Multitask, tiếng Việt gọi là đa nhiệm, việc thực thi nhiều tác vụ trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Nhiệm vụ mới có thể làm gián đoạn những nhiệm vụ đã bắt đầu trước khi chúng kết thúc, thay vì chờ chúng kết thúc. Điển hình của tính đa nhiệm có thể là những người làm việc trong bộ phận kiểm toán, chủ cửa hàng cà phê,… nơi mà những người này tiến hành các công việc khác nhau một cách không liên tục. Chẳng hạn như những barista solo, họ phải vừa nhận order từ khách, take note, pha cà phê, đánh sữa, song song lúc đó tiếp tục nhận order và các công tác chuẩn bị, tiến hành khác. Bề ngoài của những hành động này nhìn chung bận rộn và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Phàm những con người mà họ có mục đích, có sự tận tâm khi đang làm việc đều được người khác nhìn vào với con mắt ngưỡng mộ. Phần đông con người chúng ta sống không có mục đích, tức là chúng ta làm việc, giải trí, kiếm sống và chăm lo gia đình – nhưng tận sâu từ bên trong chúng ta cảm thấy một sự trống rỗng, sự vô định hướng và không ngừng mong mỏi đến một điều gì đó lớn lao mà chúng ta có thể cống hiến. Vì vậy, khi bản thân cảm thấy sự thiếu thốn ở điểm nào, chúng ta thường hay hướng nó ra bên ngoài để tiếp tục tìm kiếm một vấn đề thuộc nội tâm – vì vậy mà những người chú tâm làm việc, hay tất bật cho nhiệm vụ gì thường mang lại sức hút mãnh liệt. Nếu thích bạn có thể tham khảo các vlog của barista solo hay các đầu bếp Nhật, chú ý cảm giác lâng lâng của bản thân lúc đó rồi bạn cũng sẽ nhận ra ham muốn sâu thẳm về việc có mục đích sống của mình.
Quay trở lại với chủ đề multitask, như đã đề cập bên trên, những con người này họ có vẻ rất bận bịu, một lớp vỏ năng suất cao được phủ ra bên ngoài. Điều này khá thu hút cho đến khi chúng ta nhận ra bản chất thực sự của sự ‘đa nhiệm’ – vì thực chất nó không tốt đẹp và năng suất như chúng ta vẫn thấy. Thứ mà tính đa nhiệm hủy hoại ghê nhất chính là tính tập trung của não bộ. Đồng ý rằng với sự liên tục ập đến của các task khác nhau khi làm việc sẽ đẩy bộ não của chúng ta ở mức căng thẳng cao hơn, yêu cầu việc chia sự chú tâm vào nhiều điểm trong cùng một thời điểm. Điều này tưởng lợi mà hóa ra hại vô cùng.
Thứ nhất, chúng bào mòn tâm trí của bạn rất nhanh, kiệt sức là điều không thể tránh khỏi khi làm những công việc có tính đa nhiệm. Thứ hai, khi bạn đối mặt với những vấn đề cần sự chú tâm hoàn toàn thì khó khăn sẽ đến, một thứ ngăn chặn quá trình học hỏi về sau này. Vì bộ não đã quen với việc phải phân chia nhiều điểm tụ nhiều nơi khác nhau, nên khi muốn hội tụ chúng lại vào cái cốt lõi của vấn đề não bộ sẽ kéo bạn đi nhiều hướng giải quyết không liên quan gì khác. Có rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta phải liên tục đưa ra các quyết định, và với tôi nghĩ không có quyết định nào là tốt xấu hoàn toàn, bất cứ quyết định nào cũng sẽ có cái giá phải trả và cái lợi sau đó. Sẽ luôn nằm ở đó, sự hiện hữu của cost và benefit, như hai mặt của một đồng xu. Vấn đề ở các quyết định mà chúng ta đưa ra là liệu chúng có đánh vào đúng trọng tâm hay không bất chấp cái giá phải trả là lớn. Thường thì chúng ta có xu hướng xử lý những bất an trước mắt rồi mãi sau này mới nhận ra core của vấn đề – để nhận ra core của vấn đề (ngoại trừ yếu tố bẩm sinh về việc sở hữu đầu óc sáng suốt) thì chúng ta cần phải luyện tập bộ não quen với việc ra quyết định. Những quyết định nhắm chệch tâm sẽ bào mòn thời gian và sức lực hơn bao giờ hết. Và các multitask sẽ là thứ giết chết bộ não trong việc nhận ra cái bản chất thật sự trong các vấn đề.
Ở thời điểm bùng nổ công nghệ như hiện nay, không cần các bạn phải làm công việc yêu cầu multitask, chính các hình thức giải trí thông thường đã đủ giết chết sự tập trung đáng giá của các bạn rồi. Ngày xưa, các phương tiện giải trí của bậc cha anh không gây phân tán sự chú ý như bây giờ, các thú vui giải trí ngày đó có tính lành mạnh và có quy luật đời hơn nhiều. Đàn ca, chơi cờ, ngâm thơ, chăm cây cảnh,… cả thảy những thú chơi ấy, đều đòi hỏi một sự chú tâm ghê gớm trong quá trình luyện tập; cho đến khi đạt đến cảnh giới “quen tay” – khi mà người ta vừa cầm vào cây đàn đã có nhạc, vừa nhìn vào tán cây đã ra thơ – họ lúc ấy đã nhập vào flow vậy. Tivi truyền hình, phim dài tập ngày xưa ngó vậy cũng đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Càng về sau này, thời gian cho các chương trình giải trí trực tuyến càng bị cắt ngắn đi. Từ bộ phim dài 2 3 tiếng xuống còn những clip hài ngắn chỉ vỏn vẹn 30 45p, vẫn chưa đủ, nó bắt đầu giảm xuống còn 10p rồi các vid ngắn trên facebook độ 3-5p. Cuối cùng là thứ rác rưởi mang tên tiktok, cứ mỗi 2 3s lại tiêm một liều dopamine vào não bộ. Cứ như vậy, thế hệ sau này ngày càng mất đi tính kiên định cần có.
Trẻ em bây giờ được tiếp xúc với điện thoại từ sớm, và cha mẹ chúng với sự thiếu kiên nhẫn, thiếu kiến thức và vô trách nhiệm – đã vô tình hại con cháu họ đi nhiều phần. Khi đã quen với các thứ ngắn ngủi, đa nhiệm; sau này chúng làm sao tập trung học hành cho đặng? Sự học hành với tôi, nó đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn là đa nhiệm. Bạn học ngoại ngữ, chỉ một kỹ năng luyện trong một khoảng thời gian nhất định (trừ khi bạn thêm vào kỹ năng lướt web và xem youtube trong lúc đó). Làm một bài toán khó, thứ bạn cần tập trung là cái công thức sau cùng, cái vấn đề cốt yếu để từ đó suy ra hướng giải quyết mang tính di truyền khác nhau. Đọc một chương sách, dù có đề cập đến nhiều thứ khác nhau, cái cốt lõi vẫn luôn nằm ẩn ở sâu bên dưới ngôn từ. Một bức tranh là thứ mà ta nhìn vào tổng thể để cảm nhận, đôi khi tiểu tiết tô điểm cho cái thông điệp chính mà bức tranh muốn truyền tải đến người xem, quá chú tâm vào tiểu tiết thì cả họa sĩ lẫn người xem đều đã đi nhầm đường.
Giải pháp chỉ có thể là luyện tập. Thiền định, đọc sách, học hành, chọn lựa phương pháp giải trí (một bộ môn nghệ thuật nào đó) và với tôi là viết lách chẳng hạn, là những phương pháp tập luyện cho sự tập trung cao độ. Khuyến khích hơn nữa là sự chọn lọc trong quá trình giải trí: vào một vài ba trang fb bổ ích để theo dõi chỉ 30 45p một ngày, xóa các nền tảng mạng kích thích ngắn như tiktok, instagram,… quá trình này đòi hỏi sự ý thức cao về việc bạn đang làm. Vì media là một sự cám dỗ, không cẩn thận có thể bị đánh trôi đi vào việc lướt web quá tay ngay. Não bộ đã hư hại đi nhiều sau nhiều năm không được ý thức chuẩn chỉ, về sau sẽ tiếp tục hỏng hóc nặng hơn nếu vẫn duy trì cái thói “ăn nhanh” ngắn hạn. Mất nhiều thời gian để tẩy đi bớt sương mù trong não, có thể là 6 tháng, 1 năm, 2 năm,… hoặc nhiều hơn nữa.
Việc quen với các liều dopamine ngắn trực tiếp khiến chúng ta mất kiên nhẫn các path đường dài. Ngắn quen rồi, giờ học hành chuyên môn, theo đuổi một sự nghiệp 5 7 năm có khi còn chưa ra quả. Khó quá mà, đời thì ngắn ngủi, sướng được chừng nào vui chừng ấy chứ kham khổ, vượt sướng để gì haha. Những quyết định nhỏ mang lại giá trị cao, quy luật hòn tuyết lăn chưa bao giờ hết hiệu quả cả.