Gần đây, tôi thấy rất nhiều lời chỉ trích về tính chính đáng của việc sống một cuộc sống năng suất. Kể từ thời điểm đại dịch Covid căng thẳng nhất vào tháng 5 năm 2020, mọi người đã viết nhiều về mặt tối của việc ưu tiên sự nghiệp và công việc lên đầu. Một trong những bài báo sớm nhất mà tôi có thể tìm thấy có tựa đề “Liệu đây có phải là hồi kết của một cuộc sống năng suất?” Đó thực sự là thời điểm hoàn hảo cho một thông điệp như vậy. Rất nhiều người trong số chúng ta dành cả cuộc đời để lao vào làm việc với toàn bộ sức lực. Chúng ta thường có xu hướng làm việc chăm chỉ cho đến khi kiệt sức. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những thông điệp như “Hãy chậm lại, bạn vẫn sẽ ổn nếu làm việc ít hơn một chút.” Và vâng, thật tốt khi nhớ rằng bạn có giá trị như một con người ngoài sự năng suất của mình.
Giống như người ông đáng kính của bạn, người khuyên rằng bạn nên làm làm mọi việc một cách vừa phải. Đối với tôi, đó vẫn là một trong những lời khuyên tốt nhất cho cuộc sống tốt đẹp và điều này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Bây giờ, đây là một điều buồn cười. Gần hai năm kể từ đại dịch xảy ra, mọi người vẫn rao giảng rằng bạn nên dễ dãi. “Bạn không lười! Bạn chỉ muốn làm theo ý mình. Ai cần sự nghiệp chứ!?”. Những người này hoàn toàn trái ngược với những người nghiện công việc, nhưng có lẽ cũng kiên định trong niềm tin của họ.
Những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ luôn ở trong trạng thái vừa phải cả khi làm việc và nghỉ ngơi. Họ chỉ đơn giản nói rằng: Đừng làm việc quá sức. Và cũng đừng lười biếng, vì sự hỗn loạn sẽ chiếm lấy bạn đấy. Giống như việc chăm sóc ngôi nhà của bạn vậy. Nếu bạn không bao giờ dọn dẹp hoặc bảo trì nó, ngôi nhà sẽ trở nên bừa bộn và không thể nào ở được. Tương tự như vậy, nếu chúng ta ngừng việc chăm sóc cơ thể và tâm trí mình, cuối cùng bạn sẽ bị suy yếu. Đó là một quy luật hoàn toàn tất yếu của tự nhiên.
Có một sự thật là chúng ta phải trải qua những điều khó khăn để duy trì được sự cân bằng trong cuộc sống. Đây là một sự thật mà có lẽ chúng ta muốn phớt lờ đi vì không ai thích làm những điều khó khăn cả. Ai muốn tập thể dục mỗi ngày? Ai muốn vun đắp mối quan hệ của họ và phải thừa nhận rằng họ có đủ mọi loại thói quen xấu từ thời thơ ấu?
Ai muốn làm việc cả ngày để xây dựng sự nghiệp của mình, hay có lẽ đang vật lộn hết sức để tạo ra một thành quả mới cùng với một nhóm người xa lạ? THẬT KHÓ. Nhưng bạn và tôi đều biết rằng, chúng ta cần phải làm những điều đó. Bởi vì nếu không làm vậy, thì sức khỏe, các mối quan hệ và thậm chí là cuộc sống của chúng ta đều trở nên tồi tệ hơn. Không có gì trong cuộc sống tự cải thiện nếu không có bất kỳ hình thức nuôi dưỡng nào. Điều gì sẽ xảy ra với một cái cây nếu bạn không tưới nước cho nó? Điều gì sẽ xảy ra với chiếc xe của bạn nếu bạn không thay dầu cho nó? Này, tôi có thể hiểu được tại sao nhiều người lại chỉ trích online văn hóa năng suất.
Thật dễ dàng để chọn những người như Gary Vaynerchuk và nói rằng: “Không, Gary, tôi không muốn vội vã! Hãy chọn cách kiên nhẫn đi đường dài”. Thật tuyệt khi nói những điều như vậy vì nó mang lại cảm giác thỏa mãn khi cùng cười nhạo một đứa trẻ chậm chạp, cao su ở trường trung học luôn bị vấp ngã trong giờ thể dục. Những người đang cười nhạo cậu bé đó nên tự nhìn lại chính mình. Những nhà phê bình luôn rao giảng những điều rằng bạn nên nghỉ ngơi thường xuyên, có lẽ chính họ cũng không nhận ra rằng việc làm việc hiệu quả cũng có những lợi ích hết sức tốt đẹp – đặc biệt là khi bạn không làm quá sức.
Những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ luôn có một cái nhìn tuyệt vời để nhìn nhận cuộc sống và công việc. Họ luôn truyền tải những thông điệp rằng hãy làm hết sức mình và không được kém hơn. Epictetus đã nói điều đó mà không tô vẽ quá nhiều: “Đừng lười biếng và đưa ra những lời bào chữa này đến lời bào chữa khác. Nếu bạn tiếp tục làm vậy, sự thụt lùi của bạn có thể bị che giấu nhưng cuối cùng, bạn sẽ chỉ sống một cuộc sống quá tầm thường mà thôi. Hãy hành động như bạn là một người trưởng thành và bạn sẽ dành phần đời còn lại để tiến bộ”. Họ luôn luôn nói về tầm quan trọng của việc làm những gì như một người trưởng thành. Nhưng đây là một sự khác biệt cực kỳ quan trọng. Những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ cảnh báo chúng ta rằng hãy đừng nhìn vào kết quả.
Giống như hình minh họa ở trên, hãy nhìn vào bước tiếp theo của bạn, chứ không phải nhìn vào vạch đích – nếu không, bạn sẽ có nguy cơ trượt một cách thê thảm. Tương tự như vậy, nếu bạn làm việc chăm chỉ và chưa có cơ hội trở nên giàu có, đừng thất vọng vì mọi thứ xung quanh chưa vừa ý. Marcus Aurelius đã từng nói về điều này trong Suy tưởng: “Hãy nhớ rằng những nỗ lực của chúng ta phụ thuộc vào hoàn cảnh; bạn không hề có ý định làm điều không thể”.
Và ở bất kỳ thời điểm nào, chúng ta đều phải chịu hàng nghìn tác động bên ngoài mà không thể kiểm soát được. Chúng ta có thể làm việc mà không được mọi người chú ý. Chúng ta có thể đột ngột bị bệnh. Chúng ta có thể mất đi những người thân yêu. Chúng ta có thể bất ngờ gặp phải thiên tai. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Tuy nhiên, chúng ta liên tục cần phải nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không cần phải hoàn hảo. Khi Marcus nói về việc bạn không hề có ý định làm điều không thể, ông ấy đang không nói về cuộc sống trong thế kỷ 21, bởi vì đó chính xác là những gì chúng ta đang làm.
Chúng ta muốn có tất cả mọi thứ. Và nếu không có được tất cả, chúng ta sẽ lại cảm thấy chán nản. Đó hoàn toàn không phải là một cách sống tốt. Tốt hơn hết là không nên có bất cứ sự kỳ vọng nào. Hãy nhớ rằng, làm việc chăm chỉ là một phần của cuộc sống trưởng thành và bản thân công việc có giá trị, bất kể chúng ta có nhận được phần thưởng hay không. Khi bạn trải qua cuộc sống mà không mong đợi nhiều từ bản thân, bạn chỉ cần làm hết sức mình thôi, như vậy là đủ.