Việc trở nên tham vọng không chỉ đơn thuần là khao khát đạt được thành tựu, mà còn là mong muốn của mỗi người về việc trở nên khác biệt hơn so với người khác. Nhưng nếu chúng ta là người cuối cùng còn tồn tại trên Trái Đất này, thì tham vọng cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Như Seneca, một triết gia Khắc Kỷ đã từng nói: “Tham vọng, xa hoa và cả sự tùy hứng đều cần một sân khấu, bạn sẽ kiểm soát được nó nếu ngăn cản được việc chúng được thể hiện, được phô trương.” Sự tham vọng mang đến ba mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Thứ nhất, chúng ta cần phải cẩn trọng với những gì mình mong muốn. Trong một bức thư gửi Lucilius, Seneca đã viết: “Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường nói rằng chúng ta cảm thấy vui mừng khôn xiết vì một người được bầu làm quan, hoặc một người khác kết hôn hoặc vợ anh ta sinh con đầu lòng – những sự kiện này, thay vì mang lại niềm vui thật sự, thì có thể lại là khởi đầu của sự đau khổ sau này. Nói tóm lại, càng có ít, chúng ta càng tự do và giàu có hơn.
Thứ hai, tham vọng luôn hướng chúng ta đến tương lai; sống với tham vọng đồng nghĩa với việc sống trong sợ hãi và lo lắng và xem nhẹ hiện tại. Bởi vì tham vọng ràng buộc chúng ta vào những thứ bên ngoài (những thứ mà nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta), và cuối cùng là ràng buộc ta vào những người khác – điều này khiến ta bị phụ thuộc (và dễ tổn thương) bởi họ. Như Seneca đã nói: “Tự do không đến một cách miễn phí. Nếu bạn trân quý sự tự do, bạn phải coi nhẹ mọi thứ khác.”
Thứ ba, tham vọng thường mang tính hủy diệt. Những nhà lãnh đạo vĩ đại như Caesar, Pompey hay Marius, bị tham vọng dẫn lối, không kiểm soát được chính mình và cũng từ đó, họ đã làm ra những điều tồi tệ: Marius lãnh đạo quân đội nhưng chính sự tham vọng đã lãnh đạo Marius. Trong khi những người này đang xoay chuyển vận mệnh thế giới, thì chính bản thân họ cũng đang xoay chuyển, giống như những cơn lốc xoáy vậy – chúng cuốn mọi thứ xung quanh vì chính chúng đang quay. Và chắc chắn rằng, không ai có thể trở nên may mắn bằng cách đánh đổi sự bất hạnh của người khác.
Mục đích của công việc không phải là để phục vụ lợi ích cá nhân, ngay cả khi điều đó chỉ là một ngôi nhà ở giữa rừng mà chúng ta khao khát, mà là để giúp đỡ người khác và đưa cả nhân loại tiến lên – điều này, xét cho cùng, cũng là cách tốt nhất để thúc đẩy chính bản thân mình. Trí tuệ đạt đến độ cao nhất, chín muối nhất có lẽ là không cần phải tham vọng để đạt được những thành tựu cao, hoặc để chứng minh rằng mình đang tồn tại. Thực tế, chính những tham vọng nhỏ nhoi mới là thứ đang kìm hãm chúng ta.
Nếu danh vọng là điều mà ta theo đuổi, chúng ta sẽ phải chấp nhận những điều sai lầm của số đông: chính nhờ những kỹ năng làm những điều không đúng đắn này mà người ta mới có thể trở nên nổi tiếng. Bạn phải trở nên giống họ: họ sẽ không chấp nhận bạn trừ khi họ nhận ra có sự tương đồng. Thật ngu ngốc và dại dột nếu chúng ta cứ cố gắng tìm kiếm danh vọng, và chúng ta hoàn toàn có thể có được nó thông qua những việc làm tốt của mình, và khi đó, ta nên sử dụng chúng cho lợi ích chung hơn.
Nếu giàu có là điều mà chúng ta tìm kiếm, thì nên nhớ rằng, sự giàu có không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, bởi vì nhiều người giàu có vẫn cảm thấy khốn khổ, và đôi khi còn khốn khổ hơn vì sự giàu có của mình.
Chúng ta thường nghĩ rằng, sự giàu có sẽ làm tăng thêm niềm vui của chúng ta, nhưng những niềm vui lớn nhất vốn dĩ đã đơn giản và dễ dàng đạt được nếu tâm trí của chúng chúng ta được rộng mở. Nếu có chăng, sự giàu có lại đẩy chúng ta rời xa những niềm vui nhỏ bé nhất của mình bằng cách khiến chúng ta quen với sự xa xỉ và chuyển sự chú ý của chúng ta sang chính nó: người hưởng thụ sự giàu có nhất là người ít cần đến sự giàu có nhất. Trong khi người ta đang nghĩ về việc làm sao để tài sản của mình có thể nhiều lên thì người ta đang quên mất cách sử dụng nó.
Ngay cả khi phải thừa nhận rằng chính sự giàu có có thể làm niềm vui của chúng ta tăng lên, thì niềm vui cũng không phải là tất cả, mà giống như sự giàu có – nó làm chúng ta sao nhãng khỏi những mục tiêu cao cả hơn của mình, đó là công việc của tâm trí: Maecenas là một ví dụ điển hình cho tài hùng biện La Mã, nếu ông ta không bị suy yếu, thậm chí là “bệnh hoạn” bởi khối tài sản kếch xù của mình.
Cũng giống như một con ngựa nên được đánh giá dựa trên tốc độ của nó hơn là bộ yên cương, con người nên được đánh giá dựa trên trí tuệ hơn là tài sản, vì lý trí, chứ không phải của cải của họ, mới là thước đo của một con người. Nhiều người sở hữu của cải giống như người ta nói rằng bị sốt khi thực chất cơn sốt đã chiếm lấy chúng ta. Nếu tâm trí của chúng ta bệnh tật, thì liệu giường bệnh của chúng ta làm từ gỗ hay vàng có còn quan trọng?
Những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ, nhờ đức hạnh của họ, có khuynh hướng dẫn tới sự giàu có, và ngay cả khi không tìm kiếm nó – đặc biệt là khi không tìm kiếm – họ vẫn có thể trở nên rất giàu có. Không có gì sai khi giàu có và thỉnh thoảng tận hưởng sự giàu có, miễn là tiền của chúng ta trong sạch và chúng ta không bị ràng buộc vào nó. Danh vọng và tiền tài không bao giờ nên là chủ nhân của chúng ta, mà chỉ nên là nô lệ của chúng ta.