Cảm giác trống rỗng mà anh em nhận được, có thể xem là sự phản kháng từ nội tâm, rằng hiện tại anh em đang không cảm thấy có điều gì là ý nghĩa. Vậy thì giải pháp rất đơn giản là lấp đầy khoảng trống đó bằng trách nhiệm, bằng những hoạt động mang lại sự phát triển, mang lại nhiều ý nghĩa hơn thôi.
Chúng ta đều không thấy thoải mái với sự trống rỗng này. Dễ hiểu mà, nó tương đối gây bứt rứt, và không khác mấy cảm giác trầm cảm là bao. Anh em thậm chí đôi khi không buồn hỏi về ý nghĩa cuộc sống, chán nản đến mức biết trước có hỏi cũng không có câu trả lời.
Mọi cảm giác đến gõ cửa tinh thần anh em, về cơ bản nó đều như nhau cả. Hạnh phúc không tốt hơn đau khổ, niềm vui không tốt hơn nỗi buồn, cảm giác đong đầy tự nó cũng không tốt hơn sự trống rỗng nốt. Tất cả cũng chỉ là cảm giác, mà cảm giác là thứ không thể tách rời khỏi con người của anh em. Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng – biết chấp nhận và thừa nhận điều mình đang cảm thấy ngay bây giờ.
Anh em không cố trốn chạy khỏi nó, càng tìm cách né tránh nó đi, nó càng đi sâu vào bóng âm tìm ẩn bên trong tâm hồn. Thay vào đó, điều cần thiết là tách bản thân mình ra khỏi những cảm xúc thường trực, quan sát nó như một chủ thể hoàn toàn khách quan. Vì không đơn thuần mà tự dưng bản thân anh em lại cảm thấy như vậy, nó muốn trò chuyện cùng anh em, muốn anh em giải quyết những vấn đề mà chính anh em cũng đang gặp. Thậm chí có thể xem nó, là dấu hiệu rõ rệt nhất của việc đang có gì đó sai sai trong cách sống của bản thân.
Quan sát như thế nào? Tôi cho là không khó, nhưng đòi hỏi một sự thả lỏng nhất định, để tâm trí làm những thứ mà nó có thể làm, và cần phải làm. Carl Jung có một phương pháp, tên là chủ động tưởng tượng, một hình thức trò chuyện cùng nội tâm. Thực ra anh em không cần phải biết đang trò chuyện với Bóng âm, trò chuyện với Anima hay Bản Ngã, anh em chỉ cần tự tạo ra cho mình một hình dáng mà anh em thấy dễ ngắm nhìn nhất có thể.
Nó thậm chí không cần phải là một thực thể rõ ràng, trước mắt anh em chỉ cần là một mớ bầy nhầy đen đục đang lúc nhúc trên sàn – và anh em quan sát nó, quan sát chính cảm xúc của anh em. Hoặc đó có thể là một người phụ nữ/ một người đàn ông/ một đứa trẻ, họ đều đang mất đi sự ổn định về cảm xúc. Họ có thể gào thét, có thể khóc lóc, có thể cộc cằn hay thậm chí không thèm giao tiếp với anh em. Giờ này, tách bản thân ra khỏi cảm xúc, anh em sắm vai một người “thầy” lý trí, lắng nghe hết mọi tâm tư, khách quan nhất có thể, đưa ra lời khuyên cho đối tượng “không thật” kia.
Ra một chỗ thoáng, hít vài hơi sâu, nhắm mắt lại và anh em không cần phải cố gắng thêm điều gì nữa. Mặc nhiên cho tâm trí của anh em làm điều nó đang thèm khát. Đôi khi anh em sẽ tự hỏi, rằng đó có phải là thực thể đang trò chuyện không, hay tự mình đang gán những câu nói vào miệng của nó? Không quan trọng, cả hai đều như nhau, miễn là thấy thả lỏng, anh em có thể biết nó cần gì.
Hướng vào bên trong chưa bao giờ là dễ. Trong thời đại của sự phân tán tư tưởng sâu sắc như bây giờ, thì dù là giây phút riêng tư nhất anh em cũng không còn “riêng tư”. Càng đắm chìm trong sự thoải mái, càng hướng đến những niềm vui ngoại lai, anh em sẽ càng thấy đánh mất bản thân mình. Vô thức luôn muốn cân bằng lại cuộc sống nội tâm của nó, anh em càng bỏ quên nó đi thì nó càng tìm cách liên lạc với anh em, đôi khi bằng những cách rất khó chịu.
Hãy thử để ý giấc mơ của mình. Những thằng trai trẻ thi thoảng nằm mộng sẽ phát sinh hoạt động tình dụ.c với người khác giới. Đó không phải là ý trung nhân của anh em, cũng không phải là người tình trong mộng, cũng chưa chắc là anh em đang thèm khát động chạm thể xác. Nó đôi khi chỉ đơn giản rằng, Anima đang cố gắng thu hút sự chú ý của anh em về nó, thông qua những fantasy (từ này dịch sao quên rồi) như vậy. Thu hút để làm gì, mỗi người sẽ có câu trả lời rất khác nhau.
Khuyên anh em hãy luôn làm phong phú hơn cuộc sống nội tâm của mình. Để tránh tình trạng lạc lối vào hầu như tất cả các độ tuổi. Đôi khi bây giờ thi thoảng mới thấy mù mờ, lạc lõng một chút. Nhưng khi đã qua trung niên, khi những thú chơi bình thường không còn làm anh em hứng thú, thì anh em sẽ muốn tìm đến một trải nghiệm mới lạ hơn – cái chế.t chẳng hạn. Hoặc khác, vì chưa deal được với những fantasy nội tâm, nhiều người trung niên có xu hướng hồi xuân, thiếu trưởng thành, bộc phát ra những hành động lố bịch, chìm đắm trong dục vọng và rất nhiều sự phát tán khác. Tất cả cũng chỉ bắt nguồn, từ sự thiếu trưởng thành về mặt nội tâm.
P/s: À vừa nhớ ra. Hình như Fantasy có thể dịch ra là các ảo mộng (tình ái).