(Sang nó đang học computer science nên chém ra bài này)
Nhận thức ở bài này chỉ dừng ở level “mọi trải nghiệm/hiện tượng đều xảy ra trong đầu bạn”, chứ chưa đến mức “bạn ko có cái đầu nào cả.” Bài này giả định rằng con người giống như một cỗ máy, có phần cứng phần mềm. Thế giới vật chất là có thật, nhưng nó là thứ ko thể nhận thức đc; thứ chúng ta có thể nhận thức là những trải nghiệm, sự mô phỏng về thế giới thật trong tâm trí. Còn ở nhận thức “ko đầu” thì ko có sự phân biệt, ko có khái niệm thật vs. ko thật, duy vật vs. duy tâm, trong vs. ngoài… Bài này ko hẳn là contemplative fitness, mà là mental jerk, mình nhìn mấy khái niệm tâm linh dưới lăng kính của khoa học máy tính, sau đó thì quay tay ra chữ. Những ý tưởng như ‘thế giới là một hệ giả lập’, ‘con người là một cỗ máy’,… ko phải là gì mới. Nếu sau này học thêm nhiều về khoa học máy tính hơn, thì chắc sẽ phát triển mấy ý này thành computer spirituality, công nghệ tâm linh, nghe khá là kêu. Đây là mental jerk, nội dung bài viết mang tính chất giải trí, như mọi bài viết khác.
Giải thích sơ khái niệm abstraction và user interface.
Abstraction là 1 khái niệm trong khoa học máy tính, dịch ra là ‘trừu tượng’. Mục đích của abstraction là tạo ra một cơ chế hay mô phỏng đơn giản, nhằm che đậy sự phức tạp của hệ thống, để người dùng có thể tương tác với hệ thống một cách dễ dàng hơn và ko cần hiểu rõ hệ thống. Ví dụ hay được dùng là chiếc xe hơi. Động cơ của chiếc xe hơi thì phức tạp vl, nhưng bạn chỉ cần biết cách xử dụng vô lăng, chìa khóa, bàn đạp thắng và ga, hộp số, là đã có thể lái xe. Thứ làm việc thật sự là động cơ; nếu động cơ bị hư thì cơ chế abstraction (vô lăng, đạp thắng, ga…) cũng vô dụng. Ngược lại, nếu bạn hiểu rõ hệ thống động cơ, dù abstraction bị hư, bạn vẫn có thể làm việc với hệ thống bằng cách trực tiếp tương tác với nó. Ví dụ, chìa khóa hư, bạn có thể tháo chỗ cắm chìa khóa, tìm mấy sợi dây điện, chích chích vài cái như người ta làm hoài trên phim, thì bạn vẫn có thể khởi động chiếc xe. link how to turn on car without key.
Mọi người thường tương tác với máy tính thông qua Graphic User Interface (GUI, giao diện hình ảnh dành cho người dùng). Mỗi lần bật máy lên thì bạn nhìn thấy nó đầu tiên, nó là màn hình window, biểu tượng của mấy cái apps, con trỏ chuột, menu… ko có gì xa lạ cả. window gui. User interface là một ứng dụng của abstraction. Những biểu tượng, hình ảnh chỉ là một sự mô phỏng, ảo ảnh. Chữ, số, pixels (hình ảnh), âm thanh, đều chỉ là những chuỗi mã 0 và 1 đối với hệ thống phần mềm của máy tính. Binary code 0 và 1 cũng là một abstraction, dùng để mô tả dòng điện, sự thay đổi voltage của dòng điện ở thế giới vật chất, hệ thống phần cứng của máy tính. Mục đích duy nhất của abstractions là mô phỏng lại hệ thống máy tính theo một cách dễ hiểu cho người dùng. Ví dụ, có một tấm hình để ở thư mục Pictures, ổ đĩa D; tấm hình đó có vẻ như là một thực thể cố định, ở một ‘địa điểm’ nào đó trong máy tính. Khi mình muốn xem tấm hình đó, thì mình đến ‘địa điểm’ đó, dùng phần mềm xem ảnh nào đó để xem tấm hình, rất đơn giản. Ở thế giới thật thì, ko có tấm hình nào cả; chỉ có một chuỗi code 0 và 1 – a pattern of information, một xu hướng thông tin, mà bản chất thật của chuỗi thông tin này là xu hướng nam châm – điện từ đc ‘đốt’ lên ổ đĩa, khi dòng điện chạy qua ổ đĩa thì nó bị biến đổi. Dòng điện này còn phải chạy qua nhiều chỗ khác; nếu mình dùng phần mềm Microsoft word để mở ảnh, thì mình đã cho dòng điện chạy sai chỗ, ‘tấm hình’ ko đc đọc, mình phải cho dòng điện ‘tấm hình’ kia chạy qua nơi chứa phần mềm xem ảnh (programs cũng là một chuỗi xu hướng thông tin, nam châm – điện từ đc burn lên phần khác của ổ đĩa), thì ‘tấm hình’ mới đc xử lý thêm. Rồi dòng điện đó chạy đến màn hình, màn hình chuyển đổi dòng điện đó thành những màu sắc, pixels, và mình nhìn thấy tấm hình như nó ‘có vẻ’ là.
Khi dùng GUI, như ví dụ ở trên, mình có khái niệm không gian. Nếu mình dùng Command Prompt (Cmd), thì mình chỉ cần gõ địa chỉ và tên của file hình ảnh, và hình ảnh sẽ xuất hiện, ko có khái niệm không gian ở đây, càng tiện lợi hơn. Nếu mình muốn tạo một folder mới, ở GUI, mình click phải chuột -> chọn New -> chọn New Folder -> đặt tên cho folder ‘bullshit’. Nếu dùng Cmd, mình chỉ cần gõ lệnh, “mkdir bullshit”, là folder hiện ra. GUI là một user interface phức tạp hơn, đem lại mô phỏng dễ hiểu hơn cho người dùng. Nhưng bất cứ đứa học IT nào cũng sẽ biết giới hạn của GUI, để tương tác với máy tính trong những công việc chuyên môn hơn, thì tương tác với terminal (Cmd là một ví dụ) là điều ko thể tránh khỏi. Kinh Thánh có câu, “In the beginning was the Word, and the Word was with God…” (Ban đầu có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Chúa) (John 1:1). Ở phiên bản công nghệ tâm linh, thì mình xin sửa lại là “In the beginning was the command line, and the command line was with the developer” (Ban đầu có dòng lệnh, và dòng lệnh ở cùng lập trình viên).
User interface của thế giới thật
Thế giới thật là gì? Có vài giả thuyết. Một, thế giới thật là một game online, và mỗi người là một ‘linh hồn’, cơ thể + tâm trí là một cái máy tính. Giả sử mình và thằng bạn mình đang chơi chung một map Đột Kích, mình nhìn thấy thằng bạn mình trên màn hình, nhưng mình biết rõ rằng đó chỉ là avatar của nó, ko phải là hình ảnh thật; cái ‘cơ thể’ của mình trong game, cũng là avatar, ko phải là ‘cơ thể’ thật của mình. Avatar phải tuân theo quy luật vật lý của game; trừ khi mình nhận thức đc rằng mình đang ở ngoài game, và biết cách hack game, thay đổi quy luật vật lý, để avatar có thể làm mấy trò như đi xuyên tường, nhảy cao, hay bất tử. Hai, những gì bạn đang nhìn thấy là một bộ phim 6D (5 giác quan + suy nghĩ), tất cả mọi thứ đều đã đc quy định trong bộ nhớ, và bộ phim chỉ đơn giản là đang chiếu; ko có thứ gì là thật cả, và một bộ phim ko có người coi, hay bộ phim đang tự coi chính nó. Ba, có một lập trình viên đang phát triển một hệ thống giả lập, và chúng ta là mấy con AI đang chạy lông bông trong hệ giả lập này; cầu nguyện và sống theo luật mà ‘Ngài’ đã đặt ra đi, có khi ‘Ngài’ sẽ cho bạn điều mà bạn hằng mong muốn, nếu chuyện xấu xảy ra với bạn, cứ vững lòng tin vì đó chỉ là thử thách. Bốn, có thể bạn chính là lập trình viên, đang quên mất chính mình và lạc trong hệ giả lập, tất cả mọi thứ đều chỉ là sự tưởng tượng của bạn. Năm, bạn có thể tạo ra một giả thuyết mới hoặc trộn lẫn xào nấu đống giả thuyết này lại với nhau để tạo ra giả thuyết mới. Whatever. Mình ko biết, và cũng ko quan tâm lắm, đây chỉ là mental jerk, ý tưởng mang tính giải trí.
Tạm thời thì cứ chọn giả thuyết một làm chủ đề để chém, vì mình nghĩ nó gần với khoa học hơn; còn mấy giả thuyết kia thì hơi ít bằng chứng và hơi mindfuck. Mình và bạn đang cùng chơi game “Cuộc sống thế kỷ 21”. Máy tính của bạn tự tạo ra mô phỏng của map dựa theo phần cứng của máy bạn; tương tự với máy của mình. Khi mình và bạn cùng ngắm trăng, thì mình có mặt trăng riêng của mình, bạn có mặt trăng riêng của bạn. Mình ko bao giờ thấy trực tiếp đc đôi mắt của mình, đây là game góc nhìn người thứ nhất. Khi avatar của mình đi bộ trong game, hình ảnh trôi qua trên màn hình, còn mình lúc nào cũng ‘ở đây và bây giờ’. Cơn đau, thể chất hay tinh thần, chỉ là tín hiệu báo rằng avatar của bạn đang ở trong tình trạng ko tốt; nó ở trong tâm trí bạn và ko phải của bạn, giống như mặt trăng ở trong tâm trí bạn và ko phải của bạn.
Không-thời gian là một khía cạnh của user interface của game đời này. Memory, ký ức dữ liệu, nằm ở thế giới thật, và nằm ngoài thời gian của game này, nó có trước thời gian trong game. ‘Số 3’ là một mẩu thông tin, nó có thể đc biểu hiện bằng cách viết ‘3’, ‘三’, ‘III’, ‘त्रीणि ‘,…. tùy vào map (và văn hóa của map) mà bạn đang chơi. Bạn có thể đọc thêm về khái niệm archetype (bản thể uyên nguyên) của Plato của hiểu rõ hơn. Trong câu chuyện hang động của Plato, thì bạn đang ở trong một hang động, và thứ bạn đang nhìn thấy là cái bóng của một mô hình; mô hình này đc tạo ra bởi các vị thần, mô phỏng theo ‘thứ thật’ ở ngoài hang. ‘Thứ thật’ ở ngoài hang nằm ngoài tầm hiểu biết của con người, và các vị thần tạo ra user interface, sự mô phỏng của ‘thứ thật’ để con người tương tác. Khi mình cầm một quyển Kinh Thánh đc in năm 2020, essence (tạm dịch là ‘nội dung’ hay ‘nguyên thần’, cũng có thể hiểu là archetype ở ví dụ trên) của nó có thể ko khác gì với quyển Kinh Thánh đc in 500 năm trước ở châu Âu. Ý niệm tồn tại phi thời gian ko gian, còn biểu hiện của nó dưới dạng ngôn ngữ, hình ảnh… thì thuộc user interface của game, phụ thuộc vào không-thời gian.
Lúc trước thì mình nghĩ là mình nhìn thấy thứ gì đó, rồi mình mới biết về nó. Nhưng bây giờ thì mình nghĩ là mình có memory, hay kiến thức, về thứ đó; rồi mình mới nhận thức đc nó. Những hình ảnh mà bạn đang nhìn thấy, ko khác gì những pixels trên màn hình máy tính. Làm sao phần mềm máy tính phân biệt đc hình ảnh con trỏ chuột và biểu tượng Chrome Browser trên màn hình, trong khi màn hình là điểm cuối mà dòng điện chạy đến? Cái máy tính ko phải thấy rồi mới phân biệt, mà nó phân biệt rồi tạo ra hình ảnh, và nó ko cần thấy hình ảnh đó, vì hình ảnh đó dành cho user. Con trỏ chuột là một mẩu thông tin, biểu tượng Chrome là một mẩu thông tin; cả hai đều là một phần của dòng điện chạy từ nguồn qua các phần cứng rồi đến màn hình. Dòng điện đấy đc mô tả như là một chuỗi code nhị nguyên, trôi liên tục. Hệ thống phần mềm đã PHÂN BIỆT đoạn code nào mô tả ‘con trỏ chuột’, đoạn nào mô tả ‘biểu tượng Chrome’, sau đó thì tất cả hiện lên màn hình như thể ‘con trỏ chuột’ và ‘biểu tượng Chrome’ là hai thứ tách biệt nhau, trong khi sự thật thì chúng chỉ là một hình ảnh duy nhất. Nếu bạn ko có khái niệm về bất cứ thứ gì, thì hình ảnh bạn đang nhìn thấy chỉ là những màu sắc thay đổi liên tục. Khi bạn phân biệt, có khái niệm về cái này cái kia, bạn mới bắt đầu đặt tên – dán nhán cho những thứ bạn đang nhìn thấy.
Có một hiện tượng gọi là hiện tượng Baader-Meinhof. Đại khái thì khi bạn học một từ mới, bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy từ này nhiều lần trong 1 hay vài ngày, và bạn tự hỏi tại sao một từ thông dụng như thế này mà bây giờ mình mới biết. Bởi vì bạn ko thấy rồi mới biết, mà bạn biết rồi bạn mới thấy.
Trong mỗi khoảnh khắc thì bạn nhận đc vô hạn lượng thông tin, nhưng tùy vào cấu hình mà bạn sẽ chỉ xử lý ra cụ thể một lượng thông tin nào đó. Fact, your perception’s main job is to exclude; sự thật là, công việc chính của nhận thức là loại trừ thông tin; nếu lúc nào cũng xài max power thì cháy máy nhanh lắm.
Có những kiến thức mình đọc hoài ko hiểu. Nhưng vài năm sau, khi có thêm kinh nghiệm, khả năng phân tích/phân biệt tăng lên, thì tự nhiên hiểu. Giống như hệ điều hành của mình ko có những khái niệm mà hệ điều hành của người viết dùng, nên mình ko thể decode, phân tích mẩu thông tin, mà người viết truyền tải. Kiểu người viết cho mình đoạn code, 010111001, mình biết 010 là ‘ngu’, 001 là ‘học’, nhưng mình ko biết 111 là gì, ko hiểu đc essence của người viết. Sau này nhận ra 111 là ‘ ‘, mình mới hiểu người viết muốn chửi mình ‘ngu học’. Sau này nữa thì mình nhận ra 111 có nghĩa là ‘thì’, và loại code này tự chèn ‘ ‘ giữa mỗi từ, thì mình lại hiểu người viết muốn nói ‘ngu thì học’.
Khái niệm synchronicity của Carl Jung là một khái niệm khá là đao to búa lớn, liên quan đến mấy quy luật lập trình của game. Nhưng mà việc hiểu rõ hơn về giới hạn của user interface, và bản chất của dữ liệu ở thế giới thật và cách mà nó đc thể hiện ở user interface cũng phần nào giải thích khái niệm synchronicity.
Điều chỉnh giao diện, user interface configuration
Mình có một ông bạn. Ông này tập khả năng nhìn aura, tantra visualization practice, đại khái là khả năng tưởng tượng. Kiểu người nào sa đọa thì ổng sẽ thấy xung quanh người đó có màu tối làm chủ đạo, người nào có màu xanh dương hay tím sáng chủ đạo thì aura tốt, kiểu thế. Mỗi lần ổng có một cảm xúc tiêu cực, thì ổng có thể để yên, hoặc gom cảm xúc đó, trong hình dạng là một cục màu, rồi ‘chơi’ với nó, kiểu đẩy nó ra xa, hay nhồi nặn nó. Từ từ nó tự tan. Mọi người đều có đủ mọi màu sắc trong cái visible light spectrum, những màu mà mắt thường có thể nhìn thấy. Trên đời có đủ loại khí, nào là sát khí, thoại khí, linh khí, âm khí, tà khí, chánh khí, blah blah… Essence/niệm/data của mọi thứ thì vô hình vô tướng. Tâm trí có thể nhận thức đc những dữ liệu này và xử lý chúng. Nhưng mà vì chúng ta đã quá quen xài user interface (5 giác quan), nên chúng ta quên mất đi sự tồn tại của những thứ vô hình tướng. Kiểu để biết một người đang nóng giận, sống sa đọa, lo lắng… chỉ cần nhìn vào ánh mắt cũng biết. Nhưng để chính xác hơn, thì con người kết hợp khả năng tưởng tượng, gắn những data vô hình tướng với hệ thống màu sắc, để dễ xử lý chúng. Có điều mình ko rõ lắm là khả năng nhìn aura/khí bằng màu này là có sẵn; chỉ cần cân bằng giữa user interface và ý niệm; hay là phải tập, tập khả năng nhận thức, tập khả năng tưởng tượng… Mình ko phải là fan của tantra với visualization nên ko rành lắm.
Practice chính của mình thì là vipassana. Có trò quán thân thể, body scanning cũng khá chill. Mình ko rành về kundalini yoga hay hệ thống chakras của Ấn Độ cho lắm. Cơ mà mình thấy vipassana với hệ thống chakras cũng có vài điểm chung. Khi mình quán phần thân dưới, thì những suy nghĩ và cảm xúc về ăn uống ngủ ỉa chịch tràn đến, càng lên trên thì những suy nghĩ và cảm xúc thường liên quan đến lý tưởng, tình yêu hơn. Hình ảnh cơ thể mà bạn đang nhìn thấy là ảo ảnh, nhưng nó cũng là mô phỏng về ‘cơ thể’ của bạn ở thế giới thật. Nó khá là tiện lợi khi gắn những phần ký ức liên quan đến nhau đến những phần cụ thể trên cơ thể. Kiểu ký ức về tiền bạc thì ở ổ E, ký ức về tình bạn thì ở ổ D, ký ức về lý tưởng thì ở ổ C… Nhắc lại ý này, nếu bạn ko có khái niệm về cơ thể, thì bạn ko phân biệt, và bạn ko nhìn thấy nó, dù nó có ở đó. Trong chuỗi trải nghiệm đc thể hiện trên màn hình, ngay lúc này bạn đang ý thức đc cơ thể, có nghĩa là dòng điện đang chạy qua phần cứng chứa memory về khái niệm cơ thể, và khái niệm cơ thể đc manifested lên màn hình. Có những memory kiểu ‘tôi ngu học’, ‘tôi là thằng thất bại’, hay những ký ức đau khổ đều đc ghi nhớ trên ổ đĩa; và nếu bạn ko giải quyết nó, hay buông bỏ nó, thì khi dòng điện chạy qua ổ cứng, những ý niệm này cũng đc manifested/thể hiện lên màn hình. Chúng có thể hữu ích, nhưng phần lớn thì chúng là tạp niệm ko cần thiết, chỉ tổ gây nặng máy và làm nhiễu màn hình.
Khi bạn ngồi không ko làm gì, chỉ xem xem cái màn hình đang phóng chiếu những gì, và bạn tắt bớt những niệm ko cần thiết; thì bạn đang ngồi thiền, đang thanh lọc tâm trí. Để truy cập những ký ức sâu hơn, bị đè nén lâu ngày, thì bạn cần sức tập trung mạnh hơn. Giống như việc màn hình chính clean ko vẫn chưa đủ, bạn phải vào từng ổ cứng và dọn dẹp từng ổ. Quán thân thể là 1 tip khá hay để truy cập những loại memory bị chìm xuống vô thức từ lâu đó, còn dọn dẹp là buông bỏ nó.