Tôi có bà chị quen ở VN, bả kể, trước nhà bả có 1 cây cột điện, chuyện là sáng nào mở cửa ra, cũng thấy đầy rác xả ngay đó. Nếu chỉ một vài ngày lễ Tết đặc biệt gì đấy thì còn ráng chịu đựng, chứ sáng nào ra cũng thấy rác thì ức chế lắm, thế là bả đi phản ánh lên chính quyền. Êm êm được vài hôm thì đâu lại vào đấy, chuyện tình rác và cây cột điện vẫn chưa chịu chia tay nhau.
Dán cả biển ‘cấm đổ rác’ tại đây… mà hình như lại có một lực hấp dẫn vô hình nào đó, cứ càng cấm thì rác càng nhiều hơn. Càng ghi thông báo cấm nhiều lên thì càng làm cho các đối tượng phấn khích và ra tay mạnh hơn nữa… Về mặt tâm lý, nó là một dạng ‘khoái cảm ô nhục’, kiểu làm điều xấu lâu ngày đến mức thấy nó thành khoái cảm luôn.
Bả càng ức chế hơn, thế là đặt camera quay lại xem tối khuya hay sáng sớm, ai là thủ phạm đổ rác ở cây cột điện này. Quay được 2 hôm, tua lại camera xem thì bả té ngửa và bị sốc… Thì ra, cô hàng xóm hay tươi cười chào hỏi với bả mỗi sáng lại là một trong những đối tượng xả rác mạnh tay nhất… Chưa kể là hôm nào thấy rác nhiều quá, cô hàng xóm còn ra chửi phụ, móa đứa nào xả rác kỳ quá vậy.
Rồi con trai của cô hàng xóm, con dâu, gần 3-4 người nhà kế bên, xả rác cực kỳ tích cực ngay cây cột điện đó. Cái thú vị ở đây, là cả nhà đấy đều xem việc xả rác là bình thường.
Xem hết camera, thì các đối tượng xả rác đều là những gương mặt thân quen và thân thiện hay chào hỏi nhau trong khu phố mỗi ngày. Bởi thế mới nói, ‘đời lắm lúc đâu có ngờ’ và cả tâm lý con người là cả vùng trời tối khó đoán.
Tôi kêu bả, in hình mấy người đó ra và cái cảnh họ xả rác, dán ngay cột điện, mạnh tay nữa là in tầm 200 tờ, phát cho từng nhà luôn, mà bả bảo tôi, làm vậy thì kỳ quá.
Tôi cương quyết nói bả, chị phải thấy ‘ghê tởm’ với những hành động lụn bại đó, chị không đấu tranh thì đồng nghĩa là chị đang tiếp tay tiêu hủy đi tương lai của cả một thế hệ đó.
Bả bảo tôi làm quá, làm sao xả rác ở cây cột điện mà lại đưa cả thế hệ đi xuống,
Tôi mới giải thích,
Khi người ta không ghê tởm với các hành động xấu, thì đồng nghĩa, người ta đã tiếp tay và trở thành một phần của hành động xấu đó rồi.
Nếu mình không thấy ‘ghê tởm’ những hành động đó thì mình sẽ thấy nó ‘bình thường’.
Rồi cái bình thường đó, nó thấm dần trong vô thức, giống như cái nhà hàng xóm, từ người lớn đến con nít, ai cũng hành động giống nhau, vì họ thấy cái đó bình thường, đâu có gì sai trái.
Rồi thằng nhóc nhà đó, nó lớn lên, cũng có năng lực, được làm tổ trưởng khu phố đi. Rồi có người lên phàn nàn việc đổ rác ở cột điện, thì nó sẽ bảo, chuyện đó cũng ‘bình thường’ mà, hồi nhỏ tao cũng đổ, có sao đâu.
Đó là mới tổ trưởng thôi, chứ nắm chức quyền cao hơn thì nó sẽ tàn phá trên diện rộng.
‘vô thức tập thể’ cứ ngấm dần những cái tưởng chừng là ‘bình thường’ đấy, mỗi ngày một ít, rồi đến một lúc, người ta không còn muốn sửa hay thay đổi nữa… và đáng lo hơn là người ta mất đi khả năng ghê tởm với những điều sai trái.
Người ta cứ hành động một cách vô thức, chứ không hiểu được mình đang thực sự làm gì,
Mà theo luật trời đất, cái gì quá độ thì sẽ luôn có một ‘thế lực khác’ xuất hiện để cân bằng lại,
Và có thể các anh em ở đây, đang đọc bài này, cũng thuộc nhóm ‘thế lực’ đối kháng để dung hòa lại đó,
Giống bà chị tôi và vụ xả rác, tôi bảo, chị hoàn toàn có quyền im lặng và chịu đựng,
hoặc chị đứng lên để giải quyết vấn đề này đến tận cùng, dù kết quả cuối cùng không như ý muốn đi nữa, nhưng bù lại, chị sẽ đi ngủ với một tâm hồn thanh thản và không ức chế, vì mình đã cố gắng hết sức rồi.
Chị không đấu tranh, thì sẽ có người khác đấu tranh,
Sẽ luôn có một tâm thức khác đứng lên để dung hòa với ‘vô thức tập thể’ đó.
Giờ anh em hiểu tại sao, 4-5 năm trở lại đây, nhất là sau dịch cô vy, các hoạt động và chương trình hỗ trợ ‘quay về bên trong’, thực hành tỉnh thức, hay thực hành chánh niệm và thiền ngày càng mạnh lên rồi phải không?
Đó là một lực cân bằng lại sự quá độ đó,
Để người ta biết bình tâm lại, biết quan sát lại những tà kiến nó đang chạy vòng vòng trong vô thức của mình thế nào, và bắt đầu hành động có ý thức hơn. Tất nhiên, làn sóng nào đang lên thì cũng có biến tướng nhiều.
Trời đất sẽ luôn trợ duyên nếu người đó thực sự thành tâm đấu tranh.
Tôi hay nói vui, ‘cái Ông trên đó’, the guy up there, hay ông Trời, Chúa, Phật, gọi tên gì cũng được, sẽ không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai thực sự có dũng khí và nhiệt tâm vượt lên những cái xấu hết.
Vì đôi lúc, được sinh ra với hình hài ‘con người’ đàng hoàng, nhưng không phải ai cũng hành động cho ra dáng ‘người’ đúng nghĩa.
Nói về ‘vô thức tập thể’, sâu bên trong, nhiều lúc, đó là cái cộng nghiệp chung của cả một tập thể. Mà thậm chí là cả tập thể đó cũng còn đang loay hoay trong quá trình tiến hóa từ phần ‘con’ lên phần ‘người’ nữa.
Nếu anh em nào đang kẹt cứng trong giai đoạn chuyển hóa đó thì nó sẽ là những bài học vô cùng khắc nghiệt để xem ai thực sự có nghị lực để bước qua hay không.
Mấy hôm trước, có bạn còm, thời tiết nóng quá, nhà nào cũng xả máy lạnh, còn máy nóng thì phà phà ra ngoài, làm cho nhiệt độ thành phố càng khắc nghiệt hơn. Nhất là nhà nào cũng thân ai nấy lo, nhà nào vô tình kẹp giữa mấy cái máy nóng xả ra thì coi như hứng cho hết.
Đôi lúc người ta sống quen vậy rồi, đâm ra người ta chấp nhận, cô gắng ôm sự ức chế và ráng sống cho qua ngày.
Đợt rồi tôi về vn, dùng dịch vụ xe ô tô công nghệ cũng nhiều, cứ ngồi lên xe, hỏi thăm Bác tài vài câu, nghe tôi từ Mẽo về là y như rằng, bác nào cũng than, anh cũng chán lắm rồi, muốn thoát ra mà thoát không được, chứ cũng tìm đường đổi đời lắm. Kẹt xe, cạnh tranh, lạm phát, thời tiết, ô nhiễm, cây xanh thành phố thì chặt đi gần hết… cố được ngày nào thì cố, các anh chia sẻ.
Tôi hiểu lòng các bác tài, và cả các anh chị em đang trong những tình huống tương tự, nó sẽ luôn khắc nghiệt như thế vì cái nghiệp riêng của mình và cái cộng nghiệp chung của tập thể đó còn quá nặng và liên kết chằng chịt với nhau… Chuyện chuyển hóa một ‘vô thức tập thể’ là một bài toán siêu lớn mà cả tập thể đó phải cần trải qua một vài sự kiện mang tính sang chấn cực mạnh thì mới hy vọng hình thành được những nếp nghĩ mới cho những thế hệ tiếp theo.
Chuyện xả rác ở cây cột điện, chỉ là một sự việc nhỏ trong vô vàn chuyện tưởng rằng ‘bình thường’ đang diễn ra xung quanh chúng ta thôi.
Còn việc của từng cá nhân,
Cái gì đàng hoàng được thì hãy cố gắng làm cho đàng hoàng nhất,
Nếu không thể làm nó tốt hơn, thì cũng đừng tiếp tay để làm nó tệ đi.
Cheers,
Bác 7B