(Tại sao chúng ta cứ loay hoay)
—— Tổ tiên mách bảo — phần 4
Trách mình xong rồi mới đến trách người, hay thấy cái lỗi của mình trước rồi mới tính đến cái lỗi của người khác, ai cũng biết câu này, nhưng cái đáng tiếc là ít ai làm được lắm, vì cái nếp nghĩ của chúng ta hay phóng ra ngoài nhiều rồi, nó thành thói quen, nên khi có gì xảy ra thì cứ “tại”, “bị”, “bởi vì” trước cái đã. Chứ ít khi chịu hướng về chính mình để hỏi lại, liệu mình đã làm gì chưa đúng ở đây hay không.
Cái này phải tập rất nghiêm túc, chứ không thể qua loa nói cho vui, vì vào việc thực tế thì đâu lại vào đấy, vẫn trách người và vẫn trách ngoại cảnh như cũ.
Trước tôi có phỏng vấn ai, nhất là các vị trí từ quản lý trở lên thì tôi luôn hỏi thêm câu này, liệu anh/chị nghĩ sao về câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân.”
Bằng cấp, kinh nghiệm giỏi đến mấy mà chưa có trải nghiệm sâu về câu này thì cũng dễ ra về.
Với tôi, ý nghĩa câu này là một tư duy cốt lõi, nói top 1 thì hơi quá, nhưng chắc chắn phải là top 3 tư duy của người có trí tuệ, vì nó quyết định người đó sẽ dừng lại ở ngay tầm đó hay còn có thể phát triển lên tiếp nữa hay không.
Tại sao?
Một, vì không ai thực sự hoàn hảo để quyết định đúng hết toàn bộ mọi bài toán trong cuộc đời mình, nói thẳng ra, chúng ta không giỏi như chúng ta nghĩ, và còn rất nhiều vùng tối hay vùng chưa biết (unknown) mà chúng ta chưa bao giờ biết đến.
Hai, khi bất kỳ điều gì xảy ra, dù tốt đẹp hay tồi tệ, thì chúng ta luôn có một phần trách nhiệm của mình trong đó, chứ không thể nào vô can 100% được. Vì nhân quả là tuyệt đối, nên mình gặp ai, gặp chuyện gì, cái gì xảy ra với mình thì đều là ‘quả’ của một cái ‘nhân’ mình đã gieo trước đó hết, chứ làm sao mà tự nhiên xảy ra ngẫu nhiên được.
Cho nên, nếu anh em không thấy ra được phần ‘trách nhiệm’ của mình, hay ‘lỗi’ của mình ở tình huống đó thì làm sao anh em sửa được nó, và rồi làm sao tư duy của anh em mở rộng thêm được, và quan trọng hơn là làm sao chất lượng cuộc sống của anh em được cải thiện được.
Hay nói theo chiều ngược lại, là anh em đồng ý quay lại với những vấn đề đó, cứ tồn đọng mãi trong cuộc sống của anh em, mà không có một lối thoát?
Còn một phiên bản sâu hơn của câu này nữa, đó là “tiên trách kỷ, hậu trách kỷ”
Tự vấn mình trước, rồi lại tự vấn mình thêm lần nữa, chữ ‘tự vấn’ hay hơn chữ ‘trách’, chữ ‘tự vấn’ là tự hỏi lại mình, hay tự phản biện lại mình, cái tự vấn đầu tiên là, “cái trách nhiệm của mình ở đây là gì?”
Cái tự vấn thứ hai là, “bước tiếp theo là gì? hay giải pháp của mình ở đây là gì?”
Game đời thì nó vô vàn tình huống khó để anh em giải quyết mỗi ngày, từ trong nhà cho đến chỗ làm, chỗ nào có tương tác giữa người với người thì chỗ đó sẽ luôn có ‘chuyện’ để anh em tự vấn chính mình liên tục.
Cha mẹ <–> con cái
vợ <–> chồng
mẹ chồng <–> con dâu
nhà mình <–> nhà hàng xóm
mình <–> đồng nghiệp hay bạn bè
mình <–> nhân viên hay sếp
mình <–> khách hàng hay đối tác
…
Như nói ở trên, sẽ rất khó để anh em quyết định đúng 100% trong tất cả mọi tình huống ở hết thẩy các mối quan hệ được, sẽ luôn có ‘lỗi’ (error) trong nhận thức và hành động của mình, nhưng cái cốt lõi là anh em có nhận ra cái error đó hay không ?
Nhận ra, rồi tìm giải pháp, thì anh em tiến lên, còn không thấy ra thì anh em lại loay hoay tiếp bài học đó đến khi nào học cho xong thì thôi. Anh em không trốn được đâu, lỗi đó trong tư duy anh em nên nó sẽ xuất hiện lại ở hình tướng khác với những con người khác.
Ví dụ, một ông đã có máu gái, thì dù có cưới đến 4-5 đời vợ, thì cũng không thể thấy trọn vẹn được… chỉ đến khi cái máu gái đó được giải phóng thì vấn đề cốt lõi mới được giải quyết.
Tự vấn, nó cần nhiều định tĩnh và độc lập, nó là một việc khó nên ít ai chịu tự vấn mình sau mỗi ngày tương tác với game đời.
Mỗi ngày sống là mỗi ngày anh em được trưởng thành trong tư duy lên nếu anh em biết chịu quan sát và tự vấn lại.
Người cần thay đổi đầu tiên là anh em,
Người kế tiếp là vợ hay chồng,
Tiếp nữa là con cái, bố mẹ,
Tiếp nữa là ai làm chung.
Hay lan tỏa tư duy đó đến ai thân cận mình, mà người tiên phong là chính anh em. Nó khó nhưng lại không khó, chỉ cần mình có thói quen đó trước, rồi mình sẽ kèm cho vợ con mình được.
Vì nếu người sống với anh em cũng có tư duy đó thì cả nhà trông dễ thương lắm, lát tôi sẽ kể tiếp sau.
Hồi còn ở vn, có 1 buổi họp công ty hơn 50 người, họp lúc 8h30 sáng, tôi thì quen dậy sớm đi tập tạ rồi, tập, ăn sáng, thay đồ, tầm 7h45 là tôi đã lên xe để đi rồi. Từ nhà đến cty tầm 17 phút, tôi trừ hao kẹt xe hay sự cố thì cao lắm 30 phút thì 8h15 tôi đến. Bữa họp đó, không có tôi thì không bắt đầu được. Đi được nửa đường, xe tôi chết máy, do dừng gấp nên có xe máy sau đụng vào, thế là làm kẹt nguyên khúc đường. Lúc đó 8h hơn, dù tôi đã cố xử lý nhanh nhất có thể, alo các bên hỗ trợ, mà phải 8h50 tôi mới có mặt ở phòng họp.
Vào phòng thì tôi cúi đầu xin lỗi và đồng thời cảm ơn mọi người đã chờ. Mất 20 phút x 50 người ( =16 tiếng làm việc) thì thiệt hại rất nhiều cho công ty. Tôi chỉ nói ngắn gọn, tôi đã không chuẩn bị kỹ cho việc di chuyển ngày hôm nay nên đã làm phiền mọi người, dù ai cũng biết là sự cố ngoài ý muốn và không ai trách tôi cả. Nhưng từ hôm đó trở đi, tất cả buổi họp quan trọng, thì một là tôi đi trước hẳn 1 tiếng hơn, hai là bắt xe đi riêng, có gì trên đường trục trặc thì bắt xe khác. Mãi sau này, dù gặp bạn bè, gặp đối tác, hay gặp bất kỳ ai, cái vấn đề làm phiền người khác chờ được giảm lại tối thiểu.
Điểm mấu chốt, cuộc sống được tinh giản vấn đề lại nhất, và đã có giải pháp, thì anh em sẽ có thời gian và không gian trống hơn để tập trung những việc khác, thay vì cứ đi xử lý một vấn đề lập đi lập lại.
Còn chuyện trong nhà tôi, cũng mất 4-5 năm, để tôi lan tỏa nó qua vợ mình… nên đến giờ, có gì xảy ra trong nhà, chuyện con cái, chuyện A, chuyện B… cả hai đều phản ứng giống nhau….
“Một phần lỗi của anh là… và anh nghĩ giải pháp nên là..”, tôi phản ứng,
“Em thấy phần lỗi của phía em là… và em nghĩ bản thân em nên… “, vợ tôi phản ứng tương tự,
thấy được phần lỗi của mình, tự nhiên bớt cãi vã, không khí trong gia đình nó nhẹ đi rất nhiều, trông nó dễ thương… và cái cốt nhất là, vấn đề đó sẽ bớt lập lại hoặc giải quyết triệt tiêu hẳn luôn.
Nhận lỗi thì phải nghĩ đến giải pháp liền, chứ không phải ngồi ngặm nhắm cái lỗi đó rồi thành mặc cảm tự ti… Lỗi thì ai cũng sai, quan trọng là mình có chịu sửa hay không.
Không biết sao, chứ tôi thấy hình ảnh người đàn ông lầm lỗi, mà dám đứng ra nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận trả giá, và đủ mạnh để sửa nó, bước qua nó… đó là một hình ảnh cực đẹp, vì người đàn ông đó sẽ còn tiến xa hơn nữa, chứ không thể đồng nhất anh ấy với cái lỗi đó là một, suốt đời được.
Hồi lâu tôi có kể anh em nghe, Mẫu thân tôi để tiền ngay bàn rồi bị cô giúp việc lấy… Sau khi xác nhận ai lấy rồi, nhưng Mẫu thân vẫn trách phần mình trước, là do mình đã kích thích lòng tham của người ta, để tiền hớ hên thì mất là đúng rồi, chứ Mẫu thân tôi không trách tại sao cô giúp việc tham thế, gia đình người ta khó thì tiền ít còn cầm lòng, chứ tiền nhiều thì khó lòng bước qua, lẽ thường thôi.
Tôi tin, một ngày, có cả trăm tình huống để anh em tự vấn lại mình,
Cái nào vấn đề lớn thì anh em sẽ xử lý trước, không giải quyết dứt hẳn thì cũng nên hạn chế vấn đề đó xảy ra.
Nói nôm na dễ nhớ, 1 ngày có 10 vấn đề mới tồn đọng lại, thì cuộc đời anh em đã như cái bãi rác khổng lồ rồi, rồi ngày tiếp theo, lại thêm 10 cái mới… Nếu tốc độ vấn đề nạp vào luôn cao hơn với tốc độ dọn rác (có giải pháp) thì anh em có dọn rác từ đời này sang đời khác cũng không hết, luân hồi sinh tu* nó nằm ở khúc này… Vô minh thì cứ mãi vô minh, vì tốc độ tạo nghiệp bất thiện lúc nào cũng nhanh hơn tốc độ chuyển hoá nó.
Anh em thử đi, tầm 2 năm thì cái đầu anh em sẽ thông ra nhiều thứ lắm,
Chứ không thì anh em kẹt mãi trong các vấn đề của mình, rồi lại than trời trách phận.
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của Abreu Paulo