Chủ đề này có 2 câu hỏi:
Một, tôi ở đâu mà tìm?
Hai, nếu tìm được cái tôi, thì liệu có bao nhiêu cái tôi?
Anh em dễ nhầm lẫn rằng mình chỉ có một cái tôi, cho nên, đôi lúc, anh em tưởng rằng mình đã hiểu hết mình rồi, nhưng thật ra thì chưa, vì còn nhiều cái tôi khác mà anh em chưa từng trải nghiệm đến.
Có câu chuyện khá quen, có Cụ bà đi mò mẫm tìm gì đó ngoài sân, lúc đó tầm chiều, trời còn sáng, hàng xóm đi ngang, hỏi Cụ, bà tìm gì đó, bà đáp, tôi tìm cây kim, thế là ai đi ngang thấy thương Bà quá nên vào phụ đi tìm, cũng một lúc thì trời bắt đầu tối, mọi người mới hỏi Cụ bà lần nữa, mà bà có nhớ chắc là rớt ở đâu không, giờ Cụ bà mới nhớ ra, ah, tôi nhớ rồi, tôi làm rớt trong nhà.
Mọi người mới thốt lên, sao Cụ rớt cây kim trong nhà mà lại đi tìm ở ngoài sân làm gì,
Cụ đáp, ngoài sân này sáng hơn nên dễ tìm hơn, chứ trong nhà tối quá thì làm sao mà tìm !!!
Cụ Bà này là một thiền sư, và câu chuyện trên rất phổ quát về việc chúng ta đang đi tìm chính mình ở như thế nào.
Mất ở đâu thì tìm ở đó,
Mất mình ở đâu thì tìm mình ở đó,
Chúng ta đánh mất mình ở trong thì tìm ở trong, chứ không thể tìm ở ngoài được. Đa phần chúng ta lao ra chỗ sáng để tìm mình, lao ra bên ngoài để tìm mình, chúng ta làm đủ mọi thứ bên ngoài để thoả mãn, để lấp đầy, để tạm quên đi, nhưng cuối cùng, có gì đó vẫn rất trống rỗng và lạc lối, dù bên ngoài, chúng ta không thiếu một thứ gì cả, tiền có, danh có, nhưng cứ đạt được là chán, dục vọng lại tịnh tiến lên.
Thật ra, tua lại lịch sử sẽ thấy nhiều, Vua Chúa chinh phạt không bao giờ dừng lại, dù có trên đỉnh của đỉnh, thì người lại lại nghĩ cách trường sinh… nhưng làm sao chống lại được quy luật sinh hoại diệt, thiếu thốn ở bên trong thì không thể lấp đầy cái bên ngoài để cân bằng lại được. cái này anh em phải quan sát, đó là tại sao chúng ta bày ra rất nhiều thứ để làm, vì chúng ta sợ cảm giác trống trải bên trong của chính mình lắm.
Chúng ta không thể ngưng tạo tác, tạo tác là thức ăn cho cái tôi, chính việc đó, làm dòng nghiệp lực của chúng ta chạy không ngừng, và từ đó, rất rất nhiều cái tôi từ dòng nghiệp lực đó lại được sinh ra.
Tôi này sinh tôi khác, cái tôi không cố định, nó luôn dịch chuyển, thay đổi, và không dừng, anh em nào thấy được ‘dòng chảy’ không ngừng của những cái tôi thì mới là bước sơ khai để bắt đầu bớt cung cấp nhiên liệu cho những cái tôi đó, anh em thử hỏi 5 người gần nhất, thử miêu tả ‘cái tôi’ của anh em thì sẽ thế nào?
Nó sẽ ra 5 cái tôi khác nhau, có phần trùng, nhưng chắc chắn không giống, rồi chính anh em tự miêu tả được cái tôi của mình?
Rồi liệu anh em đã hiểu hết nó chưa, cái mọi người thấy anh em, là những cái mà những cái tôi đã hiện ra, còn những phần chưa hiện ra thì chỉ có mình anh em quan sát được thôi, mà rất khó để thấy.
Hiểu cái này thì anh em thấy được cốt lõi gì:
Một, mọi người sẽ thay đổi, vì cái tôi phải dịch chuyển, hoặc những cái tôi mới bắt đầu trổ ra
Hai, đừng bao giờ lơ là với chính mình, ngay cái khúc mình nghĩ mình ổn, mình ngon, mình đắc gì rồi, thì chính là lúc cái tôi mới đang ngấm ngầm thay thế rất vi tế.
Cho nên, đối với bản thân, đối với người xung quanh, hết lòng thì hết lòng nhưng đừng bao giờ kỳ vọng rằng một trạng thái sẽ tồn tại mãi mãi.
Cá nhân tôi, thì không thể diệt hay từ chối ‘những cái tôi’ của bản thân được, ai nói mình đã vô ngã, thì vô ngã là một cái tôi mới, còn suy nghĩ, còn viết, thì bắt buộc phải dùng lục căn (các giác quan) để trình bày ra, nên sống trên đời này, phải chọn những cái tôi ‘phù hợp’ mà sống, còn để tự do khỏi hẳn những cái tôi, thì không dùng lục căn để nghĩ bàn được, nó đứng ngoài suy nghĩ của những cái tôi !
Cheers
Bác 7b
——
hình của Johnson Tsang