Cũng giống như những sắc màu bạn thấy trong cầu vòng chỉ là đoạn nhỏ của một quang phổ lớn hơn nhiều, ý thức của bạn cũng chỉ là 1 phần nhỏ của Psyche vô thức (Unconscious Psyche)
Những cá nhân cực kỳ sáng tạo xuyên suốt lịch sử đã hiểu rõ điều này, và xác định được vô thức chính là nguồn gốc của những đột phá sáng tạo dẫn đến sự biến chuyển bên trong bản thân, cũng như là những phát minh vĩ đại trong nghệ thuật, khoa học, và kinh doanh.
“Có một sự thật cực kỳ ý nghĩa, dù thường bị ngó lơ, đó là những tác phẩm của tâm trí con người, thứ vốn đã mang một dấu ấn đặc trưng về nguồn cội và sự vĩ đại, không đến từ bên trong vùng ý thức. Nó đến từ một nơi nằm ngoài tầm ý thức, chờ đợi được công nhận: nó tràn vào bên trong ý thức…thường là bằng một luồng sức mạnh đáng kinh ngạc.” (George Tyrrell)
Vai trò của vô thức trong những đột phá sáng tạo bị giới hạn bởi xã hội chúng ta. Hầu hết cá nhân không chỉ không nhận ra rằng vô thức chính là một mảnh đất sinh sôi đầy màu mỡ cho những đột phá mang tính bước ngoặt, mà còn tin rằng những đột phá sáng tạo này chỉ dành riêng cho một nhóm nhỏ “các thiên tài” – được sinh ra với tài năng và khả năng vượt bậc hơn hầu hết chúng ta.
Nhưng nếu niềm tin này là sai thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu khả năng để đạt được những ý niệm sâu sắc về sự biến chuyển thực sự này không chỉ dành riêng cho các thiên tài, mà nó còn là một kỹ năng có thể học được, dành cho tất cả mọi người?
A. KHÁM PHÁ RA VÔ THỨC: SIGMUND FREUD VÀ FREDERICK MYERS
Trong khi việc khám phá vô thức đã có một lịch sử lâu dài và đầy mơ hồ, người ta thường chấp nhận rằng Sigmund Freud chính là người chịu trách nhiệm cho việc tạo nên những kiến thức tổng quát về vô thức.
Freud rất hứng thú trong việc nghiên cứu vô thức để tìm ra nguồn gốc của tâm thần học. Thông qua những nghiên cứu của mình, ông kết luận rằng vô thức chính là một kho tàng chứa đựng các ký ức và kinh nghiệm bị kìm nén, thứ gây nên sự tàn phá trong cuộc sống và chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các chứng rối loạn thần kinh.
Nói ngắn gọn, Freud, đã nhấn mạnh vai trò tiêu cực của vô thức – vai trò của nó trong việc ngăn cản cá nhân tự nhận thức bản thân mình và hiện thực hóa tiềm năng của họ.
Frederick Myers thì có một lập trường đối nghịch với Freud. Ông tin rằng vô thức chính là nguồn cảm hứng, ý nghĩa, và sáng tạo dồi dào, mà nếu được khai phá, có thể dẫn dắt con người hướng tới một nhận thức tuyệt vời hơn.
Bởi vì ý tưởng của Freud đã trở nên phổ biến hơn trong xã hội chúng ta hơn là ý tưởng của Myers, ý tưởng về vô thức như một cõi đen tối và kinh dị vẫn còn ảnh hưởng đến nhận định của nhiều người về vô thức của bản thân họ.
Nhưng nhận định này là sai. Bởi những cá nhân cực kỳ sáng tạo trong quá khứ đã nhận ra rằng, khi nói đến những tác phẩm vĩ đại về văn chương, nghệ thuật, và khoa học, thì chính vô thức mới là nguồn cội của sự sáng tạo.
I) VÔ THỨC VÀ NHỮNG ĐỘT PHÁ SÁNG TẠO
Tiểu thuyết gia vĩ đại mang tên George Eliot đã nói rằng trong số tất cả những tác phẩm hay nhứt của mình, có một thứ gì đó “không phải chính cô” đã chiếm hữu lấy bản thân mình; rằng những lời mà cô viết có cảm giác như thể nó đến từ một “nhân cách khác” vậy.
Nhà văn John Keats viết rằng những tiết đoạn của tác phẩm nổi tiếng mang tên Hyperion của mình, đã đến với ông một cách “tình cờ hoặc ma thuật – như thể, nó là một điều gì đó dành riêng cho tôi.” Ông nói thêm rằng mình vẫn chưa “nhận thức được vẻ đẹp của một số ý tưởng hay từ ngữ cho đến khi ông sáng tác và viết nó ra.”
Nhà thông thái người Đức tên Goethe đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình mang tên The Sorrows of Young Werther rằng, “Tôi viết cuốn sách này gần như trong vô thức, giống như một cơn mộng du, và tôi thực sự kinh ngạc khi nhận ra những gì mình đã làm.”
William Blake, nhà thơ kiêm họa sĩ nổi tiếng người Anh, nói về tác phẩm Milton của mình, “Tôi đã viết bài thơ này từ bài ám tả (Dictation) ngay lập tức , 20 hay đôi khi là 30 dòng cùng 1 lúc, không dự tính trước, và thậm chí là đi ngược lại với ý muốn của tôi.”
Rober Louis Stevenson, tác giả của cuốn Dr.Jekyll and Mr.Hyde, đã viết về sự tồn tại của người trợ giúp bé nhỏ đến từ vô thức của ông, “Người phụ trách 1 nửa công việc của tôi trong khi tôi ngủ say, và trong mọi khả năng có thể của con người, nó cũng làm phần còn lại giùm tôi, khi tôi hoàn toàn thức dậy và hào hứng cho rằng chính bản thân mình đã làm những điều ấy.”
II) GIẤC MƠ VÀ NHỮNG ĐỘT PHÁ SÁNG TẠO.
Ý tưởng rằng vô thức chính là nguồn gốc của những góc nhìn sáng tạo đã giúp giải thích cho những người có nhiều cảm nghĩ đến từ giấc mơ. Trong trạng thái mơ, khi ý thức của ta “ngừng hoạt động”, thì vô thức được phép nói chuyện với ta trực tiếp (dưới dạng hình ảnh, trực giác và cảm xúc), không bị những ràng buộc giới hạn do ý thức đặt ra.
Nhà vật lý học Niels Bohr có một giấc mơ về một hệ hành tinh giúp ông hình thành nên “mô hình Bohr” (Bohr model) dành cho cấu trúc của nguyên tử, và dẫn tới việc ông đạt được giải Nobel.
Quy trình để sản xuất Insulin số lượng lớn của Sir Frederick Grant Banting cũng đến với ông trong giấc mơ.
Nhà sinh lý học tên Otto Loewi cũng có một linh cảm sớm trong sự nghiệp của mình rằng các xung thần kinh, thành phần cơ bản của tất cả hệ thần kinh, vừa là một sự kiện hóa học và vừa là điện thế. Quy trình thí nghiệm đã chứng minh rằng linh cảm này đến với ông trong một giấc mơ. Như ông đã viết:
“Buổi tối trước ngày Chủ Nhật Phục sinh năm [1920] tôi thức dậy; bật đèn lên và ghi xuống vài dòng lưu ý trên một mảnh giấy mỏng. Sau đó tôi nằm ngủ lần nữa. Tôi chợt nghĩ vào lúc 6 giờ sáng, trong đêm đó tôi đã viết ra điều gì đó quan trọng, nhưng tôi không thể giải mã được những dòng chữ nguệch ngoạc đó. Đêm tiếp theo, vào lúc 3 giờ, ý tưởng đó quay trở lại. Nó chính là việc thiết kế một thí nghiệm để xác định xem giả thuyết về sự dẫn truyền hóa chất mà tôi đã nói cách đây 17 năm trước có đúng hay không. Tôi đứng dậy ngay lập tức, tiến tới phòng thí nghiệm và thực hiện một thử nghiệm đơn giản trên một trái tim ếch được thiết kế phù hợp với lối sống về đêm… Kết quả của nó đã trở thành nền tảng cho lý thuyết về dẫn truyền hóa học của xung thần kinh.”
Friedrich August Kekulé, một nhà hóa học hữu cơ, đã khám phá ra cấu trúc mạch vòng của benzen trong giấc mơ của mình, trong giấc mơ đó ông thấy một con rắn đang ăn chính đuôi của nó. Diễn tả giấc mơ này, ông viết:
“Nhưng nhìn kìa! Thứ gì thế? Một trong những con rắn đã túm lấy đuôi của nó, và cái hình dáng đó quay cuồng một cách chế giễu trước mắt tôi. Như thể nó là một tia chớp, tôi thức giấc…Hãy học cách để mơ đi, các quý ông à”
III) VÔ THỨC: DỒI DÀO NHỮNG TIỀM NĂNG VÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ SÁNG TẠO VƯỢT BẬC.
Điều đáng tò mò ở đây là kiến thức này không được thừa nhận một cách dễ dàng trong xã hội của ta; và rằng chúng ta chưa bao giờ được dạy cách để khai thác kho tàng chứa đựng tiềm năng sáng tạo rộng lớn này.
HỌC CÁCH ĐỂ KÍCH THÍCH NHỮNG ĐỘT PHÁ SÁNG TẠO.
Graham Wallas, một nhà tâm lý học xã hội người Anh và là đồng sáng lập Trường Kinh Tế London (London School of Economics), đã viết trong cuốn Art of Thought, trong đó ông vạch ra 4 giai đoạn cần thiết để kích hoạt vô thức và quan trọng nhất là giải phóng những hiểu biết sâu sắc về vấn đề trong cuộc sống của mình.
4 bước này có thể áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào đòi hỏi các giải pháp sáng tạo trong cuộc sống: có thể là trong đời sống cá nhân, mối quan hệ, nghề nghiệp, hay trong công việc sáng tạo.
Bước 1: Chuẩn bị
Trong giai đoạn chuẩn bị này, hãy nghiên cứu vấn đề mà bạn đang phải giải quyết từ mọi khía cạnh. Hãy xem xét từ mọi góc độ và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về nó.
Trong giai đoạn này trau dồi một ham muốn chảy bỏng để giải quyết vấn đề là điều cấp thiết. Điều này sẽ báo hiệu cho vô thức của bạn biết vấn đề này rất nghiêm trọng, và cần phải giải quyết chúng ngay lập tức.
Bước 2: Ấp ủ.
Sau khi dành đủ thời gian cho giai đoạn chuẩn bị (Khi bạn gần kiệt sức), hãy dành chút ít thời giờ để giải quyết vấn đề. Sau đó hãy dành thời gian dưỡng sức và cố không nghĩ về công việc hay vấn đề bạn đang giải quyết.
Khoảng thời gian dưỡng sức này sẽ giải phóng năng lượng cho vô thức của bạn làm việc – sàng lọc, phân loại và kết hợp các ý tưởng được cung cấp cho nó trong giai đoạn chuẩn bị.
Bước 3: Mở mang trí óc
Tại một thời điểm nào đó, khi bạn luân phiên thay thế giữa thời điểm làm việc cực nhọc và nghỉ ngơi, một sự khai sáng sẽ đột nhiên xuất hiện từ vô thức của bạn. Cho dù đó là trong một giấc mơ, trong khi tắm, trong khi đi dạo chiều, hay trong bất kỳ khoảng thời gian vô thưởng vô phạt nào, một giải pháp cho vấn đề mà bạn đang giải quyết sẽ xuất hiện tới bạn rõ như ban ngày.
Thường thường một giải pháp sẽ xuất hiện một cách rất đơn giản và rõ nét, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mình chưa từng nghĩ đến nó trước đây.
Bước 4: Xác nhận.
Giai đoạn cuối này chính là xác thực giải pháp mà vô thức của bạn mang đến. Bước này không hẳn là cần thiết cho lắm. Đôi khi giải pháp đó có thể rõ ràng tới mức chẳng cần phải kiểm tra tính hợp lý của nó.
IV) SÁNG TẠO VÀ HIỆN THỰC HÓA BẢN THÂN
Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những ai tham gia vào khoa học hay nghệ thuật mới có thể sáng tạo. Đây chính là một sai lầm. Bạn có thể sáng tạo ở bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống – trong việc nuôi dạy con cái, thể thao, mối quan hệ, nghề nghiệp của bạn, hay sự phát triển của bản thân.
“…nếu bạn chẳng có bất kỳ thứ gì để tạo nên, thì có lẽ bạn đang tạo ra chính bản thân của mình.” (Carl Jung)
Abraham Maslow và Carl Rogers, 2 nhà tâm lý học nổi bật của thế kỷ 20, tin rằng sự sáng tạo chính là một trong những khả năng vượt bậc của con người, và nghĩ rằng việc nuôi dưỡng sự sáng tạo của con người đồng thời cũng chính là đi theo con đường dẫn tới một bản thân xuất chúng hơn.
Theo như góc nhìn này, trở nên sáng tạo không phải là điều xa xỉ, mà là điều cần thiết cho tất cả những ai phấn đấu tới sự thành toàn và hiện thực hóa bản thân.
“Cảm giác của tôi về khái niệm của sự sáng tạo và khái niệm của sự lành mạnh, hiện thực hóa bản thân, một con người hoản chỉnh, nó có vẻ song hành cùng với nhau và gắn bó thân thiết với nhau, và biết đâu có thể là cùng 1 thứ.” (Abraham Maslow, The Farther Reaches of Human Nature)
“Nguồn gốc của sự sáng tạo dường như là…khuynh hướng hiện thực hóa bản thân của con người, để xứng với tiềm năng của anh ta.” (Carl Rogers, On Becoming a Person)
Tôi thực sự muốn đề xuất cuốn sách mang tên Higher Creativity: Liberating the Unconscious for Breakthrough Insights. Nó sẽ giúp bạn mở rộng tầm mắt với những tiềm năng đang nằm ẩn sâu trong tâm trí của mình, và giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về cách để khai thác và sử dụng tiềm năng đó để sáng tạo và hoàn thiện hơn trong cuộc sống.