Hãy giả sử bây giờ, Chúa hiện lên và cho bạn mười tỷ đô la Mỹ, nhưng cơ thể bạn sẽ trở thành cơ thể của một cụ già 80 tuổi, với cái đầu gối nặng trĩu mỗi khi bạn muốn cất bước đi, bàn tay run rẩy mỗi khi bạn cầm bát cơm, cái dạ dày không thể ăn được mấy tí, phải đóng bỉm khi ra ngoài và bị bệnh gút. Bạn có chấp nhận đề nghị này không?
Nếu Người đưa cho bạn 100 tỷ đô la, con số đủ để bạn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, nhưng đổi lại 5 người thân quan trọng nhất của bạn sẽ phải ra đi. Bạn có chấp nhận đề nghị này không?
Cuối cùng, nếu Người cho bạn bàn tay bằng vàng của vua Midas để bạn có thể tạo ra lượng của cải vô cùng tận mà bạn muốn. Chỉ một cái chạm có thể khiến cả dãy Trường Sơn biến thành vàng của bạn, nhưng bạn sẽ chỉ được phép sống thêm duy nhất một ngày nữa. Bạn có chấp nhận đề nghị này không?
Nếu như bạn không phải những kẻ cuồng trí vì đọc quá nhiều sách self-help, tôi đoán là bạn sẽ không muốn chấp nhận bất cứ giao kèo nào cả. Xét cho cùng, tiền bạc cũng không có nhiều ý nghĩa nếu bạn không còn đủ sức để hưởng thụ chúng, không còn người thân để chia sẻ chúng, và không còn sinh mệnh để sử dụng chúng. Tiền thực sự không thể mua được quá nhiều thứ.
Tôi không chắc lắm về việc Chúa sẽ hiện lên hay không, nhưng tôi chắc chắn rồi một ngày bạn sẽ trở nên già yếu đến mức không thể kiểm soát cơ thể mình. Một ngày bạn sẽ bị dày vò bởi bệnh tật. Một ngày bạn sẽ phải chia ly với những người thân của mình. Và rồi đến một ngày, bạn sẽ chết. Bạn sẽ hoàn trả lại tất cả những thứ đã vay mượn và rồi rời đi mà không mang theo bất kỳ điều gì.
Sự giàu có có lẽ là điều được theo đuổi nhiều nhất trong xã hội của chúng ta. Không chỉ lũ kiết xác chúng ta muốn giàu có hơn, những người cực kỳ giàu có cũng muốn trở nên giàu có hơn. Nhưng trong những hoàn cảnh hiển nhiên mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai, tiền không bao giờ là câu trả lời. Bạn nghĩ sẽ cần bao nhiêu tiền để thoát khỏi đau khổ khi bạn gặp phải bệnh tật đầy mình, khi người thân của bạn ra đi, hay khi bạn phải đối mặt với cái chết?
Trong nhiều nghìn năm, con người đã phát triển tập quán ràng buộc đời mình với một số thứ nhất định. Bạn đang bị ràng buộc với cơ thể của mình, cộng đồng của mình, sinh mệnh của mình. Nên khi mất đi, hoặc chỉ nghĩ đến việc sẽ mất đi, cũng khiến bạn cảm thấy chới với và đau khổ. Tiền, hoặc rất nhiều tiền, không thể cắt đứt những sự ràng buộc này. Nó chỉ khiến bạn có thêm một một sợi dây trói buộc mà thôi.
Nhưng có những người vẫn sống trong tuổi già đau yếu một cách vui vẻ. Có những người bệnh tật vẫn luôn mạnh mẽ và lạc quan. Có những người phải đối diện với sự chia ly, mất mát và cái chết, nhưng vẫn bình thản đối mặt với chúng. Bởi vì họ đã giải thoát mình khỏi những trói buộc. Hay nói cách khác, họ đã làm chủ được bản thân mình.
Nếu bạn làm chủ được cơ thể mình, bạn sẽ không sợ tuổi già. Nếu bạn làm chủ được năng lượng của mình, bạn sẽ không sợ bệnh tật.
Nếu bạn làm chủ được tâm trí của mình, bạn sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì, kể cả cái chết. Làm chủ cả ba điều này, nghĩa là đã làm chủ hoàn toàn cuộc sống và vận mệnh của mình. Bạn không còn để những con sóng dẫn mình đi, mà bạn có thể đi bất kỳ đâu. Đó mới là quyền lực tối cao trên thế giới này.
Chúng ta cần nắm vào những sợi dây cơ thể, tiền bạc, những mối quan hệ và rất nhiều thứ khác để có thể đứng vững trong cuộc sống. Nhưng để cho chúng trói buộc, hay cầm lấy những sợi dây buồm và tự điều hướng con thuyền của mình, đó lại là lựa chọn của mỗi người. Đó là lý do vì sao phải tu. Tu không có nghĩa là cạo tóc, không có nghĩa là ăn chay, không có nghĩa là trói buộc bản thân mình vào sự kham khổ, mà là sống theo những cách nhất định để cởi bỏ những sợi dây đã và đang trói chặt chúng ta. Để có thể trở nên tự do, thay vì chỉ tồn tại như một người nô lệ của vật chất.
Bởi vì chúng ta trôi nổi trên vận mệnh như con thuyền lênh đênh giữa đại dương bao la. Vấn đề không bao giờ là bạn sẽ chất được bao nhiêu hàng hóa, vấn đề là bạn làm chủ con thuyền của mình tốt đến mức nào.