Chào mừng đã quay trở lại với #ĐỜ_MỜ_THỨ_HAI, chuyên mục duy nhất trên internet đưa ra những giả thuyết nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại rất có thể là điều không đúng. Mỗi tuần, tôi sẽ đưa ra 3 ý tưởng để giúp chúng ta trở thành những con người bớt tồi tệ hơn.
3 GIẢ THUYẾT ĐIÊN RỒ NHƯNG CÓ THỂ LÀ SỰ THẬT
Hai trong những mục tiêu quan trọng nhất của chuyên mục này là:
a) Rèn luyện khả năng xem xét các ý tưởng một cách khách quan mà không để cảm xúc xen vào
b) Nhận ra rằng thế giới phức tạp và khó hiểu hơn chúng ta tưởng tượng – để chúng ta có thể khiêm tốn hơn một chút.
Tuần này, tôi muốn tôn vinh hai giá trị này bằng cách trình bày ba giả thuyết kỳ lạ và gây khó chịu. Chúng có thể đúng hoặc không, tôi biết đếch được. Nhưng mong là bạn sẽ có thể xem xét chúng một cách bình tĩnh.
1. BOM NGUYÊN TỬ SẼ GIÚP THẾ GIỚI HÒA BÌNH HƠN
Vào ngày 6/8/1945, Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên – vũ khí khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Họ làm điều tương tự với thành phố Nagasaki vào 3 ngày sau đó, gây ra cái chết của hơn 200 nghìn người chỉ bằng một gã béo (Fat Man) và một thằng nhóc (Little Boy).
Tạ ơn chúa, đã không có thêm bất cứ một quả bom nguyên tử nào được sử dụng sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia ngừng hứng thú với vũ khí chết người này. Sau Mỹ, đã có rất nhiều quốc gia tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Liên Xô đã phá vỡ thế độc tôn về bom nguyên tử của Mỹ vào năm 1949. Anh, Pháp, Trung Quốc cũng làm được điều này và giờ thì cả Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên cũng có những đầu đạn hạt nhân. Trên thế giới hiện nay có khoảng gần 14000 đầu đạn hạt nhân, đủ sức biến mọi thứ trở về với thời đồ đá. Vũ khí hạt nhân hiện nay không chỉ gia tăng về số lượng mà là cả sức tàn phá. Quả bom Sa Hoàng từng được Liên Xô chế tạo được cho là có sức công phá gấp mười lần tất cả số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Thế chiến thứ 2, tính cả Fat Man và Little Boy.
Tuy nhiên, khác với sự đáng sợ mà người ta vẫn nghĩ về thứ vũ khí này, tôi cho rằng bom nguyên tử là một nhân tố giúp thế giới trở nên hòa bình hơn, và sẽ ngày càng có ít chiến tranh hơn vì sự có mặt của vũ khí hạt nhân.
Số lượng các cuộc chiến tranh trên thế giới đã giảm đi rất nhiều kể từ sau khi bom nguyên tử được phát minh. Đã rất nhiều năm trôi qua mà không có thêm một cuộc chiến nào giữa các cường quốc lớn. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hòa bình nhất trong lịch sử loài người. Các cuộc chiến đã suy giảm quá lâu và trở nên hiếm hoi đến mức các chuyên gia chính sách đối ngoại đã gọi 50 năm qua là “Hòa bình lâu dài” (The Long Peace).
Giả thuyết là tất cả các quốc gia đều e sợ sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân. Khi một cuộc chiến hạt nhân xảy ra, tổn thất ở cả 2 bên sẽ vượt xa những gì họ có thể thu được từ chiến tranh. Nếu Mỹ gây chiến với Triều Tiên, họ có thể sẽ dành chiến thắng nhờ số lượng đầu đạn hạt nhân vượt trội của mình. Nhưng Triều Tiên cũng có thể phá hủy New York và Washington bằng tên lửa đạn đạo của họ và biến thắng lợi của Mỹ trở nên vô nghĩa. Đó là lý do mà dù mâu thuẫn từ rất lâu, cả Mỹ và Triều Tiên đều không hề có xung đột quân sự nào. Đó có thể cũng là lý do mà Ấn Độ và Pakistan liên tục lùi bước, và tại sao Ấn Độ và Trung Quốc nhanh chóng thỏa hiệp trong những căng thẳng ở biên giới.
Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, các quốc gia nếu không có bom nguyên tử thì cũng sẽ có đồng minh có bom nguyên tử. Những tài liệu được giải mật cho thấy Mỹ đã không sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh Việt Nam vì họ e sợ sự trả đũa hạt nhân từ phía Liên Xô. Điều ấy có nghĩa là tất cả các nước đều sẽ phải giảm quy mô xung đột giữa họ để tránh những sự trả đũa hạt nhân từ đồng minh của đối thủ. Bởi vì khi một cuộc chiến hạt nhân xảy ra, thì tất cả các bên đều sẽ thua.
Khi khoa học ngày càng phá triển như hiện nay, biết đâu sẽ đến một ngày tất cả các quốc gia đều có vũ khí hạt nhân. Và biết đâu, đó lại là dấu chấm hết cho tất cả cuộc chiến trên thế giới này?
2. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐANG LÀM BẠN BÉO LÊN?
Thế giới đang ngày càng nóng lên và chúng ta đang ngày càng béo hơn, đó là 2 sự thật không thể phủ nhận. Liệu 2 điều chết tiệt này có liên quan gì đến nhau không?
Làm đếch gì có chuyện đấy, cá là bạn sẽ nghĩ vậy. Tôi cũng từng tin như vậy, cho đến khi tôi tình cờ đọc được bài báo này (https://bit.ly/2Q6UEr2). Không chỉ con người đang tăng cân, mà động vật cũng trở nên béo phì hơn trong những năm qua. Không phải chỉ bọn vật nuôi ăn không ngồi rồi đâu nhé, mà còn là động vật hoang dã hẳn hoi. Trọng lượng trung bình của loài tinh tinh tăng khoảng 35% mỗi thập kỷ trong thời gian nghiên cứu. Loài khỉ ngày nay cũng béo hơn đáng kể so với vài thập kỷ trước. Nếu bạn đến những khu du lịch đảo khỉ, bạn sẽ thấy rất nhiều khỉ có thân hình không còn phù hợp với việc leo trèo cho lắm. Chúng nó thích ngồi một chỗ xin ăn và giật đồ của du khách hơn.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân mà tất cả mọi sinh vật đều đang béo lên là vì tác động của việc tăng CO2 trong khí quyển. Họ phát hiện ra rằng trong lịch sử, tình trạng béo phì gia tăng cùng với nồng độ CO2 ở các thành phố lớn. Kết quả nghiên cứu của họ cũng cho thấy việc sống trong môi trường nghiên cứu có nồng độ CO2 cao hơn sẽ làm tăng trọng lượng ở một số loài động vật có vú. Nhóm nghiên cứu này lập luận rằng nồng độ CO2 cao hơn làm cho máu có tính axit hơn, do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý chất dinh dưỡng của hệ tiêu hóa.
Giả thuyết này có thể đúng mà cũng có thể sai, tôi biết đếch được. Nhưng rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên ô nhiễm có liên quan đến sức khỏe tâm sinh lý của chúng ta. Một điều rất rõ ràng là biến đổi khí hậu tạo ra ảnh hưởng xấu đến cơ thể, tinh thần và đời sống của con người. Nó gây ra rất nhiều bệnh hô hấp và ung thư. Nó làm giảm chỉ số IQ và trình độ học vấn. Hơn hết, nó làm cho cuộc sống của chúng ta ngột ngạt hơn mỗi ngày.
Vì vậy, có lẽ chúng ta nên bắt tay vào làm cái gì đó để bảo vệ môi trường. Không nhất thiết là bạn phải khỏa thân rồi ra ngoài đường với một cái loa và nói gì đó đại loại như “hãy cứu lấy hành tinh này” trong khi múa truồng trên nền nhạc Heal the world của Michael Jackson. Nhưng bạn nên vứt rác đúng chỗ, nếu bạn không muốn béo hơn.
3. CON NGƯỜI TẠO RA NỀN VĂN MINH VÌ BIA
Trong phần lớn lịch sử loài người, từ khoảng 50.000 cho đến 40.000 năm trước, con người sống bằng cách săn bắn và hái lượm. Tổ tiên của chúng ta đi lang thang trên những thảo nguyên, hái quả mọng và săn thú rừng để có thức ăn. Họ thường sống thành những nhóm nhỏ du mục, hiếm khi tụ tập với những cộng đồng khác hoặc ở một nơi lâu dài. Lý do là vì thực phẩm rất khan hiếm và thú dữ rình rập ở khắp mọi nơi, nên người ta luôn phải di chuyển.
Khoảng 10.000 năm trước, vì một lý do nào đó, con người bắt đầu định cư thành các nhóm lớn hơn và trồng cấy để có lương thực. Nông nghiệp ra đời, và đó là khởi nguồn của những nền văn minh như chúng ta đã biết.
Khi chúng ta tìm hiểu về lịch sử loài người, ta thường nhận được một câu trả lời rằng con người đã tiến hóa và chuyển sang trồng trọt thay vì săn bắn vì nông nghiệp mang lại sự ổn định cao hơn. Đây không phải là một câu trả lời hoàn hảo. Giả sử bạn là trưởng một bộ tộc vào 10000 năm trước, việc ra lệnh cho cả bộ tộc dừng lại định cư và trồng cấy không phải là một ý tưởng sáng suốt. Thứ nhất, cả bộ lạc phải ở yên trong một vùng đất trong suốt nhiều tháng trời và đối mặt với đủ thứ nguy hiểm rình rập xung quanh. Thứ hai, vào thời ăn lông ở lỗ khi người ta chưa có chút kiến thức nào về nông nghiệp, việc trồng trọt, thu hoạch và chế biến ngũ cốc khó khăn hơn rất nhiều so với việc hái quả dại trong rừng hoặc săn tìm động vật. Việc chuyển đổi phương thức sinh tồn rất mạo hiểm và chẳng có gì đảm bảo là bộ lạc sẽ có nhiều thức ăn hơn cả.
Vậy điều gì đã thôi thúc loài người định cư và đưa ra quyết định liều lĩnh như vậy?
BIA.
Ít nhất, đó là một lý thuyết mới do một số nhà khảo cổ học ở đại học Stanford đề xuất (hoặc là những gì mà mấy gã bợm sẽ nói). Ý tưởng này được đưa ra vì các địa điểm khảo cổ lâu đời nhất được tìm thấy có chứa những dụng cụ sản xuất bia. Vào thời đó, lên men là một việc khá dễ dàng. Và thành thật mà nói, bia là một lý do không tồi để mạo hiểm quanh quẩn trên một khu đất hoang trong vài tháng.
Bạn có thể thấy khó tin, nhưng thực tế là người cổ đại không làm bia như những thứ chúng ta vẫn uống trong lon Heineken. Trong cuốn sách Chìa khóa bất tử (The Immortality Key), tác giả Brian Muraresku đã mô tả bia trong thế giới cổ đại mạnh hơn rất nhiều so với ngày nay, đến mức nó thường gây ảo giác. Nó không chỉ là một loại đồ uống, nó là một thứ có thể giúp con người phê pha, kiểu như ma túy bây giờ vậy.
Ngoài ra, có khá nhiều bằng chứng cho thấy các nghi lễ liên quan đến bia và rượu gây ảo giác mạnh là một phần không thể thiếu của thế giới cổ đại. Cũng dễ hiểu thôi, mọi người đều thích phê pha. Và có lẽ trạng thái get high đó là lý do vì sao người ta thường ném các trinh nữ xuống cho thần núi lửa, hoặc cái gì đó đại loại thế.
Vì vậy, lần tới khi bạn nhâm nhi một cốc bia lạnh, hãy nhớ rằng bạn có thể đang cầm trên tay tấm vé dẫn con người đến với nền văn minh… Sau đó thì hãy Ợợợợợợợợ.