Ý nghĩa cuộc sống là gì? Tôi nghĩ mỗi người đều có định nghĩa riêng dành cho nó, một số khác thì mơ hồ hơn, vì suy cho cùng nó là một từ mang hàm ý rộng rãi, và khó có thể cắt nghĩa được rõ ràng. Tuy nhiên, nếu để đặt ra một nghiệm chung cho phần lớn những định nghĩa nhiều phần khác nhau ấy, có thể đó chính là ‘mục tiêu’. Có cho mình một mục tiêu, một điểm đến để hướng đến chính là thứ làm cho cuộc đời này trở nên có ý nghĩa.
Mục tiêu chưa cần biết nó đúng sai hay lớn bé thế nào, cứ hễ có cho mình một cái để nhắm đến trong đời, cũng đã có thể xem là may mắn hơn rất nhiều người khác rồi, vì tính ra, có không ít người ngoài kia, mỗi ngày trôi qua là một ngày họ chỉ sống trong vô minh và trống rỗng. Mục tiêu đó nếu đủ lớn, nếu đủ cao xa, nó thậm chí có thể hướng mọi hành động dù nhỏ nhặt nhất nương theo con đường này. Ví dụ nhế, anh muốn trở thành một nhà văn, thì góc nhìn của anh về mọi thứ trên đời không thể giống như một người bình thường được. Mọi hành động anh làm đều phải hướng đến việc tìm kiếm một ẩn ý nào đó sâu xa, và chính ý niệm coi chừng nhỏ nhặt đó lại trở thành nguồn cảm hứng vô tận để anh được gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Hay gần gũi hơn, mục tiêu của một người mẹ rất có thể là kiến tạo cho đứa con bé bỏng một môi trường giáo dục, phát triển tốt nhất trong khả năng của mình. Từng giây từng phút từ khi đứa bé chào đời, cho đến cuối cuộc đời của một người phụ nữ, bà đã có cho mình một mục tiêu không thể cao cả hơn. Từ đây mọi quyết định, mọi hành động của bà đều sẽ nương theo cái mục tiêu đã đề ra đó, dành trọn bộ tình yêu, năng lượng và tâm trí vào việc nuôi dưỡng cho con – việc yêu thương và chăm sóc vô vị lợi đó mang lại cho bà nhiều mục đích sống khiến cuộc sống từ giờ đáng sống hơn nhiều.
Nhưng có cho mình một mục tiêu có phải là điều dễ dàng? Nếu việc theo đuổi đến cùng một đích đến đã khó, thì việc chọn đúng mục tiêu xem ra còn khó hơn gấp nhiều lần. Một lý do lớn ảnh hưởng đến vấn đề này nó nằm ở sự thừa mứa trong các lựa chọn mà chúng ta sẽ phải đưa ra.
Ngày xưa một người đàn ông trẻ tuổi, sớm xác định cho mình một cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình – nghề nghiệp thời đó không quá phong phú hoặc anh nối nghiệp gia đình – thì anh sẽ dễ hơn để toàn tâm toàn ý, bản thân anh cũng không có nhiều lựa chọn. Phụ nữ trẻ ngày xưa cũng thế, lập gia đình từ khá sớm, cái đích của họ là giữ lửa gia đình, xây dựng tổ ấm – họ cũng không có quá nhiều lựa chọn. Nhu cầu đủ ăn đủ mặc có lẽ đã đủ trọn tâm can người xưa rồi. Nhưng cũng vì đích đến là tương đối rõ ràng, họ hiếm khi để mình mắc vào tình trạng trống rỗng, vô mục tiêu.
Thì bây giờ, công việc trở nên đa dạng hơn, nhiều cơ hội mới; đi kèm theo đó là sự phát triển mạng lưới quan hệ cũng rộng hơn nhiều, chúng ta được tiếp xúc với nhiều hình mẫu thành công mà xã hội trọng vọng, chúng ta được học nhiều trường hơn, cha mẹ kỳ vọng nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn – tất cả sự thừa mứa đó, là kết quả của quá trình phát triển, nhưng tự nó cũng gây ra cái nạn cho nhiều người chúng ta trên con đường tìm kiếm được mục đích để sống trên đời. Nếu có cho mình một mục tiêu, thì giờ đây cũng khó để mình bền chí theo đuổi, vì sự xuất hiện của quá nhiều trở lực – chẳng hạn như ta đang theo đuổi con đường này, tình cờ thấy mục tiêu kia sang hơn, đẹp hơn, dễ đạt được hơn thế là chúng ta bị lung lay ghê gớm.
Điểm đáng nói nữa là việc phần đông chúng ta bị dạy sai bởi xã hội, nhà trường và chính cha mẹ chúng ta. Những cái đích mà chúng ta hướng đến, là những cái mà xã hội mong muốn, cha mẹ kỳ vọng, bạn bè khát khao – chứ tự thân nó, chưa chắc đã là mong muốn thực sự của mình. Con vào được trường này là sẽ niềm tự hào của chúng ta, các em chăm học môn này môn kia sau ra dễ có việc làm, anh cứ cố gắng tăng ca kiên trí sẽ được thăng chức – không có ai khuyến khích chúng ta hãy theo đuổi điều chúng ta thấy thích, để nó mang lại cho ta sự hài lòng và hạnh phúc dù cho nó không ra việc, không có thành quả gì.
Chúng ta vẫn hay theo đuổi tiền tài, vẻ đẹp, sự hào nhoáng, chức vị cao, một nghề nghiệp mà người ta đánh giá là thú vị, những chuyến du hí đến địa điểm hot,… đều được cho là đáng được ngưỡng mộ, chỉ để tiếp tục thỏa mãn cái tôi của mình, những thú vui vô bổ, sự trầm trồ của những người không liên quan – như tôi từng được nghe đến câu đại loại như, anh có thể có được cả thế giới nhưng anh đánh mất đi chính mình. Chúng ta nhìn ngắm quá nhiều về tương lai, mường tượng xem nó tuyệt vời thế nào mà bỏ quên mất chúng ta của hiện tại không được như chính chúng ta trong quá khứ đã từng kỳ vọng. Và con người, mỉa mai thay, rất khó để biết như thế nào là đủ, tâm thái như thế với những mục tiêu sai lệch so với mong muốn nội tâm, chúng ta điên cuồng theo đuổi những thứ ngoại lai đó trong đau khổ.
Và theo con đường của “xã hội” đó, dù có đạt được hay không, cũng sẽ đến lúc ta thấy rã rời mỏi mệt, thấy nghi ngờ bản thân, một lần nữa rơi vào tình trạng vô mục đích. Ừ chuyến đi du lịch vui đó, nhưng để làm gì? Được mọi người trầm trồ cũng hay đó, nhưng rồi sao nữa? Vì đó không thiệt sự là mục tiêu mà mình mong muốn, cho nên khi có biến cố xảy ra, ta không thể linh hoạt thay đổi hướng đi của mình được. Một là rơi vào khủng hoảng, gãy luôn; hai là cố đấm ăn xôi, vẫn cứ bám cho bằng được thứ mà mình không thực sự muốn. Nghịch lý nằm ở chỗ chúng ta rêu rao muốn sống cho mình, cho những mục tiêu cá nhân; nhưng phần lớn những gì ta làm lại hướng đến sự công nhận và ngưỡng mộ từ người ngoài, thay vì bản thân ta.
Đôi khi mục tiêu mà chúng ta muốn có vẻ điên rồ, không được đánh giá cao, thậm chí bị gia đình cấm cản – chúng ta vì sợ những thứ định kiến ngoại lai hoặc chính ta cũng tin những mong muốn đó là không phù hợp, sau cùng cũng đều đẩy ta ra xa khỏi nơi thực sự ta thuộc về.
Một số người lấy niềm tin tôn giáo làm lẽ sống cuộc đời, quyết tâm trở thành con chiên ngoan đạo, mọi thứ vật chất cám dỗ ngoài kia không còn ảnh hưởng được họ nữa khi bên trong cơ thể bây giờ người ta xem như một đền thờ linh thiêng, nơi được trò chuyện và hòa hợp với Chúa. Hay một số người khác, tránh xa nơi phồn hoa phố thị, về quê sống đời ẩn dật ảm đạm, tự cung tự cấp, có khi cách biệt hoàn toàn với thế giới của những người bình thường, nhưng cuộc sống của họ vẫn luôn ý nghĩa, họ đâu cần một đích đến mà nhà to, xe đẹp, nhiều bạn bè hay danh tiếng – với những người như vậy, mỗi ngày được ra vườn trồng rau, chăm cá, làm bạn với cỏ cây đều là chuỗi ngày họ xem như vô cùng quý giá. Nhiều người có khao khát được giúp đời, giúp người, tin vào sự công bằng của cuộc đời, tìm đến sự bình an nội tại – họ cho đi mà không mưu cầu vị lợi. Hoặc cũng có người, mục tiêu cơ bản và cũng lớn lao nhất là được đắm chìm hoàn toàn trong từng khoảnh khắc trôi qua trong cuộc đời của mình.
Việc nhìn ra được mục đích thực sự thăm thẳm trong lòng đòi hỏi một quá trình dài dấn thân, thử nghiệm – sai lầm, qua nhiều giờ chiêm nghiệm bản thân, tìm tòi từ những người thầy có được từ trong sách vở,… miễn là chúng ta chịu cất công đi tìm, phản tỉnh lại những gì ta và xã hội mong muốn, cũng đáng để hy vọng một ngày không xa.