“Nếu cấu trúc cơ thể và tánh khí có liên quan tới nhau, do những ai có nghiên cứu về bản chất con người đều có thể xác định được, vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Có thể nào người ta thay đổi nhân cách của một cá nhân mà không cần thay đổi cấu trúc cơ thể và các hoạt động chức năng của nó không?” — Alexander Lowen viết trong tác phẩm “The Language of The Body” (Ngôn Ngữ Cơ thể)
“Một sự vô tổ chức ở cái này tự khắc thể hiện ra ở cái kia” — Soren Kierkegaard viết trong cuốn “The Concept of Dread” (Khái Niệm Về Sự Sợ Hãi)
Nhưng cơ thể chúng ta không chỉ phản ánh thụ động tình trạng nhân cách, mà nó còn chủ động định hình nên nhân cách. Chúng ta có thể thay đổi con người mình bằng việc thay đổi cách chúng ta cầm nắm, di chuyển, nạp năng lượng cho cơ thể. Và trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các kỹ thuật khai phá sức mạnh bằng việc tiếp cận từ dưới gốc tới ngọn trong việc phát triển nhân cách.
Để bắt đầu, chúng ta cần phân tích ngắn gọn tầm quan trọng của các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cơ thể — đó là tập thể dục, ăn uống, và hít thở. Nếu không có các bài tập thể dục nhất quán và một chế độ ăn uống lành mạnh, tình trạng cơ thể của chúng ta sẽ luôn nằm dưới ngưỡng cho phép. Tầm quan trọng của hai nguyên tắc cơ bản này là kiến thức chung, thế nhưng cái gốc, nền tảng của tất cả các nguyên tắc, chính là cách chúng ta HÍT THỞ, một lãnh vực mà ít người chú ý tới. Cách hít thở thích hợp tùy thuộc vào tình huống, nhưng phải tuân thủ quy tắc chung cơ bản là hít thở thông qua mũi, hạn chế thông qua miệng, và hít thở vào bụng chứ không phải vào ngực. Hít thở theo cách này là một hình thức thay đổi đơn giản có thể mang lại lợi ích lớn vì nhịp thở ảnh hưởng rất nhiều tới cách chúng ta nhận thức cả về tinh thần lẫn thể chất.
Nhưng những nguyên tắc cơ bản này không phải là trọng tâm trong bài. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung vào hai phương pháp thực hành mạnh mẽ nhấn mạnh hai khiếm khuyết ngăn cản chúng ta đạt được kiểu cơ thể hằng mong muốn.
Đầu tiên là thiếu kết nối với cơ thể chúng ta và với mặt đất dưới chân. Điều này ngăn cản khả năng chúng ta hành động với tính “tiên phát” tự nhiên mà cuộc sống yêu cầu. Điều thứ hai là thiếu thoải mái bên dưới làn da, dẫn tới việc rất nhiều người trong chúng ta không có khả năng di chuyển một cách tự nhiên, phối hợp với sự duyên dáng tổng thể biểu thị một cơ thể khỏe mạnh.
“Khi tôi còn trẻ, sống ‘dưới đất’ là một đức tánh tốt. Hiện tại tôi không còn thấy ai mô tả như vậy nữa. Có phải do việc một người đứng được trên mặt đất đã không còn quan trọng nữa? Tôi cho là vậy. Con người hiện đại ngày nay luôn miệng rao giảng ‘bay cao, bay xa’… Thật khó để đứng vững khi bản thân nền văn hóa lại không vững chắc…” — Alexander Lowen viết trong cuốn sách “The Spirituality of The Body” (Tâm Linh Tính Của Cơ Thể)
Trong vòng 3 thập kỷ kể từ khi những lời này được viết ra, sự trỗi dậy của smartphone và các công nghệ di động khác chỉ làm trầm trọng thêm những gì mà Lowen đã đưa ra. Có lẽ chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thiếu vững chắc nhất trong lịch sử con người. Nhiều người trong chúng ta dành toàn bộ thời gian sống để dán chặt vào màn hình, tâm trí thì lao vào ánh sáng nhấp nháy trước mắt và hoàn toàn bỏ lơ cơ thể. Chúng ta càng sử dụng nhiều giờ trên màn hình thì càng ít thời gian cho các hoạt động cơ thể trong thế giới thực, do đó làm giảm khả năng đứng vững bằng hai chân lẫn khả năng chủ động trong mọi tình huống của chúng ta. Người ta chỉ cần đối chiếu với kinh nghiệm cá nhân để thấu hiểu được vấn đề này — dành hàng tiếng ngồi nhìn màn hình, lướt tới lướt lui để theo dõi người ta nghĩ gì, không khiến chúng ta có thêm sức mạnh hay sinh lực gì, nếu nhẹ thì sẽ gây cho chúng ta mất phương hướng hay mơ mơ màng màng. Đối chiếu điều này trong thế giới thực, với các hoạt động sử dụng cơ thể và buộc chúng ta phải trải nghiệm sự vững chắc của mặt đất dưới chân mình. Những hành động như vậy tiếp thêm sức mạnh và khuyến khích một người đàn ông, người đã sử dụng kiến thức để làm lợi thế cho mình, là Friedrich Nietzsche,
“Càng ít ngồi một chỗ càng tốt; đừng bao giờ tin vào những ý tưởng mà không được nảy mầm trong môi trường thông thoáng và từ các hoạt động tự do — trong đó các cơ bắp cũng không được tiêu khiển… Ngồi một chỗ (như tôi từng nói) — là tội ác thực sự chống lại Chúa Thánh Thần”
Nietzsche có lẽ không phải đối mặt với mối đe dọa kinh hoàng như công nghệ thời hiện đại, nhưng khi bước vào giai đoạn giữa những năm 30 tuổi, sức khỏe của ông giảm sút tới nỗi không thể thực hiện bất cứ hoạt động nào, ngay cả việc đọc sách cũng khiến ông kiệt sức. Năm 1879, những cơn đau nửa đầu dữ dội cùng những cơn nôn mửa thường xuyên khiến ông phải từ chức giáo sư tại Đại học Basel. Nhưng thay vì rút lui để chống chọi lại tình trạng sức khỏe giảm sút của mình, Nietzsche đã tiếp cận một phương cách khác.
“…nhận thấy bản thân một lần nữa trở thành một ẩn sĩ, và thực hành đi bộ như một ẩn sĩ 10 tiếng một ngày…” — Nietzsche, nhật ký tháng 7 năm 1880
Nietzsche biến bài tập đi bộ thành một phương pháp giúp ông từ một nhân cách tội nghiệp — ốm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần — trở lại thành một triết gia huyền thoại. Đi bộ tới hơn 8 tiếng một ngày, Nietzsche dần hồi phục sức khỏe và trong thập niên tiếp theo ông sáng tác tới 10 tác phẩm khiến ông trở nên nổi tiếng. Nhiều tác phẩm trong số đó là những ý tưởng thâm thúy nảy sanh trong những giờ đi bộ dài, đơn độc và cực khổ của ông,
“Cơ thể chúng ta chứa đựng nhiều sự thông thái còn hơn là triết lý sâu sắc nhất của chúng ta.” — Nietzsche viết trong cuốn “Thus Spoke Zarathustra” (Zarathustra Đã Nói Điều Này)
Chúng ta có thể học tập theo Nietzsche và tận hưởng lợi ích mà việc đi bộ mang lại. Theo nhà tâm lý học Michael Mahoney giải thích, “đó là hình thức vận động duy nhất của con người mà có lợi ích lớn nhất”, và đối với chúng ta, những kẻ đầu óc lúc nào cũng trên mây, đi bộ là một cách tốt nhất để tái kết nối với mặt đất dưới chân,
“Không có cách nào trở về mặt đất tốt hơn việc đi bộ: với tính bất biến vô cùng của đất” — Frederic Gros
Ngoài việc tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, đi bộ là một cách tuyệt vời để kết nối với cơ thể vì nó là một trong những hình thức vận động tự nhiên nhất của con người. Hơn nữa, với việc sử dụng nhất quán đôi chân của chúng ta mà hoạt động này đòi hỏi có thể thúc đẩy cách tiếp cận cuộc sống một cách tích cực hơn, như Lowen ghi nhận,
“Tính tiên phát được kết nối trực tiếp với hoạt động của đôi chân ở người trưởng thành vì đôi chân đưa chúng ta tới nơi chúng ta muốn. Nếu khả năng vận động của đôi chân ở một người bị suy giảm, tính tiên phát của hắn cũng sẽ giảm”
Kiểu đi bộ cần thiết để đạt được những lợi ích to lớn không phải là kiểu đi bộ ra chợ mua đồ, mà là nhắm thẳng tới lợi ích của việc đi bộ. Đó là việc đi bộ được tính bằng giờ, không phải tính bằng phút.
“Tôi cho rằng tôi sẽ không đạt được sức khỏe và tinh thần minh mẫn, trừ khi tôi dành ít nhất bốn tiếng mỗi ngày — hoặc hơn — chạy băng qua những cánh rừng, những ngọn đồi và cánh đồng, hoàn toàn không dính dáng gì tới thế gian” — Henry David Thoreau
Nhưng trong khi đi bộ có thể giúp xây dựng cơ thể theo cách tiếp cận cuộc sống một cách chủ động hơn, thì một rào cản nữa mà nhiều người trong chúng ta sẽ gặp phải để phát triển nhân cách, đó là sự thiếu thoải mái bên trong làn da của chúng ta.
“Vì một điều cần thiết: rằng một con người nên đạt được sự hài lòng với chính mình… Bất cứ ai không hài lòng với bản thân sẽ liên tục sẵn sàng trả thù, chúng ta và những người khác sẽ là nạn nhân, nếu chỉ bằng cách chịu đựng hình ảnh xấu xí của hắn” — Nietzsche viết trong “The Gay Science”
Sự hài lòng với bản thân của một người là một yếu tố quan trọng cho một nhân cách lớn và sự tự hài lòng này tới từ việc chúng ta phải hài lòng với cơ thể của mình. Nếu chúng ta quá tự ý thức hoặc xấu hổ về cơ thể của mình, điều này sẽ tạo nên vết sẹo lớn trong tính cách và cản trở khả năng tận hưởng các tương tác xã hội. Thay vì di chuyển một cách tự nhiên, phối hợp và tổng thể một cách uyển chuyển, cảm giác không thoải mái trên da sẽ tạo ra chuyển động vụng về và cứng nhắc.
Bước đầu tiên để xây dựng một hình ảnh cơ thể khỏe mạnh là từ bỏ ý tưởng ràng buộc niềm tự hào hay nỗi xấu hổ về cơ thể của chúng ta. Vẻ đẹp bề ngoài được đánh giá cao trong xã hội hiện đại phần lớn là sản phẩm của gen di truyền cộng với quá trình lão hóa do tuổi tác, do vậy, ai trong chúng ta cũng đều có thể có được thời điểm vàng của mình. Nhưng đối với những người bình thường, những người không được sinh ra với vẻ đẹp siêu thực từ Hollywood, chúng ta cũng không cần phải tuyệt vọng, vì niềm tự hào về cơ thể của chúng ta vẫn có thể đạt được nếu chúng ta kiên trì theo đuổi lối sống lành mạnh. Thay vì đo lường giá trị cơ thể dựa trên vẻ bề ngoài, chúng ta nên phấn đấu cho lý tưởng về sức mạnh của cơ thể.
“Điều gì là tốt? — Tất cả những thứ đề cao cảm giác và ý chí về sức mạnh, bản chất sức mạnh của con người. Điều gì là xấu? — Tất cả những thứ gây ra sự yếu kém. Điều gì là hạnh phúc? — Cảm giác thấy sức mạnh đang tăng lên — cảm giác đã vượt qua điểm giới hạn” — Nietzsche viết trong cuốn sách “The Antichrist”
Làm thế nào chúng ta có thể phát triển sức mạnh cơ thể mình? Chúng ta tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng và tham gia vào các hoạt động sử dụng khía cạnh thần kinh của con người. Những hoạt động như vậy có nhiều hình thức, có thể là vẽ tranh, điêu khắc, đóng đồ đạc, sửa chữa đồ đạc, học một môn thể thao, nâng tạ, leo núi, chơi nhạc cụ hoặc khiêu vũ, bất cứ điều gì buộc chúng ta phải sử dụng cơ thể để đạt được hiệu quả THAY ĐỔI trong thế giới thực, như Vincent van Gogh đã nói, “Điều vĩ đại là tập hợp được sức sống mới trong thực tại”.
Khi đã thành thạo trong bất kỳ hoạt động nào mà chúng ta chọn, cơ thể sẽ không còn đơn thuần là phương tiện vận chuyển từ điểm A tới điểm B, mà thay vào đó sẽ trở thành nguồn năng lượng chính cho niềm vui và sự sảng khoái, điều đó làm cho cuộc đời này đáng sống. Việc trau dồi các kỹ năng trong thế giới thực cũng sẽ cải thiện tính thích nghi với môi trường và giúp nâng cao sự hài lòng đối với cơ thể mình.
Phấn đấu cho lý tưởng về một cơ thể khỏe mạnh có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta. Nó cung cấp một cách thoát khỏi sự đau khổ của việc bị ám ảnh bởi vẻ ngoài và đưa chúng ta vào con đường nơi có thể có được sự thoải mái thực sự và lâu dài trên làn da. Nhưng khi chúng ta thực hiện các bước tái kết nối với cơ thể thông qua việc đi bộ và định hình lại hình ảnh cơ thể thông qua việc trau dồi các kỹ năng trong thế giới thực, chúng ta cũng nên xem xét môi trường mà cơ thể chúng ta đang sinh sống. Đối với hệ “thần – hình” này, không bao giờ chúng ta có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của thế giới mà chúng ta đang ở.
Theo “The Ideal Body” — Academy of Idea