Chắc hẳn chúng ta từng gặp vài người – có thể là người yêu, bạn thân – mà bản chất “lươn lẹo” của họ khiến ta vừa bực bội vừa thất vọng. Họ bảo sẽ ở nhà làm việc cả buổi tối, nhưng ta trở về và phát hiện họ đã ra ngoài gặp gỡ một người mới. Họ nói sẽ ăn bữa cơm lành mạnh ta chuẩn bị, hóa ra họ gọi hamburger giao tận nơi. Họ hứa sẽ dọn phòng ngủ, nhưng thay vì sắp xếp ngăn nắp, họ nhét hết mọi thứ vào góc tủ. Tại sao họ không thể nói thẳng? Sao ta phải đi lật tung mọi chuyện? Và tại sao họ lại nói dối?
Hành vi ấy, dù khó chịu đến đâu, lại thường xuất phát từ những nguyên nhân rất đáng thương. Những người “lươn lẹo” thường hình thành tính cách ấy vì trong quá khứ, họ từng mang những sự thật mà nếu bày tỏ ra sẽ phải trả cái giá quá đắt với những người họ lớn lên cùng. Có thể, họ từng phải đối mặt với một người cha thường xuyên nổi cơn thịnh nộ chỉ vì một chiếc dĩa hay tách trà đặt sai chỗ. Hoặc một người mẹ khăng khăng áp đặt chế độ ăn uống tuyệt đối lành mạnh và nổi giận trước mọi sự nuông chiều bản thân, dù là nhỏ nhặt nhất. Có thể ai đó trong gia đình bị ám ảnh bởi sự đúng giờ, điểm số, việc nhà hay đạo đức giới tính.
Những điều này, tự chúng, có thể là các chuẩn mực khá ổn. Nhưng hiếm ai sống mà không đôi lần phạm sai lầm. Câu hỏi nằm ở chỗ: chuyện gì xảy ra sau mỗi lần lầm lỗi? Những người trở nên “lươn lẹo” là những người không bao giờ dám thành thật về sự không hoàn hảo của mình. Vì không có sự chấp nhận nào dành cho con người thật của họ, họ buộc phải rèn luyện khả năng che đậy và bịa chuyện. Làm sao dám thừa nhận thèm ăn đồ ăn nhanh khi chỉ một lời thú nhận có thể dẫn đến cả tuần bị lạnh nhạt? Làm sao có thể nói thật rằng mình hơi bừa bộn hay có một đời sống nội tâm phức tạp khi điều đó đồng nghĩa với việc bị phạt cấm túc cả mùa hè?
Chúng ta có thể chỉ trích những kẻ nói dối bao nhiêu tùy ý, nhưng cũng nên dành một chút cảm thông cho những khuôn mẫu khắt khe, đầy đòi hỏi và trừng phạt mà họ từng phải đối mặt để học cách nói dối.
Lối thoát cho tính cách này chính là nhận ra rằng môi trường khiến việc “lươn lẹo” trở thành kỹ năng sinh tồn nay đã không còn tồn tại. Hầu hết những người trưởng thành bình thường không yêu cầu sự hoàn hảo ở những người sống xung quanh họ. Sự thật – nếu được chia sẻ sớm, với sự tử tế và thẳng thắn – đều có thể chấp nhận được.
Tuy vậy, những người “lươn lẹo” thường không nhận ra viễn cảnh tích cực này. Trong tâm trí họ, họ vẫn mắc kẹt trong những ký ức về sự trừng phạt hà khắc, và vì thế, họ tiếp tục giấu nhẹm mọi sai sót dưới tấm thảm. Để rồi khi mọi chuyện bị phanh phui (như thường lệ), họ lại phải đối mặt với cơn giận dữ – giống như những gì họ từng trải qua thời thơ ấu – điều này càng củng cố niềm tin rằng họ chẳng bao giờ làm đúng được điều gì (và thế là họ có lý do để nói dối tiếp trong lần tới).
Nhưng điều mà họ không nhận ra là cơn giận lần này hoàn toàn khác. Nó không bắt nguồn từ lỗi lầm họ đã mắc phải, mà từ việc họ cố tình che giấu lỗi lầm ấy. Những người xung quanh không tức giận vì sự không hoàn hảo trong cách sắp xếp nhà cửa hay lịch trình hỗn loạn, mà họ khó chịu vì cảm giác bị lừa dối.
Trong một thế giới lý tưởng hơn, những lớp học đặc biệt sẽ được mở ra cho những tâm hồn đang tập thoát khỏi sự “lươn lẹo”. Nội dung chính của lớp học là cách tin rằng, những góc cạnh không hoàn hảo của bản thân hoàn toàn có thể được người trưởng thành chấp nhận, miễn là bạn chịu trách nhiệm đầy đủ và nói ra điều đó một cách thẳng thắn, nhẹ nhàng. Những câu như: “Tôi biết mình đã làm chưa tốt, nhưng tôi e rằng…” hoặc “Lẽ ra tôi nên làm như đã hứa, nhưng thực tế là…” sẽ trở thành bài học vỡ lòng.
Chúng ta không cần ai đó phải hoàn hảo. Chúng ta cần họ có đủ can đảm để thừa nhận sự không hoàn hảo của mình, và đủ tử tế để cảnh báo trước với ta một cách chân thành, không lừa dối. Khi hiểu rằng sự “lươn lẹo” chủ yếu bắt nguồn từ nỗi sợ, ta sẽ dễ dàng tha thứ cho họ hơn. Và khi những người “lươn lẹo” chấp nhận rằng sự thật – nếu được nói ra đúng cách – đều có thể chịu đựng được, họ sẽ dần vượt qua chính bản thân mình.
Nguồn: THE ORIGINS OF SHIFTY PEOPLE – The School Of Life