(Tổ tiên mách bảo – phần 1)
Bài này sẽ là bài đầu tiên trong chuỗi bài ‘Tổ tiên mách bảo’, vì tôi thấy có quá nhiều minh triết trong những câu nói đơn giản của Ông Bà ta ngày xưa, tra lại thì không biết ai nói nữa, rồi thế hệ sau cứ truyền miệng nhau trong vô thức, nhưng hiểu thế nào thì tùy theo trải nghiệm của mỗi người, nên đâm ra có quá nhiều dị bản so với nghĩa gốc ban đầu, thậm chí là cố hiểu lệch đi nên hành động cũng lệch theo.
Bài tôi viết, cũng là dị bản, là tư kiến của riêng tôi, nên anh em đọc để tham khảo thêm thôi, vì càng nhiều góc nhìn thì chúng ta càng tiến gần đến sự thật hơn, nên chưa chắc những gì tôi biên đã đúng hoàn toàn.
Tại sao tôi chọn chủ đề này, vì tôi thấy, nhiều lúc con cái mình thất bại trong game đời, báo gia đình, báo xã hội, rồi tâm lý phụ huynh hay dùng câu này để cho mình một đường lui, rằng cha mẹ sinh con thôi, còn lại do ông trời quyết cái tính của nó rồi. Cả mấy người quen quanh tôi cũng hay dùng câu này để nói mấy đứa cháu đang lệnh đường.
Thật ra, tôi luôn hỏi ngược lại, “ông trời ở đây là ông nào?”
Thì đa phần hay ú ớ với câu hỏi này,
Nếu thật sự có ông nào sinh ra tánh con mình thì mình cũng nên hỏi thêm, là ổng dựa trên cái gì hay cơ chế gì để sinh ra tánh hay tính cách của con mình như vậy chứ? có ngẫu nhiên không?
Rồi 1 câu nữa, là tại sao, ổng chọn nó vào làm con mình mà không phải là làm con của người khác?
Nếu anh em nào xưa giờ hiểu mông lung về cái vế ‘trời sinh tính’ thì có 2 cái cần đi sâu hơn:
‘trời’ ở đây là ai hay là gì?
‘sinh tính’ ở đây là sinh theo cơ chế nào?
Để giải nghĩa câu này nhanh nhất thì tôi sẽ biên lại câu này như sau:
‘Bố mẹ sinh con, nhân quả sinh tính’
Tôi thay ‘trời’ bằng ‘nhân quả’,
Bố mẹ có nhân quả riêng của bố mẹ,
Đứa con có nhân quả riêng của đứa con,
Thậm chí trước khi đậu thai, thì cái ‘nhân quả’ của đứa con đã có sẵn trước đó rồi,
Nó vào làm con của mình vì một phần trong chuỗi nhân quả đang chạy của đứa con, nó có sự tương giao hay nội kết với nhân quả của bố mẹ, kiểu khớp lệnh, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Từ đó anh em sẽ lý giải được, tại sao người ta cứ bảo, con cái phải có duyên nợ với bố mẹ, thì chính từ cái ý này mà ra.
Thế giới này, tất cả hình thành bởi 1 chữ ‘duyên’, hay điều kiện mà thôi, đủ duyên thì sinh, và đủ duyên thì diệt, nên không có quả nào trên đời này mà không có nhân cả, nên đứa con chính là ‘quả’ của tổ hợp các nhân đã gieo trong quá khứ, của đứa con, của bố mẹ, và của cả chung 3 người.
Nên tùy đứa, có đứa con nó đến báo ân, có đứa đến báo oán, tùy theo nhân quả trước đó giữa 2 bên thế nào.
Cái khó ở đây, là ngay lúc sinh nó ra, không biết nó đến đòi nợ hay trả nợ, dù đòi hay trả, thì điều bố mẹ có thể làm cho con mình là gì?
Đó là gieo những nhân mới, duyên mới liên tục cho con mình thôi,
Luật cân bằng luôn tồn tại, và hãy làm điều tốt nhất cho con mình,
Nên nếu là nợ, thì bớt nợ,
Nên nếu là ân thì ân càng sâu hơn.
Còn nếu phụ huynh nào đã cố gắng suốt mấy chục năm trời, tạo điều kiện tốt nhất cho con mình rồi, mà cuộc đời nó vẫn đi hướng khác thì anh chị có thể hiểu, mà phần cố gắng của mình vẫn chưa đủ để cân bằng lại cái nghiệp hay cái chuỗi nhân quả của con mình nó gieo trong các cuộc đời trước.
Mà cái cốt lõi nhất là anh chị phụ huynh phải cố gắng hết sức đã,
Mình trợ duyên cho nó được bao nhiêu thì trợ lực hết mình, cồng lưng xuống mà làm bệ phóng cho nó.
Vì có những đứa con nó rơi vào trường hợp, là nửa-nửa, 50-50, cũng có phước tốt nhưng cũng có quả xấu,
Riêng cái này, chỉ cần vài duyên nhỏ từ Bố mẹ là nó đi theo hướng ngon ngay,
Đọc đến đây, sẽ có vài trường hợp cho anh em quán chiếu rộng ra, sẽ thấy rất dễ,
Có nhiều đứa con, bố mẹ không hề đụng tới luôn, thậm chí còn đè nó xuống tận đáy, vậy mà nó lớn lên vẫn này nọ, vẫn ngon lành như thường,
Còn có đứa, nguyên dòng họ gắn cả tên lửa sau lưng nó, vậy mà nó vẫn tạch.
Nên ‘Trời sanh tánh’ chính là ‘nhân quả sanh tánh”
Sau này, thì các nhà nghiên cứu khoa học bảo là, bố mẹ sinh con, ‘gen di truyền’ sinh tánh,
Mà ngẫm kỹ thì gen di truyền ở đâu mà ra, cũng là do nhân duyên quả trước đó mà ra thôi. Chứ đâu phải tự nhiên mà lồi ra cái gen xịn hay tạch thế.
Nói vài cái nữa để anh em kiểm chứng lại chỗ này,
Giống như tôi, ngay từ nhỏ, tôi rất sợ nghe riếng bắp rang, nhất là ai nhai bắp rang kế bên, là người tôi nổi hết da gà rồi tê cứng tay chân luôn. Thậm chí viết thế này mà còn nổi da gà nữa, mà trong gia đình truy hết 3 thế hệ, không ai bị như vậy.
Sợ tiếng bắp rang, được gọi là một ‘sang chấn’ trong quá khứ, nó là ‘quả’… nên chắc chắn phải có cái nhân là tôi đã có trải nghiệm gì đó với bắp rang trước đó rồi.
Có một số nỗi sợ của chúng ta là thuộc về quá khứ, trước khi chúng ta có mặt, nó tồn đọng đến tận bây giờ, đủ điều kiện thì nó trồi lên.
Giống sự vô minh vậy, nó đã có trước khi anh em có mặt, và đủ điều kiện thì cái ngu của chúng ta nó lại trồi lên.
Anh em đọc lịch sử, cũng có nhiều dẫn chứng về việc ‘sang chấn’ quá khứ có thể truyền qua nhiều thế hệ.
Đôi lúc chỉ cần thấy biểu tượng đó thôi là cả tập thể đó đã bồn chồn khó chịu rồi. Như thời Pháp cổ đại, có bà hoàng hậu nào bị chém đầu, mà tận mấy trăm năm sau, thế hệ thứ 3 thứ 4 của bà đó rồi, mà mỗi lần nhắc đến việc đó, trên cổ mấy người đó vẫn nổi gân đỏ, y hệt cảnh ngày xưa của bà hoàng hậu.
Hoặc có mấy đứa, chưa gặp lần nào, mà chạm mặt lần đầu tiên là đã thấy ghét rồi, hehe
Kết lại, trời sanh tánh, thì chỉ đơn giản, ‘nhân quả’ hay dòng nghiệp lực nó đang chạy, đang sinh quả mà thôi,
Nên anh em đang làm bố mẹ thì ráng cồng lưng lên mà trợ duyên cho đứa con,
Bố mẹ giống như cây cung, còn đứa con là cái mũi tên, việc bố mẹ là cong hết người để tạo lực và tạo đà bắn… còn chuyện bắn mũi tên đi đâu, bắn về hướng nào, là chuyện của Trời Đất, hay chuyện của dòng nghiệp lực của đứa con đó mà thôi.