Chúng ta phản ứng thái quá không phải vì bi quan, mà ngược lại, vì ta còn quá nhiều kỳ vọng vào cuộc sống.
Tức giận, suy cho cùng, cũng là một dạng điên rồ. Bạn cầm lấy hũ mứt lớn nhất và ném thẳng xuống sàn nhà. Bạn bước tới quầy thanh toán và xả một tràng những lời thô tục. Bạn tăng tốc, vượt ẩu trên con đường quê hẹp có hàng cây sồi bao quanh.
Dù những khoảnh khắc này có vẻ vô lý và khó hiểu, nhưng không thể xem chúng chỉ là cơn điên vô cớ. Tức giận vận hành theo một cơ chế ẩn sâu bên trong, một lý lẽ cần được nhận diện để ta có thể kiểm soát và xoa dịu nó.
Cơn giận bắt đầu từ muôn vàn điều bất như ý trong cuộc sống: đường truyền mạng bị mất, chuyến bay lại trễ, ai đó lái xe quá chậm. Chúng ta có thể buồn bực về những điều này, điều đó là dễ hiểu. Nhưng để chuyển từ buồn sang giận dữ, ở đâu đó trong ta còn có một thứ khác: một niềm hy vọng ngây thơ. Chúng ta phản ứng thái quá không phải vì bi quan, mà ngược lại, vì ta còn quá nhiều kỳ vọng vào cuộc sống.
Kỳ vọng ấy nguy hiểm ở chỗ: mức độ phản ứng của chúng ta với sự thất vọng phụ thuộc vào điều chúng ta xem là “bình thường”. Chúng ta có thể khó chịu khi trời mưa, nhưng vì đã quen với những cơn mưa bất chợt, chúng ta sẽ không bao giờ hét toáng lên giữa đường chỉ vì một trận mưa rào. Kinh nghiệm buồn bã đã dạy ta rằng điều đó là “bình thường”, là chuyện tất nhiên của thời tiết. Chúng ta chỉ nổi giận khi có một điều gì đó phá vỡ niềm tin của ta về quy luật của cuộc sống – khi ta nghĩ mình xứng đáng được thứ gì đó, và rồi lại đột ngột không có được.
Bởi vậy, những người hay tức giận đang vận hành theo một khái niệm sai lệch về cái gọi là “bình thường”: người quát tháo chỉ vì mất chìa khóa nhà cho thấy niềm tin ngây thơ rằng đồ đạc không bao giờ được phép thất lạc. Người nổi nóng vì bị chậm lại trên con đường làng chứng tỏ một niềm tin kỳ quặc rằng các con đường quê lúc nào cũng phải thông thoáng.
Bình tĩnh, vì thế, phải bắt đầu từ sự bi quan. Chúng ta phải tập làm quen với những thất vọng từ trước khi thế giới kịp làm ta bất ngờ và tổn thương khi phòng vệ còn chưa sẵn sàng. Những người hay giận cần được “huấn luyện” để đối mặt với những thực tế phũ phàng của cuộc sống: sự chậm chạp của người khác, những sai sót không thể tránh khỏi của công nghệ, những khiếm khuyết trong cơ sở hạ tầng… – tất cả cần được nhắc nhở từ sớm, một cách bài bản và nhẹ nhàng. Họ nên bắt đầu mỗi ngày bằng một vài phút thiền định về những điều tồi tệ có thể xảy đến trong ngày: một vụ va chạm xe cộ, một chiếc ổ cứng vô tình bị hỏng hóc.
Bên dưới cơn giận dữ, thật ra còn có nỗi sợ hãi. Những người đang giận có vẻ tràn đầy tự tin trong cơn thịnh nộ của mình, nhưng thật ra, họ đang đập phá mọi thứ trong cơn hoảng loạn. Họ không tin vào khả năng chịu đựng thất vọng và tìm lại sự cân bằng của mình. Họ thiếu một niềm tin bền bỉ rằng, với đủ kiên nhẫn, yêu thương và thời gian, mọi sai lầm đều có thể sửa chữa và vượt qua.
Sự pha trộn giữa hy vọng và nỗi sợ này rõ nét nhất trong những cơn giận dữ trong tình yêu. Một người có thể nhẫn nhịn cả ngày với đồng nghiệp hay khách hàng, nhưng khi về nhà, họ lại bùng nổ như núi lửa trước những thiếu sót nhỏ nhặt của người bạn đời (chỉ vì một câu hỏi “Hôm nay anh thế nào?” được thốt ra hơi lạnh nhạt). Ẩn sau cơn giận ấy là một sự kết hợp cháy bỏng giữa hy vọng – “Đây là người đáng lẽ phải hiểu mình nhất” – và nỗi sợ rằng ta đã chọn nhầm người và hủy hoại cả cuộc đời mình.
Khi nổi giận, thực ra họ đang cố gắng “dạy dỗ” thế giới: cách điều hành một hãng hàng không, cách lái xe, cách trò chuyện tử tế trong bữa tối… Nhưng họ là những giáo viên rất tồi vì có quá nhiều điều quan trọng đang đặt cược vào đó. Họ thiếu một phẩm chất căn bản của người thầy giỏi: sự thản nhiên trước việc bài học có được tiếp thu hay không.
Chúng ta thường bật cười trước cơn giận của người khác (nếu không quá sợ hãi nó). Nhưng nếu đủ bình tĩnh để quan sát, ta sẽ nhận ra rằng cơn giận ấy bắt nguồn từ những niềm tin và hy vọng rất đáng cảm thông. Những đôi mắt trợn trừng, giọng nói the thé, những lời lẽ sắc bén xuất phát từ một tâm hồn mong manh đang lo sợ rằng mình sẽ không được lắng nghe hay thấu hiểu nếu chỉ đơn thuần giãi bày nỗi thất vọng.
Để xoa dịu một người đang giận, điều ta cần làm thật ra chỉ có ba việc: chân thành thừa nhận rằng chúng ta cũng rất thất vọng, thể hiện sự đồng cảm rằng chúng ta cũng mong mọi thứ đã khác đi, và cuối cùng, rộng lượng trao cho họ một lời trấn an đầy tin cậy rằng: “Chúng ta sẽ vượt qua được chuyện này.”
Nguồn: ON ANGER – The School Of Life