Chọn một người đồng hành dài lâu có lẽ là quyết định hệ trọng nhất đời người. Thế nên, không có gì lạ khi ta cảm thấy căng thẳng trong những buổi hẹn hò. Nếu chọn đúng, ta có thể hưởng trọn cảm giác ấm áp và sự sẻ chia thân mật cả đời; nhưng nếu chọn sai, ta có nguy cơ đánh đổi sự tự tin, sức khỏe, tài chính, và cả sự tỉnh táo của mình.
Nhà văn vĩ đại nhất nước Anh, Jane Austen, đã dành gần như cả sự nghiệp của mình để viết về cuộc hành trình tìm kiếm người bạn đời phù hợp của nhân vật. Như các nhà phê bình từng nhận xét, trong khi nước Anh đang chiến đấu sinh tồn với quân Pháp thời Napoléon, Austen vẫn tập trung viết về những ai đã đỏ mặt khi nhìn thấy ai trong bữa tiệc nào. Nghe có vẻ nực cười, nhưng có lẽ bà đã đúng khi cho rằng chọn người yêu quan trọng chẳng kém gì chiến tranh.
Vậy, đâu là những sai lầm nặng nề mà chúng ta thường mắc phải khi đi tìm người thương?
🌷 1. Sợ Hãi Cô Đơn
Một phần lớn những bất hạnh trong đời sống tình cảm đến từ nỗi sợ hãi cô đơn. Ta sợ hãi việc phải đối diện với chính mình và cảm giác chán chường khi hẹn hò, nên dễ dàng chọn những người bạn đời hờ hững, những người mà theo thời gian có thể khiến ta thấy cô đơn và buồn bã hơn gấp bội so với việc chỉ ở một mình. Khả năng chịu đựng được sự cô độc là yếu tố quan trọng nhất để có được tình yêu hạnh phúc.
🌷 2. Sai Lầm “Lỡ Đầu Tư Quá Nhiều”
Chúng ta thường ở lại trong một mối quan hệ chỉ vì mình đã đầu tư quá nhiều thời gian vào đó: vì nghĩ rằng đã quá trễ, vì ta đã 21, 39 hay thậm chí là 104 tuổi rồi. Ta nghĩ mãi về 3 tháng, 5 năm hay cả 20 năm đã dành cho người đó, bao nhiêu hy vọng từng được đặt vào, mà quên mất rằng một tương lai ngắn hạnh phúc vẫn luôn đáng giá hơn một quá khứ dài căng thẳng. Dù người ta có thể thay đổi, họ hiếm khi làm vậy khi ta nhẹ nhàng yêu cầu.
🌷 3. Lẫn Lộn Giữa Giấc Mơ Và Thực Tế
Dĩ nhiên, họ có chút phiền phức, nhưng câu hỏi là liệu ta đang phải đối mặt với một kiểu người đặc biệt khó ưa, hay chỉ là một phiên bản khác của giống loài người với đủ mọi tật xấu? Khi yêu, ta luôn lựa chọn từ một hồ cá, và điều quan trọng là hiểu được các sinh vật khác trong hồ như thế nào. Sự bình yên trong tương lai của ta phụ thuộc vào khả năng nhận biết và chấp nhận một mức độ khó chịu chấp nhận được. Ai rồi cũng sẽ thấy ai đó phiền toái; cái tài thực sự nằm ở chỗ phân biệt được đâu là đau khổ không thể tránh khỏi và đâu là bất hạnh không đáng phải chịu đựng.
🌷 4. Sợ Hãi Tình Yêu
Chúng ta có thể dành nhiều năm đẩy xa bất kỳ ai dám yêu mình. Nỗi sợ hãi này thường bắt nguồn từ tuổi thơ khó khăn, nơi mà ta vô thức gắn kết tình cảm thân mật với sự tổn thương; gần gũi là đồng nghĩa với đau khổ. Ta dễ nghi ngờ rằng bất kỳ ai thương yêu mình cũng là kẻ mơ tưởng khi nhìn ra điều gì đó đáng yêu mà ta chưa từng nhận ra ở chính mình. Tình yêu hạnh phúc có thể là điều ta khát khao, nhưng không nhất thiết là điều ta chịu đựng nổi.
🌷 5. Sức Hấp Dẫn Của Sự Hỗn Loạn
Ta có thể phải mất một thời gian dài để miễn nhiễm với sức quyến rũ của những người sáng nắng chiều mưa, ghét bỏ bản thân, từ chối tình cảm của ta, và chìm vào những cơn tức giận hay tuyệt vọng lúc nửa đêm. Đôi khi, đến khi tuổi trung niên, ta mới nhận ra được sự tuyệt vời tinh tế của những người “nhàm chán” nhưng đáng tin cậy: những người thích làm vườn, yêu thương gia đình, đi trị liệu, tin tưởng vào người khác và biết chấp nhận chính mình.
🌷 6. Tấn Bi Kịch Của Sự Phòng Thủ
Đây là tính cách đơn lẻ có khả năng hủy diệt nhiều mối quan hệ nhất. Khi ta nhẹ nhàng góp ý, đối phương sẽ lập tức phản ứng rằng: không phải lúc này, là lỗi của ta, thực ra chẳng có vấn đề gì cả, hoặc ta thật tệ. Thật may mắn biết bao nếu ta tìm thấy một người mà nhờ tình thương từ thuở ấu thơ, có thể thốt lên những lời kỳ diệu: “Thú vị đấy, anh/chị nghe em… Có lẽ em có lý… Để anh/chị nghĩ xem.”
🌷 7. Đánh Giá Thấp Tác Động Của Những Tật Xấu Nho Nhỏ
Ta tự nhủ rằng đó chỉ là vài thói xấu nhỏ nhoi, những điều như x, y hay z. Nhưng thử nghĩ xem, một viên sỏi là rất nhỏ nhưng nếu có một viên sỏi trong giày và ta chạy một cuộc đua marathon, chẳng mấy chốc chân ta sẽ rớm máu.
🌷 8. Coi Nhẹ Sự Hấp Dẫn Th ể X ác
Đây là tiêu chí mà những người thông minh thường dễ dàng bỏ qua. Chẳng phải sự hấp dẫn thể xác là điều quá tầm thường khi chọn bạn đời sao? Chẳng phải có nhiều điều đáng suy ngẫm hơn sao? Nhưng điều này là bỏ qua thực tế rằng rất nhiều cuộc tranh cãi thực chất là do bất mãn vì thiếu sự thân mật. Và ngược lại, có bao điều ta có thể bỏ qua chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngọt ngào bên nhau. Vì đây là một trong số ít thứ mà ta không thể tìm kiếm bên ngoài mối quan hệ, hãy đảm bảo rằng trải nghiệm này trong cuộc hôn nhân của mình phải thật thỏa mãn.
🌷 9. Chủ Nghĩa Hoàn Hảo
Cơ hội đưa ra lựa chọn phù hợp sẽ tăng lên khi ta chấp nhận sự bất khả của việc chọn đúng hoàn toàn. Hôn nhân sẽ được cải thiện khi ta thừa nhận rằng ta sẽ – tự nhiên thôi – phải lấy một người không hoàn hảo. Các vị thần có thể cưới được người lý tưởng, còn ta thì sẽ phải chấp nhận chung sống với một kẻ điên rồ đáng yêu nào đó, chẳng khác gì mình. Những cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất thường tựa trên một nền tảng của sự tha thứ, tiếng cười nhẹ nhàng, và một chút bi quan để lòng thêm bình yên.
Nguồn: THE 9 MOST COMMON MISTAKES WE MAKE WHEN CHOOSING A PARTNER
Image: James Andrews, Portrait of Jane Austen (posthumous), 1869