Zeno xứ Citium – người sáng lập ra Chủ nghĩa Khắc Kỷ, đã truyền lại di sản triết học này của mình cho người học trò xuất sắc là Cleanthes xứ Assos (vào khoảng năm 330 – 230 TCN)
Vốn xuất thân là một võ sĩ quyền anh, Cleanthes đến Athens chỉ với bốn đồng drachmas trong túi. Với số tiền ít ỏi đấy, ông bắt đầu con đường học hành dưới sự chỉ dạy của Crates, và sau này là Zeno. Vì không đủ tiền để mua giấy cói, ông phải ghi chép lại những lời dạy của các thầy trên vỏ sò hoặc xương động vật. Các bạn học khác thường trêu chọc và gọi ông là “con lừa” vì sự chậm chạp của ông nhưng Cleanthes chưa bao giờ khó chịu về điều này. Ông cho rằng, chính biệt danh này đã ám chỉ rằng, ông có thể chịu đựng được mọi thử thách mà Zeno giao phó.
Để tự nuôi sống bản thân, Cleanthes phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, từ việc gánh nước, đào đất đến xay bột,.. Cũng bởi vì dành hầu hết thời gian cho việc học và nghiên cứu triết học nên Cleanthes đã bị triệu tập trước Hội đồng Areopagus (Hội đồng tư pháp Athens) để giải trình về lối sống đặc biệt của mình.
Tuy nhiên, khi người chủ khu vườn và người bán bột – nơi ông làm thuê, lên tiếng làm chứng cho sự chăm chỉ của Cleanthes, đã khiến quan tòa ấn tượng đến mức quyết định trao thưởng một khoản tiền lớn cho ông. Và ngay cả khi trở thành người đứng đầu trường học, Cleanthes vẫn không ngừng làm việc tay chân song song với việc giảng dạy và viết lách. Chính điều này đã khiến một biệt danh khác của ông được ra đời – “Hercules thứ hai”.
Cleanthes là một người yêu thơ ca. Ông thường ví von: “Giống như hơi thở của chúng ta có thể biến thành âm nhạc qua những tiếng kèn, những ràng buộc của thơ ca cũng có thể nâng tầm tư duy của chúng ta”. Điều này cũng nhấn mạnh một nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa Khắc Kỷ rằng chính những khó khăn trong cuộc sống mới giúp chúng ta trưởng thành hơn. Ông tin rằng con người vốn dĩ luôn hướng tới đức hạnh và khi thiếu nó, con người sẽ không trở nên hoàn thiện được, cũng giống như một câu thơ iambic bị bỏ dở vậy.
Một lần khác, nhà viết kịch Sositheus đã công khai chế giễu Cleanthes trên sân khấu bằng câu thoại: “Bị dẫn dắt bởi sự ngu ngốc của Cleanthes như đàn gia súc câm lặng”. Tuy nhiên, trước sự khiêu khích đó, Cleanthes vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và không hề tỏ ra thái độ khó chịu hay cáu gắt. Chính hành động của ông đã khiến khán giả vô cùng ngưỡng mộ và quay lưng chế giễu Sositheus. Sau đó, khi Sositheus đến xin lỗi, Cleanthes đã rộng lượng bỏ qua.
Nhờ có sức khỏe dẻo dai và tâm hồn bình thản, Cleanthes đã sống thọ đến cả trăm tuổi. Tuy nhiên, đến cuối đời, ông bị mắc căn bệnh viêm nướu nặng. Để giảm bớt đau đớn, ông đã quyết định nhịn ăn trong hai ngày. Sau đó, ông từ chối mọi thức ăn, nhẹ nhàng nói rằng mình đã đi quá nửa quãng đường cuộc đời rồi, việc quay trở lại sẽ quá mệt nhọc. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đối phó với những lời xúc phạm như cách Cleanthes đã làm?
1️⃣ LÀM RÕ ĐỘNG CƠ CỦA LỜI XÚC PHẠM
Bước đầu tiên để đối diện với những lời lẽ xúc phạm là tìm hiểu xem liệu chúng có thật sự mang tính chất xúc phạm hay không. Khi ai đó nói những lời lẽ xúc phạm chúng ta, bạn hãy cân nhắc ba điều: thông tin đó có chính xác không, người nói là ai và động cơ của họ là gì. Nếu lời nói đó có phần nào đó là sự thật, người nói lại là người đáng tin cậy và có ý định tốt, thì thay vì cảm thấy bị xúc phạm, chúng ta nên xem đó như một cơ hội để học hỏi và cải thiện bản thân.
Đó cũng là lý do tại sao chúng ta thường ít khi cảm thấy bị tổn thương bởi những lời góp ý chân thành từ cha mẹ hoặc thầy cô. Ngược lại, nếu người nói không đáng tin cậy hoặc có ý đồ xấu, chúng ta không cần phải bận tâm quá nhiều đến những lời lẽ của họ. Cũng giống như việc, chúng ta không thể trách một đứa trẻ vì sự ngây thơ của chúng hay một con chó vì bản năng của nó, chúng ta cũng không nên để những lời nói vô căn cứ làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình.
2️⃣ KIỂM SOÁT CƠN GIẬN
Nếu xác định rằng lời nói đó thực sự mang tính xúc phạm, phản ứng tự nhiên của chúng ta thường là tức giận. Tuy nhiên, sự tức giận lại là phản ứng kém hiệu quả nhất vì ba lý do chính. Thứ nhất, nó cho thấy chúng ta đang quá quan tâm đến những lời nói sai sự thật và người đã nói ra chúng. Thứ hai, sự tức giận có thể khiến chúng ta tự cho rằng lời nói đó chứa đựng một phần nào đó sự thật, dù có đúng hay không. Và cuối cùng, sự tức giận khiến chúng ta mất đi sự bình tĩnh, dễ bị tổn thương hơn trước những cuộc tấn công tiếp theo, thậm chí cả những cuộc tấn công về thể xác.
3️⃣ KIỂM SOÁT SỰ BỐC ĐỒNG
Một phản ứng thường đi kèm với cơn giận là ham muốn được trả đũa. Nhưng ngay cả khi không tức giận, việc đáp trả lại những lời xúc phạm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để có thể phản bác một cách sắc sảo và phù hợp, người nói cần phải có sự nhanh nhẹn và thông minh. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta có khả năng hùng biện như Cicero hay Cato, việc trả đũa vẫn hiếm khi là lựa chọn khôn ngoan. Vấn đề cốt lõi ở đây là khi trả đũa, chúng ta đang tự hạ thấp mình xuống ngang hàng với kẻ xúc phạm và vô tình nâng tầm cho chúng.
4️⃣ ĐÁP TRẢ THÔNG MINH BẰNG CÁCH TẠO TIẾNG CƯỜI
Cách trả đũa thông minh nhất chính là tạo ra sự hài hước từ những lời xúc phạm này. Hãy lấy ví dụ về Cato, khi bị Lentulus nhổ nước bọt vào mặt, ông chỉ bình tĩnh lau sạch và nói: “Tôi sẽ tuyên thệ rằng người ta đã sai khi nói rằng miệng anh không thể sử dụng được”. Câu trả lời dí dỏm này không chỉ giúp Cato giữ được bình tĩnh mà còn khiến cho kẻ xúc phạm trở nên lố bịch.
Hài hước một cách nhẹ nhàng có thể là một vũ khí hiệu quả để đối phó với những lời lẽ khiếm nhã. Nó không chỉ giúp ta cắt đứt sự chú ý của người khác khỏi kẻ xúc phạm mà còn thu hút sự đồng cảm và ủng hộ từ những người xung quanh, từ đó xoa dịu căng thẳng trong tình huống.
5️⃣ CÁCH TỐT NHẤT LÀ HÃY PHỚT LỜ LỜI XÚC PHẠM
Một cách phản ứng đơn giản nhưng hiệu quả hơn nhiều so với việc đáp trả là hãy phớt lờ những lời xúc phạm – giống như cách mà Cleanthes đã đối xử với Sositheus. Tương tự, khi bị một kẻ thô lỗ tấn công tại nhà tắm công cộng, Cato đã thể hiện sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Khi kẻ tấn công nhận ra mình đã sai và đến xin lỗi, Cato chỉ đơn giản đáp lại: “Tôi không nhớ đã bị đánh.” Câu trả lời ngắn gọn này không chỉ thể hiện sự khinh thường đối với hành động của kẻ kia mà còn cho thấy một tâm thế vượt lên trên những lời nói tầm thường.
Tóm lại, chúng ta không cần phải để những lời xúc phạm làm tổn thương mình. Sự xúc phạm không chỉ nằm ở lời nói mà còn ở cách chúng ta tiếp nhận và phản ứng lại. Quan trọng hơn hết chính là cách chúng ta phản ứng lại đều có thể nằm trong tầm kiểm soát của bản thân.