Trải qua nhiều ngày giãn cách như thời gian qua thật sự là một cơ hội trăm năm có một khi mà mọi người đều sở hữu một khoảng dừng quý giá trong một xã hội mang tính liên tục như hiện tại. Dừng lại để nhìn nhận, xoay chuyển và cập nhật. Để cân bằng những mục tiêu lớn trong cuộc sống. Sau này khi tiếp tục chúng ta sẽ không phải bỏ mất cái này mà chạy theo cái kia. Và ở những trạng thái như thế này, bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi cho bản thân: Tại sao tôi lại không đạt được những thứ mà tôi mong muốn?
Nếu như câu trả lời của bạn từng là: do không phù hợp, do hoàn cảnh, do ba mẹ, do bạn bè, do thị trường, đất nước hay là do cô bán phở đầu hẻm, vân vân và mây mây….thì xin chúc mừng bạn, vì đã đọc được bài viết này. May mắn cho cả tôi và bạn, là tôi cũng từng có suy nghĩ như bạn. Nhưng hiện tại, tôi đã tự có câu trả lời thoả đáng cho bản thân, và hy vọng nó cũng sẽ hữu ích với bạn.
Trước hết là điều mà chúng ta luôn phải làm với bất cứ vấn đề nào – đi tìm cốt lõi. Cốt lõi của việc chúng ta đạt được hay không đạt được một điều gì đó là gì?
Hãy đặt đúng câu hỏi!
Giá trị mà bạn được xã hội công nhận chính xác là giá trị mà bạn mang lại cho xã hội này. Nói cách khác, tất cả chúng ta có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Dù cho bạn có muốn công nhận hay không, thì chúng ta kết nối với nhau luôn bởi vì ít nhất một lợi ích nào đó.Và tôi gọi lợi ích đó sẽ là thứ mà bạn mong muốn đạt được. Vậy thì, để đạt được thứ bạn mong muốn, giá trị bạn mang lại phải tương đồng. Tôi đặt 1 đẳng thức đơn giản về 2 khái niệm này:
Giá trị của bạn = Những điều bạn mong muốn
Có phải trước giờ chúng ta thường tập trung vào vế phải để tạo động lực cho bản thân? Để trả lời cho câu hỏi tại sao bạn lại không đạt được thứ mình mong muốn, bước đầu tiên bạn phải trả lời một câu hỏi tập trung vào vế trái của đẳng thức. Giá trị của bạn có tương đồng với thứ mà bạn mong muốn hay chưa?
Giả sử bạn có một chiếc siêu xe mơ ước. Hãy tự hỏi, những người sở hữu chiếc siêu xe đấy, họ là người như thế nào? Vị thế, thần thái, mối quan tâm của họ là gì? Họ làm gì để có được thứ đó?
Giả sử bạn mong muốn có một người mentor giàu kinh nghiệm, giàu tài sản, sẵn sàng chỉ bảo cho bạn ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống? Hãy tự hỏi, tại sao họ lại phải chỉ bảo cho bạn?
Giả sử bạn mong muốn có một người tri kỷ xịn xò, tâm lý, giỏi giang? Hãy tự hỏi, tại sao họ phải kết nối với bạn?
Vậy thì, về cơ bản, câu hỏi đầu bài không hề khó để trả lời. Bạn muốn đạt được thứ gì đó, hãy tập trung phát huy giá trị con người bạn và trao đi giá trị tương ứng với điều bạn mong muốn. Và câu hỏi đúng phải là, làm thế nào để tăng giá trị cho bản thân?
Giá trị của một cá nhân cơ bản là những gì cá nhân đó có thể mang lại cho xã hội, nó có thể bao gồm kiến thức, năng lực, khả năng kết nối hoặc là uy tín của bản thân bạn. Nhưng dù bạn thuộc tuýp người thiên về dạng năng lực nào, giá trị của bạn sẽ chỉ được xác nhận bằng kết quả. Và để có thể liên tục tạo ra kết quả, bạn cần phải:..
1. Thực hành liên tục:
Tại sao một người có thể đưa ra liên tiếp những quyết định đúng?
Bởi vì họ có rất nhiều kinh nghiệm.
Tại sao họ lại có thể có nhiều kinh nghiệm?
Bởi vì họ đã từng đưa ra liên tiếp những quyết định sai!
Đối với bất cứ việc gì trên cuộc đời này, kết quả chỉ đến khi bạn bắt tay vào thực hành liên tục.
Con người ta hay dễ dàng nhầm lẫn giữa sự chuẩn bị kỹ càng và sự ngưng trệ không dám hành động. Hoặc có thể là họ cố tình nhầm lẫn để né tránh một điều gì đó, ai mà biết được!
Tất cả những sản phẩm và công trình của nhân loại đều bắt nguồn từ những ý tưởng và suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu không hành động, nó sẽ mãi nằm trong suy nghĩ của bạn.Nếu bạn sợ sai, bạn cần phải tích luỹ đủ đầy sự chuẩn bị trước khi hành động, đó là một suy nghĩ rất dễ hiểu. Nhưng có một bí mật tôi muốn chia sẻ với bạn ngay bây giờ: không có sự chuẩn bị nào là đủ đầy và cho dù bạn có chuẩn bị cả đời đi chăng nữa, bạn đều có nguy cơ thất bại.
Có một dẫn chứng thú vị như thế này: Việt Nam chỉ có dưới 5% start-up “được” tổ chức sinh nhật lần thứ 2 – một tỷ lệ quá thấp và là một thực tế đáng buồn. Còn ở Mỹ, con số này khoảng 50% và đến sinh nhật lần thứ 5 thì còn 15-20%…
Tôi dẫn chứng điều này để làm gì? Là để thể hiện trực quan một điều rằng, việc bạn đạt được kết quả ở ngay lần đầu tiên gần như là không thể. Cách tối ưu nhất dành cho bạn, là thực hành liên tục. Và tất nhiên là đừng sợ sai, bạn sai càng nhiều và càng nhanh thì càng tốt. Sai lầm là cách tốt nhất để bạn trở nên dày dạn và trưởng thành hơn, dù là khía cạnh nào đi chăng nữa.
Tóm lại, nếu bạn mong muốn kết quả đến, bạn cần phải thực hành liên tục, và…
2. Sự tập trung
Hãy thử nghĩ trong đầu, lần gần nhất mà bạn từng tập trung vào làm một việc gì đó là khi nào?
Có một thực tế thế này, từ thời còn đi học, nếu thầy cô giao cho bạn một chồng bài tập và deadline 1 tuần là đến hạn nộp, chắc chắn bạn sẽ hoàn thành nó trong một tuần. Nhưng nếu cũng đúng số bài tập đó, và deadline là 3 ngày, bạn vẫn sẽ hoàn thành. Thậm chí nếu là 1 ngày, bạn vẫn sẽ hoàn thành, và thậm chí là hoàn thành một cách chỉn chu hơn cả 1 tuần! Tất nhiên là tôi đang hình dung bạn không phải là một học sinh cá biệt chả bao giờ làm bài tập về nhà nhé!
Sự khác biệt kỳ lạ đó đến từ sự tập trung của bạn!
Thêm một dẫn chứng nữa: Khi bạn xem đá bóng, có bao giờ bạn thấy một cầu thủ ngưng đá và ra kiểm tra tin nhắn xem vợ mình đẻ chưa, hay bệnh tình người thân mình thế nào không? Tôi tin bạn có câu trả lời, và một điều đặc biệt ở đây là không chỉ vì quy định, mà trong 90 phút ấy, 22 cái đầu lạnh trên sân chỉ tập trung vào một mục tiêu là chiến thắng. Tôi cũng chưa từng đá bóng ở những trận cầu lớn, nhưng kể cả ở những sân bóng mini thì những người chơi cũng đã có tâm thế tương đương, cảm giác cũng tương tự như khi mình rơi vào một cuộc choảng nhau. Cảm giác đó được gọi là cảm giác làm việc sâu “deep work”. Đó là khi đầu óc mình hoàn toàn tập trung để hoàn tất một việc nào đó trong một thời gian xác định. Cảm giác làm việc này thường phải được kích thích, phải có một độ khó tương ứng với khả năng của mỗi người, thời gian kéo dài cũng tuỳ mỗi người và thường cần 1 ngày để có thể kích hoạt lại. Riêng tôi ít khi có thể kích hoạt 2 lần trong một ngày.
Vậy deep work có thể được kích hoạt trong công việc hàng ngày, khi mà mọi thứ đều khô khan, không có tính cạnh tranh hay không? Tùy vào tính cách và tính chất công việc, chắc hẳn mỗi người có một cách kích thích deep work của mình khác nhau. Có thể là một bản nhạc hay, một vài bản tin, bài viết, một cuộc trò chuyện, một tách cà phê, hoài niệm về quá khứ, hay một ý tưởng sáng tạo. Và tất nhiên một phần không thể thiếu là tâm trí. Sự thiết tha với công việc bạn đang làm, một thử thách trong công việc trong giới hạn của bạn. Và nhớ là, nếu nó quá khó hoặc quá dễ sẽ làm bạn chán nản, bỏ cuộc sớm. Nếu bạn đang làm một việc mà thấy rất kích thích vào việc đó, một thông báo facebook hay tin nhắn điện thoại, hay thậm chí tiếng ba mẹ kêu xuống ăn cơm không đủ để khiến bạn ngừng làm, thì chúc mừng bạn đã vào deep work. Hãy cố tìm cảm giác này mỗi ngày, với tôi cảm giác này thường kéo dài khoảng 2 tiếng và thường được kích thích vào buổi sáng với một cốc cà phê và một bản Nocturne của Chopin. Ở trạng thái này bạn hầu như sẽ đạt đến giới hạn của bản thân trong suy nghĩ, sự tập trung thậm chí còn vượt ngoài khả năng mình tin mình có thể. Và đó là tại sao nó chỉ diễn ra trong một vài tiếng ngắn ngủi, sau đó đầu óc mình sẽ có cảm giác trống rỗng. Nên tôi thường dành những việc khó vào thời điểm này và để những việc mang tính lập đi lập lại sau khi đã hết deep work. Trong cuộc sống, công việc, sẽ khó tránh khỏi những ngày chán nản, những lúc khi nhìn quanh mọi thứ đều khó khăn, những thành công của người khác mà mình cảm thấy khó đạt được. Nhưng khi bạn đã tìm được tiếng nói từ bên trong của mình, khám phá, hiểu, kích hoạt và kiểm soát được năng lực thật sự của bản thân mình thì mỗi ngày đều là những ngày làm việc thật hết mình và thú vị.
Hành động liên tục một cách thật sự tập trung, giá trị của bạn sẽ được update mỗi ngày. Và đến một giai đoạn nào đấy trong cuộc đời, bạn không còn dành sự quan tâm vào vế phải của đẳng thức nữa. Bới vì khi bạn đủ giá trị, những món quà tương ứng sẽ tự đến với bạn – một cách không thể nào khác hơn được.
Hy vọng bài viết này không chỉ giúp bạn thật sự trả lời được câu hỏi “Tại sao bạn lại không có được những thứ bạn mong muốn?” mà còn tìm được một sự đồng điệu với tôi trên con đường đi tìm sự tối ưu trong cuộc sống của mình. Cảm ơn và hẹn gặp lại ở những nội dung kế tiếp.