Về mặt cảm xúc, chúng ta gọi niềm vui, hạnh phúc, hân hoan là những cảm giác tích cực; còn ngược lại, sự khó chịu hay buồn rầu hay đi đôi với cái nhìn tiêu cực hơn. Cũng là điều dễ hiểu, ở trạng thái tràn trề năng lượng thì ta làm gì cũng xuôi chèo mát mái, ta thấy dễ chịu với nó nên ta thích nó hơn so với việc làm gì cũng ảm đạm hay thậm chí không buồn động tay chân.
Chúng ta từ bé đã được dạy nhiều về niềm vui, được khuyến khích theo đuổi những thứ mang lại hạnh phúc, chính bản thân chúng ta cũng không ai lại chọn đau khổ cả – và cũng vì chính cách nghĩ này, chính khát khao đạt tới trạng thái viên mãn ấy khiến chúng ta có vẻ như đau khổ hơn, dù con đường chúng ta luôn hướng tới là con đường trải đầy nắng ấm.
Để hiện thực hoá mơ ước đó thì ta thường chối bỏ những cảm giác khó chịu, và tìm cách bù trừ đi bằng những hoạt động hay thú vui mang tính giải trí hơn – đây là một vòng lặp, cứ hễ buồn thì ta lại đắp vào bằng thứ khác, đến khi những thứ đó không làm ta vui trở lại nữa thì chúng ta càng thấy ủ rủ hơn nhiều.
Buồn vui là chuyện thường của trời đất, nó tồn tại trong chúng ta cũng giống như vạn vật hiện hữu khác, tức là hoàn toàn tự nhiên. Cảm xúc là thứ trung lập, không tiêu cực cũng không tích cực, chỉ có ta là đang gán cho chúng tiêu hay tích cực mà thôi. Và vì nó thuận tự nhiên như vậy, chúng ta lại đi đau khổ cho một thứ hoàn toàn tự nhiên, thì khác gì đang tự làm khổ lấy mình?
Khi âu buồn, rầu rĩ ta thường cố gắng làm mọi cách để tránh cảm giác đó đi. Nó làm ta càng thấy thêm phần đau khổ. Khi vui sướng, dễ chịu ta lại muốn có thêm nhiều thời gian như thế, muốn kéo dài cảm giác hân hoan lâu hơn, nên một khi chúng qua đi rồi, ta lại hoàn đau khổ vì mình đã biết đủ là gì đâu. Đau là điều không thể tránh khỏi, còn đau khổ là sự lựa chọn của con người.
“Sống thuận theo tự nhiên” mà người xưa vẫn luôn chỉ dạy, là khi ta chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình, như một thứ rất tự nhiên, một sự kiện bình thường của cuộc sống. Dĩ nhiên không phải kêu chúng ta sống mặc kệ đời, sống không có chuẩn bị, tới đâu thì tới – mà là khuyến khích ta nhìn nhận những điều không hay, không đoán trước được đúng như nó vốn là. Về mặt cảm xúc, cái ganh tỵ mà ta đang cảm thấy là một lẽ thường tình, cảm giác ảm đạm một ngày trời đông cũng rất hiển nhiên, tự cách cư xử của những người xung quanh có ra sao cũng không có gì là quá lạ, chúng đều là tiến trình của tự nhiên, mà tự nhiên thì không quan tâm chúng ta cảm thấy thế nào. Nó không xấu tính, nó không hại người, chỉ đơn giản là không quan tâm.
Tiêu cực là vì ta gán cho nó như thế, chứ những cảm giác “không hay” nó làm nên con người mình, đòi hỏi sống đời đời kiếp kiếp an nhiên sung sướng thì quá tham lam, dù thế ta hoàn toàn vẫn có thể thoải mái với cảm xúc của mình một khi ta quan sát nó hệt như cách ta quan sát một con mèo hay một cái cây.
Tự an ủi bản thân rằng cảm xúc là không thể tránh khỏi, bình tĩnh lại và xem nó ta đang thấy thế nào, bắt nguồn từ đâu, tại sao ta thấy như thế, có cách nào giải quyết nguồn cơn đó hay không. Vẫn tốt hơn việc trốn chạy đi bằng những thú vui vô bổ khác, đúng không?
Có nhiều người trong chúng ta rất sợ đối mặt với cảm xúc, họ cứ lờ nó đi và tin chắc rằng đó là một giải pháp tốt. Họ không muốn nghĩ về những kỷ niệm buồn, không muốn nhớ lại cảm giác đau thương, có chăng vì nổi đau kia quá lớn. Tâm hồn ta như xô nước lặng, bên trên bề mặt thì yên tĩnh, hạt bụi lại đọng dưới đáy xô. Một ngày có người ném vào đó một cục đá, mặt nước dậy sóng tức thì, bụi cát đáy xô bới tung lên, sau thời gian mọi thứ lại trở nên trầm lắng như lúc đầu, nhưng cục đá kia thì vẫn còn nằm ở đó.