Một trong những câu nói phổ biến nhất mà chúng ta từng được nghe, “… gieo tính cách gặt số phận” câu nói được trích ra từ tinh hoa của Lão Tử – cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi những người có tầm ảnh hưởng khác trong lịch sử nhân loại. Dẫu vậy, cái ý nghĩa tâm lý của câu nói này không hẳn ai trong chúng ta cũng biết rõ. Phần đông chúng ta (có cả tôi) chỉ tiếp xúc câu trích trên ở bề mặt câu chữ chứ chưa thực sự nghĩ xa hơn.
Như bao nhiêu câu có vẻ self help khác, tôi từng nghĩ “tính cách gặt số phận” ý nhắc nhờ người ta chú ý đến các đức tính tốt đẹp của con người khi sống trong xã hội: sự tận tâm, sự cảm thông, sự tốt bụng,… để rồi từ đó xây dựng được sự tin tưởng ở người khác, những người có thể cho ta những cơ hội thay đổi cả cuộc đời – và chúng ta gọi đó là số phận. Ở các xã hội loài người xưa cũ, đặc biệt là thời La Mã cổ đại, người ta rất tin vào số mệnh, niềm tin này được vun đắp sau hàng nghìn năm phát triển văn minh loài người. Và cho dù đến tận hôm nay, một thế giới những người tinh khôn lý trí hơn nhờ khoa học; chúng ta vẫn chưa mất đi một chút lòng tin nào từ thứ thần bí mang tên số mệnh – Một motif suy nghĩ bắt nguồn từ vô thức tập thể* của nhân loại và hiển nhiên nó khó có thể phai mờ.
Chúng ta đều tin vào số mệnh, cuộc đời mỗi người là khác nhau với những bước ngoặc và thay đổi khác nhau, điều này đôi khi gây ra cảm giác khó chịu bởi chúng ta sau bao cố gắng cũng nhận ra rằng mình vẫn bị chi phối bởi một số năng lực siêu nhiên ngoài tầm hiểu biết – thứ mà chúng ta gán cho cái tên nghe còn khó hiểu biết hơn về nó: sắp đặt của Thượng Đế.
Sự hiện diện của đấng bề trên có thật hay không, chúng ta chưa kiểm chứng được, nhưng vẫn có một thứ chúng ta nên tin vào đó chính là tính cách. Nhắc lại không self help gì đâu nhé. Và tại sao tích cách lại là số phận?
Tính cách ảnh hưởng rất nhiều đến cách một con người ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi ngày chúng ta đều đưa ra những quyết định dù rất nhỏ nhặt, chúng ta ăn gì, chúng ta ngủ sớm hay muộn, chúng ta đọc sách hay xem phim, chúng ta xử sự thế nào trong lúc căng thẳng nổ ra, hay thậm chí chúng ta quyết định nghĩ gì. Ở bài trước tôi từng đề cập đến quy luật hòn tuyết lăn, cuộc đời con người được quyết định từ kết quả của hàng triệu quyết định nhỏ nhặt như vậy sau hàng chục năm trời. Những người với tính cách hướng nội sẽ đưa ra những quyết định toan tính thiệt hơn đến sức khỏe tinh thần của mình, trong khi những người hướng ngoại lại nhắm đến việc bồi bổ các mối quan hệ xung quanh và tìm kiếm trải nghiệm từ bên ngoài. Cuộc đời của cả hai người từ đó sẽ rẽ theo hai ngã khác nhau và tất nhiên là tiếp đó vẫn còn nhiều quyết định gây thay đổi khác.
Có một quy luật về bản chất con người, tôi từng đọc và quan sát thấy rất đúng. Con người có xu hướng hoạt động và ra quyết định theo đúng một motif tính cách của cá nhân họ, bất kể họ có từng mắc sai lầm trầm trọng với quyết định đó như thế nào. “If they have done it once, they will do it again”. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định chớp nhoáng từ vô thức, chứ bản thân chúng ta không hề ý thức được việc kìm nén những xúc động từ bên trong dẫn đến việc ra quyết định này. Hãy nhớ lại lần gần nhất, trong một tình huống căng thẳng đòi hỏi bạn phải ra một quyết định nhanh chóng và kết quả mang lại là sai lầm, nhớ lại xem lúc đó bạn có đủ bình tĩnh để ra quyết định dựa hoàn toàn vào lý trí sau khi cân nhắc thiệt hơn, cost và benefit không, hay chỉ đơn giản là phản ứng lại? Trong các mối quan hệ thân thiết, bạn đôi khi hiểu rõ tính cách của mình, một số người có xu hướng kiểm soát bạn tình quá mức, họ biết đó là tính xấu của bản thân; nhưng họ không thay đổi được, có ý thức cách mấy thì họ vẫn sẽ bị chi phối bởi những cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Tính cách là thứ khó thay đổi, chúng ta đưa ra hàng loạt quyết định mà chúng ta cảm thấy an toàn cho cái tôi nhỏ bé của mình; và sẽ cứ tiếp tục như thế mãi về sau. Cuộc đời chúng ta nếu đã tệ thì vẫn sẽ tệ, và nếu bẩm sinh chúng ta là người dễ cảm thông, thì các mối quan hệ trong cuộc đời sẽ hầu như tốt đẹp – đó là sức mạnh của tính cách mà chúng ta vẫn cứ lầm tưởng là sự sắp đặt nào đó linh thiêng.
Tại sao tính cách lại khó thay đổi? Trước tiên nên tìm hiểu ba tác nhân xây dựng nên tính cách của một con người:
Thứ nhất, tính cách hình thành theo hướng bẩm sinh. Một số đứa trẻ sinh ra có xu hướng trầm tính hơn một số khác. Một số khác lại có vẻ tham lam hơn bình thường (thường là những đứa trẻ rất thích cầm lấy càng nhiều đồ vật càng tốt) khi còn bé xíu. Và đây là những đặc điểm nhiều khả năng sẽ đi theo bạn cả đời, vì đó là con người thật của bạn. Đôi khi các định kiến của xã hội làm thay đổi đi tính cách cá nhân, nhưng bạn vẫn sẽ thấy tiếng nói văng vẳng đâu đó như một sự đòi hỏi quay trở về với con người thật của mình, dĩ nhiên là đừng chèn ép nó quá.
Thứ hai, tính cách con người được hình thành bởi quá trình đầu đời của trẻ với cha mẹ của chúng. Không đơn giản chỉ là sự giáo dục của cha mẹ không thôi đâu. Các bé trai bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các bà mẹ và các bé gái ngược lại, gần gũi với hình tượng của cha hơn. Đây hoàn toàn là nguyên tắc tâm lý cơ bản.
Và bản tính cá nhân của người cha/ người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái họ cho dù họ đã có cơ hội giáo dục nó hay chưa. Trẻ sơ sinh tự nó có sự kết nối linh thiêng với cha mẹ của mình, nó cảm nhận được cảm xúc của họ tại thời điểm đó mà không cần họ phải thể hiện ra. Giác quan này rất nhạy cảm ở trẻ, về sau chúng ta bị cuộc đời quăng cho nhiều mối bận tâm khác và giác quan cảm nhận này tạm thời (hoặc vĩnh viễn) lùi sâu về vô thức. Để ví dụ cho dễ hiểu. Có những bà mẹ gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm với con cái mình (có thể là vì chính họ từng phải sống với một người cha vô tâm, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của họ đến chính đứa con của mình) – điều này khiến các bé trai từ bé đã cảm thấy bị bỏ rời (khi bé nhạy cảm xúc hơn nên cảm giác thiếu quan tâm sẽ rất rõ ràng) dẫn đến việc sau này bé trai trở thành những người trưởng thành bị ám ảnh với việc bị bỏ rơi, và cố gắng xây dựng một vỏ bọc độc lập bề ngoài – khiến các mối quan hệ với bạn khác giới trở nên xa cách hơn. Một hình thức bị chèn ép. Một bà mẹ vì thiếu trầm trọng sự quan tâm của chồng sẽ có xu hướng phóng chiếu sự quan tâm quá mức đến người con, đến mức bảo bọc quá đáng. Carl Jung gọi là “người mẹ nuốt chửng” – đứa con sau này nhiều khả năng sẽ trở thành con người quá tiểu tiết, thèm khát sự chú ý ở bên ngoài và dĩ nhiên chưa trưởng thành toàn vẹn vì bị bảo bọc. Nổi bật nhất ở ví dụ này chính là Howard Huges, một doanh nhân người Mỹ, vốn nổi tiếng bởi sự quản lý mang tính vi mô của mình. Ông dù nhiều lần thừa nhận tính xấu ấy của bản thân, song trong các doanh nghiệp của ông, dù là chi tiết nhỏ nhất cũng phải thông qua quyết định của mình, khiến các cấp dưới cảm thấy rất ngột ngạt. Ông có một bà mẹ quan tâm con quá mức cần thiết. Và tính cách của ông, quá vi mô, không bao giờ thay đổi được. “…They will do it again” you see!
Tác nhân thứ ba xây dựng nên tính cách con người, chính là môi trường sống, nhưng đây chỉ là những thay đổi bề mặt. Hai tác nhân ở bên trên là thứ xây dựng nền tảng tính cách sâu sắc nhất của con người.
Vì khi bé chúng ta có xu hướng dễ uốn nắn hơn. Bạn để ý sẽ thấy trẻ em rất thích bắt chước lại hành động của cha mẹ nó. Những tác nhân trong suốt quá trình sống này khiến chúng ta thay đổi từ từ, chậm rãi và dĩ nhiên là có những thứ xảy ra làm thay đổi chúng ta hoàn toàn.
Nhưng chúng ta có thực sự thay đổi hay không thì chúng ta không rõ. Chúng ta của hiện tại, tính cách mà chúng ta đang hiểu về mình này là tính cách thật, hay là tính cách của bản ngã mà chúng ta đang cố gắng xây dựng? Có một câu nói rất hay, tôi xin trích lại:
“People don’t change; they just reveal who the fuvk they really are” – Tony Montana
Đôi khi quyền lực đến tay một số người và họ bổng thay đổi hoàn toàn thành con người khác, chúng ta nghĩ. Trên thực tế, nên xem xét kỹ hơn và sâu hơn, họ trở về với bản chất thật hay đã thay đổi? Vì vậy lời khuyên dành cho chúng ta, đừng tin hoàn toàn những gì người khác nói, những gì người ta thể hiện ra trước mặt mình – hãy quan sát những khi người ta ra quyết định và khi họ phản ứng với những sự cố bất ngờ.
Về phần mình, đôi khi con người thật của chúng ta: đố kỵ, tham lam, yếu đuối,… thật khó mà chấp nhận được nó. Không có ai dễ chịu khi tự nhận bản thân hèn mọn và thua kém cả. Chúng ta thích xây dựng một hình ảnh chuẩn mực hơn và đồng hóa bản thân với nó. Sự chèn ép về tính cách lẫn cảm xúc sẽ dẫn bạn đến những hành động không kiểm soát được về sau. Có thắc mắc tại sao những kẻ sát nhân đôi khi có vẻ ngoài rất lành?
Giải pháp không thể cứ nói ra là xong được. Mỗi người phải có thời gian để quan sát lấy thì mới nhận ra.
Đáng tiếc, chúng ta đều là một lũ lười biếng; và việc nhớ lại chúng ta đã phản ứng như thế nào trước biến cố trong quá khứ làm chúng ta mất đi kiên nhẫn. Ngẫm nghĩ qua loa sau đó bỏ và làm việc khác. Việc quan sát lại hành vi trong quá khứ đòi hỏi cả một ngày dài “không làm gì”, chỉ để tâm tịnh mà nhớ lại tất tần tật những việc làm ta ấn tượng. Đơn giản chỉ là nhớ lại thôi, và chấp nhận nếu nhận ra chúng ta hóa ra chả tốt đẹp gì mấy. Ý thức được mặt tối của mình, là bước đầu tiên trong việc thay đổi các phản ứng của ta sau này.
(*) Vô thức tập thể – là cấp độ sâu hơn của hành động tâm lý, chứa đựng kinh nghiệm bẩm sinh của các thế hệ trước (yếu tố di truyền), cũng như của những tổ tiên động vật. Hoàn toàn khác biệt so với vô thức cá nhân.
Bên dưới là tôi đang tập tành quan sát các mặt tính cách của mình đấu đá nhau.