Chủ nghĩa toàn cầu của trường phái Khắc kỷ bắt nguồn từ niềm tin rằng tất cả con người đều là một phần của cùng một chỉnh thể, và chỉnh thể này, giống như mỗi bộ phận cấu thành nên nó, đều tuân theo Tạo hoá. Một số người trong số họ hành xử như ung nhọt nhưng ngay cả họ cũng đang thực hiện công việc được thánh thần giao phó. Cũng giống như mắt, tai và răng của chúng ta đều có vai trò riêng trong cơ thể, chúng ta cũng vậy, mỗi người đều có một vai trò trong xã hội, dù cho đó chỉ là để làm bài học cho người khác.
“Hãy nhớ rằng,” Seneca nói, “người mà bạn gọi là nô lệ cũng có chung nguồn gốc với bạn, cũng được cùng một bầu trời che chở, và cũng hít thở, sống và chết như bạn.”
Sống ích kỷ về cơ bản là tự hại chính mình. Để cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa và hạnh phúc, chúng ta cần cảm nhận rằng mình đang làm việc cùng người khác, vì người khác. Bởi vì, giống như kiến và ong, đó là bản chất của chúng ta. Nếu không đóng góp cho cộng đồng, chúng ta sẽ cảm thấy mất kết nối và chán nản. Nói cách khác, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân mình như đã chết và trên thực tế, cũng chẳng khác gì đã chết.
Marcus Aurelius nói, bất cứ điều tốt nào chúng ta làm, chúng ta nên làm một cách lặng lẽ, không mong đợi bất cứ điều gì đáp lại, “giống như những cây nho, mỗi năm lại tạo ra chùm quả ngọt mà chẳng bận tâm có được đền đáp hay không.”. Phần thưởng của chúng ta sẽ thuộc về riêng chúng ta, và lớn hơn nhiều so với bất kỳ sự giàu có hay vinh dự nào: đó là việc sống và đã sống một cuộc sống tốt đẹp, làm và đã làm những gì chúng ta sinh ra để làm.
Tất nhiên, con người không đáng tin cậy như kiến và ong. Một số người sẽ lầm đường lạc lối. Họ sẽ cư xử tồi tệ rồi lẩn tránh ở nhà. Đây là một điều tất yếu và đã được tính đến trong sự sắp đặt của thế giới. Việc tức giận hay buồn phiền về điều đó sẽ chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn, đôi khi là tồi tệ hơn rất nhiều.
Chúng ta thậm chí có thể coi hành vi xấu như một cơ hội. Chuyện kể rằng, một hôm có kẻ côn đồ đã làm Lycurgus bị thương một mắt bị giải đến để ông trừng phạt. Nhưng thay vì trừng trị, Lycurgus, nhà lập pháp huyền thoại của Sparta, lại dạy dỗ và cảm hóa anh ta. Sau đó, ông đưa người này đến nhà hát. Trước sự ngạc nhiên của dân chúng Sparta, Lycurgus tuyên bố: “Người mà các bạn giao cho tôi là một kẻ ngỗ ngược và hung hãn. Nay tôi trả lại cho các bạn một người tốt và một công dân gương mẫu.”