Vào năm 1983, một tay guitar trẻ tài năng bị đá khỏi ban nhạc của mình theo cách thức vô cùng tồi tệ. Chỉ vài ngày sau khi cả nhóm ký kết được hợp đồng thu âm đầu tay, những hảo huynh đệ gọi anh chàng guitar đến và lạnh lùng tuyên bố: “Bọn tao không muốn chơi chung với mày nữa. Dọn đồ đạc của mày và phắn về quê đi”.
Tay guitar trẻ, tất nhiên rồi, vô cùng bàng hoàng và đau đớn. Cơ hội lớn nhất anh từng có trong đời vừa bị đập nát ra thành từng mảnh vụn bởi chính những người bạn thân thiết nhất. Anh biết làm gì để sống bây giờ? Tại sao mọi chuyện lại xảy đến như thế cơ chứ?
Nhưng anh chàng này là người vô cùng mạnh mẽ. Anh nhanh chóng vượt qua nỗi đau, và lên một kế hoạch trả thù vĩ đại. Anh lập lời thề rằng mình nhất định sẽ trở nên thành công, thành công đến mức mấy thằng đểu kia sẽ phải hối hận suốt đời vì cái quyết định dấm dớ của bọn họ. Anh sẽ tỏa sáng trên những sân khấu đông nghẹt khán giả trong khi cả nước Mỹ theo dõi show diễn trực tiếp của anh. Tên tuổi anh sẽ oanh tạc trang nhất của mọi tờ báo lớn và nằm chễm chệ trên đỉnh bảng xếp hạng Billboard trong nhiều năm liền. Bọn kia sẽ ngồi gặm bánh mì ở một xó xỉnh nào đấy, chất lên thùng xe mấy cái nhạc cụ tả tơi lởm vãi của chúng, trông béo như lợn với mấy mụ vợ xấu xí. Anh sẽ tắm bằng những giọt nước mắt của cái lũ phản bội kia, mỗi một giọt của chúng sẽ được hứng bằng một tờ tiền $100 mới coóng thơm tho.
Và tay guitar của chúng ta cứ thế mà làm việc như thể bị một con quỷ âm nhạc ám thân vậy. Anh chàng dành nhiều tháng trời để chiêu mộ các nhạc công hay nhất mà anh tìm được – hay hơn nhiều so với bọn bạn cũ. Anh viết mấy chục ca khúc và luyện tập chăm chỉ như mấy tay Otaku vùi đầu vào anime. Cơn giận điên truyền năng lượng cho tham vọng của anh. Phục thù trở thành thi hứng cho tâm hồn anh.
Tay guitar ấy tên là Dave Mustaine, và ban nhạc mới của ông là ban nhạc heavy-metal huyền thoại Megadeth. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Mustaine, Megadeth đã thành công rực rỡ. Họ bán được trên 25 triệu album và lưu diễn vòng quanh thế giới. Ngày nay, Mustaine được xem là một trong những nhạc sĩ xuất sắc và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử dòng nhạc heavy-metal. Quả là kết thúc có hậu nhỉ? Nhưng không.
Bất hạnh ở chỗ, ông ấy bị cho ra rìa bởi Metallica, ban nhạc bán được tới 180 triệu album trên toàn thế giới. Metallica là ban nhạc thành công nhất của dòng nhạc heavy metal xét về mặt thương mại, hơn nhiều so với Megadeth. Metallica đoạt đến 9 giải Grammy, so với chỉ 1 của Megadeth. Rất nhiều người cho rằng Metallica là một trong những ban nhạc Rock hay nhất mọi thời đại. Và bởi vì thế, trong một buổi phỏng vấn thân mật hiếm hoi vào năm 2003, một Mustaine ngấn lệ đã cay đắng thừa nhận rằng ông chẳng thể làm gì khác mà vẫn luôn tự cho mình là kẻ thất bại. Mặc cho tất cả những gì đạt được, trong lòng mình, ông vẫn luôn là thằng cha bị Metallica tống cổ đuổi đi.
Giờ thì, bạn và tôi có thể nhìn vào câu chuyện của Dave Mustaine mà cười khoái trá. Đây này, anh chàng triệu đô, với hàng ngàn người hâm mộ, có một sự nghiệp được làm điều mà anh ta mê nhất, và vẫn là anh chàng rơm rớm nước mắt vì mấy thằng bạn ngôi sao nhạc rock từ hai mươi năm trước nổi tiếng hơn mình. Nhưng thứ Peer Pressure đang làm tất cả chúng ta khốn khổ, thực chất có chung công thức với nỗi đau của Dave.
ĐẰNG SAU NHỮNG THÀNH CÔNG
Thành công là một khái niệm tương đối. Mỗi chúng ta đều có cho riêng mình những tiêu chuẩn để quyết định thế nào là thành công. Vào năm nhất, tiêu chuẩn thành công của tớ chỉ đơn giản là không phải xin phụ huynh tiền ăn sáng. Vậy nên việc kiếm được 2 củ mỗi tháng từ công việc làm thêm là một thành công rực rỡ đối với tớ. Nhưng với tiêu chuẩn thành công của một người bạn thường kiếm cả chục triệu mỗi tháng từ đầu tư chứng khoán mà tớ biết, mức thu nhập đó lại là một thất bại.
Dave Mustaine, dựa trên trải nghiệm đau đớn của mình, đã thiết lập tiêu chuẩn thành công của riêng ông là: thành công hơn so với mấy thằng bạn cũ. Bán được nhiều đĩa đơn hơn Metallica là thành công, bán ít hơn là thất bại. Nổi tiếng hơn Metallica là thành công, ít fan hâm mộ hơn là thất bại. Mustaine đã không đạt tới được tiêu chuẩn thành công này. Vậy nên dù ông vô cùng thành công so với những tiêu chuẩn của xã hội, thì đối với chính mình, ông vẫn luôn là kẻ thua cuộc.
Quay trở lại với câu chuyện về Peer Pressure. Đa số chúng ta được nuôi dạy từ một hệ thống giáo dục luôn xếp hạng các học sinh và những vị phụ huynh có thói quen “đấy mày nhìn con nhà người ta kia kìa”, đã vô thức thiết lập tiêu chuẩn thành công dựa trên việc so đo với bạn bè đồng trang lứa⁽¹⁾. Áp lực phải “bằng bạn bằng bè” khiến chúng ta tự thiết lập chuẩn mực thành công của mình là: trở nên thành công hơn so với những người xung quanh. Giỏi hơn chúng bạn là thành công, kém hơn bạn bè là thất bại.
Chúng ta không chỉ hướng đến thành công, mà ta thường nhắm tới việc thành công HƠN người khác. Thế nên ta mê mẩn cái viễn cảnh lương nghìn đô sau khi ra trường, vì con số đó vượt trội so với mức lương khởi điểm của đa số sinh viên. Nếu mọi sinh viên mới tốt nghiệp đều được trả 23 triệu mỗi tháng thì chẳng còn ai hào hứng với mức lương 1000$ nữa, dù cho con số đó là quá dư dả để đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.
Chúng ta thích điểm 9, 10 vì chỉ vài người trong lớp đạt được mức đó. Với những bài kiểm tra mà ai cũng được 10 thì điểm 10 chẳng còn làm bạn vui vẻ nữa. Điều tương tự xảy ra với những thứ khác như học bổng, giải thưởng từ các cuộc thi, đỗ kỳ thi tuyển vào các công ty lớn, một con Iphone mới ra hay đôi giày hàng hiệu nào đó. Ta theo đuổi chúng để tìm kiếm cảm giác mình vượt trội hơn so với bạn bè xung quanh, chứ không hẳn vì bản chất của những điều đó. Nếu tất cả mọi người đều có Iphone 13 thì chẳng mấy ai muốn dùng Iphone nữa đâu.
Hệ quả là chúng ta chỉ thoải mái khi mình thành công hơn người khác, và cảm thấy như bị đá vào mông khi thua bạn kém bè. Thế là khi thấy một anh chàng cà kiếm vài chục triệu khi còn là sinh viên hay một cô nàng du học ở Oxford và check-in tại 30 đất nước khác nhau chốn trời u, trong khi bạn cứ ở nhà đan áo len cho mèo và xem video của Huấn Hoa Hồng thì bạn cảm thấy tự ti và tự hỏi mình đã làm cái quái gì trong suốt cuộc đời vậy? Tiên sư con mèo, tất cả là tại mày!
VŨNG LẦY CỦA VIỆC SO ĐO
Trước khi đọc tiếp, hãy thử kéo xuống bức hình đính kèm bên dưới và thử đoán xem: theo bạn thì trong 2 vòng tròn màu cam, vòng tròn nào nhỏ hơn? .
.
.
.
.
.
.
.
Nếu bạn cho rằng vòng tròn bên trái nhỏ hơn thì xin chúc mừng, bạn đoán sai rồi. Đáp án là: 2 vòng tròn này có kích cỡ bằng nhau. Ừ tôi hiểu. Ban đầu tôi cũng bị lừa như thế.
Cùng là 1 vòng tròn, nhưng vòng bên trái có cảm giác nhỏ hơn vì nó bị đặt cạnh những vòng tròn lớn hơn. Điều tương tự xảy ra với chúng ta. Khi chúng ta tự đặt mình cạnh những người tài năng hơn thì ta sẽ luôn cảm thấy tự ti, bất luận khả năng của ta ở mức nào.
Vấn đề của tiêu chuẩn “thành công hơn người khác” là bạn sẽ luôn tìm thấy rất nhiều “người khác” thành công hơn mình. Bạn chiến thắng vài cuộc thi, sẽ có nhiều người từng oanh tạc mọi đấu trường trên cả nước. Bạn thi đỗ vào một công ty lớn, nhiều người khác đã từng kiếm cả chục triệu mỗi tháng khi còn trên giảng đường. Việc thành công hơn tất cả mọi người trên đời là 1 điều không thể đạt tới. Chúng ta có đang sống trong truyện tranh của Marvel đếch đâu cơ chứ?
Khi ôm ấp cái tiêu chuẩn thành công dở hơi kia, bạn sẽ không ngừng so sánh mình với những người tốt hơn. Bạn sẽ luôn tự đặt mình cạnh những vòng tròn to hơn. Và bởi vì luôn có rất nhiều người như vậy, bạn sẽ luôn cảm thấy mình yếu kém dù cho bạn có thành công ra sao. Bạn tự quàng áp lực và sự tự ti lên cổ mình mà chẳng được lợi lộc gì. Đó là vết xe đổ mà Dave Mustaine đã đi vào. Ông ấy thành công vãi cả ra, nhưng ông vẫn nghĩ mình thất bại chỉ vì ông cứ đi so đo với mấy thằng bạn cũ thành công hơn.
Tiêu chuẩn thành công hơn chúng bạn thường dẫn đến cái vòng luẩn quẩn như thế này:
SO SÁNH VỚI NGƯỜI GIỎI HƠN => CẢM THẤY YẾU KÉM => NỖ LỰC => ĐẠT TỚI THÀNH CÔNG (HOẶC KHÔNG) => TIẾP TỤC SO SÁNH VỚI NGƯỜI GIỎI HƠN => CẢM THẤY YẾU KÉM =>…. => LẶP ĐI LẶP LẠI NHƯ THẾ. => QUÁ ÁP LỰC => TỰ CHO ĐẦU MÌNH VÀO LÒ NƯỚNG
Nếu bạn đủ kiên nhẫn để đọc đến đây thì chắc hản là bạn hiểu cảm giác đó mệt mỏi thế nào. Cứ mỗi lần thấy bạn bè mình làm được gì đó tuyệt vời là tôi lại khốn khổ như Nobita bị Xeko cho ra rìa và không thể ngừng tự sỉ vả bản thân là đồ ăn hại. Áp lực phải bằng bạn bằng bè luôn làm tôi tuyệt vọng rải CV vào 20 công ty khác nhau rồi cầu mong đỗ lấy 1 cái và apply tất cả các cuộc thi hiện lên trên newsfeed dù tôi còn chẳng biết sẽ thi về cái khỉ gì.
Tất nhiên Peer Pressure cũng có một vài mặt tích cực của nó. Trong ngắn hạn, việc coi người khác là mục tiêu có thể là động lực giúp chúng ta tiến lên, nhất là với những người đã lười biếng trong thời gian dài.
Peer Pressure sẽ như con quỷ không ngừng sút vào mông bạn và thúc giục bạn tiến lên. Với Mustaine, đó là nguồn động lực to lớn giúp ông thành công. Nhưng về lâu dài thói quen so đo chỉ gây ra những áp lực kinh khủng hủy hoại cuộc sống của bạn. Áp lực mà Dave Mustaine chịu đựng khủng khiếp đến mức ông phải vùi đầu vào chất kích thích để giải tỏa. Khi đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp cũng là lúc ông nghiện mai thúy nặng nhất. Thành công có ý nghĩa gì nếu nó khiến bạn luôn đau khổ như vậy cơ chứ?
Và nếu áp lực có thể mang đến thành công, tôi có một cách khác để cởi bỏ áp lực mà vẫn mang tới nhiều thành công hơn.
SO SÁNH VỚI CHÍNH MÌNH
Những lời khuyên về cách vượt qua Peer Pressure thường hướng đến việc cố gắng cải thiện bản thân. Đăng ký khóa học này, tham gia cuộc thi kia, apply công ty nọ để hết Peer Pressure đi. Một số bài viết khác thì khoe mẽ trá hình theo kiểu “Hi. mình là sinh viên năm 3 và mình kiếm 2000$ mỗi tháng. Chúc các bạn sớm vượt qua Peer Pressure nhé”.
Chúng ta giả định rằng cải thiện bản thân sẽ giúp chúng ta không còn thấy mình yếu kém nữa. Nhưng thực chất, bạn chịu đựng Peer Pressure vì bạn coi việc vượt trên người khác là tiêu chuẩn thành công chứ không phải vì bạn có yếu kém hay không. Những người thành công như Dave Mustaine vẫn chịu đựng Peer Pressure như thường.
Để thoát khỏi vũng lầy Peer Pressure, chúng ta phải rũ bỏ cái chuẩn mực “thành công hơn người khác” và thay thế nó bằng những chuẩn mực lành mạnh hơn. Có một chuẩn mực thành công khá đơn giản mà tớ đã áp dụng có thể giúp bạn thoát khỏi Peer Pressure, đó là: TỐT HƠN CHÍNH MÌNH CỦA NGÀY HÔM QUA. Làm điều tốt cho mình là thành công. Không làm điều đó là thất bại. Tốt hơn bản thân của ngày hôm qua là thành công. Không tiến bộ thêm chút nào là thất bại.
Học được thêm một điều gì đó mới là thành công, nằm ườn ra xem Tik Tok cả ngày là thất bại. Hoàn thành thêm 1 phần nhỏ của dự án là thành công, chẳng cố gắng làm gì là thất bại. Dám bắt chuyện với một người lạ là thành công, rụt rè bỏ đi là thất bại.
Khi bạn thấy tự ti với những người tài năng xung quanh, chỉ cần tự hỏi bản thân một câu đơn giản rằng: mình có đang tốt hơn bản thân của ngày hôm qua không? Có à? Thế là ổn rồi, kệ mẹ mấy đứa kia đi. Không à? Thế thì mình nên tập trung vào việc cải thiện mình, kệ mẹ mấy đứa kia đi.
Chuẩn mực này, như bạn có thể thấy, không hề có người khác dính dáng vào trong phương trình. Thất bại của bạn là không cố gắng tiến về phía trước, chứ không phải là kém hơn người khác. Vậy nên việc người khác có tài giỏi hay thành công ra sao cũng không làm bạn cảm thấy yếu kém.
Thằng bạn cùng lớp kiếm năm chục củ mỗi tháng? Chẳng ảnh hưởng gì đến bạn. Cô nàng lớp bên giành 20 học bổng? Mừng cho cô ấy. Bởi vì việc người khác thành công hơn không còn là thất bại, bạn sẽ không thấy pá lực với thành tựu của họ. Bạn sẽ đếch quan tâm tới việc so đó nữa và chỉ tập trung vào việc cố gắng để cải thiện chính mình mà thôi. Và như thể được rắc một thứ bột tiên, những áp lực đè nặng bấy lâu sẽ dần biến mất. Bạn sẽ không còn cảm thấy so đo và ganh tị nữa.
Lợi ích của việc cố gắng vượt lên so với chính mình thay vì người khác là nó mang lại cảm giác thoải mái cho cuộc sống của bạn. Khi bạn so sánh mình với những người khác, các nỗ lực của bạn hầu như không có ý nghĩa gì cả, vì cho dù cố gắng bao nhiêu bạn vẫn cảm thấy mình là kẻ thua kém. Nhưng với thước đo mới này, những nỗ lực đồng nghĩa với thành công. Nỗ lực giúp bạn tốt hơn, và tốt hơn là thành công rồi. Bạn sẽ cố gắng hơn từng ngày vì nó mang lại cảm giác thỏa mãn của thành công. Bạn sẽ trân trọng từng nỗ lực của mình vì nó có ý nghĩa. Giờ đây việc so sánh với mình hôm qua cũng giống như đặt mình cạnh những vòng tròn nhỏ hơn, bạn sẽ thấy tự tin hơn. Những điều này tăng cường mức độ hạnh phúc của bạn. Hay ở chỗ các nghiên cứu chỉ ra rằng, thành công hơn chưa chắc đã hạnh phúc hơn, nhưng việc hạnh phúc hơn sẽ luôn làm ta thành công hơn⁽²⁾.
Bạn có thể phản biện lại rằng: nếu như tôi cứ tự so sánh bản thân với chính mình ngày trước, vậy chẳng phải tôi sẽ thấy thỏa mãn khi đạt được một thành tựu nào đó và không cố gắng nữa sao?
Câu hỏi của bạn rất hay đấy. Cơ mà này, tiêu chuẩn thành công của chúng ta là tốt hơn chính mình ngày hôm qua, chứ không phải tốt hơn chính mình trong quá khứ. Nếu như hôm nay bạn không làm gì và chỉ ngồi thẩm du tinh thần, đó đã không phải thành công rồi. Và do đó, bạn sẽ không muốn ngồi yên một chỗ và hài lòng với những gì hiện tại, mà sẽ cố gắng nhích mông mình tiến về phía trước thêm một chút mỗi ngày.
Có 1 điều thú vị xảy ra ở đây, khi bạn cứ không ngừng tốt hơn chính mình ngày hôm qua, thì rồi kiểu gì cũng sẽ có ngày bạn trở nên cực kỳ tài năng. Nếu như mỗi ngày bạn tốt hơn chính mình của hôm qua 1%, sau 1 năm bạn sẽ tốt hơn hiện tại (1+1%)^365 = 37,78 lần. Cơ bản là nếu cứ không ngừng tích lũy những tiến bộ nhỏ mỗi ngày, thì tất sẽ có một ngày bạn đạt được thành công.
Thế đấy. Giờ thì tôi xin phép hỏi nhỏ là hôm nay bạn đã làm gì để bản thân tốt đẹp hơn ngày hôm qua chưa? Có à? Chúc mừng nhé. Bạn rất tuyệt đấy. Chưa à? Từ sáng đến giờ bạn vẫn đan áo len cho mèo và loanh quanh trên Facebook xem mấy đứa cùng khóa giỏi giang thế nào à? Thế thì bắt đầu chọn lựa những tiêu chuẩn tốt hơn, kệ mấy đứa kia và nhấc mông mình dậy đi thôi.
________________________________
CHÚ THÍCH:
⁽¹⁾ Thực ra thói quen của so đo của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình và nhà trường nhưng đó không hoàn toàn là lỗi của thầy cô và cha mẹ. Thực tế thì việc so đo là một phần bản năng của mỗi con người từ thời Adam và Eva. Nhưng trong bài viết này tôi không đủ điều kiện bàn quá sâu về chuyện đó, nên ta cứ tạm đổ lỗi cho các vị phụ huynh và giáo viên đi.
⁽²⁾ Andrew J. Oswald, Eugenio Proto, & Daniel Sgroi, “Happiness and Productivity,” Warwick Social Sciences, research paper, 10/2/2014, https://www2.warwick.ac.uk/…/happinessproductivity.pdf