“Buông xuôi là hành động ý chí cuối cùng và cũng là hành động vĩ đại nhất. Buông xuôi không phải hành động dễ dàng và rẻ. Nó không phải là hành động của bất lực, nhưng nó đến từ sức mạnh vô cùng…” Hôm nay em vừa đọc bài này.
Chị Phi Tuyết cho em hỏi quan điểm của chị về việc “buông xuôi”? Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện tại rất nhiều người gặp khó khăn về tài chính. Thậm chí là nợ nần. Trong đó có em. Vậy thì giữa buông xuôi và thất bại, bỏ cuộc – đâu là ranh giới của nó?
Buông xuôi nghe tưởng như là việc dễ nhất nhưng thật ra nó là việc khó nhất trên đời. Chính vì nó khó nên nó mới đáng giá, mới giá trị, mới ý nghĩa. Buông xuôi mà dễ thì mọi người đã bay lên thiên đường hết rồi.
Hôm nay chúng ta hãy cùng làm rõ vài điều về buông xuôi. Trước tiên, hãy hình dung việc buông vật lý đơn giản nhất: buông bỏ một thứ nhỏ bé như một ổ bánh mì.
Giả sử bạn cầm trên tay một ổ bánh mì trong khi bụng đang đói, thế thì ý tưởng buông ổ bánh mì, đem ổ bánh mì cho ai đó là ngớ ngẩn, bạn thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến. Tất nhiên! Không mấy ai có khả năng buông thứ mình đang cần cả.
Rồi giờ, hãy hình dung bạn vẫn đang cầm ổ bánh mì trên tay khi bản thân đang không hề đói, thậm chí đang rất no bụng. Bánh mì bỗng nhiên trở thành thứ dư thừa, một gánh nặng. Bạn sẽ nảy sinh mong muốn để “buông”.
Một cách tự nhiên sẽ có tiếng nói bên trong kêu bạn đem ổ bánh mì cho ai đó đi, cho người nghèo, cho người đói.
Và nếu bạn đủ may mắn “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” tự dưng xuất hiện một người ăn xin nghèo và đói, rất muốn ổ bánh mì và xin bạn, bạn có thể cho ngay người đó, thế thì cuộc sống là hoàn hảo, chẳng còn gì để nói.
Nhưng nếu bạn đang muốn đem cho ổ bánh mì mà chẳng có người ăn xin nào ở đó thì sao? Những người nghèo vẫn đầy ở khắp nơi nhưng họ không ăn xin, bạn không dễ tự dưng nhào vào trước mặt người ta mà nói “ê bánh mì hông?” Mọi người dù nghèo, đều có nhân phẩm của riêng họ, họ không muốn hành xử như ăn xin và cũng không muốn bị đối xử như ăn xin.
Càng chân thành, bạn sẽ càng thấy khó để cho ai bất cứ gì, đặc biệt cho thứ mà bạn không cần tới. Càng sống chân thành, bạn càng thấy khó để cho, bởi vì việc cho của bạn, về bản chất, không khác gì việc bạn đang xem người kia như thùng rác – nơi chứa đồ thừa của bạn.
Đó là lý do khi một người thực sự đem cho gì đó, và cho được đúng nơi đúng người, tự dưng người-cho cảm thấy biết ơn vô hạn, biết ơn người kia vì đã nhận, tuyệt đối không thấy mình tốt đẹp gì trong việc cho cả.
Bất cứ ai đem cho bất cứ gì, mà thấy mình tốt đẹp thế, thấy mình đang làm việc thiện, đang tích đức, đang làm giàu cho kiếp sau – thế thì việc cho này hoàn toàn vô nghĩa, chưa nói đến việc phản tác dụng trong thế giới tâm linh – vì nó tạo ra một thứ bản ngã gọi là bản ngã ta-linh-thiêng-hơn- ngươi, ta tốt đẹp.
Cho nên người càng sống chân thành với phẩm giá, càng thấy khó để cho người khác, vì họ cũng biết rằng việc cho này chỉ là việc vứt bỏ thứ mình không cần, nó không hề là “cho” – “trao đi” đích thực. Trở lại với ổ bánh mì, khi bạn không đói, ổ bánh mì là thứ dư thừa và bạn thấy không dễ để cho người lạ, có một lựa chọn khác cho bạn là ném bỏ nó vào thùng rác.
Người đơn giản cứ thế ném đi và an ủi là mình đang cho chuột, cho kiến, chẳng có gì lãng phí cả. Nhưng chúng ta đâu phải người đơn giản có thể dễ dàng gạt bỏ lương tâm để mà ném bỏ một ổ bánh mì chỉ vì mình dư? Chúng ta sẽ thấy mặc cảm tội lỗi, chúng ta sẽ phán xét bản thân là người lãng phí, là không tôn trọng cuộc sống, không trân quý sức lao động vân vân mây mây… Việc ném bỏ ổ bánh mì vào thùng rác không hề dễ vì lương tâm sẽ không ngừng dằn vặt bạn, đó là lý do chẳng mấy ai có thể ném ổ bánh mì đi cả.
Thế là bạn thấy mình vẫn đang cầm ổ bánh mì trên tay, mang về để tủ lạnh, đợi lúc đói thì ăn hoặc đợi nó hư đi thì vứt vào thùng rác.
Việc vứt ổ bánh mì ngay lúc đó hay nhiều ngày sau đó khi nó đã hư hỏng, bản chất cũng là vứt bỏ thôi chứ khác gì, nhưng khác là bạn sẽ không áy náy, không cảm thấy tội lỗi.
Giả sử bạn ráng ăn khi đang no bụng, hoặc để dành mãi sau này mới ăn thì kiểu gì lúc ăn bạn cũng thấy chán, thấy việc ăn chẳng khác gì cực hình. Thế thì chiếc bánh mì từ nguyên liệu giúp nuôi cuộc sống nay trở thành gánh nặng, nó khiến người ta chán ghét cuộc sống hơn.
Đặc biệt khi bạn thèm một tô phở và dư điều kiện ăn phở, nhưng vì ổ bánh mì đang còn đó, bạn ép bản thân ăn bánh mì trong khi trái tim mơ về phở, bạn sẽ thấy chán ghét ngay cả ổ bánh mì – thứ ngây thơ thế và chẳng có lỗi gì như thế.
Cho nên, cứ ngẫm đi, chỉ một ổ bánh mì nhỏ bé bạn không cần tới mà buông còn khó như thế, nói gì đến những thứ khác?
Bạn đang không có bánh mì, thứ bạn có chỉ là những cơn đói, làm sao buông? Bạn đang không có vật chất dư thừa hay niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hân hoan, lòng cảm tạ hay tình yêu – những thứ đáng giá – thứ bạn đang có chỉ là những món nợ, những ân hận, muộn phiền, chán nản, trách nhiệm… Giờ làm sao mà buông? Dễ mà buông. Buông cho ai?
Bánh mì tuy khó nhưng vẫn còn có thể buông, cơn đói làm sao buông? Nếu buông mà dễ thế thì trái đất đã thành thiên đường hoa sen rồi. Cho nên, quan điểm của tôi về buông xuôi là, mọi người đều đang rất nhập nhằng, rất mập mờ và mụ mị về ý tưởng buông xuôi, đó là lý do người ta không thể nào buông xuôi được bất kể họ có nói về nó nhiều như thế nào.
Tất cả những người đang nói với người khác “Bạn giàu thế sao bạn không làm từ thiện”, đã bao giờ tự hỏi bản thân mình “Tại sao mình không làm từ thiện?” Kêu người khác buông mới dễ làm sao. Tự mình buông mới khó làm sao. Trở lại với tình huống của bạn.
Điều đầu tiên là tôi muốn chúc mừng: bạn đang làm rất tốt. Bạn đang càng ngày càng có nhiều nhận biết hơn, nó đến từ việc “thiền”. Thiền là khả năng nhận biết thôi chứ không gì cả. Bạn càng nhiều nhận biết về cuộc sống, về thế giới, về bản thân mình thì bạn càng trở nên phân vân, bối rối. Vì thế giới dạy một điều trong khi nhận biết bên trong bạn thì nói điều khác.
Đây là tình trạng “chia chẻ” mà Osho thường nói tới, bạn có nhiều cái muốn bên trong mình và chúng liên tục đánh nhau. Bạn vừa muốn có thêm, muốn có mọi thứ, vừa muốn buông nhưng là buông phần khó khăn thôi. Ngay cả ý định “muốn buông” của bạn cũng đang rất không toàn bộ.
Khi mọi người nói là muốn buông, ý họ là buông thứ khó khăn, buông những gì họ không thích, không ai có ý định buông thứ mà họ yêu thích hay buông thứ họ đang tận hưởng cả. Đây là tâm trí của người tinh ranh, kẻ kinh doanh, đây là tâm trí tính toán. Và chừng nào sự tính toán còn đó, việc buông chẳng bao giờ là thuần khiết, nó không phải việc buông xuôi của tính đạo mà Osho nói tới.
Cho nên điều tốt đầu tiên là bạn đã bắt đầu sống thiền, sống trong nhận biết. Bắt đầu đặt câu hỏi về buông xuôi là gì… đây là những dấu hiệu tốt, rất tốt. Đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình buông xuôi.
Điều thứ hai là, trong thời buổi lạm phát, suy thoái kinh tế này nhiều người thất bại, thua lỗ và nợ nần lắm, không chỉ riêng bạn. Điểm chung của tất cả những người thua lỗ nợ nần là đều có một ngàn lý do để đổ lỗi, do nền kinh tế, do người làm cùng, do bị lừa , do chồng do vợ, do bà hàng xóm, do đá tan ở Bắc Cực vân vân mây mây… Tôi nghe nhiều câu chuyện nhưng chưa thấy một ai đủ chân thành để nhìn thấu được vào bản chất: tôi bị mất mát, thua lỗ, đó là do tôi, do lòng tham của tôi mà tôi mới rơi vào tình trạng này. “DO TÔI THAM!”
Chúng ta tham nhưng không chấp nhận là mình tham. Chúng ta rất dễ thấy cái tham của người khác nhưng khi đến lượt bản thân mình, chúng ta gọi nó là “cơ hội”, là “đầu tư”, gọi nó là “kinh doanh”, thậm chí còn gọi nó là “tin người”…
Tham là một trong những bài học lớn nhất trong cuộc sống mà ai rồi cũng sẽ phải học, không sớm thì muộn. Và khi học được rồi thì sẽ tự động buông bỏ được lòng tham.
Buông bỏ được lòng tham, người ta ngay lập tức thấy mình sống trong một thế giới khác. Buông bỏ được lòng tham, người ta ngay lập tức nhận ra mình không còn chia sẻ một thực tại như những người khác xung quanh nữa.
Có người mất vài triệu để buông được lòng tham, có người mất vài chục triệu, có người mất hàng trăm triệu, cũng có người mất hàng trăm tỉ để học được bài học về lòng tham. Đừng nói rằng vài trăm tỉ của bạn thì luôn lớn hơn vài triệu của người khác. Đối với một người nông dân nghèo, toàn bộ tài sản của họ là vài triệu và bị lừa mất, bạn không thể nói là khổ của họ ít hơn việc bạn mất vài trăm triệu của bạn. Khổ là tương đương. Khổ sinh ra bởi tham là tương đương. Tham nhiều khổ nhiều, tham ít khổ ít.
Khi không còn tham bạn nhìn vào cuộc sống sẽ thấy rất dễ dàng: 99% khổ của mọi người đến từ tham của họ, không tham tự dưng bớt được biết bao nhiêu khổ.
Câu chuyện ổ bánh mì, khó để buông ổ bánh mì nhưng bạn có bao giờ nghĩ, tại sao người đó lại có ổ bánh mì khi mà không đói? Nếu bạn không đói và vẫn mua bánh mì, nó đích thị đến từ lòng tham. Và lòng tham thì muôn hình vạn trạng, muôn vàn dáng vẻ.
Nếu bạn không thấy tham của bạn, học cách nhìn vào tham của tất cả mọi người xung quanh, dễ thấy tham của người khác hơn tham của mình.
Sau khi nhìn người khác xong thì dùng nó để soi chiếu và thấy cái tham của bạn. Bạn càng thấy mình nhiều tham, bạn càng chán ngấy, và càng chán ngấy thì càng đến gần hơn với việc buông bỏ nó.
Vâng, bạn có thể buông bỏ lòng tham, nhưng bước đầu tiên là phải thấy nó cho rõ, thấy tác hại của nó, thấy hệ luỵ của nó. Thấy những khổ sở mà nó mang lại. Ngẫm kĩ xem đã bất cứ khi nào lòng tham mang lại cho bạn sự hài lòng mãn nguyện hay chưa, hay chỉ thêm nhiều tham mới, nhiều khổ mới.
Nợ nần là gánh nặng, không dễ buông. Gánh nặng đó là bài học cho bạn thấu tỏ hệ luỵ của lòng tham. Không tham, không nợ nần. Người đã từng khốn khổ vì nợ sau này sẽ rất ý thức để không gây ra thêm bất cứ món nợ nào. Và để không nợ, cách duy nhất là không tham. Tham nhất định gây nợ.
Ranh giới nào giữa buông xuôi và bỏ cuộc vì thất bại? Chúng giống nhau là từ bên ngoài bạn đều thất bại. Khác biệt là ở bên trong, việc bạn chấp nhận được nó hay không?
Người buông xuôi chấp nhận là mình thất bại, chấp nhận là mình ngu si, chấp nhận mình là kẻ vô dụng nhất, giờ thì bất cứ gì đến, người đó đều đón nhận.
Người đó sẽ cố gắng bù đắp cho những thiệt hại mình gây ra, vì đó là cách để người đó “chuộc tội”, nhưng người đó sẽ không tham nữa. Người buông xuôi trong tính đạo thì trở nên mềm, dịu hơn, hương vị của người đó trong lành thanh khiết hơn.
Còn đa phần người từ bỏ vì thất bại thì trở nên cay và đắng. Họ chấp nhận thất bại bên ngoài nhưng bên trong vẫn sôi sục sự tức giận, căm ghét, đổ lỗi, dằn vặt, nuối tiếc… Đặc biệt, họ tiếp tục nuôi dưỡng lòng tham để chờ một dịp khác tới sẽ “bùng lên”, sẽ “làm lại”, sẽ “khôn” hơn, “cẩn thận hơn”. Khao khát làm lại này là dấu hiệu của việc buông xuôi giả.
Buông xuôi thực mang lại an bình. Từ bỏ vì thất bại, hay buông xuôi giả, khi lòng tham vẫn còn đó nung nấu cơ hội làm lại – nhất định không thể nào mang lại an bình. Cho nên có thể nói, cảm giác an bình là ranh giới cho buông xuôi và việc từ bỏ vì thất bại.
Không ai nguỵ tạo sự an bình được, bạn có nó thì có nó, bạn không có thì không có. Bạn có thể giả vờ bên ngoài nhưng bên trong tự bạn biết bạn có đang an bình hay không.
Chỉ người buông xuôi trong nhận biết, thấy rõ tác hại và sự nguy hại của lòng tham, thì mới buông được lòng tham, và khi buông được tham, người ta nhất định sống trong an bình.
Nói về lòng tham, rất kì lạ, khi chúng ta bị lừa chúng ta thấy rất rõ tác hại của lòng tham, chúng ta căm ghét nó, chúng ta căm phẫn. Nhưng đâu đó trong tâm ta ao ước: ước gì kẻ đã lừa tôi, bây giờ đi lừa người khác nào đó, lấy tiền trả lại cho tôi… Ước gì người đó lừa cả thế giới đi cũng được, nhưng trả lại tiền cho tôi…
Điều này tuy là nghịch lý nhưng lại cũng rất hiển nhiên trong mỗi người. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Mất tiền, người ta thấy như mất đi gan ruột mình, tiền không còn là vật chất bên ngoài nữa, nó trở thành cuộc sống của người ta, nó trở thành chính người ta. Tiền là cách đơn giản nhất để mọi người, tất cả mọi người, học về tác hại của lòng tham. Nếu bạn may mắn, bạn chỉ mất mỗi tiền…