Mình được dạy rằng, tất cả những điều khiến con người ta đau khổ ở đời đều có thể được gói gọn trong hai chữ GHÉT và SỢ.
Thật vậy, vì ghét cái nóng như đổ lửa của trưa hè nhiệt đới nên chúng ta mới thấy mệt mỏi, bực bội, đau khổ vì nó. Nếu đổi lại là một người 10 năm không bao giờ thấy nắng, thì khi đứng dưới bầu trời chói chang họ sẽ thấy hạnh phúc, vui vẻ lắm.
Vì ghét cái bản mặt của thằng sếp quá, nên khi gặp hắn ta mới cảm thấy mệt mỏi kinh khủng. Còn nếu được sếp yêu, sếp quí và mình cũng quý sếp thì cơ bản việc gặp sếp sẽ chẳng làm chúng ta khổ được.
Lại nữa, vì ghét cái sự cô đơn, trống trải nên mỗi khi ở một mình, chúng ta mới cảm thấy chán chườn, buồn bã, đau khổ như có hàng trăm con kiến đang dày xéo tâm can… Ngược lại, đối với các bậc trí ở đời, việc được sống viễn ly, tĩnh lặng lại là một niềm phúc lạc tuyệt vời.
Bàn về chữ sợ, đối với người sợ độ cao thì đứng trên mái hiên nhà nhìn xuống thôi đã là một sự thống khổ khôn cùng, nói gì đến tận hưởng vẻ đẹp hiên ngang, hùng vĩ của đại ngàn trên vách núi cheo leo hiểm trở.
Đối với người sợ rắn thì việc đối mặt với một vật gì đó dài dài thuôn thuôn thôi cũng là một cực hình, trong khi những người ham thích rắn lại xem rắn như một tạo vật cực kỳ đáng yêu của tạo hóa.
Mình rất mong các bạn có thể phản biện, chỉ ra giúp mình có một nỗi khổ, niềm đau nào nằm ngoài hai chữ ghét, sợ để mình có thêm chất liệu để suy tư. Tuy nhiên, với sức hiểu hiện tại, mình chưa tìm thấy một nỗi khổ nào nằm ngoài hai điều đó.
Tại sao lại chúng ta lại ghét và sợ điều gì đó?
Mình được dạy rằng, sở dĩ có ghét – sợ ở đời là do có thương và thích. Ngày xưa, khi viết mấy chap khổ vui ở đời trước, mình cũng từng bàn về những ý niệm này rồi, nhưng nay có chút lĩnh hội sâu sắc hơn bao giờ hết, mình rất muốn chia sẻ cùng các bạn.
Giống như một cái dao có ba phần, lưỡi bén, lưỡi cùn và cái cán dao, tất cả gộp lại mới thành một con dao. Bạn chẳng thể nào chỉ nhấc lên cái lưỡi bén (để lại lưỡi cùn và cái cán). Niềm vui và đau khổ ở đời cũng vậy, chúng là hai mặt của một lưỡi dao, khi nhấc lên mặt này thì đồng thời ta cũng đang nhấc lên mặt còn lại của nó.
Chẳng thể nào cầu mong hạnh phúc mà không phải chịu đựng đau khổ, chẳng thể cầu mong có vui mà không có buồn, chẳng thể nào cầu mong có tốt mà chẳng có xấu, có thiện mà không có ác, cầu mong có ngày mà chẳng có đêm.
Trước đây khi mới đọc qua những dòng này, theo cái trí hiểu ngu muội của mình, tất cả mọi việc ở trên đời đều có hai mặt, vậy thì chẳng việc gì phải hành thiện tích đức, chẳng việc gì phải ngày đêm đèn sách, sớm tối rèn luyện để cống hiến cho cuộc đời. Cứ ăn chơi, đàn đúm, nhậu nhẹt bù khú, lười biếng chảy thây… vì vốn dĩ cuộc đời có hai mặt cơ mà.
Ừ thì cũng đúng, thức khuya hay dậy sớm, tử tế hay thô lỗ, xấu ác hay thiện lành… tất cả đều có cái giá của nó, đều phải trả cái khổ để được cái sướng (khổ trước sướng sau) hay lấy cái sướng rồi từ từ chịu khổ (sướng trước khổ sau). Vấn đề ở đây là bạn lựa chọn niềm vui và nỗi khổ nào mà thôi.
Ai trong số chúng ta đều biết nên làm gì đối với cơ thể, tương lai và tâm trí của bản thân, nhưng không mấy ai thực sự sống đúng với những điều đó. Bạn sẽ chọn nỗi khổ của sự kỷ luật hay nỗi khổ của sự hối hận, hao mòn thể xác. Bạn sẽ chọn niềm hạnh phúc dài lâu của một cơ thể khỏe mạnh, mẫn tiệp hay những lạc thú tạm thời của pỏn, suk, cần, ke, thuốc, đá…
Sở dĩ bản thân mình trước đây có thể sống lành mạnh là vì mình đã cất công xây dựng tính kỷ luật, lì lợm từ rất sớm, nhưng trên con đường đi bằng kỷ luật đó, đôi lần mình vẫn bị vấp ngã, thất bại trước những cám dỗ thấp hèn của dục vọng. Để rồi mình nhận ra, kỷ luật chỉ là giải pháp tạm thời, TRÍ TUỆ hay sự hiểu biết sâu sắc mới là giải pháp dài hạn của bất kỳ sự chuyển mình nào.
Bằng chứng là sau khi thấu hiểu đến tận xương tủy rằng ĐAU KHỔ LÀ CÁI GIÁ TẤT YẾU của bất kỳ sự sung sướng nào, mình chợt tỉnh ngộ, từ thời điểm đó mình cảm thấy dễ dàng hơn trong việc từ chối những cám dỗ, không cần nhiều kỷ luật để tiếp tục một đời sống lành mạnh, mẫn tiệp.
Bậc chân nhân, đạt đạo, sống trong tạo hóa, họ đâu còn bị ghét sợ, thương hận, buồn vui, vinh nhục chi phối. Đối với họ mưa là mưa, nắng là nắng, gãy tay là gãy tay, có tiền là có tiền, chẳng việc gì lay động được tâm tư của họ cả. Nói rằng họ không vui không khổ, nhưng thực ra họ rất bình yên, an lạc. Sự tịnh lạc đó là phần thưởng của một người đã vượt lên trên nhị nguyên, trở về với cái sống một của trời đất.
Chợt nhớ lời dạy của Lão Tử: “Họa hề phúc chi sở ỷ; phúc hề, họa chi sở phục.”
Thân ái,
Như Tuệ.