Lời tựa: tựa bài này được đặt để câu like, với thấy cái hình meme mắc cười nên chọn trích đoạn này.
Đây là một đoạn trích trong quyển Homo Deus nói về kỹ năng. Post đây chơi, ai đọc thấm được gì thì thấm, tùy duyên.
Cá nhân tôi có cái suy nghĩ rằng cuộc sống hiện đại từ nay về sau khiến chúng ta ngày càng \”ít con người hơn\” (less humanize). Mà ngày càng \”ít con người hơn\” thì càng dễ bị nhiều thứ bệnh quái gở, các giác quan – nhiều cơ chế sinh học bị thoái hoá hơn, hay nói đơn giản hơn là yếu hơn và \”ngu hơn\” (ở một khía cạnh nào đó).
Trích:Trong nhiều nghìn năm, hệ thống đã định hình và tái định hình đầu óc của chúng ta theo nhu cầu của nó rồi. Ban đầu Sapiens tiến hóa trong các cộng đồng thân thiết nhỏ bé, à trí não của họ không thích hợp để trở thành những cái bánh răng của một cỗ máy khổng lồ. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các thành thị, vương quốc và đế chế, hệ thống đã nuôi dưỡng các khả năng cần thiết để con người có thể hợp tác quy mô lớn, trong khi bỏ qua các kĩ năng và tài năng khác. Chẳng hạn, người thượng cổ có lẽ đã dùng khứu giác của mình rất nhiều. Những người săn bắt-hái lượm có thể đánh hơi từ xa sự khác biệt giữa nhiều loài động vật, nhiều người và thậm chí nhiều loại cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi có mùi khác với lòng dũng cảm. Khi một người sợ hãi, anh ta tiết ra các chất hóa học khác với khi anh ta tràn đầy lòng dũng cảm. Nếu bạn ngồi giữa một nhóm người thượng cổ tranh luận xem liệu có nên khởi chiến chống lại một bộ lạc láng giềng không, bạn có thể ngửi thấy mùi dư luận theo đúng nghĩa đen.
Khi Sapiens tổ chức thành những nhóm lớn hơn, mũi mất đi phần lớn tầm quan trọng xã hội của nó, bởi vì nó chỉ hữu dụng trong một nhóm quy mô nhỏ các cá nhân. Chẳng hạn, bạn không thể ngửi thấy mùi người Mỹ sợ hãi Trung Hoa. Thành thử, các năng lực khứu giác của con người bị lơ là. Các vùng não mà hàng vạn năm trước có lẽ đã được dùng xử lý mùi bị bắt chuyển sang làm những việc cấp thiết hơn như là toán học. Hệ thống thích ta dùng các nơ ron của mình để giải các phương trình vi phân hơn là đánh hơi nhà hàng xóm.
Điều tương tự cũng xảy ra với các giác quan khác, và với khả năng nền tảng chú ý đến các cảm nhận từ giác quan của chúng ta. Những người hái lượm ngày xưa luôn cảnh giác và chú tâm. Khi lang thang tìm nấm trong rừng, họ cẩn trọng hít ngửi hơi gió và chăm chú nhìn mặt đất. Khi tìm được một cây nấm, họ ăn nó với sự tập trung cao độ, để ý đến từng sắc thái trong mùi vị của nó, để có thể phân biệt giữa một cây nấm ăn được và một cây nấm độc gần giống nó. Thành viên của các xã hội giàu có ngày nay không cần đến sự cảnh giác nhạy bén đến thế. Chúng ta có thể đến siêu thị và mua bất cứ thứ đồ gì trong hàng nghìn loại thực phẩm khác nhau, tất cả đều đã có giới chức y tế kiểm định. Nhưng dù ta chọn gì – pizza Ý hay mì Thái – rất có thể chúng ta sẽ ăn ngấu nghiến trước ti vi mà chẳng để ý gì mấy đến mùi vị. Tương tự, nhờ vào dịch vụ vận tải thuận lợi mà chúng ta có thể dễ dàng gặp gỡ người bạn sống bên kia thị trấn.
Nhưng thậm chí khi đi bên cạnh bạn, chúng ta cũng hiếm khi toàn tâm toàn ý chú ý đến họ vì bận chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại và kiểm tra tài khoản Facebook, tin rằng có thứ gì đó hấp dẫn hơn nhiều có lẽ đang xảy ra ở đâu đó. Con người hiện đại bị bệnh FOMO – Fear Of Missing Out (nỗi sợ bỏ lỡ thứ gì đó) và dù có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết, chúng ta đã mất đi khả năng thực sự để đến những gì ta đã chọn
Ngoài việc ngửi và chú ý, chúng ta cũng đang dần mất đi khả năng mơ. Nhiều nền văn hóa tin rằng những gì con người thấy và làm trong giấc mơ quan trọng không kém những gì họ thấy và làm khi còn thức. Do đó con người chủ động phát triển khả năng mơ, nhớ được giấc mơ và thậm chí kiểm soát các hành động của mình trong thế giới giấc mơ, điều này được gọi là “mơ sáng suốt (lucid dreaming)”. Các chuyên gia về giấc mơ sáng suốt có thể tùy nghi di chuyển trong thế giới giấc mơ, và tuyên bố họ thậm chí có thể đi đến những miền tồn tại cao hơn hay gặp gỡ những vị khách đến từ các thế giới khác. Trái lại, thế giới hiện đại cho rằng giỏi lắm thì giấc mơ chỉ là những thông điệp từ tiềm thức, còn kém nhất thì là rác của tâm trí. Do đó, các giấc mơ đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều trong đời sống của chúng ta, ít người chủ động phát triển khả năng mơ, và nhiều người tuyên bố rằng họ không hề nằm mơ, hay không nhớ được chút gì từ những giấc mơ của mình.
Phải chăng sự giảm sút khả năng ngửi, chú ý và mơ khiến đời sống của chúng ta nghèo nàn và u ám hơn? Có lẽ. Nhưng ngay cả như vậy, thì đối với hệ thống kinh tế và chính trị thế cũng đáng. Ông chủ của bạn muốn bạn chăm chú kiểm tra thư
điện tử thay vì hít hà mùi hương của hoa hay mơ màng tới các nàng tiên. Vì cùng lý do đó, rất có thể các bản nâng cấp tâm trí con người trong tương lai sẽ phản ánh nhu cầu chính trị và nhu cầu của thị trường.
Chẳng hạn, “mũ chú ý của quân đội Mỹ được thiết kế để giúp con người tập trung tốt hơn vào các nhiệm vụ được vạch rõ và tăng tốc khả năng ra quyết định của họ. Tuy nhiên, nó có thể làm giảm khả năng bày tỏ sự cảm thông cũng như chịu đựng những nỗi hoài nghi và mâu thuẫn nội tâm. Giả sử bạn đang gặp khủng hoảng ở chỗ làm, bởi sếp mới của bạn không tôn trọng quan điểm của bạn, và cứ khăng khăng làm theo ý mình. Sau một ngày đặc biệt khó chịu, bạn cầm điện thoại lên và gọi cho một người bạn.
Nhưng người bạn đó có rất ít thời gian dành cho bạn, thế nên anh ta cắt ngắn cuộc nói chuyện và cố giải quyết gọn vấn đề: “Thôi, tớ hiểu rồi. Ừ thì cậu thực sự chỉ có hai lựa chọn ở đây: hoặc là bỏ việc, hoặc ở lại và làm như sếp muốn. Và nếu tớ mà là cậu, tớ sẽ bỏ việc\”
Nói thế cũng chả giúp được bao nhiêu. Một người bạn thực sự tốt sẽ không nhanh nhanh chóng chóng tìm giải pháp như vậy. Anh ta sẽ lắng nghe nỗi buồn của bạn, và sẽ dành thời gian cũng như không gian để tất cả những cảm xúc trái ngược và nỗi lo lắng đang gặm nhấm bạn trồi lên.
Những chiếc mũ chú ý hoạt động hơi giống một người bạn thiếu kiên nhẫn. Dĩ nhiên đôi lúc – chẳng hạn như trên chiến trường – con người cần quyết định nhanh và quả quyết. Nhưng đời cần nhiều hơn thế.
Lạm dụng chiếc mũ chú ý có thể khiến chúng ta mất khả năng chấp nhận sự bối rối, nghi ngờ và mâu thuẫn, cũng như chúng ta đã đánh mất khả năng ngửi, mơ và chú ý. Hệ thống có thể đẩy ta về hướng đó, bởi vì nó thường tưởng thưởng cho ta khi ta đưa ra quyết định thay vì khi ta nghi ngờ. Thế nhưng một cuộc đời toàn những quyết định quả quyết và những giải pháp nhanh gọn có thể sẽ nghèo nàn và nông cạn hơn một cuộc đời với những ngờ vực và mâu thuẫn.
Khi ta trộn lẫn năng lực thiết kế tâm trí thực sự với sự thiếu hiểu biết của chúng ta về phổ tâm thần cộng thêm các mối quan tâm hẹp hòi của chính phủ, quân đội và công ty, thì chúng ta nhận được một công thức cho rắc rối. Chúng ta có thể nâng cấp thành công cơ thể và não bộ, nhưng đồng thời lại đánh mất tâm trí của mình. Thật vậy, chủ nghĩa nhân văn – Công nghệ có thể cuối cùng lại hạ cấp con người. Hệ thống có thể thích những con người bị hạ cấp không phải vì họ sở hữu các khả năng siêu nhân nào cả, mà vì họ thiếu đi vài phẩm chất rất khó chịu của con người, những phẩm chất sẽ cản trở hệ thống và làm chậm nó lại. Như bất cứ người nông dân nào cũng đều biết, chính những con dê lanh lẹ nhất trong đàn mới gây nhiều rắc rối nhất, đây là lý do vì sao cuộc Cách mạng Nông nghiệp gồm cả việc hạ cấp các khả năng tâm trí của loài vật. Cuộc cách mạng nhận thức lần hai, như những nhà nhân văn-công nghệ hằng mơ ước, có lẽ sẽ làm điều tương tự với chúng ta, tạo ra những con người chỉ là bánh răng trong cỗ máy, có khả năng giao tiếp và xử lý thông tin một cách hiệu quả hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời cũng không thể chú ý, mơ hay nghi ngờ. Trong suốt hàng triệu năm, chúng ta đã là loài tinh tinh thượng đẳng. Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ trở thành những con kiến khổng lồ.
Post bài này đứa nào hiểu được gì thì hiểu. Hệ hệ”