Trong hình là bộ dạng của tôi sau khi coi các nội dung tỉnh thức và chữa lành quá 180 phút. Mà như một lực hút, là khi anh em hay xem về cái gì càng nhiều thì thế giới lại phô diễn cái đó ra trước mặt anh em nhiều hơn.
Thật ra mọi thứ vẫn ở đó, luôn đúng chỗ của nó, chỉ là tâm ta đang tham cái gì nhiều hơn thì ta thấy cái đó nhiều lên,nên nói về tham, thì hầu hết chúng ta đều có những mức độ tham riêng, có cái thô dễ thấy, và có cái tinh vi khó nhận ra hơn.
Mà phải thấy ra được cái tham của mình thì mình mới bớt thấy mình hơn người khác, vì chúng ta đều bệnh tình đều giống nhau, chỉ khác là độ nặng nhẹ khác nhau.
Ngay cả trên hành trình gom nhặt tri thức, trông có vẻ trong sáng hơn, nhưng đâu đó về bản chất, nó vẫn là một dạng tham, mà là tham trí tuệ.
Cái trí muốn trí nhiều hơn để được thoả mãn cảm xúc nhiều hơn, chứ không hẳn người ta mong cầu trí tuệ để tự do khỏi cảm xúc. Hoặc chúng ta ‘đã từng’ hướng đến trí tuệ với cái tâm trong sáng nhưng dần dần lại trở thành nô lệ của tri thức.
Tôi hay bảo vui, trò chơi trí tuệ, đôi lúc chỉ là trò chơi cảm xúc ở cấp độ cao hơn, nó kiểu, người ta hết tìm được cảm xúc ở mấy cái dục thông thường như vật chất, tiền tài, tình cảm, công danh rồi… thì giờ sẽ là tìm kiếm cảm xúc ở suy nghĩ, ở phần tâm tưởng nhiều hơn.
Nên có thể chúng ta đang tìm đến trí tuệ để thấy mình đặc biệt hơn, để cái ngã này được trụ vào chắc chắn hơn.
Nhưng không sao cả, thấy mình đặc biệt cũng được, vì nó phải từng bước một, có bước này thì mới có bước kia, vì người ta sẽ cần rất nhiều tri kiến để bước đến gần sát cánh cửa tự do, nhưng để bước hẳn qua cánh cửa đó thì lại phải cần bỏ lại toàn bộ tri kiến trước đó.
Khó, nên đa phần chúng ta chọn con đường quay lại, để ôm trọn những gì mình đã biết.
Nếu tạm chia thế giới ra làm 2 phần,
Một phần là những gì chúng ta đã biết,
Phần còn lại là những gì chúng ta chưa biết,
Thì sự thật, cái phần ta biết sẽ rất nhỏ so với cái phần ta chưa biết, vì vũ trụ quá vĩ đại mà anh em.
Nên chỉ ôm trọn phần đã biết thì rút cuộc, chúng ta chỉ đang sống một phần rất nhỏ so với tổng thể thôi.
Learn rồi Unlearn, học cố rồi phải học lại, đó là lộ trình của ai theo cuộc chơi trí tuệ.
Người hay nghĩ nhiều, the thinker, thật ra lại là người khó vui, khó hạnh phúc hơn người không biết nghĩ gì cả.
Đó là tại sao người đời hay ca tụng ‘tâm hồn trẻ thơ’, vì nó trong sáng và ngây ngô, và ít nghĩ ngợi gì.
Nhưng hỏi thật, nếu cho anh em được quay lại làm trẻ con như ngày xưa với cái tâm hồn trong sáng đó thì anh em có đồng ý quay về, không bao giờ thành người lớn, và ở mãi với trình độ của trẻ thơ đó hay không?
Tôi nghĩ đa phần câu trả lời là không, mỗi giai đoạn có cái hay của nó, người còn khao khát muốn thành trẻ thơ thì đa phần chưa thấy ra cái vi diệu của người lớn, thật ra, biết nhiều thứ hơn, biết nhiều cảm xúc hơn, biết khổ, biết vui rõ hơn, biết trách nhiệm và giới hạn của mình, tôi thấy người lớn cũng hay vô cùng mà.
Hôm rồi, có bài phỏng vấn, họ nói, đối tượng lý tưởng nhất để nghiên cứu bệnh u*g thu* là trẻ con, vì tụi nó không biết sợ, còn người lớn thì đầy nỗi sợ.
Thật ra, bất kỳ người lớn nào cũng từng là trẻ con cả, chỉ là nó xong giai đoạn đó rồi, nên việc người lớn hoảng sợ khi nghe mình bị u*g th* thì tôi thấy, vậy mới đúng là một người bình thường chứ.
Vậy tại sao lại cố gắng không sợ?
Chúng ta chỉ không sợ một cách tự nhiên nhất khi chúng ta thấy rõ là nó không có gì để sợ cả. Còn chưa thấy rõ bản chất thì sợ là lẽ thường.
Anh em không thể lấy suy nghĩ, hay lý trí, để đè bẹp nỗi sợ đi được, hoặc cố che khuất hay lờ nó đi bằng các suy nghĩ tích cực khác.
Vì cơ bản, ‘chân lý’ thì phải được được trải nghiệm bằng chân, chứ không phải bằng cái đầu.
Cheers
Bác 7B
——
Hình của S Terazono