Vào thời cổ đại, các bộ lạc tin rằng họ phải hiến tế cho thần mặt trời một trinh nữ vào mỗi đêm trăng tròn để được sống yên ổn. Trong thời phong kiến, những người đàn ông tin rằng phụ nữ chỉ nên quanh quẩn bên bếp núc thay vì đến trường học. 500 năm trước, con người tin rằng mặt trời quay quanh trái đất. Mới 200 năm trước, người da trắng vẫn tin rằng nếu bạn mang màu da đen thì bạn sinh ra để trở thành nô lệ và chỉ đáng bị đối xử như những con vật mà thôi.
Con người không hoàn hảo, nên xã hội của con người cũng không hoàn hảo. Vì thế mà bạn sẽ luôn có thể thấy ở mọi thời đại đều có cả tá những niềm tin sai lầm nhưng lại được tất cả mọi người tin theo.
Cũng như ta phát khiếp khi nhìn lại cuộc sống của con người ở những thời đại trước, tôi hình dung rằng những người của những thời đại sau này cũng sẽ cười nhạo chúng ta về những điều mà ta đoan chắc vào hôm nay. Họ sẽ thấy buồn cười cái cách mà chúng ta để cho tiền bạc và công việc định nghĩa cuộc đời mình. Họ sẽ thấy buồn cười trước việc ta ngại ngùng khi bày tỏ lòng trân trọng với những người thân trong khi lại không tiếc lời ca ngợi cho những hình tượng xã hội không hề xứng đáng với điều gì cả. Họ sẽ thấy buồn cười, hoặc cũng có thể là rơi nước mắt, khi thấy chúng ta cứ không ngừng hủy hoại môi trường và tin rằng điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến mình.
Và sau đây là những niềm tin sai lầm phổ biến trong xã hội hiện nay mà nếu tôi sống vào vài thế kỷ sau, tôi chắc là mình sẽ cười ngất khi biết tổ tiên mình từng tin vào những điều này. Nhưng vì tôi đang sống trong thời đại này, tôi chỉ muốn góp một chút tiếng nói nhỏ của mình để chúng ta có thể nhận ra những thiếu sót và cùng nhau tiến bộ mà thôi.
1. TIỀN CÓ THỂ MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Nhiều người nghĩ: Tiền có thể mua được mọi thứ. Sự thật là: Những điều quan trọng trong cuộc sống không mua được bằng tiền. Giả định trong nền văn hóa của chúng ta là ai có càng nhiều tiền, thì người đó càng hạnh phúc. Hình ảnh biểu trưng mà chúng ta hướng đến là những doanh nhân thành đạt bảnh bao bước ra khỏi con xe Mercedes, hay những ngôi sao được hàng ngàn ống kính vây quanh mỗi khi sải bước trên thảm đỏ. Nếu ta thấy một cậu quý tử nào đó sinh ra trong một gia đình giàu có thì ta kháo nhau: kìa, thằng kia sinh ra ở vạch đích đấy. À không, có khi nó còn phải đi lùi về phía vạch đích ý chứ.
Vì thế mà nhiều người dành toàn bộ cuộc sống của mình cho công việc với niềm tin rằng khi họ đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, mọi vấn đề sẽ tiêu tan và họ sẽ có được hạnh phúc mãi mãi.
Trớ trêu thay, thực tế lại cho thấy rất nhiều vị doanh nhân mà chúng ta ngưỡng mộ có cuộc sống cá nhân không hạnh phúc. Rất nhiều ngôi sao mà ta hết lời ca ngợi có một cuộc đời đau khổ đến mức phải tự vẫn. Và những người sinh ra ở vạch đích cũng vẫn phải vật lộn với cuộc đời mình y như ta vậy.
Cuộc sống bao gồm rất nhiều vấn đề và hạnh phúc đến từ việc giải quyết những vấn đề đó. Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp bạn giải quyết các vấn đề của mình tốt hơn, chứ tự thân nó không thể giải quyết các rắc rối cho bạn.
Tiền giúp bạn mua thẻ tập gym, thuê PT và ăn đồ ăn có dinh dưỡng hơn nhưng nó không làm bạn khỏe mạnh hơn. Thứ thực sự giúp bạn khỏe mạnh là sự điều độ của bạn trong ăn uống và nỗ lực của bạn trong luyện tập. Nếu bạn có nhiều tiền nhưng tối ngày ăn nhậu như uống nước lã thì bạn vẫn sẽ giống như Thor trong End Game mà thôi.
Tiền có thể giúp bạn mang lại điều kiện sống tốt hơn cho gia đình, nhưng tiền không khiến người thân yêu thương bạn nhiều hơn. Thứ thắt chặt những mối quan hệ là sự quan tâm của bạn thông qua những món quà đó. Bạn có thể rất hay bắt gặp trên phim những vị triệu phú cho con cái của họ một cuộc sống vương giả nhưng rồi xé toạc bức vẽ nguệch ngoạc về gia đình của đứa bé kèm theo những lời mắng mỏ. Nếu bạn chẳng bao giờ quan tâm đến người thân thì gia đình bạn vẫn luôn lạnh lẽo, dù cho bạn có bao nhiêu tiền đi nữa.
Những người coi tiền là tất cả thường tự hủy hoại cuộc sống của mình. Avicii đã vắt kiệt sức khỏe của mình để đổi lấy thành công trong sự nghiệp, và anh suy kiệt đến mức tự sát khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng. Marilyn Monroe đã không có gì trong cuộc sống ngoài công việc. Cô không bao giờ cảm thấy được yêu thương dù có có hàng vạn người hâm mộ, và cuối cùng cô giã từ cuộc đời trong sự cô đơn và thuốc an thần.
Thực tế là những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống như trí tuệ, sức khỏe, tình cảm, vốn sống và nhân cách không thể mua được bằng tiền. Tôi có cần kể thêm mấy nghệ sĩ đang giấu sao kê không nhỉ?
Không có tiền thì cuộc sống sẽ rất khó khăn vì bạn thiếu đi phương tiện để giải quyết những nhu cầu sống cơ bản,nhưng có nhiều tiền thì cũng không có tất cả. Hãy coi tiền là phương tiện để có một cuộc sống tốt, chứ đừng để nó là mục đích theo đuổi của cả cuộc đời bạn. Nếu bạn đang dành toàn bộ đời mình cho sự nghiệp và bỏ bê những điều quan trọng, bạn có lẽ cần suy ngẫm lại đấy.
2. LẠC THÚ SẼ MANG LẠI HẠNH PHÚC
Nhiều người nghĩ: Hưởng thụ càng nhiều thì hạnh phúc càng nhiều. Sự thật là: Lạc thú không mang lại hạnh phúc về lâu dài và nhiều khi còn mang tới đau khổ. Chúng ta thường nghĩ rằng mức độ hạnh phúc trong cuộc sống tỉ lệ thuận với số lạc thú ta hưởng thụ. Ăn càng nhiều món ngon, đi du lịch càng nhiều, mua sắm càng nhiều, làm tình càng nhiều thì ta sẽ càng hạnh phúc hơn. Cuộc sống của nhiều người thường chỉ xoay quanh 2 việc: a) hưởng thụ lạc thú và b) kiếm tiền để mua lấy những lạc thú đó.
Nhưng nếu bạn quan tâm thì, không có bậc hiền triết nào từng nói rằng hãy hưởng lạc thật nhiều và rồi anh sẽ được hạnh phúc cả. Mọi tôn giáo cũng đều khuyên răn tín đồ hãy cẩn thận với những ham muốn, thay vì đắm chìm trong chúng. Bởi vì lạc thú không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc, mà chúng nhiều khi là nguồn cơn của những đau khổ.
Nguyên nhân đầu tiên là cảm giác hạnh phúc mà lạc thú mang lại sẽ phai nhạt dần theo thời gian. Lần đầu tiên bạn thưởng thức một món ngon thì thật tuyệt, nhưng tới lần thứ 10 thì nó cũng như những món ăn thường ngày mà thôi. Bạn hẳn đã từng rất vui khi mới có chiếc smartphone của mình, nhưng sau vài tuần sử dụng thì bạn chẳng còn mấy hào hứng nữa. Lần đầu tiên bạn biết đến cô giáo Thảo đúng là cả một chân trời mới, nhưng khi bạn đã thuộc hết tên các JAV idol thì phim Porn với bạn cũng như Phineas & Ferb mà thôi.
Chẳng những ham muốn làm chúng ta khổ sở vì chúng sản sinh ra những ham muốn mới. Khi bạn khao khát muốn có một chiếc xe hơi, bạn sẽ cảm thấy khổ sở nếu không có được nó. Giả sử bằng một cách nào đó mà bạn mua được chiếc xe ao ước, bạn sẽ rất hạnh phúc, trong một thời gian ngắn, rồi cảm giác hân hoan đó sẽ nhạt đi và biến mất. Nhưng vì bạn cho rằng các lạc thú mang lại hạnh phúc, bạn sẽ cảm thấy khao khát một lạc thú mới. Lần này có thể bạn sẽ muốn có 1 căn nhà, và bạn lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy khổ sở → có → chán → muốn cái khác → khổ sở mới. Nếu như bạn đang cảm thấy cuộc sống của mình không thoải mái, có lẽ là do bạn đang thèm muốn một điều gì đó mà bạn không có.
Hạnh phúc là một trạng thái trong tâm hồn khi ta biết tận hưởng những trải nghiệm sống của mình, còn lạc thú là những thứ bên ngoài bản thân ta. Hạnh phúc vì thế không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài, mà nó ở ngay trong chính mình. Để hạnh phúc ta không cần nhất thiết phải hưởng lạc, và không phải cứ hưởng lạc là sẽ hạnh phúc. Vì thế ta không nên coi lạc thú là mục tiêu theo đuổi, ta chỉ nên coi chúng như những tác dụng phụ của quá trình sống đúng đắn mà thôi.
Niềm tin rằng lạc thú mang lại hạnh phúc là thứ hủy hoại cuộc sống của con người trong mọi thời đại vì nó kéo ta vào vòng xoáy khổ sở bất tận của những ham muốn. Bạn không cần phải lên núi đi tu, nhưng hãy cẩn trọng khi hưởng thụ các lạc thú. Vì nếu không, có thể chính những lạc thú sẽ là thú làm hỏng cuộc đời của bạn đấy.
3. CẢM XÚC TIÊU CỰC LÀ KHÔNG TỐT
Nhiều người nghĩ: Cảm xúc tiêu cực là một điều tệ hại. Sự thật là: Cảm xúc tiêu cực là một phần rất cần thiết cho cuộc sống. Xã hội của chúng ta ngày nay, nhờ vào các tuyệt tác của nền văn hóa tiêu dùng và mạng xã hội ê-cuộc-đời-của-tui-hoành-tráng-hơn-mấy-chế, đã tạo ra cả một thế hệ tin rằng việc có những trải nghiệm tiêu cực như lo lắng, buồn chán vân vân và mây mây – là không bình thường.
Mỗi lần bạn nhìn vào Facebook của mình, mọi người ở đó đều có quãng thời gian qua đỉnh vãi! Này nhé, tám kẻ đang du lịch xuyên Việt trong tuần này. Cả tá bạn bè vừa đăng ảnh check-in cùng người yêu trong một bữa tối sang chảnh ở mấy nhà hàng 4 sao Michelin. Một đứa nào đó thì mới cà kiếm những 2 triệu đô nhờ viết ra một ứng dụng sẽ gắn khuôn mặt bạn vào thân hình đang múa quạt của Khá Bảnh. Trong khi ấy thì bạn cứ luẩn quẩn ở nhà mà đan áo len cho mèo. Điều này làm bạn bắt đầu thấy rằng, việc cảm thấy tích cực mới là bình thường, còn việc cảm thấy tiêu cực là một điều không bình thường.
Bình tĩnh nào bạn tôi. Phần não quyết định cảm xúc của con người được hình thành từ cái thời mà tổ tiên ta còn sống trên cây và ăn chuối thay cơm, và nó vẫn được chọn lọc tự nhiên giữ lại sau hàng triệu năm tiến hóa, bởi vì những cảm xúc tiêu cực rất hữu ích cho cuộc sống của chúng ta.
Các cảm xúc tiêu cực là lời nhắc nhở của não bộ rằng có điều gì đó đang mất cân bằng, vì thế chúng tạo ra động lực thúc đẩy ta thay đổi theo hướng có lợi. Nỗi buồn sau những thất bại giúp bạn điều chỉnh hành vi để không lặp lại những sai lầm nữa. Nỗi cô đơn sau khi chia tay giúp bạn tránh những hành động ngu ngốc trong những mối quan hệ sau. Sự hoang mang trước những ngã rẽ của cuộc đời thúc đẩy bạn suy ngẫm nhiều hơn để đưa ra được lựa chọn tốt nhất.
Nếu bạn không thấy buồn sau mỗi lần thất bại, lần sau bạn sẽ tiếp tục tự tay bóp d** mình. Nếu bạn không thấy cô đơn khi chia tay, bạn sẽ tiếp tục làm đổ vỡ những mối quan hệ tiếp theo. Nếu bạn không thấy hoang mang đôi chút vào tuổi 20, ban sẽ tiếp tục vùi đầu mình vào game và mấy bộ phim porn thay vì trau dồi bản thân và hướng tới những điều tốt đẹp.
Tất nhiên, không phải lúc nào các cảm xúc tiêu cực cũng có ý nghĩa như vậy. Đôi khi các cảm xúc tiêu cực chẳng có ý nghĩa quái gì và chúng chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu bạn mà thôi. Nhưng chắc chắn là cảm xúc tiêu cực không phải là một điều tệ hại như các diễn giả thành công vẫn rao giảng. Khi bạn cho rằng các cảm xúc tiêu cực là tệ hại và cố gắng chối bỏ chúng, bạn chỉ đang tự làm cho các cảm xúc tiêu cực trở nên mạnh mẽ hơn. Nốc 2 két bia khi thất tình chỉ làm bạn đớn đau hơn khi tỉnh cơn say mà thôi.
Các cảm xúc tiêu cực sẽ tự động biến mất qua thời gian. Vậy nên mục tiêu không phải là xua đuổi chúng, mà là phát triển khả năng nhận thức về ý nghĩa của chúng. Nếu bạn đang thấy buồn thì nỗi buồn này có ý nghĩa gì? Nó là tín hiệu cho một vấn đề nào đó mà bạn đang gặp phải hay chỉ đơn thuần là một cảm xúc lướt qua trong tâm trí? Bạn cần phải nhận ra được những điều này để ra quyết định cho những hành vi của mình. Và rồi, bạn cứ để các xúc cảm tự tan biến mà thôi.
4. TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ TRỞ NÊN VĨ ĐẠI
Nhiều người nghĩ: Ai cũng có thể làm được những điều vĩ đại Sự thật là: Luôn chỉ có rất ít người làm được những điều lớn lao. Việc tin rằng tất cả chúng ta đều được định sẵn để làm nên một điều gì đó thật đặc biệt đã được chấp thuận rộng rãi trong nền văn hóa của chúng ta. Bạn là một ngôi sao đang chờ ngày tỏa sáng. Bạn được sinh ra để trở nên vĩ đại. Các chính trị gia nói thế. Các doanh nhân nói thế. Đến cả Oprah Winfrey cũng nói thế.
Nhưng ý tưởng tất cả mọi người đều đặc biệt dường như tự mâu thuẫn với chính nó. Nếu như tất cả mọi người đều đặc biệt, thì theo lý thuyết không có ai là đặc biệt cả. Nếu như mọi người đều có thể làm được những điều vĩ đại thì chẳng có gì là vĩ đại cả. Nghĩ mà xem, nếu ai cũng kiếm được hàng triệu dollars mỗi tháng, thì những triệu phú có gì là to tát đâu cơ chứ?
Quy luật của tự nhiên là hầu hết các cá thể đều có những đặc tính tương đương nhau, và chỉ có một số ít cá thể là đặc biệt. Vậy nên trong xã hội, phần lớn mọi người luôn có mức năng lực bình thường tương đương nhau và chỉ có một số ít vượt trội so với đám đông mà thôi.
Trong hơn 90 triệu người dân Việt Nam, chưa đến 0,001% có tài sản hơn 1 triệu $. Trong cả tỉ người chơi bóng đá trên hành tinh này, chỉ vài nghìn gã đủ khả năng thi đấu ở các giải VĐQG châu u. Nếu bạn nhớ lại lớp học thời phổ thông, cả lớp có sức học ngang nhau và chỉ vài đứa vượt trội (chúng nó sẽ cho bọn còn lại chép bài). Và trong hàng triệu kẻ học đòi viết văn như tôi, chỉ có một vài Mark Twain hay Hemingway mà thôi.
Quan điểm tất cả mọi người đều đặc biệt chỉ là cách mà ngành công nghiệp self-help giúp chúng ta thẩm du tinh thần. Khi bạn cho rằng cuộc đời chỉ đáng giá khi làm được những điều vĩ đại, bạn đang cho rằng hầu hết tất cả mọi người, bao gồm cả bạn, đều tệ hại và vô dụng. Và xét về mặt đạo đức, bạn đã dấn thân vào một luồng suy nghĩ khá đen tối.
Cuộc đời tốt không phải là cuộc đời phi thường, mà là cuộc đời nỗ lực tối đa. Nếu bạn không nỗ lực, đó là điều không tốt. Nhưng nếu bạn nỗ lực hết sức mà kết quả vẫn ở mức bình thường thì không sao cả. Vì trong tự nhiên, đó là một điều bình thường.
5. ĐÁM ĐÔNG LUÔN ĐÚNG
Nhiều người nghĩ: Điều gì càng được nhiều người tin tưởng thì càng đúng. Sự thật là: Đám đông rất hay sai. Tại sao những người sống vào 500 năm trước lại tin rằng mặt trời quay quanh trái đất? Ờm. Vì giáo hội và tất cả mọi người xung quanh đều nói thế. Trong khi chỉ có đúng 1 gã nói điều ngược lại, mà ông ta vừa bị thiêu sống rồi. Nên chắc là nó đúng.
Con người là sinh vật sống theo bầy đàn và vì thế chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ hiệu ứng đám đông. Tất cả chúng ta đều lựa chọn điều được nhiều người tin tưởng. Nếu xã hội coi tiền là mục tiêu cao cả nhất, thì ta sẵn sàng dành toàn bộ đời mình để kiếm tiền.
Nhưng nếu như đa số mọi người luôn luôn đưa ra những lựa chọn đúng, thì đáng ra thế giới này phải trở nên cực kỳ tốt đẹp rồi chứ? Ý tôi là, nếu ai cũng đưa ra quyết định đúng trong sự nghiệp thì mọi người đều sẽ giàu có, và đất nước ta đã phải sánh vai cùng cường quốc năm châu thay vì lân la ở mức GDP trung bình. Nếu đa số mọi người đều có cách sống đúng đắn, thì đáng ra ta phải thấy hạnh phúc tràn ngập khắp mọi ngóc ngách, chứ không phải là sự gia tăng liên tục của trầm cảm và những căn bệnh lối sống khác.
Chúng ta thường ít thông minh hơn ta vẫn nghĩ. Đặc tính sinh học của giống loài khiến ta thường ra quyết định một cách đơn giản dựa theo cảm tính thay vì suy nghĩ lý trí. Cảm tính giúp cho chúng ta lựa chọn tốt trong những vấn đề đơn giản, nhưng nó thường làm ta lạc lối trong những lĩnh vực quan trọng của cuộc sống.
Vì thế nên ở những lĩnh vực đơn giản như giải trí, những nội dung có nhiều like trên mạng xã hội thường là những nội dung thú vị và hài hước nhất. Vì chọn một thứ để thư giãn thì chỉ đơn thuần dựa trên cảm tính, nên đám đông thường có lựa chọn tốt.
Nhưng ở những lĩnh vực phức tạp đòi hỏi lý trí như lựa chọn nghề nghiệp hay nên sống như thế nào, đám đông vẫn quyết định theo cảm tính và thường đưa ra những lựa chọn kém tối ưu. Đa số sinh viên bán rẻ thanh xuân cho Facebook và Shopee hơn là trau dồi những kỹ năng sự nghiệp. Đa số người trưởng thành có thói quen nhậu nhẹt thay vì tập thể dục. Phần lớn xã hội sẽ dành cả đời để kiếm tiền, thay vì theo đuổi những thứ có giá trị hơn.
Tin rằng đám đông luôn đúng cũng là một lựa chọn theo cảm tính thay vì lý trí. Nếu bạn cũng tin rằng tiền hay lạc thú là thứ đáng theo đuổi nhất, tôi đoán là bạn chưa từng suy nghĩ một cách nghiêm túc về điều đó. Bạn cũng như tôi, chỉ cứ thế tin theo niềm tin của đám đông mà thôi.
Nhưng những cá nhân kiệt xuất thường là những người đi ngược lại với đám đông trong những vấn đề quan trọng của cuộc sống, thay vì đứng chung hàng ngũ với sự sai lầm của thời đại. Bất kỳ danh nhân nào mà bạn biết đều sống theo cách riêng của họ, thay vì sống theo cách của những người xung quanh họ.
Điều này không có nghĩa là mấy thằng cha anti social hay cởi truồng và đội mũ bảo hiểm chạy quanh phố đi bộ đang làm điều đúng. Nhưng nếu bạn đang tin tưởng vào điều gì đó chỉ vì có nhiều người tin vào thì bạn nên suy nghĩ kỹ về nó, vì đám đông nhiều khi không đúng lắm đâu.