Con người hầu như ai cũng có đức tin vào tôn giáo, những quy chuẩn đạo đức, luật nhân quả, thần linh, thiên đàng và địa ngục… nó định hình nên thói quen của phần đông chúng ta bây giờ thông qua nhiều nghi thức cúng bái, đám giỗ, hay cuồng tín hơn thì xem bói, xem căn, hay kể cả trong những sinh hoạt hàng ngày…
Những điều như vậy có thực sự tồn tại hay không, chúng ta không thể biết được, có những người đã hoàn thành xong kiếp sống của họ thì có thể biết được đôi phần, hoặc là cũng không. Tôi không hiểu nhiều về tôn giáo, tôi có niềm tin, nhưng bài post này sẽ cung cấp cho anh em một góc nhìn khác đi một chút.
Con người bây giờ nằm trên đỉnh cao chót vót của chuỗi thức ăn, dù xét về mặt sinh tồn, chúng ta không có bộ lông dày giữ nhiệt, không có cơ bắp và nanh vuốt sắt nhọn, không thể bay, không thể đào đất nhanh để trốn thoát,… vậy tính ra xét về mặt sinh học thì chúng ta chỉ nằm đâu đó ở giữa của chuỗi này.
Thứ duy nhất giúp tổ tiên ta dần dần vươn lên, từ một bầy đàn vượn người yếu ớt trở thành giống loài thống trị toàn thế giới, chính là khả năng kết hợp với nhau với số lượng đông không thể tưởng.
Chẳng hạn như những loài động vật nổi tiếng đi săn theo bầy, có chiến thuật săn và lùa mồi thuần thục, như Sư tử, cũng chỉ có thể cùng một lúc phối hợp tối đa trong phạm vi 6 7 con. Còn con người, bằng một cách nào đó, cũng là loài động vật sống theo bầy nhỏ, trở thành nhóm đi viễn chinh lên đến hàng vạn người, đồng lòng với nhau mà không chút khó khăn. Loài người từ những bộ lạc ít ỏi đâu đó vài chục hay vài trăm người, bằng cách nào đó, đã kết hợp với những kẻ ở bộ lạc khác, đi khai phá khắp thế giới xung quanh.
Nhận thức vượt trội không thôi chưa đủ, vì trong bản năng chúng ta vẫn xem những loài người “khác” chúng ta như những kẻ man rợ, anh em xem cách người da trắng đối xử với đồng loại có da tối màu hơn sẽ rõ. Bên cạnh trí tuệ vượt trội, còn phải kết hợp thêm yếu tố niềm tin, tức là giữa những con người hoàn toàn xa lạ, khiến họ cùng hướng về một cái đích, họ phải có chung một lòng tin về một thứ gì. Đó cũng là khi con người chúng ta truyền tai nhau về những huyền thoại, sơ khởi thì tổ tiên ta cùng tin vào những vị thần linh như thần cây, thần cỏ, thần sông, cho đến bây giờ thì tin vào Thiên chúa, tin vào Quan âm.
Huyền thoại chung thúc đẩy và kết nối những con người không hề quen biết, khiến họ hành động vì mục đích cao cả hơn, xác lập trật tự trong xã hội, định hình nền văn hóa của chúng ta.
Ví dụ, có hai người vượn cổ, hai con người xa lạ không tin vào nhau. Với bản năng loài vật họ hoàn toàn có thể giết hại lẫn nhau chỉ để cướp cho được thứ ngon lành mà người kia vừa săn được. Nhưng lúc bấy giờ, bên trên họ có hệ thống pháp luật của bộ lạc ban xuống, về mặt tự nhiên thì không hề có luật lệ gì thực sự tồn tại, như hai con mèo tranh giành với nhau. Nhưng, hai anh người vượn cùng tin vào pháp luật, cùng biết hình phạt sẽ nhận nếu có bất cứ hành vi sai trái nào, nên hai anh chỉ có thể thòm thèm vật quý giá của người kia mà không dám có bất kỳ âm mưu mờ ám gì khác.
Con người chúng ta cũng giống như bao loài động vật khác, nhưng để trật tự xã hội được ổn định hơn, người ta đối đãi với nhau công bằng hơn, thiện lành hơn thì tổ tiên ta đã phải tự sáng tạo ra những huyền thoại chung như vậy. Và sau hàng triệu năm tiến hóa, niềm tin vào các huyền thoại của con người đã ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Chúng ta tin vào luật nhân quả nên hiếm ai dám làm hại ai, thay vào đó hướng thiện bằng những hoạt động thiện nguyện. Những con lợn sống cùng nhau làm gì có bất kỳ đức tin nào như thế. Cuộc cách mạng lớn nhất của con người nằm ở thay đổi trong nhận thức, nơi hàng nghìn người cùng tin vào một thứ, từ đó họ cùng nhau phối hợp để chinh phục quả đất này.
Tự nhiên có thể hoàn toàn ngẫu nhiên, hoàn toàn hỗn loạn, loài người hoàn toàn lép vế như cách tổ tiên ta đã từng trải qua, từng trốn chạy những kẻ săn mồi hung hãn. Tự nhiên cứ thể diễn ra như một quá trình tiến hóa và biến đổi không ngừng, loài thích nghi được thì tiếp tục sống, không được thì tuyệt chủng luôn, như cách khủng long đã từng trải qua. Tưởng tượng xã hội chúng ta bây giờ, sống đúng với bản chất của loài vật, khi mọi người nhận ra tất cả những niềm tin đều là “nhân tạo”, không có bàn tay vô hình siêu năng, không có quả báo, không có linh hồn – liệu chúng ta có còn cư xử phải phép, có còn thờ cúng tổ tiên, có con sống cùng nhau được?
“Sự tự do”, “sự bình đẳng”, “sự công bằng”, “đạo đức”, tất cả chỉ là sản phẩm nhân tạo, tổ tiên ta ai đó đã tạo ra nó để thống nhất nhiều công dân nhất có thể. Đồng tiền chẳng hạn, tự nó chỉ là mảnh giấy, nhưng nó có giá trị bởi ai cũng tin vào nó, nó suy cho cùng là cách mạng về tâm lý, thứ mạnh mẽ mà bất kỳ ai trên thế giới này bất kể quốc gia hay tôn giáo đều có thể tin vào được. Khi chúng ta không ai tin vào tờ polime ấy nữa, nó trở lại đúng bản chất chỉ là mảnh giấy vô dụng thôi.
Đức tin của chúng ta ngày nay, nhiều người tin rằng nó có thật, số người lại quả quyết là huyền thoại truyền miệng của tổ tiên. Quả thật nếu đúng như những gì được chứng minh bởi các nhà khảo cổ hay nhà tiền sử thì tôn giáo cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta, nhằm hướng xã hội con người đến ngưỡng trật tự cao hơn. Có thật anh sẽ được đền đáp nếu anh luôn làm việc thiện? Hướng thiện cả đời nhưng anh vẫn bị người ta hại chết thì liệu có thực thể linh thiêng nào tác động vào cuộc đời của anh không? Giả thuyết thế. Vẫn có những thứ xảy đến trên đời này thần kỳ như được sắp xếp sẵn; duyên số hay vận mệnh con người vẫn là thứ gì đó rất kỳ diệu. Chúng ta vẫn khó có thể biết được đủ đầy, post này chỉ là một góc nhìn khác hơn cho anh em.