Mang trong mình dòng máu nóng với tham vọng to lớn, từ nhỏ, mình đã ấp ủ ước mơ trở thành một người đàn ông mạnh mẽ. Thuở bé, bị tiêm nhiễm bởi những bộ phim kiếm hiệp, mà hình dung trong mình về kẻ mạnh là người với sức mạnh thân thể to lớn, có thể cùng lúc đối kháng với nhiều đối thủ, thậm chí là tay không đấm vỡ tảng đá, một cước đá đổ đại thụ… Mãi đến những năm 17 tuổi, được dạy dỗ bởi bởi một vị thầy lớn, khái niệm về kẻ mạnh trong mình dần thay đổi, để rồi hôm nay mình viết ra những dòng này, mong muốn trình bày hiểu biết của bản thân về “KẺ MẠNH”, rất mong nhận được sự nhận xét, đóng góp của các bạn.
Theo quan sát của cá nhân mình, khi nhắc về kẻ mạnh, một số người đến bây giờ vẫn có cùng quan niệm với Như Tuệ thuở nhỏ, họ cho rằng, kẻ mạnh là người có cơ bắp cuồn cuộn, lưng dài vai rộng mà điển hình là những võ sĩ quyền anh, đô vật hạng nặng hay gần gũi hơn là những anh chàng sáu múi nơi phòng gym. Một số khác thì cho rằng, kẻ mạnh là người có nhiều quyền lực, tiếng tăm, của cải, là người có sức ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, mình được dạy rằng, kẻ mạnh thực sự là người không bị lệ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, ngoại vật. Là người không hề run sợ hay khuất phục trước bất kỳ thế lực nào, chứ không hề liên quan đến sức mạnh gân cốt hay quyền lực, của cải.
Thật vậy, nếu bạn vẫn nghĩ những anh chàng đô to, cơ bắp là kẻ mạnh thì chắc có lẽ bạn chưa từng chứng kiến cảnh tượng những người đàn ông vạm vỡ, một tay bê được quả tạ năm mươi ký lô, nhưng khi đối mặt với nghịch cảnh, có thể là tai nạn giao thông, cháy nhà, thiên tai… thì tay chân họ bủn rủn, mặt cắt không còn giọt máu. Hay bạn cho rằng những người gầy gò, thân hình khẳng khiu là kẻ yếu thì bạn nên tìm hiểu về thánh Gandhi, một vĩ nhân với vóc người nhỏ nhắn, lãnh đạo cả dân tộc Ấn Độ chống lại sự cai trị của thực dân Anh.
Không dừng lại ở đó, ngoại vật đối với những người tham đắm quyền cao chức trọng, giàu sang là lời khen tặng, những nụ cười nịnh nọt, hành vi tâng bốc của kẻ yếu thế hơn. Như trong bài “Khổ vui ở đời” mình đã trình bày, khi trải nghiệm sự sung sướng từ những lời khen, sự kính nể kia… họ sẽ dần bị thích nghi. Và do đó, lần tới họ phải cần nhiều hơn nữa những sự nịnh hót, nhiều hơn nữa những sự công nhận để được thỏa mãn. Cuối cùng, sau bao nhiêu sự tung hô, trở về với THỰC TẠI, cảm xúc chờ đợi họ là sự trống rỗng, nhàm chán, vô vị. Để rồi bằng phương pháp này hay phương pháp khác, họ tìm đủ mọi cách để lần nữa được tung hê.
Đổ ra bao nhiêu công sức, tâm huyết để đổi lại danh vọng hão huyền, mong manh, tạm bợ. Nếu thử lui lại nhìn sâu vào tâm hồn những cá nhân này, bạn sẽ nhìn thấy ở đó sự yếu ớt, thiếu thốn đến tận cùng. Ở đây, mình nói rằng, những người này là nô lệ của danh tiếng, quyền lực, địa vị; là nô lệ của lời khen chê.
Chính vì thế mà những bậc vĩ nhân luôn khuyên dạy con người cẩn thận trước danh tiếng và quyền lực.
Lại nói về những người nghiện rượu bia, ma túy, cờ bạc, pỏn suk… Như đã bàn ở các bài trước, mình dám chắc bản thân những con nghiện biết rằng đâu là điều nên và không nên làm. Nhưng khi đứng trước cám dỗ, trước những lời mời gọi, những liều thuốc trắng, trước những lá bài tứ sắc, tâm hồn họ bị xáo động, mất tự chủ, họ không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình thêm nữa. Để rồi hết lần này đến lần khác họ đánh đổi tương lai, sức khỏe, hạnh phúc gia đình lấy những cảm xúc thăng hoa nhất thời. Dưới góc nhìn của mình, những cá nhân này yếu ớt vô cùng, mình nói rằng, họ là nô lệ của bia rượu, cờ bạc, ma túy, pỏn suk hay nô lệ của cảm giác thấp hèn.
Trong cuốn “Lưu hầu luận”, Đông Pha cư sĩ từng dạy rằng: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Trái lại, bậc đại dũng trong thiên hạ, bất thình lình gặp những việc “kinh thiên động địa” cũng không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa.”
Có lẽ bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện của những cậu trai mới lớn, với chỉ vài lời khích bác, ánh mắt không thân thiện, họ có thể lao vào nhau như những tên giang hồ thứ thiệt, để rồi phải hối hận trong sự mất mát. Những cậu trai hành xử như vậy cốt là để chứng minh bản thân là “kẻ mạnh”, nhưng thực chất sâu bên trong tâm hồn, họ cực kỳ yếu đuối – khi mà chỉ một tiếng chê, lời chỉ trích cũng đủ làm tâm hồn họ xáo động, giận dữ. Chính vì thế, có thể nói rằng, những cậu trai kể trên là nô lệ của những lời chỉ trích, câu khích bác.
Nếu còn chưa tin thì bạn hãy thử nói với một người nghèo rằng “Ê thằng nghèo”, và bạn sẽ thấy họ tìm đủ mọi cách để chứng minh với bạn rằng họ đâu có nghèo, rằng áo quần họ đang mặc trên người đáng giá bao nhiêu, rằng họ đang đi chiếc xe gì… thậm chí là tức tối và căm thù bạn. Mình đoán đa số trường hợp, những người nghèo sẽ bị trigger bởi câu nói trên. Trong khi cùng một câu nói đó với một người giàu, điều chờ đợi bạn sẽ là một nụ cười điềm tĩnh hay vài câu nói đùa chỉ để làm vui.
Thật vậy, người giàu chẳng bao giờ bị trigger bởi chữ “nghèo”, bởi vì sâu thẳm trong tâm hồn, họ ý thức được rằng họ đâu có nghèo. Cùng một cách thức như vậy, người thông minh chẳng bao giờ bị trigger bởi chữ “ngu”, người có đạo đức chẳng bao giờ bị trigger bởi những câu chửi thề thô tục…
Tới đây thì chắc bạn cũng đã nhận ra, nếu bạn bị trigger bởi điều gì, thì có lẽ sâu bên trong bạn đang tồn tại những điều không tốt đẹp đó. Lại phải nói thêm, kẻ mạnh không phải là người không có điểm yếu, mà kẻ mạnh là người hiểu được khuyết điểm của mình, biết chấp nhận những đóng góp, sai lầm của bản thân, học hỏi từ đó, để thay đổi, sửa chữa, trở nên hoàn thiện, tốt đẹp hơn.
Như vậy, người mạnh mẽ thực sự là người đã hoàn toàn hoặc phần nào làm chủ những ham muốn thấp hèn, dục vọng, cảm xúc vô lý của bản thân. Là người có mức dao động tâm thấp, không còn bị lệ thuộc bởi bất cứ điều gì trên đời. Là người luôn điềm đạm, vững vàng trước sóng gió, nghịch cảnh. Nhờ vậy mà họ luôn đưa ra những quyết định sáng suốt, đưa đến kết quả tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ở trên là quan điểm của cá nhân mình về kẻ mạnh, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn.
Tái bút: Suy cho cùng, chúng ta chấp nhận làm nô lệ cho một điều gì đó. Ví như cô sinh viên chấp nhận làm nô lệ cho chiếc smartphone, ly trà sữa. Con nghiện chấp nhận làm nô lệ của chất gây nghiện. Đa số con người làm nô lệ của tiếng tăm, tốt xấu, vinh nhục, thị phi. Đều là bởi vì chúng ta khao khát những CẢM GIÁC mà chúng mang lại. Chính vì thế mà mình được dạy rằng: này đệ tử, cảm giác nhấn chìm thế giới. Khi chiêm nghiệm lời dạy này một cách sâu sắc, mình cảm thấy cực kỳ xúc động, hẹn sẽ chia sẻ cùng các bạn ở vài viết sau, khi nhân duyên vẹn tròn.
Thân ái!
Như Tuệ.