Không biết anh em thế nào, tôi không phải là người dễ hoà nhập cho lắm. Tức là có những hội nhóm tôi có thể bắt sóng rất nhanh, và cũng có những team mà qua vài tháng trời tôi vẫn bị ngượng khi tiếp xúc với họ. Nhưng điều đáng nói ở đây, nếu được nói chuyện riêng với bất kỳ ai trong cái nhóm khó hoà nhập đó, thì tôi lại chuyện trò thoải mái như thường.
Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chung của rất nhiều người. À thì trước đây tôi nghĩ mình đặc biệt lắm, có 1 0 2 lắm mới kỳ lạ như vậy, nhưng mà không, rất nhiều anh em giống như tôi nếu không phải nói là còn tệ hơn nữa.
Khi anh em đi làm một chỗ mới, thứ đáng sợ song hành cùng nỗi lo chưa quen việc chính là cảm giác ngại ngùng kém tự tin và khó hoà nhập. Công ty tôi có bé đó mới vào làm, nỗi sợ đầu tiên nó nói với tôi là sợ không hoà nhập được với mọi người. Trong khi sau lưng nó, đồng nghiệp ai cũng khen đó là một con bé dễ thương. Btw, that’s not a big deal (à câu này xin phép dùng tiếng Anh, vì sợ dùng tiếng Việt người Việt không hiểu, với nếu dịch ra tiếng Việt nghe nó hơi phèn)
Đây là nỗi sợ khá bản năng, nỗi sợ bị cô lập. Con người là những sinh vật cộng đồng, từ thời sống trong bộ lạc, một thành viên bị bầy đàn bỏ rơi đồng nghĩa với một cái chết sớm. Anh ta sẽ không được chia sẻ nguồn thức ăn, phải tự bảo vệ chính mình trước nguy hiểm ngoài cánh rừng tối tăm,… nhìn chung là bất lợi, và thời xưa thì bất lợi đó không có làm anh ta trầm cảm đâu, anh ta chết trước khi biết mình bị trầm cảm rồi.
Đến giờ thì nỗi sợ đó trở nên hơi vô lý. Tức là anh có bị cô lập thì chỉ hơi khó sống xíu thoy chớ thức ăn nhà cửa anh có sẵn đó rồi. Nếu là anh cách đây vài triệu năm, được đời ban cho cái chết sớm đầy ân huệ thì bây giờ, việc bị cô lập khiến anh đối mặt với thứ còn tởm hơn – chứng trầm kẽm. Là anh sống mà không buồn sống, nhưng kêu chết đi thì anh sợ quá trời. Nhưng dù có vô lý, nó vẫn là nỗi sợ bám rễ khá sâu sắc và gần như không thể bài trừ ra khỏi nội tâm con người.
Nói trượt hơi bị xa. Với anh em nào hướng nội thì việc cố gắng hoà nhập là thứ sẽ bào mòn dần tinh thần của anh em. Đi làm stress đã đành mà trong lòng còn lấn cấn xem mình yên ắng quá người ta có bắt mình tự đi săn không thì khổ nữa. Nhiều khi có những chuyện không dui, nhưng mà anh em vẫn ráng cười từ thiện cái lấy duyên vậy. Anh em biết ừ chẳng vui nhưng miệng vẫn mỉm cười vì đó là cái cười mỉm bắt nguồn từ nỗi sợ vô thức, sợ không cười mình sẽ bị nghỉ chơi.
Thấy tôi rành ghê á hì, tôi luôn đó chớ ai. Tự mình thấy mình bị cô lập, tự mình gồng cho hoà vào đám đông rồi tự mình tách ra vì thấy bản thân không khác gì một trò hề. Nghĩ lại thấy nguyên 1 vở bi hài kịch tự mình dựng lên chỉ để đẩy mình vào thế khó sống, đời chắc chưa đủ khổ hay sao á.
Người ta nhiều khi nhìn cái biết ngay anh em đang rất ngại, mà bên trong càng ngại thì lớp vỏ bên ngoài càng lộ liễu. Đợt trước đi làm tôi bị kiểu đấu tranh tư tưởng nặng nề, con người tôi thì thích im im mà làm, đủ thoải mái – nhưng một thằng ôn dịch khác trong nội tâm luôn tìm cách kéo tôi hướng ra ngoài để giao hoạt với người khác bằng mấy trò mèo cư xử thảo mai. Pha này nên cười không, nên đùa lại thế nào mới hài thiệt hài, mà lỡ không hài thì quê quá, mà lỡ hài thì có vô lễ không. Và dĩ nhiên là nó gò bó vl rồi.
Công việc sau này của tôi diễn ra trơn tru hơn. Tôi xem những gì tôi trải qua trước đó là bài học kinh nghiệm cho mình, và cũng từng có thời gian sau khi nghỉ làm tôi chật vật tìm câu trả lời xem mình nên cư xử như nào nữa nếu vào môi trường mới.
Tôi cũng rút ra được vài ý niệm thế này. Vì anh em đi làm nên điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất anh em nên nghĩ đến chính là công việc. Khá rõ ràng, anh em phải quen việc trước rồi mới quen người sau.
Loài người cũng có một cái bản năng “chúng ta” – “chúng nó” khá ghê gớm nên khi anh em mới vào, cứ mặc nhiên chấp nhận mình là “chúng nó” và thấy được sự dè chừng của bất kỳ ai ngoài kia. Điều hoàn toàn dễ hiểu. Khi anh em quen việc rồi, thao tác này kia lanh lẹ thì chuyện trao đổi dự án với đồng nghiệp sẽ dễ dàng hơn, và một mối quan hệ tốt đẹp hoàn toàn có thể bắt đầu từ đó.
Thứ hai, cứ là mình thôi anh em. Mình không muốn cười thì mình không cười, không muốn trò chuyện thì không phải ra vẻ ni kia làm chi. Đây không phải là lời khuyên thừa, thực tế người ta sẽ đối xử với anh em theo độ thoải mái mà anh em đang thấy. Anh em càng gồng càng gò bó thì tự dưng sẽ thấy người ta khó gần với anh em. Còn anh em thoải mái, ời im cũng được miễn mình thích là được thì dần dà anh em sẽ thấy chuyện giao hoạt cũng sớm muộn êm đềm nếu cả hai bên không ai đặt nặng vấn đề đó. Mà người ta ở sẵn trong cộng đồng rồi, việc gì phải nặng nề với anh em. Có chăng anh em đang tự bắn vào chân mình thôi à.
Tôi rất thích trao đổi công việc, dăm ba câu đùa giỡn tầm phào tôi không quan tâm lắm, nếu vui thiệt thì tôi cười chứ chẳng phải cố gắng đối đáp lại sao cho hài hước khi bản thân mình thấy đang quá ngại. Anh em sẽ trở nên hài hước khi bên trong thấy thoải mái với tự tin, còn tâm trạng mà thiếu ổn định thì tốt nhất đừng mở mồm giỡn làm gì, nó có thể vừa không có duyên vừa làm anh em thấy càng dằn vặt hơn vì chẳng ai phản hồi.
Mà đi làm. Anh em đến đó kiếm cơm, chớ có đi cà phơ đâu mà nặng nề chuyện giao tiếp. Anh em đặt mục tiêu thật cao, rằng mình học được cái này cái kia, con đường sự nghiệp mình phải thế nọ, thì có lúc chợt nhận ra chài dăm ba cái trò hoà hợp nó cũng không phải vấn đề gì to tát nữa.
Với lại thế này, làm việc cũng có nhiều kiểu người làm việc. Có kiểu người không thể cùng lúc vừa giỡn vừa làm, khi làm họ muốn yên tĩnh mà làm xong việc. Nhưng cũng có người đi làm, phải đi qua đi lại, phải đùa giỡn bâng quơ mấy câu thì hiệu suất công việc của họ mới được cải thiện, họ không thích môi trường quá căng thẳng, nên họ tự tạo niềm vui xen kẽ cho mình. Vậy nên nếu anh em là người yên ắng đầu đuôi thì cũng không phải gì tách biệt đâu.
Anh em nếu muốn hoà nhập tốt hơn thì thứ anh em quan tâm không phải là mình duyên dáng thế nào hay mình hài hước ra sao, mà anh em đem lại giá trị gì cho người khác. Cố gắng quen việc mau, sau này dễ hỗ trợ đồng nghiệp 1 vài việc mình biết thì cũng tính là mang lại giá trị rồi. Thấy thùng nước uống chung của công ty có cạn thì mạnh dạn hỏi người ta xem đổi ở đâu rồi mang đi đổi hộ, cũng 1 dạng có giá trị khác. Giúp ngừoi ta 1 vài cái nhỏ nhặt như lau vết bẩn trên bàn, chỉnh lại dây cắm sạc laptop, khi rót nước rót hộ ngừoi ta 1 ly,… thì anh em sẽ được đánh giá là người tinh tế. Mà nên làm với tâm thái thoải mái, làm vì muốn làm, chứ không thoải mái mà đi rót nước thì giống như mình là thằng osin, dù người khác không có nghĩ z.
Nhìn chung còn nhiều lắm. Môi trường làm việc thường không thiện lành như ở công ty của tôi, à tôi khá may luôn á, vì vậy sẽ không có nghiệm chung cho phần lớn anh em. Bài này cũng chỉ là 1 nhánh của cả vấn đề, mà thôi anh em cứ đi làm đi rồi tự rút được bài học cho mình hehe.