Người sơ cơ thấy một đời người khoảng 60-70 năm, hay tính theo năm, người có trí hơn thì thấy đời người tính theo đơn vị ngày, đồng nghĩa mỗi ngày 24 tiếng trôi qua là xong một cuộc đời, ngày mai là một cuộc đời mới, người tỉnh táo hơn nữa thì thấy đời người tính theo đơn vị hơi thở, một hơi vào một hơi ra là xong một cuộc đời, nên mỗi hơi thở tiếp theo là một cuộc đời mới và liên tục thay đổi.
Còn bậc thượng thừa thì thấy đời người tính theo đơn vị một sát na, nhanh như một tia chớp thoáng qua, cứ một ý niệm trôi qua là xong một cuộc đời.
Không cần chờ đến già đi đứng không nổi thì anh em mới thấy chuyện luân hồi là có thật, mà cứ quan sát một ngày 24 tiếng, sáng tối, sáng tối, sáng tối, mặt trời lên mặt trời xuống, nó vẫn luân hồi liên tục theo một chu kỳ.
Đời người mà thấy được mình luân hồi theo từng ngày là đã có tuệ giác rất tốt rồi, chứ chưa cần đến bậc 3 bậc 4 là thấy luân hồi trong từng hơi thở và trong từng ý niệm.
Chúng ta đang chết đi và sống lại liên tục, dù có thể chúng ta không nhận thức hết về nó được, về sinh lý, cơ thể anh em đang thay máu mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút mỗi giây, tế bào che^t đi rồi lại tái tạo lại, chứ nó không luân hồi là anh em về với ông bà rồi.
Về tâm lý thì dòng suy tưởng hay ý niệm trong đầu anh em nó cũng chạy không ngừng nghỉ, như đường cao tốc, ào ào, sinh diệt liên tục, nó vẫn đang luân hồi đấy thôi.
Người mà sống được chứ không nhớ trên lý trí, xin nhấn mạnh là ‘sống được’ với cái thấy, rằng một đời người sinh diệt trong từng sát na hay từng ý niệm thoáng quá thì sẽ thấy không có thời gian tồn tại, mà đổi lại là một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ của hiện tại mà thôi.
Thấy sinh diệt nó xẹt xẹt như vậy thì tự nhiên anh em bớt chấp, bớt nắm cho thật nhiều, bớt buồn, bớt giận. Có vui thì vui tý thôi, mà có buồn cũng buồn tý thôi, vì cơ bản cái vui buồn đó nó cũng xẹt xẹt liên tục.
Anh em thấy tôi nói sao nghe bi quan quá thì cứ ngẫm lại coi, nếu mai mình không còn tồn tại nữa thì đồng nghĩa tất cả thuộc gì về mình sẽ trôi dạt về đâu, nhà mình ai xài, danh mình ai dùng, vui buồn kia ai nhớ, cứ ngẫm kỹ là từ từ sẽ thấy ra.
Mà khi thấy được như thế, tự nhiên lòng nó rộng mở ra ngay, vì có muốn giận hờn lâu cũng không được, dòng chảy nó kéo mình đi mất tiêu rồi, không muốn cũng bị kéo đi.
Còn về nghiệp dẫn, có một câu chuyện thế này:
Có vị Tu sĩ đi khất thực, sáng ra có 3-4 hướng đi, thôi kệ, hướng nào cũng được, duyên gặp ai cho gì thì ăn đó, gieo duyên mà nên cứ vô tâm mà đi thôi.
Đến một ngày, tự nhiên ‘vô tình’ quẹo vào cái làng kia, rồi lại ‘vô tình’ quẹo vào cái nhà kia, người trong nhà đó lại ‘vô tình’ cúng dường cái bánh chưng mà nhà tự làm.
Vị Tu sĩ hoan hỷ, cho gì thì ăn đó thôi, trước khi đi, nhà đó còn dặn, Thầy mà thích ăn bánh chưng nữa thì cứ đi ngang nhà tụi con, lúc nào cũng có sẵn cho Thầy cả.
Cái bánh chưng có gì đặc biệt hay không thì tôi không rõ vì tôi chưa được ăn, nhưng riêng vị Tu sĩ đó thì chắc ‘hợp’ khẩu vị nên ăn hơi bị ngon miệng.
Vài hôm sau, cũng như mọi ngày, đúng giờ đó thì vị Tu sĩ lại lên đường đi khất thực, đứng ngày ngã tư, đang định quẹo hướng nào để đi tiếp, thì cái hình ảnh cái bánh chưng nó ‘xẹt xẹt’ qua,… rồi ‘tự nhiên’ chân và ánh mắt của vị Tu sĩ hướng về chỗ cái làng có cái nhà cho cái bánh chưng đó.
Vậy có đi tiếp để ăn bánh chưng nữa hay không thì cái kết mở, nhưng tại sao tôi lại kể câu chuyện này thì anh em cứ đọc lại những cụm từ tôi để trong dấu ‘….’
Vô tình, tự nhiên, thấy hợp, xẹt qua. Thật ra không có cái gì là tự nhiên đâu, mà do cái thích cái ghét trước đó đã dẫn chúng ta đi đến đó thôi, cái thích nó ngấm ngầm thế nào không hay biết, nói theo yang hồ là nghiệp dẫn, nghiệp là những cái thói quen trong suy nghĩ, trong lời nói hay hành động của anh em,
hay là thói quen tích luỹ đã có sẵn trong vô thức của anh em rồi.
Mới có cái bánh chưng thôi mà đã có thể ’dẫn dắt’ chuyện chúng ta sẽ chọn đi hướng nào rồi, huống chi ở game đời, anh em đâu chỉ mê cái bánh chưng mà còn mê hàng trăm hàng ngàn thứ khác nữa.
Nên mỗi sáng ngủ dậy, quyết định làm gì, đi đâu, gặp ai, mặc gì, ăn gì, nhìn tưởng ‘vô tình’ mà thật ra nghiệp nó thúc dục gần hết toàn bộ rồi, không ý thức được thì mình kẹt cứng trong dòng nghiệp lực đó, chưa kể là làm cho nó càng sâu dày hơn.
Phải thấy ra được cái luân hồi liên tục đó, cái dòng nghiệp lực đó, thấy ra nó đang dẫn dắt ta thế nào thì may ra còn tý tý % để tự do khỏi dòng nghiệp lực trên.
Nói vậy thôi, chứ không thoát được đâu, cả việc tôi viết thế này còn là một phần của dòng nghiệp lực, chứ không hẳn, không viết nữa là hết nghiệp đâu.
Thấy ra để điều chỉnh phần nào, chứ tự do hoàn toàn thì gần như impossible. Có nhưng cực khó, và nó không dành cho tất cả.
Cheers
Bác 7B
——
Hình của norlha_atelier