Nhiều lúc tâm ta rất dễ ức chế vì không hiểu tại sao người ta lại suy nghĩ và hành động được như vậy.
Có khi mình biết họ làm vậy là thiệt thòi cho chính họ chắc rồi, nhưng nói không được, vì càng cố nói thì tâm cả hai càng trở nên sân hận nhau mạnh hơn.
Mình sân là vì mình muốn họ phải suy nghĩ giống mình thì có tốt hơn không,
Còn họ sân là vì họ thấy suy nghĩ của họ cũng đâu có gì sai mà phải nghe theo ý mình,
Chuyện đời, mâu thuẫn giữa người với người, chỉ quanh quẩn nhiêu đó thôi,
Vợ chồng chia tay, anh em trở mặt, đối tác quay đầu, con cái bất tuân, cũng chỉ vì ai cũng muốn đối phương giống mình cả.
càng muốn người ta nhận thức giống mình thì mình càng khổ và làm luôn người ta khổ, vì bản chất trong nhận thức của một người nó bị chi phối bởi 3 yếu tố chính,
tiền nghiệp,
khuynh hướng tâm lý,
và môi trường sống,
nên có khi 3-4 anh em cùng lớn lên trong một gia đình, có nghĩa là chung môi trường sống, nhưng thái độ và nhận thức về đời sống của 4 anh em đều khác nhau hoàn toàn. Nguyên nhân là vì hệ thống niềm tin và thói quen ‘ẩn’ của chúng ta đã có sẵn rồi, trước cả khi chúng ta sinh ra. Đó là cái mà anh em phải nhận thức ra sớm.
thói quen ẩn của một tập thể đủ lớn thì nó sẽ trở thành ‘văn hoá’ của tập thể đấy, ngay tại vùng miền đó.
đơn cử, nhiều lúc anh em thắc mắc tại sao người ta cứ chen lấn, giành giật nhau, mà không chịu trật tự xếp hàng, nó thành cái nếp, lý do chính là do một số sự kiện trong quá khứ đã làm cho họ bị sợ hay kiểu sang chấn tâm lý rằng nếu không giành thì họ sẽ bị mất phần.
nên khi quan sát hành động và thái độ của bất kỳ ai trong một tình huống cụ thể thì anh em phải nhìn sâu thêm một lớp nữa,
một, là chắc chắn có một hay nhiều sự kiện trong quá khứ đã lập đi lập lại đủ nhiều, nên đã hình thành cái ‘vết hằn’ trong tư duy và hành động của họ rồi.
hai, là họ đã cố gắng làm điều tốt nhất trên chính tầng nhận thức của họ ngay lúc đó. Nhớ là tốt trên tầng bậc của họ, chứ không phải tốt trên tầng bậc của mình.
khi anh em đang học bài học cuộc đời ở lớp 5 đi chẳng hạn, thì không có cách nào anh em giải quyết vấn đề đó ở trình độ của lớp 12 được.
nên khi anh em thấy, sao đơn giản thế mà mãi họ không nghĩ ra thì anh em lại tiếp tục nhìn rộng ra tiếp,
một, có khi họ kẹt ở vấn đề A B C, nhưng lại sáng ở vấn đề D E F, nhưng ngược lại, anh em không kẹt A B C mà lại kẹt D E F. nên ở đời, chưa biết ai hơn ai đâu.
hai, là hãy hoan hỷ đón nhận rằng, đây là bài học của mỗi người cần học ngay lúc đó. Hay nói chuyên môn hơn, đó là dòng nhân duyên quả mà chính người đó cần trải qua.
anh em bước ra đời, rất dễ thấy trong nhiều tình huống, chỉ cần họ cải tiến trong cách làm một tý thôi hay thay đổi thái độ một tý thôi là cuộc sống của họ sẽ khác bọt ngay… nhưng cái đau là họ vẫn tin chắc điều họ đang làm là tốt nhất.
bà bán phở, chú bảo vệ, ông đồng nghiệp, chị đối tác, rồi bác sếp, rồi đến các thành viên trong gia đình… cơ chế ‘tin sao làm vậy’ nó diễn ra trong tất cả chúng ta.
nên chất lượng cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi chất lượng suy nghĩ của chính người đó,
giác độ đến đâu thì cuộc đời đến đó,
anh em nào nhận thức được đến đây thì sẽ thả lỏng ra rất nhiều… và lý giải được tại sao cuộc đời này lại có nhiều người khệnh khạng và quấy đến như vậy.
Vì ngay lúc đó, họ tin rằng, làm như thế là điều tốt nhất cho bản thân họ rồi.
Tôi nhớ, cách đây mấy chục năm, gần khu nhà tôi, có Bà mẹ bán bún bò, trúng 5 tờ độc đắc, một tờ thì bà mẹ để dành sửa nhà và dưỡng già, còn lại 4 tờ kia thì chia cho 4 đứa con.
có ông con vừa nhận xong thì lao đầu đi hưởng thụ ngay, mua xe mới, quần áo hiệu, rồi tập tành các cuộc vui nhiều tiền hơn, banh bóng, cá độ, hút chích.
nhưng có ông nhận xong, mua liền miếng đất để dành, rồi vẫn đi làm bình thường,
có ông thì 50% để dành, 50% hưởng,
nói chung mỗi ông một kiểu, vì ông nào cũng đã làm điều tốt nhất trên chính nhận thức của mình lúc đó rồi.
kết cục mấy chục năm sau, mấy ông để dành thì tôi không rõ. Nhưng riêng ông ăn chơi xả láng thì mới có 3 năm là banh xác, sạch tiền, vợ bỏ, còn thêm cục nợ về báo Bà già ổng nữa. Bị yang hồ quật cho vài trận, mãi sau này, chắc thấm đòn rồi, ổng sáng mắt ra nên thương bà già hơn, rồi nối nghiệp bán bún bò của gia đình. Được chục năm, có tý vốn kha khá, rồi cưới vợ lần 2 và đi xuất ngoại đến giờ luôn.
nên tôi vẫn hay nói,
khổ đau luôn là liều thuốc bổ,
có cái khổ làm người ta càng khổ trong khổ,
nhưng có cái khổ làm người ta đi đến con đường diệt khổ!
do vậy, ra đời, anh em vui vẻ đón nhận được người khác thì quá tốt,
còn chưa thể thì cứ phản ứng theo đúng cách mà anh em đang cho là tốt nhất với chính nhận thức và cảm xúc của mình lúc đó.
Anh em chọn gì cũng được, không sao cả,
khổ vài lần lặp đi lặp lại là mắt bớt bụi ngay…
vì dòng nhân quả sẽ luôn điều chỉnh và sắp xếp những bài học phù hợp cho anh em, với con người khác, trong tình huống khác, nhưng bản chất vấn đề vẫn tương tự nếu bài học đó anh em học mãi chưa xong.
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của Chogiseok