Dr. Jordan Peterson
Phần 4/5
Dịch bởi Thuận Ân
Bản dịch có những chỗ chuyển đổi ngữ cảnh cho phù hợp với đọc giả page Vagabond.
LƯU Ý QUAN TRỌNG: Bài này không bàn về vấn đề thần học. Nội dung bài dịch là quan điểm Jordan Peterson, không phải quan điểm của Page Vagabond và người dịch Thuận n.
Link: https://www.youtube.com/watch?v=f-wWBGo6a2w
Transcript: https://www.jordanbpeterson.com/transcripts/biblical-series-i/#C4
Từ giây 1:03:20 ~ 1:33:14
Tôi hi vọng đạt được điều gì? Tôi chỉ hi vọng rằng sau chuỗi bài này, tôi biết nhiều hơn so với khi bắt đầu. Đấy là mục tiêu của tôi vì thật ra những điều tôi sẽ chia sẻ không phải là những điều tôi đã biết – Tôi đang cùng học, cùng mò mẫm với các bạn. Và việc giảng bài này là một phần của quá trình đó. Do đó thú thật là tôi sẽ cố hết sức trong quá trình nghĩ đến đâu nói đến đó này. Dù đã chuẩn bị sẵn, nhưng tôi sẽ nghiêng người nơi đáy vực để cố đẩy giới hạn của bản thân ra xa xa, và cố nhìn thẳng xuống đáy để làm rõ mọi chuyện. Tôi thấy bạn cũng có hứng thú, vậy hãy cùng nhau đi hết chuyến hành trình này. Đấy là kế hoạch của chúng ta.
Ý tưởng của chuỗi bài này là hãy cùng xem nền tảng của hệ thống văn minh Phương Tây Kitô-Do Thái mà các thế hệ tổ tiên của chúng ta đã xây nên, đã tạo thành một hòn ngọc trai tuyệt đẹp vì nhiều lý do khác nhau. Vì tôi cho rằng nếu ta chỉ cần hiểu rõ hơn đôi chút giá trị của những nền tảng tôn giáo này, ta sẽ không mau mắn quẳng chúng đi như hiện tại – Và tôi cho rằng đây là sai lầm lớn của thế hệ chúng ta.
Đặc biệt là khi lý do chối bỏ nền tảng tôn giáo bởi thù hằn chán ghét, ngu ngơ với lịch sử, cay cú, ganh tị, mong muốn phá hoại, và những lý do tương tự thì quá sức tệ hại. Chúng ta cần những nguyên nhân đàng hoàng hơn để bỏ hay giữ.
[slide 1]
Được rồi, vậy tôi sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào? Trước hết tôi nghĩ dưới những thuật ngữ theo thuyết Tiến Hóa. Theo những gì khoa học biết, tuổi thọ của vũ trụ cỡ 15 tỉ năm, và có sự sống ít nhất ở trên Trái Đất này cỡ 3,5 tỉ năm. Và những loại sinh vật có hệ thần kinh tương đối phát triển có mặt cách đầy tầm 300 đến 600 triệu năm trước. Động vật hữu nhũ sống trên cây đồng thời là tổ tiên của ta thì tầm 60 triệu đến tầm 7 triệu năm trước – đây là thời điểm ta tách khỏi vượn. Người hiện đại có vẻ bắt đầu xuất hiện tầm 150000 năm trước, và những xã hội văn minh thì là từ sau thời kì băng hà, khoảng tầm 15000 năm trước. Về cơ bản là chưa lâu. Và đó là khoảng thời gian tôi muốn tìm hiểu.
Tôi muốn hiểu được vì sao chúng ta lại là chúng ta, bằng cách nhìn vào sự sống một cách liên tục từng thuở bắt đầu. Có sự hữu ích trong đó vì phần “con” vẫn còn trong phần “người” – kể cả loại con ấy đơn giản cỡ loài giáp xác. Loài giáp xác có đặc trưng trong hệ thống thần kinh của chúng giống chúng ta, và thật sự quan trọng để biết điều đó. Tôi thích nghĩ theo hướng tiến hóa vì đấy là một cách nghĩ lớn lao và đặc biệt nhờ độ phủ thời gian của nó. Quả là điều thần kì vì rõ ràng rằng vào đầu và giữa thế kỷ 19, rất nhiều người vẫn còn nghĩ rằng Trái Đất chỉ mới 6000 năm tuổi. 15 tỉ nhiều hơn số ấy nhiều, lớn hơn và vĩ đại hơn, nhưng nó cũng lạ lùng và đáng sợ hơn hẳn. Theo một ngữ nghĩa nào đó, vũ trụ này đã trở nên quá lớn so với khả năng suy nghĩ của con người. Và điều này dẫn đến việc con người cho rằng họ chỉ là một thứ chẳng quan trọng gì trên một nơi chẳng quan trọng lắm tại một cái thiên hà trong xó nút ổ chuột giữa hàng ngàn thiên hà khác.
Rất dễ để xem bản thân bạn chẳng là gì cả với một quãng thời gian trải rộng như vậy. Và đó là thử thách thật sự cho mọi người. tôi cho rằng đấy là một sai lầm khi suy nghĩ vậy, vì nhận thức là một cái gì đấy rất lớn so với những gì ta nghĩ. Đấy vẫn điều mà nhân lao5i phải vật lộn. Tôi là một người suy nghĩ theo hướng Lý thuyết phân tâm học. Tức là tôi tin rằng mỗi người là một tập hợp của những tâm phụ, và những tâm phụ ấy thì rất tỉnh, chứ không phải là những bánh răng,. Chúng có quan điểm riêng của chúng, khát vọng của chúng, có góc nhìn của chúng, có những tranh cãi riêng, có cảm xúc riêng. Chúng như là đại diện có độ phân giải thấp của bạn.
Khi bạn tức giận, ấy là một đại diện cấp thấp của bạn. Nó chỉ muốn giận dữ, chỉ muốn ăn gì đó, hay chỉ muốn nước, nó chỉ muốn tình dục. Đó là bạn, nhưng thu nhỏ lại và tập trung chuyên vào một hướng chuyên biệt nào đó. Tất cả những hệ thống động cơ ấy rất rất là cổ xưa, rất cổ đại, và rất rất mạnh. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cách ta thể hiện bản thân. Như Freud chỉ ra rằng cái Nó (Id), ta phải nghiệm ra cách nào để thuần phục những động cơ đầy bản năng và thú tính nhưng lúc nào cũng ẩn đi ấy sao cho tất cả chúng ta đều có thể sống chung một đất mà không làm phương hại nhau: Đấy là điểm chung giữa vượn và người. Do đó tôi rất nghiêm túc với giả thuyết rằng con người ta là một tập hợp lỏng lẻo của những linh hồn.
Nhớ rằng trong Cựu Ước, người ta nói rồi trí huệ bắt đầu khi chúng ta biết kính sợ Thượng Đế. Tôi cho rằng ý tưởng tập hợp linh hồn cũng giống như vậy. Nếu bạn biết rằng bạn không nắm quyền hoàn toàn cơ thể của bạn, và có những nhân tố khác trong hậu trường – như cách người Hy Lạp cổ đại nghĩ rằng loài người chỉ là đồ chơi của thánh thần, và đấy là cách họ khái niệm hóa thế giới. Về cơ bản cũng cùng một ý tưởng rằng có những thế lực vĩ đại di chuyển ta, điều khiển ta, rằng ta không sáng tạo, và ta là tôi tớ của họ theo một ngữ nghĩa rằng nếu ta thần phục họ, họ sẽ tác động đến định mệnh của ta. Đấy là quan điểm Hy Lạp.
Hiểu được điều đó sẽ giúp bạn trở nên khiêm tốn, và biết rằng có rất nhiều thứ chạy ngầm. Bạn chỉ là tài xế của một cỗ máy rất phức tạp, nhưng bạn chẳng hiểu rõ nó lắm, và cỗ máy cũng có những động cơ riêng cùng phương pháp riêng của mình. Đôi khi bạn cho rằng nó làm điều này, nhưng thật ra nó làm điều khác hẳn. Bạn thấy điều đó hiển thị mọi lúc trong tâm lý trị liệu, vì về cơ bản bạn giúp ai đó gỡ rối khuôn mẫu hành vi mà họ hiển lộ suốt từ đó đến giờ. Đầu tiên bịnh nhân miêu tả và nhận thức được nó, rồi họ mới có thể rõ được nguyên do. Họ không biết tại sao bản thân lại hành xử như vậy. Nhưng họ phải có kí ức nguyên khởi để đúc khuôn mẫu hành động. và do đó kí ức ấy phải được lôi về tâm trí. Rồi được phân tính và làm rõ. Để rồi từ đó bịnh nhân mới có thể nghĩ ra cách hành xử khác đi. Đấy là một điều vô cùng phức tạp.
[slide 1]
Về văn học một chút. Chủ nghĩa hậu hiện đại có ý tưởng thế này về văn học, và mở rộng ra là về thế giới, là rằng nếu bạn đi sâu vào phân tích một tác phẩm văn học phức tạp, tỉ dụ một vở kịch của Shakespeare, thì sẽ có giới hạn cách diễn giải. Bạn có diễn giải theo từng từ, từng cụm, từng câu, từng đoạn. Hoặc diễn giải cả vở kịch. Cách diễn giải của bạn phụ thuộc và số lượng sách bạn đã đọc, hay góc nhìn và định hướng của bạn trên thế giới này. Cách diễn giải phụ thuộc vào một lượng lớn các biến số – tỉ dụ mức độ hiểu biết văn hóa của bạn, và do dẫn đến một lượng lớn khả năng diễn giải khác nhau. Chính điều này hơi phản thùng những nhà hậu hiện đại, vì nếu có vô hạn những khả năng diễn giải, thì cách diễn giải nào đúng hơn những cách diễn giải khác? Giá trị của chúng đến từ đâu? Và do đó thì giá trị của tác phẩm đến từ đâu, có chắc rằng nó là tác phẩm vĩ đại hay không hay chỉ đơn thuần là sản phẩm của những người nắm quyền tìm cách duy trì quyền lực của chúng? Và ý tưởng quyền lực ấy là một trong những ý tưởng rất đặc trưng của Hậu Hiện Đại, nhưng cũng đồng thời rất tiêu cực. Những nhà Hậu Hiện Đại đã nêu quan điểm của mình, và quan điểm đúng là có rễ cắm trong thực tại.
[slide 2]
Đúng, bạn có thể diễn giải mọi thứ đến vô cùng, khi nào chán thì thôi. Nhưng trước hết tôi muốn cho bạn xem cái này. Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất tôi từng thấy. Dưới đáy bức hình này là từng dòng một của Kinh Thánh. Những dòng kẻ bạn thấy thể hiện rằng nó được nhắc đến ở dòng nào nào khác trong Kinh Thánh bằng cách này hoặc cách khác. Đây là cuốn sách siêu liên kết đầu tiên. Tôi rất nghiêm túc về vấn đề này. Dĩ nhiên bạn không thể bấm vào bất kì liên kết nào cả. Nhưng về mặt bản chất đây là một siêu văn bản. [Vì những tác giả của Kinh Thánh đã làm việc với những điển tích khi tất cả đã hoàn tất. ít nhất giả thuyết là vậy; Và khi đã xong thì không thể ảnh hưởng điểm bắt đầu – Nhưng trên thực tế thì hậu quả sự kiện có thể khiến bạn thay đổi cách nhìn vì lúc đó bạn đã tái diễn giải lại sự kiện sự vật, và do đó chúng không còn như xưa nữa. Về mặt kĩ thuật hiện tại không thể tác động đến quá khứ.
Nhưng nếu bạn đang viết một quyển truyện, và bạn đã viết đến cuối, thì khi bạn viết hay sửa phần đầu truyện, bạn có thể kết nối mọi thứ lại với nhau. Có tới 65000 tham khảo chéo, và tấm bản đồ này cho thấy điều đó. Đây là một hoạt ảnh hóa tuyệt vời cho Kinh Thánh. Vì sao cuốn sách này lại sâu sắc? Vậy bạn hãy nghĩ về số lượng đường đi và cách đọc nó. Bạn có thể bị lạc trong hành trình ấy. Bạn sẽ không thể nào đọc hết một cách toàn vẹn 65000 tham khảo chéo ấy được. Có lẽ tôi hơi nói quá, nhưng tôi nghĩ bạn hiểu khối lượng 65000 tham khảo chéo lớn đến nhường nào.
Và thêm một chỉ trích đích xác từ những nhà Hậu Hiện Đại: Làm các quái nào bạn sẽ xác định thế nào diễn giải kinh điển? Bất khả thi. Và vấn đề lớn hơn xuất hơn xuất hiện:Những nhà Hậu Hiện Đại tiếp tục mở rộng lý thuyết của mình ra thế giới thật. Đúng thật những văn bản đã quá phức tạp, và thế giới thật thậm chí còn phức tạp hơn, vậy thì chắc hẳn có vô tận cách nhìn đời, vậy cách nào mới là cách nào đúng hơn, tốt hơn?
Đó là một câu hỏi tốt. Những nhà Hậu Hiện Đại thì có câu trả lời là: “Chúng ta không thể .” Đấy không phải là một câu trả lời tốt vì bạn sẽ bị nhận chìm trong hỗn mang trong những tình huống ấy. Bạn sẽ chẳng thể cắt nghĩa được gì, và điều đấy không tốt, vì sống là phải diễn giải. Trạng thái ấy là một trạng thái cực dễ gây âu lo và trầm cảm. nếu mọi thứ trở nên quá hỗn loạn mà bạn chẳng thể nắm bắt được nó thì cơ thể của bạn sẽ lập tức chuyển sang trạng thái chuẩn bị nguy cấp. Nhịp tim của bạn sẽ tăng cao, hệ miễn dịch sẽ dừng hoạt động. Bạn sẽ tự đốt cháy chính mình, bạn sẽ lão hóa cực nhanh, vì quanh bạn là những điều những thứ bạn không thể điều khiển. Đấy là một cuộc khủng hoảng hiện sinh và tạo ra những gánh nặng khủng khiếp lên con người ta. Thêm vào đó, theo sinh lý học thần kinh thì chúng ta sẽ không thể trải qua bất kì cảm xúc tích cực nào trừ phi ta có mục tiêu và ta có thể nhận thấy bản thân đang hướng đến mục tiêu ấy.
Chính xác không phải cái đích làm ta hạnh phúc, hẳn bạn cũng biết khi bạn có cái gì đó. Ngay khi bạn có được điều bạn muốn thì trò chơi kết thúc, do đó bạn phải chơi trò mới. Ấy là Sisyphus vậy. Và điều không sao cả. Nhưng qua ví dụ trên ta có thể thấy được điều có thể đạt đến, cái phần thưởng ấy không phải thứ chính thúc đẩy chúng ta, vì chính nó sẽ là thứ làm trò chơi sụp đổ. Ấy là khi bạn tốt nghiệp đại học. Ngày tốt nghiệp bạn là vua, và năm năm sau đấy bạn làm tạp dịch cho Starbuck.
Con người là những sinh vật kì lạ. Chúng ta sẽ hoạt động tích cực hơn nhiều nếu ta có mục tiêu và vận động để đạt được nó hơn là sau khi ta đã có nó. Mà có mục tiêu thì tức là bạn phải có kiến giải riêng của mình về thế giới này. Và đồng nghĩa với việc có mục tiêu tốt hơn, xịn hơn thì chính bản thân của bạn sẽ trở nên cao quý hơn. Đấy là một điều rất thú vị vì rõ ràng từ thuở tấm bé ta đã nghe về việc phải hành xử như người tốt. Tỉ dụ người tốt thì không nói dối nè. Thế là bản sẽ tự phản biện: Tại sao không? Tại sao phải hành xử như người tốt? Vì sao không được nói dối?” – và rõ ràng là bọn con nít thông minh sẽ hỏi câu đó nhiều hơn hẳn và chúng biết nói dối sớm hơn. Và thêm nữa là tụi nó sẽ nghĩ được đến mức rằng:
“Tại sao ta không thay đổi thực tại để thực tại có thể phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn của bản thân mình?” Đấy là một câu hỏi hay. Tại sao không?Tại sao phải hành xử có đạo đức nếu bạn không phải gặp hậu quả mà thậm chí còn có thể giúp bạn tiến gần mục tiêu hơn? Tại sao ta không làm điều đó? Đấy là những câu hay vì chúng hề hiển nhiên chút nào.
Giờ hãy cùng tổng hợp theo cách nhìn của tôi. Bạn tự bất ổn hóa chính mình và mọi thứ trở nên rối rắm hỗn loạn. Rất tệ. Nếu bạn không có một mục tiêu cao quý, bạn sẽ trở nên nông cạn hời hợt và đầy những lạc thú rẻ tiền, và những thứ đó sẽ chẳng giúp bạn tồn tại được lâu. Không hề tốt chút nào vì đời rất khó.
Có quá nhiều khổ và rối. Và đời sẽ hết, mọi người sẽ chết, đấy là một điều rất đau khổ. Không mục tiêu cao cả thì sao bạn có thể chịu nổi tất cả những điều đó? Bất khả; và bạn sẽ trở nên tuyệt vọng. Mọi chuyện sẽ đi tệ đến tệ hại rất nhanh nếu bạn tuyệt vọng. Để chống nó thì ta cần hi vọng thông qua việc có mục tiêu cao cả, và đấy là một điều cần thiết. Đấy là cơm mọi người ăn hằng ngày không thể nào khác. Ấy không phải chén cơm thần tiên bí hiểm gì, chỉ đơn giản là có mục tiêu cao cả. Vậy ta phải định nghĩa mục tiêu cao cả, và định nghĩa đó đã được nêu một phần trong câu chuyện của Marduk: Hãy chú ý, nói năng đàng hoàng, đối diện hỗn mang và kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn. Đại loại vậy. Và đó là một mục tiêu đủ cao thượng để mà bạn có thể quên nỗi hổ nhục là sự tồn tại của bạn trên cõi đời này, và từ đó có thể làm cái gì đó có giá trị, để biện minh sự sống của bạn trên hành tinh này.
Về vấn đề văn học có thể phân tích theo rất nhiều cách thì ừ thì đúng, nhưng lại sai. Các nhà Hậu Hiện
Đại sai. Như nào? Khi bạn nhìn vào văn bản, hay nhìn ra thế giới, thì bạn cần theo trình tự hợp lý và phương cách thích hợp. Vậy thì trình tự thế nào là hợp lý và phương cách thế nào là thích hợp? Bạn không muốn phải chịu khổ đến mức làm cuộc sống bị đảo lộn. Rất là hiển nhiên. Đau khổ tự biện minh cho chính nó. Tôi cho rằng đau là một thực tại nền tảng vì chẳng ai tranh cãi nổi với nó. Kể cả khi bạn phủ định rằng không đau, bạn vẫn không thể làm cơn đau mất đi được. Bạn vẫn tin vào cơn đau. Bạn không thể chống trả với nó bằng logic và lý luận. Ấy là cái hiện thực sừng sững của thực tại. Và thật là một điều có ích khi ta biết được, và khi bạn nói bạn không muốn phải nhận đau đớn nữa thì là một điều cần thiết.
Ấy là điều hiển nhiên.
Nhưng rồi bạn sẽ nói: “Gượm chút. Mọi thứ phức tạp hơn nhiều.” Bạn sẽ không muốn quá nhiều cho hôm nay, và điều này kéo dài cho cả ngày mai, hay tuần sau, tháng sau, năm sau. Do đó bạn cần hành động sao cho không phải hi sinh con người bạn ở những năm sau này, vì nếu lấy dài cấn ngắn sẽ rất hại. Và đó là vấn đề của những lạc thú ngắn hạn. “Hành động thì mau mắn, hưởng lạc thì ăn năn.” Mọi người hiểu đích xác câu trên nói về điều gì. Bạn phải hành động sao cho hành động ấy ok ở thời điểm hiện tại, ngày mai, tháng sau, năm sau và mãi sau này. Bạn phải tính luôn bản thể tương lai của bạn. Loài người có thể làm vậy. Và việc tính cho tương lai bản thân sau này cũng không khác gì tính cho tương lai người khác sau này.
Có tập phim trong “The Simpsons” như thế này: Homer trộn một mớ những Mayonnaise và Vodka lại với nhau rồi nốc chúng. Marge là vợ ông nói: “Mình à, anh biết thật sự không nên làm vậy.” Homer trả lời:
“Đấy là vấn đề của Homer của tương lai. Và anh rất ui hiện tại anh không phải gã đó.” Rất là lố lăng nhưng vô cùng hài hước. Nhưng không sao, giờ ta hãy tập trung giải quyết vấn đề. Rõ ràng bạn của tương lai là một người khác, do đó tìm cách xây dựng mối quan hệ của bạn với chính bản thân trong tương lai không khác gì lắm việc xây dựng mối quan hệ chính mình với người khác. Và từ gốc đó ta sẽ mở rộng những ràng buộc đã nói: Mục tiêu của bạn, tức cách diễn giải của bạn về thế giới, không chỉ giúp bạn bảo vệ trước những khổ những nạn, mà còn phải làm sao đó mà có thể đi cùng bạn đến già, và phải có thể hoạt động được khi có người khác cùng tham dự để bạn có thể cùng tiến và cùng cạnh tranh lành mạnh với nhau theo cách mà bạn không phải chịu thêm khổ.
Con người là những sinh vật kì lạ. Chúng ta sẽ hoạt động tích cực hơn nhiều nếu ta có mục tiêu và vận động để đạt được nó hơn là sau khi ta đã có nó. Mà có mục tiêu thì tức là bạn phải có kiến giải riêng của mình về thế giới này. Và đồng nghĩa với việc có mục tiêu tốt hơn, xịn hơn thì chính bản thân của bạn sẽ trở nên cao quý hơn. Đấy là một điều rất thú vị vì rõ ràng từ thuở tấm bé ta đã nghe về việc phải hành xử như người tốt. Tỉ dụ người tốt thì không nói dối nè. Thế là bản thân sẽ tự phản biện: Tại sao không? Tại sao phải hành xử như người tốt? Vì sao không được nói dối?” – và rõ ràng là bọn con nít thông minh sẽ hỏi câu đó nhiều hơn hẳn và chúng sẽ biết nói dối sớm hơn. Và thêm nữa là tụi nó sẽ nghĩ được đến mức rằng: “Tại sao ta không thay đổi thực tại để thực tại có thể phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn của bản thân mình?” Đấy là một câu hỏi hay. Tại sao không? Tại sao phải hành xử có đạo đức trong khi bạn không những không phải gặp hậu quả mà thậm chí còn có thể giúp bạn tiến gần mục tiêu hơn? Tại sao ta không làm điều đó? Đấy là những câu hay vì chúng chẳng hề hiển nhiên chút nào.
Bất kì sự diễn giải nào cũng chịu sự ràng buộc của thế giới hiện thực. Và cũng sẽ chịu giới hạn bởi những người khác. Có một lượng rất nhỏ những diễn giải khả dĩ trong những ràng buộc ấy. Đấy là một phần lý do những nhà Hậu Hiện Đại đã sai. Và đó là một lý do những nhà Trí Tuệ Nhân Tạo phải đóng gói những người máy ấy vào một cơ thể. Thì ra bạn không thể tạo ra thứ gì đó thông minh nếu bạn không làm nó hiện thân – và lý do thì tôi vừa nêu rồi đấy. Bạn phải giới hạn hệ thống, nếu không mọi thứ sẽ bị quá tải trong biển diễn giải. Giờ hãy đổi chủ đề.
Về đạo đức. Với tôi đạo đức thể hiện qua hành động. Tôi là một nhà hiện sinh, tức nghĩa là tôi tin rằng nếu người ta thành tâm với điều gì, người ta sẽ làm nó chứ không nói suông. Có rất nhiều cách để định nghĩa sự thật. Và từ Sự Thật có trường nghĩa rất rộng. Bạn có thể nghĩ đến sự thật khách quan, nhưng sự thật hành vi cũng tương đương. Điều bạn nên làm không hoàn toàn đồng nghĩa với điều ấy là gì (What you should do isn’t the same as what is). Người ta vẫn đang tranh cãi về vấn đề này. Hãy để tôi giúp bạn cắt nghĩa vì sao điều đó lại đúng: Bạn đang đứng trước một cánh đồng. Bạn có thể nhìn thấy cánh đồng, nhưng cánh đồng không chỉ cho bạn cách đi qua nó. Có một lượng vô hạn bạn có thể đi qua, do đó bạn không thể trích xuất được cái hướng dẫn bao hết cho việc bạn nên hành xử thế nào với dãy dãy sự thật trước mặt bạn. Quá nhiều sự thật mà bạn lại không có phương hướng. Nhưng bạn cần biết cách để đỡ khổ, cần biết mục tiêu của bản thân mình là gì, và do đó bạn cần phải chồng lên cái thực tại khách quan một cấu trúc diễn giải nhất định. Bản chất của cấu trúc diễn giải ấy sẽ là điều mà chúng ta sẽ tập trung vào.
Tôi đã cho các bạn một vài gợi ý. Chúng ta chiết xuất chúng một phần thông qua quan sát hành vi của chính chúng ta và hành vi của người khác, và một phần khác qua bản chất việc thành hình giống nòi kéo dài hàng trăm triệu năm. Ta thấy một lô lốc những sự thật, và ta áp vào một cách diễn giải đạo đức cho chúng. Cái sự diễn giải đạo đức ấy chính là việc nên làm gì với những thứ chình ình trước mặt ta. Chúng có quan hệ mật thiết với sự bảo đảm – bạn không cần mọi thứ quá phức tạp – và đồng thời là mục tiêu.
Chúng ta là những sinh vật linh hoạt, và do đó ta cần biết nơi đến của mình là gì. Nói một cách hơi điêu là tất cả những gì chúng ta quan tâm là nơi chúng ta sẽ đến. Đấy là điều chúng ta cần được biết: Ta sẽ đi đâu, làm gì, và tại sao. Đấy không cùng dạng câu hỏi với :”Thế giới này làm từ gì nếu nói một cách khách quan?”. Câu hỏi nhau nên cần những câu trả lời khác nhau. Lãnh địa chính của đạo đức mà tôi theo sát sao nhất là :”Bạn đang nhắm đến điều gì?”. Đấy là câu tối hậu cho hình mẫu lý tưởng tối hậu theo một ngữ nghĩa nào đó. Thậm chí dù bạn chỉ có một mảnh nhăn nhít lý tưởng, thì sẽ có điều gì đấy sẽ cố gắng hiện ra, thống nhất hơn, chặt chẽ hơn, toàn thể hơn, có tính ứng dụng và thực tiễn từ những vụn ấy. Vậy thì những văn chương thì sao? Nghệ thuật? Chúng không thật sự liên quan đến thế giới này. Chúng rất xa rời, trên trời, tâm linh và có vẻ không có tính áp dụng thực tiễn. Nhưng bản thân tôi là người thích ứng dụng. Do đó tôi sẽ xem xét ứng dụng của chúng và liệu chúng có giúp câu hỏi nhắm vào điều gì rõ ràng hơn không.
Một phần lý do tôi muốn tiếp cận Kinh Thánh từ góc nhìn văn học, nghệ thuật và cả sinh học tiến hóa là để chiết xuất ra được điều gì đấy có tính ứng dụng. Một trong những điều luật mà tôi có tự áp dụng khi giảng bài là không dạy những gì không áp dụng được. Tôi nghĩ kiến thức nhưng nghĩ về một công cụ. Và phải được dùng vào thế giới này. Chúng ta là những sinh vật dùng công cụ, và kiến thức của ta là những công cụ. Ta cần công cụ để làm việc trong thế giới này, để điều hòa và kiểm soát cảm xúc, để làm mọi thứ tốt đẹp hơn, để bớt khổ, để sống đàng hoàng, và đứng thẳng hiên ngang. Bạn cần công cụ để làm tất cả những điều đó. Do đó tôi muốn chuỗi bài này phải ứng dụng được. Tôi muốn cùng bạn kết nối các dữ liệu để bạn có thể dùng chúng ngay. Tôi không muốn trừu tượng hóa mọi việc vì làm vậy mới ra vẻ học thuật. Nó phải có ý nghĩa, vì càng nhiều giới hạn bạn áp lên lý thuyết thì tính ứng dụng của nó càng cao.
Tôi cũng muốn trải thảm theo cách bình dân, đại tỷ do B ta có A, và trước B ta có C. Cách trình bày dễ hiểu và không phải cần bước nhảy niềm tin.
Tôi cho rằng còn có một điều nữa gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng ta và tập hợp sách vở như Kinh Thánh là bạn được kêu gọi tin vào điều không ai có thể tin. Về mặt hình thái mà nói đấy không khác gì một lời nói dối. Nhưng rõ ràng theo một ngữ nghĩa nào đó, Kinh Thánh là sự thật tuyệt đối. Bạn phải chối bỏ nó hoàn toàn hoặc mù quáng chấp nhận nó. Vì nếu bạn theo đuổi sự thật với hành trang là một tá lời nói dối, bạn nghĩ mình sẽ đi tới đâu? Tôi không muốn gốc rễ thiếu chắc chắn như vậy, hoặc ít nhất là càng ít sự chắc chắn càng tốt. Những kiến giải sẽ phải có nghĩa. Dù khoa học thế này thế kia, tôi không muốn phải đẩy mọi việc theo hướng ngược lại với những gì khoa học đã chứng minh. Đấy là mức cảnh báo nguy hiểm quan trọng. Ví dụ câu trả lời không tương thích với thuyết tiến hóa thì tôi cho rằng câu trả lời ấy chưa được.
Và cuối cùng, hãy nói qua về Hiện Tượng Học. Người hiện đại nghĩ rằng hiện thực thì khách quan, và đấy là một tiền đề rất mạnh, nhưng kinh nghiệm của chính ta lại khác. Chúng ta có miền kinh nghiệm – và đó một cụm từ khá tù mù, ta không thể nắm bắt được dù về cơ bản nó khá tường minh. Những Nhà Hiện Tượng học cho rằng mọi thứ bạn kinh qua là thật. Họ quan tâm đến cấu trúc của kinh nghiệm chủ quan của riêng mỗi người, và những cấu trúc ấy có những điểm chung. Tôi tin rằng các bạn ở đây đều sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc giống nhau. Chúng ta đã có thể nhận dạng những cảm xúc gốc và những động cơ gốc. Thiếu chúng, ta không nào giao tiếp với nhau được vì ta không thể nói được người kia giống gì; và cả hai phải giải thích cho nhau đến vô cùng tận. Việc có cùng một gốc cảm xúc là một điều đặc biệt mà ai cũng thờ ơ.
Hiện Tượng Học là sự thật rằng từ con mắt này tôi có thể thấy bàn tay tôi rõ ràng, và khi bàn tay nằm ngoài tầm nhìn của con ngươi chúng biến mất. Hiện Tượng học là mùi và vị của vật, và sự thật rằng chúng quan trọng. Căn cơ của Hiện Tượng học là để nghiên cứu những thứ có ý nghĩa, chứ không phải mọi vật chất. Từ góc nhìn của Hiện Tượng Học thì sự vật sự việc cần có ý nghĩa. Dù bạn là một người theo chủ nghĩa duy lý, kiêm hoài nghi và hư vô và bô bô phát biểu rằng đếch có gì có ý nghĩa cả thì bạn vẫn sẽ đụng phải vấn đề về sự đau đớn. Cơn đau cắt lý lẽ của bạn thành hàng ngàn mảnh – vì cơn đau luôn có chủ đích, và do đó có ý nghĩa. Không thể nào né được. Ờ thì bạn có thể loại đi mọi loại ý nghĩa tích cực, nhưng những ý nghĩa tiêu cực thì không – Bạn không thể nghĩ khác đi khi ý nghĩa của việc hay vật đang ở trạng thái tiêu cực. Tôi cho rằng những câu chuyện trong Kinh Thánh, và văn học nói chung, là thuộc về Hiện Tượng học. Mục đích tối thượng của tất cả những câu chuyện là cố dạy con người ta về bản chất của kinh nghiệm làm người. Và đấy chắc khác thế giới khách quan. Cả hai đều là một dạng của sự thật, và rõ ràng bạn luôn có kinh nghiệm ở lãnh vực nào đấy với chất lượng riêng biệt. Vậy những đặc tính chất lượng ấy là gì?
Những đại diện cổ đại thật ra là một sự kết hợp lạ kì giữa những hiện tượng quan sát được mà giờ ta liệt hết chúng vào sự thật khách quan và sự phóng chiếu của sự thật chủ quan. Tôi sẽ cho bạn thấy cách người Lưỡng Hà cổ đại nhìn thế giới này. Mô hình của họ là một cái dĩa. Nếu giờ tối bạn ra đồng và nhìn, thì thế giới sẽ trông như thế nào? Thì nó giống cái dĩa. Mặt đất phẳng và vòm trời bên trên. Có mưa đúng không? Vậy mưa là nước, thế là sẽ có nước xung quanh vòm. Và do đó dưới bề mặt dĩa, tức dưới đất sẽ có nước. Làm cách nào bạn biết điều đó? Bạn đào xuống, và dò được mạch nước. bạn đào xuống thì bạn sẽ gặp nước sạch. Vậy nơi rìa dĩa là gì? Là nước đại dương, là nước mặn. Vậy rất rõ rằng thế giới này là một cái dĩa được ụp bởi một cái vòm và bao quanh bởi nước ngọt rồi nước mặn. Thế giới trong mắt người Lưỡng Hà là vậy.
Điều tôi về đề cập là một hỗn hợp của quan sát và óc tưởng tượng, vì đấy không phải thế giới, mà là cách thế giới hiện lên trong mắt ta. Ấy là một thuyết vũ trụ học hoàn toàn hợp lý. Mặt trời mọc rồi lặn quanh vòm. Quá hiển nhiên. Thế quái nào được cái mặt đất dưới chân chúng ta xoay được. Ai nghĩ ra điều đó nổi. Cái gì trước mắt là trước mắt, là mặt trời mọc đằng đông lặn đằng tây, và ban đêm thì đi ngủ dưới đất, trong hang tối trước khi thức dậy vào sáng hôm sau. Chẳng có gì có thể hiển nhiên hơn thế. Và đấy là một đan xen kì lạ giữa tưởng tượng chủ quan với sự nhận thức của loài người trên một hiện tượng quan sát được. Mọi thứ về Vũ Trụ Học trong Kinh Thánh cũng tương tự vậy: Chúng nửa phần là tâm lý học, trong đầu ta, nửa phần là thật tế ngoài kia; dù nói vậy thì phần tâm lý trong Kinh Thánh cũng rất thật.
Hiểu rằng những câu chuyện trong Kinh Thánh có sự thật Hiện Tượng Học trong nó là một điều cần biết. Những nhà theo trào lưu chính thống, cố gắng bám chặt từng chữ trong những văn bản tôn giáo, chỉ đơn giản là cố gắng níu cấu trúc đạo đức của họ. Tôi hiểu lý do vì sao, vì làm như vậy giúp xã hội và tâm thần của họ có tổ chức. Và từ đó họ có gì đấy để níu vào. Nhưng họ không ý niệm nào tinh vi hơn về độ phức tạp của những gì cấu tạo nên sự thật. Họ cố ép những câu chuyện trong Kinh Thánh thành những sự thật khoa học, chẳng hạn như phổ biến thuyết sáng tạo nhằm thay thế những lý thuyết khoa học tương đương. Và rõ ràng điều này chẳng đi đến đâu cả. Những tác giả của những câu chuyện trong Kinh Thánh không hề là những nhà khoa học. Hồi đó không có bất kì nhà khoa học nào, và hiện nay thì chỉ có một số rất ít mà thôi.
Thật sự thì rất khó để nghĩ theo cách khoa học. Tốn rất nhiều thời gian và công luyện tập để nghĩ theo cách khoa học được. Và kể cả nhà khoa học cũng chỉ theo kiểu khoa học khi trong phòng thí nghiệm, và kể cả ở trong phòng thí nghiệm thì họ cũng không duy trì trạng thái ấy toàn thời gian được. Bạn phải được đồng nghiệp nhận xét và phải được chỉ ra chỗ sai. Nghĩ theo kiểu khoa học rất khó. Và đó không là cách nghĩ của những người viết Kinh Thánh. Họ nghĩ như những nhà biên kịch – Đại tỉ như Shakespeare – nhưng rõ ràng bạn không thể nói không có sự thật trong nó. Đơn giản là bạn chưa đủ tinh tế về ý tưởng sự thật của chính bạn. Không sao cả. Có những sự thật để ta sống theo. Ta muốn biết những sự thật đó để có thể sống theo và bớt khổ. Và khi bạn biết và hiểu được rằng những câu chuyện trong Kinh Thánh, và những câu chuyện nói chung, đang cố gắng thể hiện cấu trúc trải nghiệm của cuộc sống con người, bạn sẽ mở khóa được tiềm năng của một miền kiến thức mới đồng thời giúp loại được những đối lập mâu thuẫn gây cho mọi người đau khổ vì sự thật khách quan và những khẳng định trong những câu chuyện tôn giáo.