sách vở đạo lý quá nhiều làm anh em dễ rối,
loay hoay đủ đường, đủ pháp môn, nhưng cái niềm tin nền tảng anh em chưa thông thì mọi thứ nó cứ nhấp nhấp trên bề mặt thôi.
thật ra, sinh ra ở đời, anh em chỉ cần nhớ 4 phép toán x : + – , nhân / chia / cộng / trừ, là đủ ra dáng con người rồi, dễ nhớ, dễ nhắc nhở chính mình, và nó cũng là cái gốc nhất để anh em thực hành mỗi ngày.
1. phép Nhân:
hãy nhân đôi, nhân ba cái ‘nhân cách’ và lòng ‘nhân ái’ của mình lên liên tục khi còn thở.
người thông minh, đầu to, thì tôi gặp nhiều,
chứ người đầu to mà trái tim cũng to thì đời này ít
một trái tim đủ lớn thì có thể ôm trọn được người thương mình và cả những người đang ghét, đang chống đối, đang thù ghét, và quay lưng với mình nữa. Ôm trọn được cái thương và cái ghét đấy thì phải cần một nhân cách lớn.
nên ở đời, người ta hay so, coi ai kiếm tiền giỏi hơn, coi cái đầu ai thông minh hơn, chứ ít ai nói về việc trái tim ai to hơn.
mà ai đã có trái tim đủ lớn để ôm trọn cuộc đời này thì cũng chẳng bao giờ show ra rằng trái tim tôi đang thế nào.
sống ở đời anh em nên khắc ghi, thiếu nhân cách và thiếu lòng nhân ái thì rất khó bền, dù phước dày cỡ nào thì cũng mòn hết thôi, nếu anh em không biết cách Nhân nó lên lại.
.
2. phép Chia:
sống chủ yếu là để chia sẻ,
chia sẻ vật chất, chia sẻ tinh thần, chia sẻ tri thức
anh em nào hiểu được vũ trụ này là một hệ thống kế toán hoàn hảo thì anh em sẽ chia bớt cho đời với cái tâm rất hoan hỷ.
vì chia cho đời thì anh em có phước xài tiếp, nhân quả tuần hoàn mà,
đủ phước thì đầu óc anh em mới đủ duyên tiếp nhận những tri kiến xịn xò vào được,
không đủ phước thì vừa sinh ra, là đầu anh em quên trước quên sau rồi, chưa nói đến thiếu chức năng này nọ thì anh em nạp được gì thêm.
dù sự thật rốt ráo là, không phải cố chia sẻ để có phước thêm rồi hưởng lạc… Vì hưởng rồi cũng hết!
Tuy nhiên, nếu không có phước thì tôi đố thân tâm này của anh em đủ nguyên liệu để anh em trải nghiệm những bài học cần thiết cho tâm thức của mình.
ai tin nhân quả càng sâu thì sẽ thấy phép Chia này cực quan trọng,
vì sự thật, mình chia bớt cho người khác, tưởng là giúp người ta nhưng thực tế là anh em đang giúp chính mình thôi.
mình ăn một bữa cơm là xong, là hết!
còn mình chia bữa cơm đó cho đời,
thì sẽ có một ngày bữa cơm đó sẽ quay về với anh em ở hình thức khác,
có gì chia đó, đừng đợi dư rồi mới chia,
chia sẻ tri thức hay ho cũng là chia,
tặng cho đời một nụ cười cũng là chia,
chứ không phải chỉ có chia vật chất không.
nên với tôi, người càng trí tuệ bậc nhất là người càng chia sẻ tất tần tật. Chia tất cả những gì họ có, đó là cách để họ đi xa hơn nữa.
.
3. phép Cộng:
mỗi ngày đọc, nghe thêm một tý để cộng thêm ít kiến thức,
mỗi ngày cố làm thêm một tý để cộng thêm sự kiên trì,
mỗi ngày trọn vẹn thêm một tý với cái trước mắt để cộng thêm sự đàng hoàng với thực tại.
tập thể thao thêm một tý,
ngủ sớm thêm một tý,
gặp một người bạn mới,
đi thêm một chỗ mới,
hãy cộng cho mình một ít mỗi ngày trong từng việc nhỏ nhất, vì khi anh em càng đàng hoàng với bản thân mình hơn thì hoa quả cuộc đời anh em sẽ tự kết trái.
.
4. phép Trừ:
tôi lại nhắc lại,
người thông minh, kiếm tiền giỏi, đời này nhiều,
người đầu to, mà trái tim cũng to, lại kiên trì, lại vị tha thì rất ít,
còn người đầy đủ như người thứ 2, mà mỗi ngày còn dám bớt đi những thói hư tật xấu của chính mình thì siêu hiếm, tôi xin cúi đầu bái phục.
dám trừ đi, dám phế đi những sở thích không lành mạnh, những cái u mê của bản thân thì cần sự dũng cảm và tinh tấn siêu lớn.
nhiều lúc chúng ta biết làm thế là sai đấy,
nhưng sự thôi thúc của tập khí thói quen nó kéo mình đi mạnh quá… mà ý chí và trí tuệ không đủ để neo mình lại. nên mới có chuyện biết sai nhưng vẫn làm.
mỗi ngày trừ đi một tý, để con người mình nó bớt tập khí nặng nề đi.
nên quy lại, kiếp nhân sinh chỉ xoay đúng 4 phép toán đó thôi, dù có diễn giải dài thế nào, qua hàng ngàn cuốn kinh điển hay giáo lý đi nữa, thì cũng chỉ xoay quanh 4 cái đó,
nhân, chia, cộng, trừ,
kiên trì làm được mỗi ngày thì cuộc đời anh em sẽ được giải !
cheers,
bác 7B,
——
hình của Per Carlsen