Khả năng chi phối, điều khiển, và duy trì sự tập trung là một trong những khả năng tinh thần quan trọng nhất mà ta sở hữu. Daniel Goleman trong cuốn Focus đã đi xa đến nỗi gọi nó là “động lực tiềm ẩn của sự xuất chúng”, trong khi Winifred Gallagher viết trong cuốn Rapt: Attention and the Focused Life:
* “…cuộc đời bạn – bạn là ai, bạn nghĩ gì, cảm thấy gì, bạn yêu thích điều gì – là tổng thể của những gì bạn đang tập trung vào… Nếu bạn chỉ có thể giữ tập trung vào những điều đúng đắn, cuộc đời sẽ không còn cảm giác phản ứng với những điều đã xảy ra với bạn và trở thành thứ bạn tạo ra: Không phải là một loạt những tai nạn, mà là một tác phẩm nghệ thuật.” (Winifred Gallagher, Rapt: Attention and the Focused Life)
*Từ việc vượt qua rối loạn lo âu và trầm cảm, học những kỹ năng mới hay đạt được mục tiêu cuộc đời, tập trung vào những điều đúng đắn chính là chìa khóa, và khả năng tập trung của ta giống như cơ bắp: tập luyện nó đúng cách và sức mạnh của nó sẽ phát triển, lạm dụng nó, và nó sẽ khô héo. Một trong những thủ phạm lớn nhứt làm giảm khả năng tập trung của ta đó chính là sử dụng thái quá các thiết bị công nghệ – đặc biệt là điện thoại thông minh, Internet, và mạng xã hội. Trong bài viết này ta sẽ nhìn vào cách những công nghệ này ảnh hưởng tới khả năng tập trung và hệ quả tiêu cực do tác động này gây ra.
*Mỗi khi ta quyết định theo đuổi một mục tiêu đòi hỏi nhận thức, có thể là viết sách, lập trình, đóng thuế, vv, thành công của ta phụ thuộc vào cách mình đương đầu với thứ gọi là can thiệp mục tiêu (Goal Interference). Như nhà thần kinh học Adam Gazzley và nhà tâm lý học Larry Rosen giải thích trong cuốn sách The Distracted Mind của họ:
*“Can thiệp mục tiêu xảy ra khi bạn tiếp cận một quyết định đạt được một mục tiêu cụ thể… và điều đó diễn ra để cản trở việc hoàn thành mục tiêu đó thành công. Sự can thiệp có thể được tạo ra từ bên trong, thể hiện dưới dạng những suy nghĩ trong tâm trí hoặc được tạo ra bên ngoài, bởi các kích thích giác quan như tiếng huyên thiên trong nhà hàng, tiếng bíp, rung hoặc màn hình hiển thị chớp sáng.” (Adam Gazzley and Larry Rosen, The Distracted Mind)
* Can thiệp mục tiêu có 2 hình thái. Nếu sự can thiệp là thứ gì đó gián đoạn tập trung, nhưng không dẫn tới một sự thay đổi trong hành vi, nó được gọi là sự sao lãng. Mặt khác, sự gián đoạn là những hình thức can thiệp gây ra thay đổi trong hành vi bởi nó lôi kéo ta chuyển từ nhiệm vụ ban đầu mà mình đang tập trung sang một nhiệm vụ mới – ví dụ như trả lời điện thoại trong khi đang viết bài. Dù can thiệp mục tiêu đã luôn là thứ con người phải đương đầu, nhưng sự phát triển của công nghệ hiện đại đã tạo ra một tình thế mà giờ đây ta đang tràn ngập trong những thứ gây sao lãng và gián đoạn hơn bao giờ hết.
*Hầu hết chúng ta đều nhận thức rõ rằng sự sao lãng và gián đoạn sẽ kéo dài thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đó không phải tác động có hại nhất của sự can thiệp công nghệ. Thay vào đó dòng quấy rầy liên tục từ công nghệ hiện đại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hiệu suất của ta, đồng thời làm suy yếu khả năng tinh thần cần thiết để duy trì tập trung.
*Sự tuột giảm đáng kể về hiệu suất bắt nguồn từ mức độ can thiệp ngày càng gia tăng là kết quả của việc não ta không có khả năng làm việc đa nhiệm. Trái với quan niệm thông thường, con người không thể xử lý song song thông tin cho vô số nhiệm vụ đòi hỏi kiểm soát nhận thức từ trên xuống dưới. Trong khi ta có thể nhai kẹo cao su và viết một email cùng 1 thời điểm, hay nghe những loại nhạc nhất định và viết – bởi nhai kẹo cao su và nghe nhạc không đòi hỏi sự kiểm soát nhận thức từ trên xuống dưới – ta không thể viết một email và nói chuyện điện thoại cùng 1 thời điểm. Viết một email và nói chuyện điện thoại đều đòi hỏi sự kiểm soát nhận thức từ trên xuống dưới. Nếu ai đó thử làm những điều này đồng thời, điều xảy ra đó là sự chuyển đổi chú ý nhanh chóng giữa việc viết email và nói chuyện điện thoại. Sự chuyển đổi nhanh chóng giữa 2 nhiệm vụ đòi hỏi nhận thức được trình diện trong não bằng sự luân phiên giữa các mạng lưới thần kinh khác nhau điều khiển những hành động khác nhau – một quá trình được gọi là chuyển đổi mạng lưới thần kinh.
*Chuyển đổi mạng lưới thần kinh thường xuyên, chẳng hạn như khi con người tràn ngập trong sự can thiệp từ những thiết bị công nghệ, đi kèm với một chi phí đáng kể. Như Gazzley và Rosen giải thích:
*“Việc bộ não không thực sự làm việc đa nhiệm ở mức độ thần kinh thể hiện một hạn chế lớn trong khả năng quản lý mục tiêu của mình. Quá trình chuyển đổi mạng lưới thần kinh có liên quan đến việc giảm độ chính xác, thường xảy ra với cả 2 tác vụ, và độ trễ thời gian so với việc thực hiện từng tác vụ một… Bạn có thể coi những chi phí này là cái giá phải trả cho việc cố làm nhiều thứ cùng một lúc.” (Adam Gazzley and Larry Rosen, The Distracted Mind)
*Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh đó là cả sự gián đoạn lẫn sao lãng dẫn tới những chuyển đổi mạng lưới thần kinh ảnh hưởng tới hiệu suất. Rõ ràng, nếu trong quá trình viết bài bạn nghe thấy một thông báo email và quyết định đọc và phản hồi email đó, một sự chuyển đổi mạng lưới sẽ xảy ra làm giảm hiệu suất. Tuy nhiên, như các nhà thần kinh học đã nhận ra được, đơn thuần nghe thông báo của một email đang đến, ngay cả khi bạn không hành động, vẫn làm giảm hiệu suất bởi nó dẫn tới một sự chuyển đổi mạng lưới ngắn ngủi, nhưng có sức ảnh hưởng.
*Điều làm cho nhiều thiết bị công nghệ hiện đại đặc biệt tai hại khi làm suy giảm khả năng tập trung và thêm vào đó là chất lượng công việc của ta, đó là do chúng được thiết kế để lôi kéo mọi người liên tục vào kiểm tra chúng. Nói cách khác, nó được thiết kế để tối ưu hóa sự can thiệp bằng cách sử dụng thứ mà B.F Skinner, nhà tâm lý học hành vi nổi tiếng, gọi là sự củng cố gián đoạn. Nghiên cứu của Skinner tiết lộ rằng “khi hành vi [một ai đó] chỉ được củng cố trong một số thời điểm, và đặc biệt là khi hành vi đó xảy ra trong một lịch trình biến thiên (không thể đoán trước), chính hành vi đó sẽ chống lại được sự tuyệt diệt (Extinction)”. (Adam Gazzley and Larry Rosen, The Distracted Mind)
*(* note 1 chút: Extinction ở đây, nếu xét theo điều kiện hóa có kết quả của Skinner, thì nó xảy ra khi một củng cố tích cực giúp kích thích hay duy trì hành vi hướng tới bị loại bỏ. Ví dụ, nếu một con chuột bấm nút (Hành vi hướng tới) thì sẽ được đồ ăn, nhưng bây giờ bỏ hết đồ ăn đi, thế là nó bấm nút chẳng được thứ gì, bởi vì chẳng có được đồ ăn (Tác nhân kích thích) nên nó sẽ ngừng bấm nút, hiểu đơn sơ là như vậy, có thể tìm rõ thêm, tks for reading)
*Ta có thể thấy tác động của sự củng cố gián đoạn với các mạng xã hội được thiết kế để tận dụng hành vi hình thành thói quen này. Facebook, là một ví dụ điển hình, đã thiết kế nguồn cấp dữ liệu (Feed) của họ theo hướng năng động nhờ đó mà những bài đăng liên tục thay đổi. Trong khi hầu hết bài viết sẽ không mấy thú vị, thường một vài trong số đó sẽ đạt được sự quan tâm của ai đó. Bản chất năng động của nguồn cấp dữ liệu Facebook tạo ra một tình thế nơi mà những người sử dụng liên tục sẽ bị lôi kéo để kiểm tra nó khi nhận ra rằng có khả năng xuất hiện một bài viết mới thú vị để xem, và thông qua việc củng cố gián đoạn này, thường thì 1 thói quen sẽ được hình thành.
*Một tác động tiêu cực mà công nghệ hiện đại gây ra đối với khả năng tập trung của ta bắt nguồn từ lượng thông tin đáng kinh ngạc nằm trong tầm tay của mình. Mặc dầu quyền truy cập thông tin gần như không giới hạn này chắc chắn đi kèm theo đó những lợi ích to lớn, nhưng tùy thuộc vào cách nó được sử dụng, nó cũng mang đến một cái giá. Như Herbert Simon đã viết:
*“Những gì thông tin tiêu thụ là điều khá rõ ràng: Nó làm hao mòn sự chú ý của người nhận thông tin. Vì vậy, quá nhiều thông tin sẽ tạo nên một sự tập trung nghèo nàn, và nhu cầu cần phải phân bổ sự chú ý đó một cách hiệu quả trong số vô vàn nguồn thông tin có thể tiêu thụ chúng.” (Herbert Simon, Designing Organizations for an Information-Rich World)
*Như đã nói ở trên, không thể phủ nhận rằng nhiều thiết bị công nghệ hiện đại đáng tận hưởng và cho phép ta làm những điều mà mình còn chẳng thể mơ đến thậm chí vài thập kỷ trước. Nhưng không phải tất cả những biểu hiện của công nghệ thông tin hiện đại đều tạo ra lợi ích lớn hơn chi phí của chúng, và cụ thể là chi phí mà chúng áp đặt lên khả năng tập trung của mình. Với những ai muốn cải thiện khả năng tập trung và dùng sự tập trung vào những phương hướng cải thiện cuộc sống, chúng tôi sẽ kết thúc bằng một đoạn văn trong cuốn Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World của Cal Newport, rất đáng để nghiền ngẫm:
*“Những dịch vụ [phương tiện truyền thông xã hội] này như người ta quảng cáo, không nhất thiết là nhân tố quyết định cho thế giới kết nối hiện đại của ta. Nó chỉ là những sản phẩm, phát triển bởi các công ty tư nhân, được tài trợ xa xỉ, được tiếp thị cẩn thận và được thiết kế sau cùng để nắm bắt sau đó bán thông tin cá nhân và sự chú ý của bạn cho các nhà quảng cáo. Chúng có thể thú vị, nhưng trong cái nhìn tổng thể về cuộc sống và những gì bạn muốn đạt được, chúng là một thứ kỳ quái tầm thường, một sự phân tâm không đáng kể trong số nhiều nguy cơ đe dọa bạn trật bánh khỏi điều gì đó sâu sắc hơn. Hoặc có thể các công cụ truyền thông xã hội là cốt yếu cho sự tồn tại của bạn. Bạn sẽ không biết cách nào khác cho đến khi bạn thử nghiệm một cuộc sống thiếu đi chúng.” (Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World, Cal Newport)