thân quá, nói thế làm bà hết muốn sống nữa thì sao… nhìn tưởng bi quan, nhưng nếu để mẹ mình xuống tàu với tâm thế lo sợ và đầy phiền não thì lại tiếp tay đưa bà đến những nơi không đáng để tới.
Ngay hiện tại thì mẫu thân tôi vẫn khỏe, tính đến giờ thôi, mai chưa biết, nhưng nếu cả bản thân tôi chưa sẵn sàng thì không cách nào để nhắc bà sẵn sàng được.
Tôi là con trai út trong nhà, nên cái vướng lớn nhất của bà cũng chính là tôi đây. Thương tôi nhất nên chăm tôi từ nhỏ xíu đến khi tôi lấy vợ sinh con. Tôi đi đến đâu, là bà kè đến đó, sợ tôi ăn không ngon, ngủ không yên.
Nên tôi bảo bà, lúc xuống tàu là xong rồi, hết phim hàn quốc dài tập rồi, đừng kiếm thằng con trai út để níu kéo nữa, vì nếu có kiếm thì tôi cũng bảo bà đi đi, chứ không có gì ở đây để đáng nắm giữ thêm đâu.
Bà hiểu điều tôi nói, vì lúc cận t.ử, các tập khí cũ trào ra, nhiều lúc không nhớ cái tôi nói, rồi lại lao đầu đi kiếm cái mình còn đang dang dở, cái mình thích, cái mình ghét… thì rút cuộc, hành lý xuống tàu lại vô cùng nặng nề. Rồi tiếp tục mang cái đống hành lý đó đi vào một cuộc đời khác.
Sáng hôm qua, tôi mới hỏi bà xong, giờ cho trẻ lại hồi 20 tuổi, rồi cũng lấy chồng sinh con, trải qua đủ thứ chuyện y hệt như 50-60 năm vừa qua, thì chịu không?
“Thôi thôi, ngán làm rồi, vậy là đủ thôi!”, bà đáp
Hình thờ của bà cũng in sẵn cách đây 6 năm, đóng khung chỉn chu, tôi để ngay cái tủ mà bà hay ngồi xem tivi. Lâu lâu tôi vẫn kéo ra xem, vợ tôi đi ngang, cũng ớn ớn, vì thằng chồng mình dã man với mẹ chồng mình quá.
Lâu lâu, bà thấy hình mình, cũng ớn ớn nhẹ, rồi thêm thằng con trai nó bồi liên tục, nên cái sợ ban đầu nó giảm dần từ từ, kèm thêm bệnh tật tuổi già, nó luôn nhắc nhở bà, cái thân này chỉ là đồ mượn thôi, bảo trì nó bao nhiêu năm nay là đủ mệt rồi.
Phải thấy ngán, thấy đủ chán, thì hành lý xuống tàu mới nhẹ đi được, chứ không là bê theo hay cầm nắm theo nhiều lắm.
Tôi biên, là để nhắc cả tôi, và cả anh em đọc ở đây, tuổi nào cũng có cơ hội xuống tàu như nhau, cho nên, mỗi giây phút trôi qua, phải tự nhắc mình, ‘hành lý’ xuống tàu của mình đã chuẩn bị đến đâu rồi.
Phải thấm thía cái này, trăn trở về nó thì anh em mới bớt phóng dật vào những cái không cần thiết… vì thời gian không chờ ai cả đâu.
Cheers
Bác 7B
———
Hình của Willeys Art