Một cái hại của những ấn phẩm giải trí là nó kéo anh em đi quá xa so với thực tế bên ngoài. Trên phim ảnh hay media, nhìn chung anh em đều bị bùa rằng cuộc sống phải nhiều drama, nhiều sự kiện bất ngờ, phải chu du đây đó, phải làm này làm kia thì nó mới đáng sống. Trong khi thực tế cuộc đời diễn ra theo một vòng lặp bất tận những hoạt động thường ngày.
Càng đắm chìm vào giải trí ảo, anh em càng khó nắm bắt được những trải nghiệm ngoài đời thường. Cái tôi anh em không ngừng khao khát, gào thét một mẫu hình tượng, một motif cuộc sống giống như phim.
Nó hướng về quá khứ, dằn xé với những tiếc nuối của anh em, nó nhìn ở tương lai hình ảnh hào nhoáng mà nó luôn thèm muốn. Càng nạp vào đầu nhiều kiểu hình giải trí, anh em càng mất dấu con đường đi vào nội tâm của mình.
Tâm trí anh em hiện giờ bị bũa vây bởi quá nhiều ước vọng và mong muốn, thích quá nhiều thứ mà không thực sự đam mê bất cứ thứ nào. Anh em theo đuổi thứ đam mê của người đời, tìm cách xây dựng tính cách và hình ảnh bên ngoài theo một kiểu mẫu khác biệt. Hay nói một cách khác hơn, anh em đang không chịu nổi cái chán ngán hiện tại của mình.
Tu tập thân tâm là một con đường dài với đầy trở lực. Tức giây phút sau khi mở mắt anh em phải đấu tranh với những lựa chọn, điều anh em cần làm hay điều anh em muốn làm, điều anh em thấy đúng hay điều anh em thấy thích.
Trở lực lớn nhất của bất cứ con đường nào là cái tâm chán ngán, thích mơ mộng đến những điều hào nhoáng xa xăm. Bởi những thứ quý giá đều đòi hỏi thời gian và năng lượng tinh thần ghê gớm. Đa phần người đời gãy ngay từ ngưỡng chán đầu tiên, giây phút bản ngã trong họ bắt đầu vẽ nên những ý tưởng mới. Họ bắt đầu chạy theo những giá trị không thực, như con thiêu thân lao đầu vào lửa, họ đi theo con đường mới mà họ cho là hấp dẫn hơn. Và rồi, đến một lúc, lại đến ngưỡng chán, họ làm mọi thứ theo cảm hứng nhất thời, cho nên cũng không đủ độ lì để có thể vững chân. Sau nhiều lần chân nhảy sáo, cũng đến ngày họ thấy lạc lối hoàn toàn.
Một khi đặt thứ cần làm vào một bánh quay, thì anh em dù có cảm thấy ra sao, cảm xúc lúc đó thế nào, nó cũng không còn quan trọng. Anh em làm chỉ vì đó là điều cần làm, vào giây phút phải làm điều đó. Cảm hứng là thứ hoàn toàn có thể được sắp xếp, nó không bất chợt xuất hiện rồi nhanh chóng tan mất.
Đây là thứ cảm hứng mà anh em có thể luyện tập để có được, đặt cho nó một khung giờ trong ngày, ngồi xuống và làm việc, bất kể cảm xúc có ra sao, ngày qua ngày không sai chạy. Về lâu về dài, đến giờ là làm, anh em sẽ không còn cần đến hai chữ cảm hứng nữa. Thực tế lúc này, anh em làm việc để nhận thấy niềm cảm hứng, thay vì ngược lại.
Cách làm việc bất chợt chỉ dành cho người nghiệp dư. Kẻ chuyên nghiệp sẽ làm thứ cần làm, mà không cần bất cứ lực đẩy nào từ sau lưng. Và đôi khi, quyết tâm giữ được cho mình sự chuyên nghiệp, cũng chính là giá trị thiêng liêng mà anh em có thể hướng đến trong cuộc đời mình.