Chúng ta nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, hiện tượng của những đám đông tâm lý, thậm chí khi chúng ta không ở bên nhau. Một sự kết nối vô hình nào đó vẫn sẽ tồn tại, tương tác qua lại giữa các cá thể qua hệ thống niềm tin đồng nhất. Những đám đông thường hung hăn hơn bình thường, đây là điều rất căn bản, bởi lẽ một người khi ở một mình anh ta có thể xem xét rõ ràng những mặt trái phải về hệ thống niềm tin của mình, nhưng ở trong một nhóm (với sự khuyến khích qua lại lẫn nhau giữa các thành viên), niềm tin này được tiếp thêm nhiều năng lượng. Chúng ta bao giờ cũng hào hứng hơn khi kết hợp với những ai đó khác.
Hiếm khi tồn tại sự sáng suốt thuần khiết ở các đám đông, họ chỉ đơn thuần phản ứng cùng nhau thay vì suy xét nhau, câu hỏi được đặt ra là tại sao dù thế đám đông vẫn đã thay đổi được thế giới theo hướng tích cực? Điểm khác biệt nằm ở tầm nhìn của kẻ lãnh đạo, kẻ đứng đầu!
Từ sâu thăm thẳm ở trong tiềm thức, loài người khao khát được dẫn dắt, họ thèm khát hình tượng của một cá thể đứng đầu. Con người khi được tự do hoàn toàn, họ sẽ trở nên hoảng loạn. Một nhóm dù nhỏ sẽ không đạt được thành tựu nếu không có một kẻ đứng đầu. Tầm nhìn của người đứng đầu sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ, cho tới khi có một người đứng đầu khác xuất hiện với lời hứa cải thiện những gì mà người tiền nhiệm chưa thực hiện được, đám đông sẽ dần chuyển hướng sang lý tưởng mới. Chúng ta luôn muốn nằm dưới sự chỉ huy của ai đó, nhưng vẫn luôn sợ sự độc tài. Đó chính là lý do những cuộc đảo chính vẫn cứ diễn ra thường xuyên suốt chiều dài lịch sử, dù cho trước đó lãnh tụ của họ đã từng được chính họ tôn vinh. Một người đứng quá lâu trên đỉnh cao danh vọng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính đám đông bên dưới mình hạ bệ. Nó thuộc về bản chất, con người sẽ luôn tìm kiếm thứ mà mình coi là ‘phát triển’ – và họ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào những con người có tầm nhìn theo họ tiến bộ hơn.
Napoleon từng được tôn lên làm thánh bởi những thành công vang dội mà ông mang về cho tổ quốc, nhưng sau một vài thất bại, đám đông phản bội lại ông. Rất nhiều người lãnh đạo khác, từng trải qua hoàng kim, cuối cùng cũng kết thúc cuộc đời với một bản án tử hình. Những kẻ dựa dẫm hoàn toàn vào đám đông để leo lên vị trí quyền lực, sẽ là những kẻ bị chính ‘công cụ’ của mình kéo xuống. Dựa dẫm vào đám đông chưa bao giờ là một giải pháp đúng đắn. Nữ hoàng Elizabeth I hy sinh cả đời tư cá nhân của mình để cống hiến cho Anh Quốc, những thành quả lớn lao mà bà mang lại, cả đất nước giờ này tôn thờ bà. Điểm đặc biệt chính là ở việc bà biết điều gì cần thiết cho dân tộc của mình thay vì điều gì hấp dẫn đám đông ủng hộ bà; cho nên sau thời gian dài trị vì, đứng trước không ít nguy cơ bị lật đổ, bà đến cuối vẫn duy trì được vị thế của mình.
Ở thời hiện đại, những người đứng sau giật dây mọi thứ, người ta không còn dễ dàng xuất hiện trước đám đông. Họ biết được sức mạnh to lớn của nó và họ cũng rất hiểu tính phá hủy ghê gớm mà chính nó mang lại. Họ điều hướng đám đông thông qua các nền tảng công nghệ và truyền thông – hai công cụ của thời đại mới. Khả năng lật đổ họ, như những kẻ đứng đầu từng bị lật đổ, gần như rất thấp. Nhìn ở góc độ vi mô hơn, dễ thấy nhất là ở các tập đoàn và doanh nghiệp, ở đây quan trọng nhất vẫn là cái văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa công ty. Tức là bạn nhìn vào đó, bạn thấy chung một cái cốt lõi của doanh nghiệp này, cách nó được xây dựng, cách mọi người làm việc với nhau, tinh thần doanh nghiệp là gì, có thể là mối quan hệ cộng tác hoặc cũng có thể là văn hóa cạnh tranh cao, tùy vào người đứng đầu của doanh nghiệp đó. Là một giám đốc ở một công ty, điều quan trọng nhất vẫn luôn là duy trì được cái thị uy và giữ được văn hóa công ty của mình – đây mới là thứ giữ cho người dưới trung thành với công ty hơn cả. Không phải là mức đãi ngộ, không phải là uy quyền gây sợ hãi; chúng đều là những thứ gây náo động lòng người vì con người vẫn mãi và sẽ luôn thù ghét kẻ đứng đầu của họ đơn giản vì họ thấy vô cùng đố kỵ. Nhưng một khi người thủ lĩnh vẫn còn giữ được ở nơi làm việc cái tinh thần nồng cốt, cái văn hóa được duy trì ổn định và hiệu quả, thì khi ấy anh ta vẫn sẽ giữ cho mình sự tin tưởng từ các “cận thần” bên dưới.
Ý thức được sự ảnh hưởng có tính chất lan truyền giữa các thành viên trong nhóm, chúng ta bị dẫn dắt và ám thị một cách dễ dàng bởi những người đứng đầu, vậy thì đám đông có tiêu cực? Và việc hóa nhập vào đám đông có là xấu? Nhìn ở phạm vi cá nhân, sự phát triển của nền văn minh phụ thuộc vào sự tương tác qua lại giữa các cá thể cho mục tiêu chung. Chúng ta ở một mình với khi chúng ta tương tác với người khác là hai con người có phần khác biệt. Khi đi đến nơi làm việc, chúng ta phải duy trì một lớp mặt nạ mà chúng ta cho rằng là phù hợp, khi về chúng ta bỏ nó ra. Một người không thể diễn vai giám đốc trước mặt con cái hay vợ của mình, lúc này vai của ông là một người chồng, người cha. Cuộc đời là chuỗi ngày dài của những vai diễn bất tận. Nó không hề xấu, việc chúng ta đeo cho mình chiếc mặt nạ “dĩ hòa vi quý” là điều tất yếu thôi, bằng không anh sẽ bị cô lập. Trong một cái thế giới mà người ta nhờ nhau để sống, cá thể nào bị cô lập thì coi như anh ta đã chết rồi. Thông thường, khi mới lần đầu tham gia vào một nhóm, cộng đồng chúng ta có xu hướng yên ắng hơn với bản tính thật của mình. Có hai lý do, thứ nhất là chúng ta ngại, thứ hai từ trong vô thức chúng ta chưa định hình được cái pattern, cái văn hóa chung của đám đông này. Thể hiện bất kỳ sự tham vọng, hay tự tin thái quá trong lúc vừa mới bắt đầu này sẽ là điều kém khôn ngoan. Ngược lại, với kẻ hoàn toàn yên ắng, họ cũng sẽ bị cô lập đó thôi.
Tôi từng đi làm ở một công ty, ở công ty tôi không trò chuyện nhiều, làm ở đó cũng vài tháng người ta vẫn coi tôi là một thằng quá ít nói. Có một chị từng nói với tôi, “em vào đây mà yên lặng như vậy quá, khó sống lắm”. Và đúng là tôi bị cô lập thật. Việc không phải cố gắng diễn vai trước mặt mọi người cho phép tôi quan sát họ rõ hơn, những phản ứng giống nhau như đúc khi họ gặp chuyện. Cái tâm lý nhóm mà cả công ty đang bao trùm lên nhau, không thấy rõ nhưng mù mờ cảm nhận được. Tôi cũng cảm thấy điều tương tự khi tham gia với tư cách khách mời đến một cộng đồng nói tiếng Anh, nơi mà những thành viên ở đó, họ vẫn có với nhau nét tương đồng trong cung cách phản ứng và xử sự.
Một khi đã quen hay thích nghi với tinh thần của nhóm mà bạn đang tham gia, bạn sẽ dần bị đồng hóa.
Đặc biệt là ở các nhóm chính trị đối lập, khi ở một mình bạn sẽ xem xét điểm tốt và xấu trong niềm tin chính trị của mình, nhưng khi bạn ở trong cộng đồng rồi, lúc này bạn chỉ thấy sự đúng đắn rõ rệt trong niềm tin chung và mọi quan điểm đối lập đều mang lại sự hung hăn và đe dọa. Chỉ có những kẻ đứng đầu mới có thể thoải mái tư duy độc lập và tỏ ra có phần cách biệt so với đám đông mà anh ta dẫn dắt.
Thành viên nhỏ trong nhóm, một đặc tính độc lập hay trái nghịch như vậy có thể sẽ bị đào thải rất nhanh.
Công việc của chúng ta, với tư cách một sinh vật cộng đồng, vẫn phải duy trì cho bản thân một vai diễn phù hợp – đồng thời duy trì cái tư duy độc lập và ý thức về sự tác động bầy đàn nhằm tránh bị dẫn dắt trong mù quáng. Điều này không hề xấu xa, một số nhà “đạo đức” sẽ xem đó là giả tạo, trong khi chính họ cũng đang trưng diện một bộ mặt “sáng chói” và “dày cộp”; nó cơ bản là công cụ để con người sống cùng với nhau mà hạn chế được những xung đột không đáng có. Đời là một vở kịch lớn, đã diễn tại sao không diễn cho hay? Đây là quan điểm gây rất nhiều tranh cãi, sống đúng với con người của bạn hay sống với chiếc mặt nạ chúng ta đang đeo, sẽ được bàn ở một bài post khác.
“Sự điên rồ là điều hiếm thấy ở các cá nhân – nhưng trong các nhóm, các đảng phái, các dân tộc và các lứa tuổi thì đó quy luật” – Friedrich Nietzsche