“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng. Vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” – trích Kinh Thánh (Mt19,13-15)
Nói đơn giản, chỉ có ‘trẻ thơ’ mới đủ phẩm chất để về với Chúa hay Nước Trời. Hoặc nói rộng hơn, người lớn muốn lên Thiên Đàng thì phải có tâm hồn trẻ thơ.
Lý do cốt lõi, trẻ thơ có một ‘định lực’ siêu mạnh và thuần khiết. Nói cách khác, định lực của trẻ thơ chính là năng lực tập trung và trọn vẹn mà không cần cố gắng gì cả (effortless)
Khi trẻ thơ chơi hay làm cái gì đó, nó sẽ vô cùng trọn vẹn một cách rất tự nhiên. Nó dễ hạnh phúc với những sự việc hay món đồ rất đơn giản, vì ngay lúc đó, tâm trí nó chỉ biết cái trước mặt thôi, không hồi tưởng về quá khứ và không tưởng tượng vào tương lai, chỉ có tại đây và ngay bây giờ.
Cái định lực của trẻ thơ chính là tam vô lậu học của Nhà Phật, Giới – Định – Tuệ tự tánh. Chỉ có 2 dạng người có được Định cao nhất đó, một là trẻ thơ, hai là bậc chân tu nhưng mắt đã hết bụi.
Trẻ thơ dần dần sẽ mất đi định lực trên vì tâm trí nó bắt đầu được cáy vào hay lập trình vào những khái niệm mới, định kiến mới từ giáo dục của gia đình, của trường lớp, của xã hội offline, xã hội online… và của cả thằng bạn hàng xóm.
Khi tâm trí nó lắp đầy những khái niệm, tư tưởng, hình ảnh, quy chuẩn xã hội thì trẻ thơ bắt đầu hình thành về quá khứ và tương lai. Quá khứ từng trải nghiệm cái nào đó, xấu hay tốt, nó sẽ lưu lại. Còn về tương lai, nó hình thành sự mong cầu muốn trở thành cái gì đó theo tiêu chuẩn xã hội lúc bấy giờ.
Đó là tại sao người lớn khó hạnh phúc, ngồi làm gì, đầu cứ chạy chuyện quá khứ rồi lại bay qua chuyện tương lai; vọng tưởng chạy ào ạt như tàu cao tốc. Khoa học nó đo được, một ngày của người lớn, có 40,000-60,000 suy tưởng chạy qua trong tâm trí. Càng thiếu định lực thì càng sống rất bản năng, cứ lo suốt mà chẳng bao giờ yên được.
Triết gia Nietzsche có miêu tả hành trình nhận thức của con người như sau: bước vào đời chúng ta như con lạc đà, trên lưng luôn chất chứa rất nhiều mong cầu, nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm và cả sự tinh vi trong cuộc sống.
Sau một thời gian, lưng con lạc đà nặng quá nên phải ‘buông’ bớt những cái đã biết, buông đến một giai đoạn thì hoá thân thành con Sư tử. Sư tử vùng vẫy thời gian, rồi gầm lên một tiếng thật to, hoá thân thành Trẻ thơ. Cái ‘trẻ thơ’ mà Nietzsche miêu tả hoàn toàn khớp với Kinh Thánh và cả trong Đạo Phật.
Hành trình con người từ nhỏ là không có gì cả,
Sau đó là tích luỹ về vật chất/danh tiếng (bên ngoài) và cả tri kiến/ tư tưởng (bên trong)
Nếu không ‘buông’ được những gì đã tích luỹ thì chúng ta sẽ luân hồi đến khi nào buông cho hết.
Hành trình của một dòng sông là trở về biển cả,
Hành trình của một con người là trở về chính mình.
Cái buông rốt ráo nhất là buông để trở về chính mình, về với cái tâm ‘trẻ thơ’ thuần khiết, hoàn toàn không có khái niệm gì cả, chỉ có tại đây và bây giờ.
Như Socrates, sư tổ của các triết gia, khi được mọi người hỏi, ông cảm thấy thế nào khi là người trí tuệ nhất lúc bấy giờ…
“Tôi chẳng biết gì cả”, ông đáp
Đấy là khoảnh khắc, triết học phương Tây và cả phương Đông đều đi về một điểm, trở về ‘tâm hồn trẻ thơ’.
Cheers
Bác 7B