Bức tranh miền Tây sông nước được thể hiện tài tình trong tác phẩm đã làm mình say mê từ thời tiểu học. Công nhận ông Đoàn Giỏi này cũng hay, sau nhiều năm đọc lại mà sự thích thú trong mình vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Nếu bạn không trốn học trong tiết văn hồi lớp 6 thì chắc hẳn là biết đến cái tên Đất rừng Phương Nam. Tác phẩm này rất nổi tiếng, được chuyển thể thành phim và đưa vào chương trình sách giáo khoa. Câu chuyện đưa chúng ta theo chân chú bé An phiêu lưu qua khắp vùng đất Tây Nam Bộ trù phú, khi cậu phải tản cư tránh xa tiếng súng và gót giày đang xéo nát từng ngọn cỏ trên quê hương mình của bọn thực dân xâm lược. Hành trình ấy đã giúp cậu bé và bạn đọc chứng kiến những điều kỳ thú nhất ở vùng đất này..
Tình yêu đối với quê hương đã giúp tác giả vẽ nên một bức tranh tuyệt mỹ vô cùng sinh động. Mình thật sự bất ngờ khi biết rằng chỉ đâu đó vài ngàn dặm về phía nam đất nước thôi, lại có một thế giới khác mới lạ đẹp mê hồn đến thế. Thế giới ấy có những dòng sông bát ngát chảy giữa những khu rừng chà là, rừng dừa, rừng đước,… chen đặc cùng nhau trải dài tới tận cùng đất nước. Trên mặt đất, sắc xanh của đồng cỏ mênh mông nối liền cùng sắc trời xanh biếc, trải rộng tới tận nơi có tiếng sóng trùng dương vỗ bờ. Bầu trời rợp bóng hàng đàn chim bay trắng xóa chơi đùa bên những đám mây.
Nơi đó còn có những bàu nước lớn là chỗ trú ngụ của hàng chục con cá sấu, nhiều đến mức dân quanh vùng gọi là ao cá sấu. Có những khu rừng đầy ắp ong mật mà đến mùa ong, mật chất đến hàng hai ba gùi vẫn không hết. Có những khúc sông trù phú, một đêm cắm cần câu cũng tóm được dăm bảy con rắn to cỡ bắp chân. Rồi còn cả những sân chim, vườn cò rợp bóng chim trời “đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây, để rồi khi chúng cất cánh tua tủa bay lên, giống hệt đàn kiến từ lòng quả đất chui ra, bò li ti đen ngòm lên da trời”.
Càng thấy choáng ngợp bởi thiên nhiên Nam Bộ bao nhiêu, lại càng phải thấy ngưỡng mộ con người nơi đây bấy nhiêu. Tự nhiên dù cho hùng vĩ đến đâu, cũng chẳng thể khuất phục được ý chí và tài năng của dân bản xứ. Bàu nước lổm ngổm cá sấu là nơi những người thợ săn phô diễn khả năng bắt sấu “dễ như bắt cá lóc rộng trong khạp vậy thôi” (khạp giống như cái lu ở miền bắc). Khu rừng hoang sơ với hàng đàn ong mật là chỗ chỉ cần xem hướng gió, tính trước đường bay của ong rồi đặt vài chục cành cây đúng vị trí, đến mùa lên lấy mật mang về mỏi cả lưng. Bọn rắn trú ngụ giữa lòng sông mênh mông dễ dàng bị câu chỉ với miếng mồi là vài con cá nướng. Khu sân chim vườn cò rộng bát ngát chẳng qua chỉ là khu vườn của dân đất này.
Điểm xuyết trong bức tranh thiên nhiên trù phú là con người miền tây thật thà, chất phác nhưng cũng dũng cảm, can trường. Trong khuôn khổ một tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhà văn không thể đi sâu vào tâm lý nhân vật, nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được nét tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Đó là ông Hai hiền từ thạo đủ mọi nghề từ săn cá sấu, lấy mật ong rừng cho đến câu rắn. Đó là bà Hai nhân hậu, dù “nghèo như chiếc lá rụng xuống dòng sông, nước đưa tới đâu mình theo tới đó” nhưng vẫn rộng lòng cưu mang một chú bé đi lạc. Có người thợ săn Võ Tòng tuy sống đơn độc giữa rừng già nhưng yêu tổ quốc, vì đồng bào sẵn sàng mang cây nỏ săn bắn của mình để lấy đầu giặc. Có lão Ba Ngù tối ngày say lướt khướt ở quán dì Tư béo nhưng vẫn giữ lòng kiên trung, không để giặc mua chuộc kể cả khi đã bị chúng bắt. Cả những người thợ trong phường săn cá sấu, vị sư trụ trì sróc Miên, dân buôn bán trên chợ nổi Mặt trời, hai chú bé An, Cò mải mê rong chơi trên khắp các cánh đồng xa… tất cả đều toát lên một cái gì đó rất “miền Tây”.
Một trong những cái hay của văn học là giúp người đọc chứng kiến những điều thú vị chỉ qua những câu chữ. Với mình thì Đất rừng Phương Nam đã làm rất tốt điều ấy. Đây không phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng là một câu chuyện hay đáng để đọc dành cho các bạn nhỏ và cả các bạn lớn nữa.