Nhiều anh em hay tự vác lên vai mình những ký ức quá lớn, nó làm cho bản thân anh em bị trì trệ lại, đầu óc hay phóng dật, nên rất khó để dung hoà và trọn vẹn với thực tại được.
Mà quá khứ càng huy hoàng chừng nào thì người ta lại càng bám chấp quá khứ chừng đấy, mà bám chấp càng lớn thì nỗi khổ sẽ luôn chực chờ kế bên anh em.
Mà dù có cố níu kéo ký ức đến thế nào thì ngày hôm qua nó cũng xong rồi, vinh nhục vui buồn được mất của ngày hôm qua cũng đã xong thật rồi. Mọi thứ hôm qua chỉ còn trong tâm tưởng của anh em mà thôi, nhưng riêng cục nợ mới bóc ngày hôm qua thì hôm nay vẫn còn nhé anh em.
Trong tiếng Anh, người ta gọi ‘hiện tại’ là ‘PRESENT’, nó còn một nghĩa khác là ‘món quà’,
Người nào sống được với thực tại thì đồng nghĩa là đang nhận quà, tôi thấy chỗ này chuẩn, tuy nhiên còn một cách diễn giải khác mà dễ nhớ hơn với người Việt mình, ‘hiện tại’ cũng có thể hiểu là một chén ‘cơm nóng’, còn quá khứ đã qua, lại là một chén ‘cơm thiu’, còn tương lai chưa đến, là chén ‘cơm chưa nấu’.
Mà lạ một điều, là đa phần đầu óc chúng ta lại thích mang ‘cơm thiu’ ra nhai lại, thứ nhất là không có gì ngon, hai là tốn thời gian, ba là không ra được giá trị nào thiết thực cho hiện tại cả.
Cứ gặm nhắm chén cơm thiu từ ngày này qua ngày khác, lâu ngày nó ghiền, nó thành tâm bệnh. Bệnh rồi thì lại vác thân tâm này đi chữa lành, lành xong lại ăn cơm thiu, đầy bụng rồi lại chữa lành.
Thay vì cơm nóng ngay trước mặt thì không lo thưởng thức, hoặc cũng có ăn mà rất hời hợt, hết loay hoay với chén cơm thiu rồi tiếp tục lo lắng về chén cơm chưa nấu, suy tính đủ đường rồi bỏ quên luôn chén cơm nóng trước mặt.
Như ở bên đây, nhiều bác qua Mỹ định cư, tưởng thiên đường, ai ngờ càng sống càng ức chế vì ngày xưa làm ông này bà kia ở VN, đi đâu cũng có người dạ người thưa, vào quán cà phê nhà hàng mà nhân viên nó đón chào như vua chúa, thậm chí nói vui là đứng yên đó rồi nó ra bế mình vào như kiểu bị tàn tật… Giờ qua đây, cái gì cũng phải xếp hàng, tỷ phú hay thường dân đều phải xếp hàng trong hầu hết các trường hợp.
Còn đi làm thì lương cơ bản của công nhân, học lại bên đây cũng nhiêu khê, ngay cả học hành đàng hoàng mà kiếm việc còn chua, mở miệng ra thì cố tự an ủi, thôi ráng qua đây vì con cái, tay phải động viên tay trái, còn tay trái thì lau nước mắt.
Nghe thảm nhưng sự thật chẳng có ai ép mình đi được hết, mình chọn thì mình chịu thôi, có chơi có chịu, không nên nói vì ai cả, vì mình trước đi đã.
Người yêu bỏ anh em đi lấy chồng lấy vợ, nó xong rồi, quá khứ khép lại rồi, không nên xào lại chén cơm thiu đó làm gì… bỏ tâm vào chén cơm nóng trước mặt đi.
Tại sao?
Vì khi anh em càng sống với thực tại nhiều chừng nào thì anh em lại càng nhanh nâng cấp bản thân lên chừng đấy.
Không nhai lại quá khứ thì tiết kiệm một lượng lớn năng lượng, không quay cuồng về tương lai thì cũng tiết kiệm thêm một mớ năng lượng nữa, dùng hết cái năng lượng tiết kiệm đó để cố gắng làm mọi thứ ngay trước mặt cho tới nơi tới chốn thì tất nhiên nó phải ra kết quả khác thôi.
Một kết quả mới phải đến từ một hành động mới, chứ không đến từ một hành động cũ.
Tư duy cũ, năng lượng cũ, không thể tạo ra cái gì đột phá cho cuộc đời anh em được.
Mỗi lần tâm trí anh em chạy rong, cứ tự nhắc, liệu mình đang ăn cơm gì, cơm nóng, cơm thiu hay cơm chưa nấu.
Anh em tập dần sẽ thấy hiệu quả rõ đó, mỗi ngày tập 5-10 lần, cơm nóng cơm nóng cơm nóng, tự ám thị mình như thế rồi nó thành phản xạ. Ngay cả chuyện mới xảy ra 1 tiếng, tâm trí anh em sẽ còn xoáy nhiều vào nó lắm. Nhưng 1 tiếng trước cũng là quá khứ rồi, nó đã là cơm thiu rồi, giờ ai đang ngồi trước mặt mình, việc nào trước mặt mình, cái gì đang cần làm trong lúc này, nó mới là chuyện mình cần bỏ tâm vào.
Tiết kiệm năng lượng, khí lực không phân tán, thân tâm nó nhẹ, thì khi làm bất kỳ điều gì, anh em cũng có thể đi sâu vào tận ngóc ngách nhỏ nhất của việc đó. Làm cho ra làm, chơi cho ra chơi.
Nói chung, đừng ăn cơm thiu nữa, đau bụng đó, cơm nóng luôn là bây giờ, cơm nóng luôn là cái trước mắt mình, còn một phút trước thì cơm nóng cũng vừa nguội xong.
Cheers,
Bác 7B
——-
Hình của Judy