Trước khi biết đến những nguyên tắc của Chủ nghĩa Khắc Kỷ, tôi sống mà không có mục đích rõ ràng. Tôi không biết làm thế nào để sống một cuộc đời tốt đẹp.
Tôi chỉ bắt chước hành động và cách cư xử của những người xung quanh. Nhưng sự thật là hầu hết mọi người đều không hạnh phúc và sống không có mục đích.
Tôi bắt đầu nghiêm túc thực hành Chủ nghĩa Khắc Kỷ khi 28 tuổi. Đó là lúc cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi. Đó là năm 2015. Kể từ đấy, mỗi năm trôi qua, tôi lại cảm thấy hạnh phúc hơn.
Sau 9 năm sống như một người Khắc Kỷ, tôi có thể khẳng định rằng hạnh phúc giống như cơ bắp, càng luyện tập thì càng khỏe mạnh.
Dưới đây là 5 nguyên tắc hữu ích nhất mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Tôi hy vọng chúng sẽ giúp bạn cải thiện hạnh phúc của mình nhiều như chúng đã làm với tôi.
1. Trở nên can đảm
“Kẻ sợ chết sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì để giúp đỡ người sống. Nhưng người hiểu rằng điều này đã được định đoạt từ khi họ được sinh ra sẽ sống có nguyên tắc và dùng cùng sức mạnh tâm trí đó để đảm bảo rằng không điều gì xảy đến là bất ngờ.” — Seneca
Hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta đều sẽ chết. Điều này là chắc chắn. Mọi điều khiến bạn buồn phiền hôm nay sẽ trở nên vô nghĩa khi bạn nằm trên giường bệnh.
– Bạn bị điểm kém
– Thời tiết nơi bạn sống lúc nào cũng xấu
– Không ai thích bài đăng của bạn trên mạng xã hội
– Ai đó không mời bạn dự tiệc sinh nhật
– Người khác có vẻ hạnh phúc còn bạn cảm thấy cô đơn
Hãy vượt qua tất cả. Hãy sống mà không sợ hãi. Hãy làm những điều bạn luôn muốn làm.
2. Đừng mong muốn những thứ ngoài tầm kiểm soát
“Bất cứ ai có quyền lực để thực hiện hoặc ngăn chặn những điều chúng ta muốn hoặc không muốn đều là chủ nhân của chúng ta.” — Epictetus
Điều này có thể làm bạn thấy khó chịu, nhưng cần phải nói ra: Quá nhiều người trong chúng ta là nô lệ của sự công nhận từ bên ngoài.
Chúng ta khao khát những lượt thích trên Instagram, sự thăng tiến trong công việc, và sự ngưỡng mộ từ bạn bè. Nhưng bạn biết gì không? Tất cả những điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Bạn không thể ép buộc ai đó thích bài đăng của bạn, thăng chức cho bạn, hoặc ngưỡng mộ bạn. Vậy tại sao phải lãng phí năng lượng và sự an yên trong tâm trí để khao khát chúng?
Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát: hành động của bạn, suy nghĩ của bạn, và cách bạn phản ứng với nghịch cảnh. Đây mới là những điều thực sự quan trọng và là nền tảng của một cuộc sống viên mãn.
Cố gắng tránh theo đuổi những thứ bạn không kiểm soát được. Làm được điều đó, bạn sẽ giành lại tự do cho chính mình.
3. Dựa vào chính mình
“Hãy tập trung vào nội tâm càng nhiều càng tốt, và kết giao với những người có thể giúp bạn tốt hơn. Mời những người mà bạn có thể giúp họ tốt hơn. Điều này có lợi cho cả hai bên, và con người sẽ học hỏi trong khi dạy dỗ.” — Seneca
Chúng ta thường dễ dàng quên mất rằng người duy nhất ta thực sự có thể dựa vào là chính mình. Bạn bè có thể đến rồi đi, hoàn cảnh có thể thay đổi, công việc có thể mất, và thậm chí gia đình cũng có thể làm bạn thất vọng.
Điều đó không có nghĩa là bạn nên cô lập bản thân hay tránh xa các mối quan hệ. Ngược lại, hãy bao quanh mình bởi những người làm phong phú cuộc sống của bạn và mà bạn cũng có thể nâng đỡ họ.
Nhưng cuối cùng, bạn là người bạn tốt nhất và cũng là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Những lựa chọn bạn đưa ra, thói quen bạn nuôi dưỡng, và tư duy bạn áp dụng sẽ quyết định hạnh phúc và thành công của bạn.
4. Tin tưởng vào vận mệnh
“Điều xảy ra với bạn đã được vận mệnh định sẵn cho bạn.” — Marcus Aurelius Cuộc sống không thể đoán trước được. Nó đầy rẫy những khúc quanh bất ngờ có thể khiến chúng ta gục ngã hoặc mạnh mẽ hơn.
Tin tưởng vào vận mệnh, như vị vua – triết gia Marcus Aurelius đã nói, là chấp nhận sự khó lường này. Khi làm vậy, bạn sẽ hiểu rằng mọi sự kiện, dù tốt hay xấu, đều là một phần trong hành trình cuộc đời bạn. Bị sa thải? Có thể đó là cơ hội để theo đuổi một đam mê hoặc khởi nghiệp. Trải qua một cuộc chia tay đau đớn? Hãy xem đó là cơ hội để khám phá lại bản thân và trưởng thành hơn. Nền kinh tế suy thoái? Hãy tận dụng cơ hội này để đầu tư.
Thay vì chống lại sự thay đổi hoặc chìm đắm trong bất hạnh, hãy đón nhận những điều chưa biết. Hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm, dù khó khăn đến đâu, đều là một bước tiến trên con đường của bạn.
5. Làm những gì bạn nói
“Đừng mong đợi nói với người khác rằng họ nên làm gì khi họ biết rằng bạn đang làm những gì bạn không nên làm.” — Musonius Rufus
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, hãy sống như những gì bạn nói. Nói ra những lời khôn ngoan, đưa ra lời khuyên và chỉ trích người khác thật dễ dàng. Nhưng sống theo nguyên tắc của bạn? Đó mới là thử thách thực sự.
Đừng là một người đạo đức giả. Đừng nói người khác về sự trung thực nếu bạn đang nói dối. Đừng rao giảng về sự chăm chỉ nếu bạn lười biếng.
Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng, ngưỡng mộ, hay sức ảnh hưởng, hãy tự mình giành lấy. Hãy xuất hiện, làm việc chăm chỉ và dẫn dắt bằng hành động.
Đây là một câu nói sáo rỗng nhưng đúng: Hành động có sức nặng hơn lời nói. Vì vậy, hãy làm những gì bạn thực sự muốn và tin tưởng. Làm những gì bạn nói không phải vì bạn muốn cả thế giới chú ý đến bạn. Mà là để CHÍNH BẠN nhận ra điều đó.