Một ngày nọ, khi Socrates¹ đang bổ củi để cho vợ mình nấu bữa tối, ông thấy một người quen hớt hải chạy đến tìm mình:
Socrates, Socrates ơi! Ông cần phải biết tin này!
Tiếng gọi làm Socrates giật mình và suýt bổ cây rìu nhầm vào chân. Trong tiếng thở hổn hển, anh ta bảo Socrates rằng:
– Này Socrates, tôi vừa mới nghe được chuyện này về thằng Criton² bạn ông mà ông sẽ không thể tin được đâu. Chuyện là….
– Gượm đã nào – Socrates từ tốn đáp – Trước khi ông định nói cho tôi biết chuyện về Crito bạn tôi, có lẽ ý tưởng hay là từ tốn và gạn lọc những gì ông sắp nói.
Nói rồi ông rót đưa cho người bạn một cốc nước. Người bạn của Socrates nhấp một ngụm nhỏ rồi nói:
– Ôi dào, kệ m* nó đi. Chuyện về thằng bạn ông hay lắm và đếch cần gạn lọc gì đâu. Để tôi kể luôn không nó lại mất hết drama. – Anh ta tu ừng ực nốt chỗ nước còn lại trong cốc để chuẩn bị kể lại câu chuyện cho Socrates.
– Ờm, nhưng mà ông biết đấy. – Socrates nói trong lúc người bạn đang uống nước – Tôi là Socrates và tôi cần làm gì đó thông thái để sau này thằng Platon³ nó còn viết sách về tôi. Kiểu gì cũng có mấy thằng blogger đọc về tôi rồi viết lảm nhảm trên mạng thôi. Nếu như ông không để tôi thực hiện phương pháp của mình thì câu chuyện này còn ý nghĩa gì đâu cơ chứ.
– Được rồi, thế ông muốn gạn lọc những gì?
– Bộ lọc đầu tiên là ??̛̣ ???́?? ??́?. Ông có chắc là những gì anh muốn nói với tôi là đúng?
– Hmm. Tôi không chắc nữa. Tôi chỉ vừa mới nghe nó từ một người khác.
– Ồ. Hóa ra ông không chắc chắn về tính xác thực của điều đó. Đừng lo, vì sự thật đôi khi không phải là điều quan trọng. Giờ thì áp dụng phễu lọc thứ 2, ????̣̂? ?́. Những gì ông định nói cho tôi có ý tốt cho tôi hay bạn của tôi không?
– Ờm, không. – Người bạn của Socrates hơi cúi mặt ngượng ngùng và đặt cốc nước xuống.
– Vậy ông định nói gì đó xấu về bạn của tôi mà ông còn không thực sự chắc là nó đúng. Chẹp, tôi không phiền đâu vì đôi khi những lời thù địch vẫn có thể mang lại lợi ích cho ta. Ông có thể sẽ qua bài kiểm tra nếu ông gạn được phễu lọc cuối cùng, ??̛̣ ??̛̃? ?́??. Những gì ông nói cho tôi biết về bạn của tôi có lợi gì cho tôi không?
– Ờm. Có lẽ là không. Tôi chỉ muốn buôn chuyện với ông mà thôi
– Mẹ cái tiên sư nhà mày. – Socrates bừng bừng nổi giận – Mày làm tao suýt bổ vào chân chỉ để nói với tao một điều vừa không chính xác, không tốt đẹp và cũng chẳng lợi ích gì. Thế thì mày đến đây quấy rối buổi bổ củi của tao làm cái đ** gì?
– Nói rồi Socrates vung cao cây rìu trong tay. Người bạn hốt hoảng chạy mất dép, làm chiếc cốc rơi xuống vỡ choang, để lại một ông già giận dữ và một người đọc đang tự hỏi mình vừa đọc cái quái gì vậy.
Được rồi. Câu chuyện này khá là nhảm cứt và toàn do tôi phóng đại lên cả⁴. Hy vọng là bạn đã cười. Nhưng nếu bạn đang hoang mang vì không thể chọn lọc thông tin trong thời đại ngập tràn tin rác và clickbait này, những phễu lọc của Socrates có thể sẽ giúp ích cho bạn. Trong thời đại mà cả núi thông tin sẽ đập vào mặt ta mỗi ngày, ta nên lựa chọn những thứ mình sẽ tiếp nhận. 3 phễu lọc đó là: sự chính xác, thiện ý và sự hữu ích. Khi bạn tiếp nhận một thông tin, hãy tự hỏi bản thân:
Thông tin này có chính xác không?
Thông tin này có ý tốt cho tôi hay những người xung quanh tôi không?
Nó có mang lại lợi ích gì cho tôi hay không?
Có 1 số lưu ý như sau:
Phễu A không phải lúc nào cũng cần thiết. Nếu bạn định đầu tư vào cổ phiếu của FPT thì bạn cần phễu A để chắc chắn rằng bản BCTC của FPT mà bạn đang cầm trong tay là chính xác. Nhưng nếu bạn nhìn thấy một câu chuyện hay trên mạng, ví dụ như câu chuyện này của Socrates, thì bạn không cần chắc chắn tác giả của câu chuyện này có thực là Socrates hay không. Một câu chuyện hay thì vẫn sẽ là một câu chuyện hay bất kể tác giả của nó là một triết gia hay một gã ăn mày. Trong thời đại ngày nay thì việc kiểm chứng một câu chuyện trên mạng là gần như không thể vậy nên đừng cố làm một việc vô ích. Việc xác thực thông tin trong nhiều trường hợp là không cần thiết và không mang lại lợi lộc gì cho bạn cả. Tôi không thực sự chắc 3 phễu lọc này có thực sự là của Socrates hay không và tôi cũng đếch quan tâm tới điều ấy. Miễn nó có ích cho tôi là được.
Phễu B nên được áp dụng để chọn lọc những nguồn thông tin mà bạn sẽ theo dõi hay bỏ qua. Nếu bạn thấy bị quấy rầy bởi mấy cái tin kiểu “@người-thứ-hai sẽ là người mua trà sữa cho bạn” (không hiểu vì sao mà chúng tràn ngập newsfeed của tôi) hãy bỏ qua (hoặc block, unfollow) nó đi, những thứ đó chẳng có ý tốt gì cho bạn cả. Một lưu ý là bạn không nên theo dõi quá nhiều nguồn tin chỉ qua được phễu B. Câu chuyện về anh Nguyễn Mạnh Hùng rất cảm động nhưng bạn chỉ nên xem clip về cô bé, xem clip về lúc anh Hùng đỡ cháu bé và phỏng vấn anh là được. Còn lại việc xem những ấn phẩm khác về anh Hùng khá là phí thời gian và chẳng được gì.
Tôi khuyên bạn khi nhìn thấy một nghĩa cử cao đẹp nên tự hỏi bản thân “mình có thể làm gì?” và sau đó làm điều bạn có thể. Đó có thể là donate bữa sáng của bạn cho 1 quỹ từ thiện, thôi xả rác ra môi trường hoặc đơn giản là bấm share. Những hành động như vậy quan trọng hơn là chỉ suốt ngày theo dõi những nghĩa cử cao đẹp đó.
Cuối cùng thì phễu C là quan trọng nhất. Bạn nên tiếp nhận những thông tin mang lại lợi ích cho bạn. Những tác phẩm văn học toàn là chuyện bịa và không qua được phễu A, nhưng nó qua được C vì chúng bồi đắp tâm hồn ta. Những lời góp ý, mỉa mai và châm biếm dành cho bạn có thể mang thái độ thù địch và không qua được phễu B (thậm chí là phễu A), nhưng nó có thể có ích cho bạn và bạn nên lắng nghe⁵. Lợi ích mà một thông tin mang lại cho bạn sẽ quan trọng hơn là bản thân thông tin đó. Nhưng cũng nên cẩn trọng với những thông tin chỉ qua được phễu C. Bạn không nên tiếp nhận quá nhiều những lời mỉa mai và châm chọc vì thái độ xấu ẩn trong những lời nói ấycó thể làm bạn trở nên xấu đi trong vô thức
Hãy lấy ví dụ về cái quote này. Chắc chắn là nó không chính xác vì thời của Einstein làm quái gì có internet. Có lẽ nó cũng chẳng có thiện ý mà mang tính mỉa mai nhiều hơn. Nhưng nó có vẻ có ích. Và thế là đủ.
Vậy đấy. Ông qua rồi Albert. Chúc mừng ông.
CHÚ THÍCH
¹ Socrates (470 – 399 TCN): Triết gia người Hy Lạp cổ đại. Ông là người có ảnh hưởng lớn nhất tới triết học phương tây và được coi là người thông thái trong thành Athens thời bấy giờ.
² Criton: Bạn của Socrates. Sau này Socrates bị kết án tử hình với tội danh làm băng hoại đạo đức của giới trẻ. Criton đã cố gắng giúp đỡ và nài xin Socrates trốn chạy để không phải chịu án nhưng Socrates không đồng ý. Cuối cùng ông chết một trong những cái chết gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
³ Platon (424 – 348 TCN): học trò của Socrates và cũng là một triết gia nổi tiếng. Thực tế Socrates không lưu lại bút tích và chỉ xuất hiện trong những tác phẩm của Platon. Có một số thuyết cho rằng Socrates chỉ là nhân vật giả tưởng của Platon nhưng các tài liệu lịch sử đã chứng minh Socrates là một nhân vật có thật.
⁴ Câu chuyện này được tôi thêm thắt và phóng đại so với bản gốc. (bản gốc ở đây là bản mà tôi đọc được trên mạng chứ không phải bản gốc thực sự. Như đã nói, tôi không biết Socrates có nói như vậy không và tôi cũng không muốn kiểm chứng). Tôi không có ý xúc phạm bất cứ nhân vật nào trong câu chuyện bao gồm cả Socrates, Criton và Platon. Theo quan điểm của tôi, nếu Socrates đọc bài viết này thì ông sẽ cười thay vì coi đó là sự xúc phạm.
⁵ Devadatta là em họ của Phật Siddhartha và từng gia nhập tăng đoàn của Phật. Ông có những ý kiến khác với Phật và thường công kích Phật rất nhiều. Một số vị đệ tử nói Phật nên đuổi Devadatta ra khỏi giáo đoàn, nhưng Phật chỉ nói: Devadatta đã giúp ta hoàn thiện thêm giáo lý của mình rất nhiều. Những lời công kích có thể khó nghe và không mang ý tốt, nhưng chúng lại thường mang lại nhiều lợi ích cho ta.