Thời gian qua có một cố bạn inbox cho mình hỏi về thiền và phương pháp rèn luyện tâm trí. Thú thực thì mình chẳng biết phải hướng dẫn làm sao vì bản thân hãy còn là một tập sự trên hành trình này. Nhưng nhờ những câu hỏi này của các bạn mà mình chợt nhớ ra một phẩm chất cực kỳ quan trọng trong công cuộc tu thân của mỗi người chúng ta – sự tập trung. Ở bài viết này mình sẽ trình bày một chút góc nhìn của mình về vấn đề này, rất mong nhận được sự đóng góp của các bạn.
Mình được dạy rằng: “tập trung là nền tảng của cuộc sống”, là yếu tố quyết định sự tiến bộ của tất cả mọi kỹ năng, kiến thức, có khả năng gia tăng nhận thức, trải nghiệm trong đời.
Thật vậy, thử lấy việc đọc làm ví dụ, anh Kiên – một người tập trung, anh luôn vào flow khi đọc, anh có thể nắm bắt được tất cả các tình tiết, biết cách xâu chuỗi nội dung của các đoạn, các phần một cách chi tiết, mạch lạc và đầy đủ. Nhờ vậy mà anh thấu hiểu tâm lý nhân vật, nhận ra những ý niệm vi tế của nhà văn. Thậm chí vì có sức tập trung cao độ mà anh Kiên có thể nương theo con chữ, sống trong thế giới của tác phẩm, trải nghiệm tất cả những cung bậc cảm xúc mà nhân vật trải qua, để rồi từ đó đúc kết cho mình những bài học quý giá về lòng vị tha, sự dũng cảm. Trải nghiệm đọc sách đối với anh là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị và bổ ích. Không hề bịa đặt, bản thân mình đã rất nhiều lần mất não, không ý thức được thực tại sau khi gấp sách, hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, mình luôn có cảm giác như vừa trở về từ một thế giới khác (mình thói quen đọc liên tục một mạch từ đầu đến cuối, bất chấp giờ ăn, giờ ngủ).
Theo quan sát của bản thân, người tập trung mất trung bình 3 giờ để đọc, hiểu, cảm nhận trọn vẹn, đầy đủ, sâu sắc một cuốn sách 400 trang, trong khi con số này đối với người mất tập trung là từ 5 đến 10 giờ.
Không dừng lại ở đó, người mất tập trung còn thường xuyên bị những tiếng nói thì thầm trong tâm trí, những âm thanh, hình ảnh, tiếng nhạc lộn xộn, bát nháo làm phiền, khiến họ đọc phần sau thì quên phần trước, thậm chí vừa đọc trang này đã không nhớ trang trước nói gì. Trải nghiệm của họ bị thường xuyên ngắt quãng, chính vì thế họ không thể kết nối những tình huống, không thể cảm nhận cái hay, cái đẹp trong câu chuyện mà tác giả đã dành tâm huyết cả đời để sáng tác. Và như một lẽ đương nhiên, họ ghét sách, trở về với những liều dopamine rẻ tiền từ tiktok, pỏn, suk…
Ở ví dụ nêu trên, nhờ sự tập trung mà trải nghiệm đọc sách của anh Kiên được nâng cao gấp bội, anh không cần nỗ lực trong việc duy trì thói quen đọc sách, trong khi đối với người mất tập trung thì đây là một cực hình. Riêng thói quen đọc sách thôi đã có thể đưa hai cuộc đời về hai ngả rẽ đối lập nhau – bởi sách là kho tàng tri thức của nhân loại, tới đây thì mình chợt nhớ lời dạy của Đức Phật, Ngài dạy rằng.
“Người ít nghe, kém học,
Lớn già như trâu đực.
Thịt nó tuy lớn lên,
Nhưng tuệ không tăng trưởng.”
Mình khá tâm đắc lời dạy này của Đức Phật, bởi hình ảnh so sánh cực kỳ thẳng thắn, dễ hiểu “con trâu đực và người không chịu học tập, tích lũy trí tuệ”. Hiểu một cách đơn giản, sách là sự đúc kết kinh nghiệm sống của các bậc hiền triết, các bậc vĩ nhân qua nhiều thế hệ; họ đã trả giá rất lớn để đúc kết ra những bài học xương máu cho bản thân và dạy lại cho người sau, thông qua con chữ. Ví như trẻ em không cần phải nướng ngón tay của mình trên ngọn lửa đỏ để ý thức được sự nguy hiểm của lửa, thay vào đó, chúng chỉ cần được người lớn hướng dẫn, dạy dỗ, răn đe, sống động hơn là cho xem hình, video minh họa là có thể hình thành sự cảnh giác tự nhiên đối với lửa.
Ai cũng có thể dạy bạn ý thức được rằng lửa là nguy hiểm, nhưng không nhiều người có thể hướng dẫn bạn trở thành một doanh nhân giỏi, một bác sỹ, một kỹ sư… hướng dẫn bạn tránh các lỗi mắc phải trong giao tiếp, trong đời sống hôn nhân và trên con đường tâm linh… Đời người nhiều lắm cũng chỉ một năm năm, là quá ít để chúng ta liên tục thử và sai, chi bằng học hỏi từ sai lầm của những người đi trước, tránh khỏi những tổn thất không đáng có. Vậy nên, HÃY ĐỌC SÁCH.
À, đọc sách thì đọc ít thôi, quan trọng là thực hành theo lời dạy dỗ, hướng dẫn, đây mới là thứ quyết định thành bại của mỗi người, chứ không phải đọc lấy số, lấy chữ mà sống chẳng ra gì, các bạn cứ lấy tụi TTNĐ mà pỏn chủ hay chửi mà làm gương nha.
Trở lại chủ đề chính, người tập trung sẽ tập trung nhiều hơn, trong khi người mất tập trung sẽ mất luôn tương lai. Mình không nói bừa đâu, khi mất tập trung, bạn sẽ chẳng thể trải nghiệm, hoàn thành bất cứ điều gì, việc gì một cách trọn vẹn. Người mất tập trung là thường là người giao tiếp kém, họ cũng không biết cách thưởng thức trọn vẹn mùi vị của món ăn, là người với sự nghiệp luôn dang dở, kỹ năng học mãi không tiến bộ, đầu óc thì ngơ ngơ, ngáo ngáo, quên trước quên sau…
Ngược lại, người tập trung là người nhạy bén, biết quan sát đa chiều vấn đề trong cuộc sống, có thể tiên liệu được một số tình huống, nhận ra vấn đề trọng tâm, cốt lõi, không lan man, mơ hồ. Người tập trung là người thông minh, đúng hơn mà nói thì sự thông minh của một người quyết định dựa trên mức độ tập trung của họ. Họ cũng biết chọn lọc những điều mắt thấy, tai nghe, biết sắp xếp và phân bổ thông tin. Thêm nữa, người như đã bàn ở bài Nghiệp chap 2, người tập trung thường là người kỷ luật, kiên nhẫn, lành mạnh…
Để rèn luyện sự tập trung, các bạn có thể tìm đọc lại chuỗi bài viết có tựa: “Nghiệp”, “Phương pháp luyện tâm”, “Khổ vui ở đời”, “Tâm ngu” trên Vagabond hoặc tại trang Như Tuệ.
Tiếp theo, mình sẽ nêu ra một vài quy luật quan trọng của sự tập trung mà các bạn cần biết. Phân tích hết tất cả thì sẽ rất dài dòng, nên mình sẽ chỉ liệt kê, hứng thú với ý nào thì các bạn có thể comment, mình sẽ cân nhắc phân tích ở bài sau.
Rule 1: tập trung vào điều gì thì điều đó phát triển.
Rule 2: càng hứng thú càng dễ tập trung.
Rule 3: càng tập trung càng hứng thú (cheat game: chán => tập trung => hứng thú => tập trung hơn => thói quen tốt).
Rule 4: tập trung có thể phát triển nhờ: hứng thú, thói quen, ý chí, lòng tham, nỗi sợ.
Cuối cùng là câu chuyện về sự tập trung được trích trong Óc Sáng Suốt – cuốn sách mình khá tâm đắc của cụ Nguyễn Duy Cần, chuyện rằng:
Darwin nói: “Một nhà nuôi khỉ, mua khỉ đem về tập, mỗi con giá nhứt định là một trăm hai mươi lăm quan. Người ấy hứa với chủ bán, nếu để cho họ giữ lại nhà trong vài ngày, đặng lựa chọn theo ý, họ sẽ trả giá gấp đôi. Người ta mới hỏi anh làm cách nào phân biệt được con nào khôn, trong một thời gian rất ngắn như thế. Anh trả lời: chỉ xem sức chú ý của nó là biết liền được. Nếu trong khi mình nói hay cắt nghĩa cái gì cho nó, mà sự chú ý của nó xao lãng vì bị con ruồi trên vách hoặc vì một cái cớ nhảm nhí nào, thì con nầy đáng chán nản lắm. Nếu có sửa trị nó thì nó lại càng bướng bỉnh khó dạy chớ không ích gì. Trái lại, con nào biết chú ý thì dễ tập lắm.”
Ở trên là quan điểm của bản thân mình về sự tập trung, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn.
Thân ái!
Như Tuệ.